Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Gặp nhau tại đám ma văn sĩ Nguyễn Quang Thân


Lần chần dây dưa bởi có mấy việc không thể đừng, mãi tới chiều tối 6.3 tôi mới vọt ra khu cư xá Thanh Đa nằm trên cù lao sông Sài Gòn bên quận Bình Thạnh để thắp nén hương tiễn biệt văn sĩ Nguyễn Quang Thân. Ngày mai bác ấy chính thức “hóa”, lên đường qua thế giới bên kia, theo khói lò hóa thân lẫn cùng mây trắng. Sẽ chả còn dịp nào gặp soái ca đất Phòng ngay tại nhà nữa.

So với hồi tôi từng đến những năm 80 thì khu Thanh Đa giờ đã sầm uất như một Singapore thu nhỏ của Sài Gòn (nói thế cho nó sướng chứ cũng còn không ít nhếch nhác). Tuy nhiên, những dãy nhà cũ vốn là khu gia binh, khu cư xá sĩ quan quân đội Sài Gòn vẫn còn, gồm những lô nhà ký hiệu chữ A, B, C… Bác Thân thì ở bên khu mới, ký hiệu đánh số 1, 2, 3… Dù được xây sau nhưng nó vẫn đậm dấu ấn kiểu xây dựng thời bao cấp, tường xi măng thô ráp sần sùi, kiến trúc xấu, cầu thang thô thiển, loại nhà chỉ cốt làm chỗ ở, chui ra chui vào chứ không phải sự hưởng thụ. Dọc lối vào tang gia, rải rác có những chú dân phòng mặc trang phục xanh có phù hiệu bắc ghế ngồi để ý người qua lại. Càng gần nhà có tang, dân phòng và “người lạ” vẩn vơ bên ngoài càng nhiều, nhưng kệ, ai hơi đâu mà quan tâm. Mình đi đám ma cơ mà, chứ có phải đi khủng bố, đặt mìn cầu Sài Gòn đâu mà ngại.

Phần xác văn sĩ Nguyễn Quang Thân được quàn ngay trong căn phòng ông từng sống lâu nay, trên lầu 2 (tức tầng 3 tính theo kiểu miền Bắc). Nhác thấy một ông già còn phong độ chậm rãi từng bậc cầu thang lên trước, tôi lần theo. Nhìn quen quen nhưng mình không dám dấn lên hỏi sợ thất lễ. Nhà văn Dạ Ngân phu nhân bác Thân đang đứng ở cửa phòng đón khách, cất tiếng “Em chào giáo sư Nguyễn Đăng Hưng”. Té ra giáo sư Hưng, một nhân vật nhiều người biết tiếng, mình cũng may mắn diện kiến đôi lần.

Đợi giáo sư Hưng thắp hương cho bác Thân xong, mình cũng làm lễ, khấn bác Thân đi thanh thản nhưng nhớ phù hộ cho đất nước, nhân dân, như lâu nay bác từng canh cánh trong lòng. Người hiền từ trong ảnh đặt đầu áo quan chắc nghe được cả, mắt cứ nheo nheo quan sát mọi người đang đến tiễn biệt mình.

Thầy chùa đến cúng, để rộng chỗ, tôi đỡ tay giáo sư Hưng cùng xuống nơi tiếp đón đặt tại công viên dưới nhà. Hương trầm ngào ngạt. Vòng hoa xếp đầy xung quanh. Một nhà văn ra đi trong sự chia biệt ngậm ngùi của giới văn nghệ sĩ, trí thức và người đọc, về độ đậm tiếc thương có lẽ còn hơn rất nhiều nhà chính trị mà tôi từng chứng kiến, dù nơi đây chỉ là khoảng đất trống dựng tạm mái che, ghế nhựa đơn giản bày giữa hai lô nhà chứ không phải như tòa nhà tang lễ trang trọng trên đường Lê Quý Đôn.

Ngồi trò chuyện với giáo sư Hưng, tôi thủng ra nhiều điều. Năm nay đã ngoài 75 nhưng ông còn khỏe, tiếng nói vẫn sang sảng. Người có thanh như vậy tức là khí và thần tốt lắm. Hồi nãy tôi nắm cánh tay ông thấy chắc nình nịch. Ông có nét giống cụ giáo sư nhạc Trần Văn Khê, tuy mỗi người mỗi sở trường. Đó là những kho tri thức, hiểu sâu biết rộng. Tài và tâm đi liền. Ông kể mỗi năm cứ ở Bỉ 6 tháng, 6 tháng còn lại ở quê nhà. Không xa nước được. 

Quay lại chuyện bác Thân, ông nói chỉ có điều, ở tuổi này mà không có bà xã bên cạnh thì rất nguy hiểm. Tôi hỏi nguy hiểm sao, ông bảo trường hợp ông Thân là ví dụ. Ông Thân đang rất khỏe, đi bơi (hồ bơi Yết Kiêu) bị đột quỵ ngay tại chỗ. Điều không may cho ông Thân là không có ai bên cạnh, nhất là lại không có bà xã bởi bà Dạ Ngân khi ấy về quê ngoại có việc. Nếu có người thân hiểu biết cách sơ cứu, mà là bà xã thì càng tốt (điều này huyền bí lắm, rất khó cắt nghĩa) lập tức lấy kim sạch châm ngay 5 đầu ngón tay cho máu chảy ra, có thể cứu được, qua tai nạn khỏi. Tại sao? Giáo sư giải thích bởi khi đột quỵ tức là có mạch máu não bị đứt, máu tràn ra. Nếu ngay lập tức châm đầu ngón tay thì máu sẽ có lối thoát khác, giảm áp suất không tràn lên não nữa. Mà phải để nạn nhân nằm yên, đừng cuống quít vật qua vật lại càng khiến máu trên não chảy mạnh. Não mà bị đầy ứ máu thì vô phương cứu chữa. Phải sơ cứu vậy rồi mới có thể đưa đi cấp cứu. Điều không may cho ông Thân là không được sơ cứu, nhưng có lẽ con người ta có cái số rồi. Trời đã định thì phải chấp hành thôi. (còn tiếp)

Lại nói chuyện hôm đến thắp hương tiễn biệt bác Thân về nơi cực lạc. Mặc cho mấy cậu “dân phòng” lúc đầu còn bắc ghế ngồi xa xa, sau có lẽ thấy phía trong này chuyện gì rôm rả quá nên tò mò nhích lại gần, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cứ thoải mái kể chuyện cũ. Ông già 76 tuổi tiếng vẫn rổn rảng như chuông khánh nhắc lại chuyện ông bị “anh em mình” giám sát như thế nào, đi cà phê với tướng Hưởng ra sao; chuyện ông từng đề ra chương trình đào tạo 300 tiến sĩ có chất lượng cao cho Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều trường đại học hàng đầu châu Âu; chuyện ông từng bị một ông trí thức Việt kiều Nhật vu cáo vớ vẩn; chuyện bỏ thuốc lá rất kỳ công; chuyện tự tập luyện bền bỉ để chữa những bệnh của người già… Ở ông lão U80 này, người đã từng là giáo sư, sau khi về hưu là giáo sư danh dự của Đại học Liège (Bỉ) cứ hiện rõ mồn một trong bộ trí nhớ ngồn ngộn dữ liệu có vẻ chả lão chút nào. Tôi thầm nghĩ, thứ chất xám này, cũng như của khá nhiều vị trí thức già và sồn sồn người Việt đang “lang thang” ở xứ người, nhà nước này mà không biết cách khai thác, sử dụng thì quả thật uổng biết bao nhiêu.

Đang ngồi chăm chú ngắm bác giáo sư, tôi nghe tiếng chào nhẹ bên cạnh, ngước lên thấy cặp kính cận dày cộm, con mắt cực sáng, khuôn mặt quen như đã gặp ở đâu rồi. Chợt nhớ ra ngay, bộ râu quai nón phớt xanh kia, cặp kính kia gặp hoài trên Phây búc, ừ, Nguyễn Quang Thạch. Tôi ôm lấy Thạch, chào Thạch, may quá, được gặp nhau ở đây. Thạch bảo em đây, Thạch đây, em hằng ngày cũng vẫn “gặp” anh, hôm nay mới “người thực việc thực”.

Tôi quý Thạch, bắt đầu không phải từ người mà từ… sách. Tôi là kẻ mê sách, như đám hủ nho mê sách. Sách theo tôi từ bé đến giờ. Nấu cám lợn cũng đọc sách. Đi coi dưa cũng lôi sách ra lều chong đèn đọc suốt đêm, kệ bọn trộm. Tối 29 tết được giao ngồi trông nồi luộc bánh chưng (lần đầu tiên nhà tôi gói bánh chưng tết trước khi vào HTX, chứ sau bị vào rồi thì chả mấy khi gói nữa) cũng lôi sách ra đọc trong ánh lửa bếp bập bùng. Mải quá, cứ thúc củi vào mà quên châm thêm nước, cháy mất đáy cái nồi đồng to, sau thày tôi phải đem sang làng Du Lễ nhờ chú Giả hàn lại. Thày bu tôi chả đánh đòn bởi tết nhất đến nơi rồi, nhưng cả nhà tiếc nồi và bánh, ăn tết năm ấy mất ngon.

Mê sách thế nên quý trọng Thạch, bởi bây giờ khá nhiều người biết Thạch gắn liền với chương trình tự Thạch khởi xướng, tự mình thực hiện: Xây dựng tủ sách cho những vùng nghèo, với tên gọi “Sách hóa nông thôn”. Thạch từng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ tiếng Anh, cử nhân Anh văn, làm cho những công ty lớn, đời sống ổn định, thu nhập cao, vậy mà bỏ tất, theo đuổi ham mê đem sách đến cho trẻ em nông thôn. Một mình một ngựa sắt, có lúc đi bộ, chàng trai Hà Tĩnh Nguyễn Quang Thạch rong ruổi khắp nơi, vừa tuyên truyền, vận động, quyên góp sách và tiền mua sách, lập ra hàng chục nghìn tủ sách, như một thứ thư viện nho nhỏ khắp vùng thôn quê, ở rất nhiều trường học, từ Bắc chí Nam. Thạch đi đến đâu cũng được cộng đồng ủng hộ. Nắng mưa, bão gió, đường gần đường xa, ngày khỏe ngày yếu, cứ đi. Trên Phây búc của Thạch, tôi từng đọc những thông tin anh chàng đã lần mò đến đâu, xuyên Việt tới chỗ nào, lập xong tủ sách của trường này trường nọ, xã ấy xã kia, chị A tặng mấy trăm cuốn sách, anh B giúp tiền mua vài trăm cuốn, có em bé đập lợn đất đủ tiền mua vài chục cuốn để giúp các bạn nghèo, tất cả đều tự nguyện, vui vẻ, thân tình. Những dòng thông tin ấy, trong cái niềm vui thầm lặng của chàng trai cận thị gần chục đi ốp kia, chả khác gì những dòng ánh sáng cực mạnh góp phần khai mở trí óc con người. Lẽ dĩ nhiên công sức không phải chỉ có mình Thạch mà đến nay đã hàng trăm nghìn người tham gia, nhưng tôi nghĩ, Thạch luôn là tướng quân, là thủ lĩnh, là người cầm cờ đi đầu trong công cuộc khai hóa trí óc này. Chả thế mà Tổ chức Văn hóa - Giáo dục- Khoa học (UNESCO) của Liên Hợp Quốc cuối năm 2016 đã từng trao giải cho chương trình “Sách hóa nông thôn”, và vinh danh chàng trai trẻ đầy nghị lực, đầy quyết tâm này.

Nắm chặt bàn tay Thạch, bất giác tôi nhớ ngay đến một người, người cách nay gần một thế kỷ đã làm cái điều mà Thạch đang theo đuổi, cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Đó là nhà khai sáng vĩ đại nhất ở Việt Nam thế kỷ 20, không ai so sánh được. Tư tưởng, đường lối, quan điểm, sách lược… của cụ Tây Hồ dù suốt bao nhiêu năm, cả thời Pháp lẫn thời ta, bị vùi dập, cố tình làm cho trở thành hời hợt, lãng quên nhưng vẫn không thể nào phủ nhận được. Rồi những lớp người Việt có đầu óc, trí tuệ, tỉnh táo, khôn ngoan sau này sẽ thực sự tôn vinh cụ, trả cụ Phan về ngôi vị xứng đáng nhất. Chúng ta, nhất là nhà cầm quyền, trong cả lịch sử và xã hội, hơn nửa thế kỷ nay đã nhớ đến cụ rất hời hợt, chỉ nhấn mạnh đó là nhà yêu nước chứ không chịu công nhận đó là nhà tư tưởng số 1 của xứ này, nếu thoáng lắm, kỹ lắm thì cũng thỉnh thoảng nhắc đến tiên đề cụ nêu ra “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. 

Thật may mắn, vừa rồi, ở Hà Nội ngày 10.3 có cuộc hội thảo về cụ Phan Chu Trinh. Giáo sư Chu Hảo trong lời đề dẫn đã khẳng định “Khuôn mặt vĩ đại của cụ Phan Chu Trinh, theo tôi là khuôn mặt quan trọng nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị của Việt Nam ở thế kỷ 20, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch và sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài cho các thế hệ người Việt Nam phải và còn mãi mãi phải đảm nhận. Đó chính là: một dân tộc phải giành được độc lập bằng trí tuệ chứ không phải bằng bạo động”.

Điều ông Hảo nói dĩ nhiên sẽ có sự đụng chạm đến những “nhất thành bất biến” mà chính quyền đang tôn vinh trong xã hội bây giờ. Thôi thì để người đời phán xét, riêng tôi nghĩ, giá như dân tộc này ngay từ đầu đi theo đường lối của cụ Phan Chu Trinh thì không đến nỗi phải chịu cảnh núi xương sông máu, mất đi mấy triệu con người, trong đó chủ yếu là thanh niên, những sức lực có thể xây dựng đất nước tốt nhất, nhanh nhất bằng bàn tay khỏe mạnh, trí tuệ sáng suốt ở thời điểm thăng hoa nhất của đời người. Cứ lẩn thẩn nghĩ xa nghĩ gần, nếu VN đi bằng con đường cụ Phan đã định hướng (cái cách mà hầu hết xứ thuộc địa không theo cộng sản khác đã đi và thành công) thì chúng ta bây giờ không phải ngậm ngùi khi so sánh với Nhật Bản, Thái Lan, Indo, Malaysia… chẳng hạn.

Nguyễn Quang Thạch là kẻ hậu sinh xứng đáng của cụ Phan. Công việc đầu tiên, và quan trọng nhất, “khai dân trí”, đang được Thạch tiếp nối. Điều ấy càng có ý nghĩa khi ai đó ngấm ngầm chủ trương chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Tôi lại nghĩ, Thạch cận (đã hỏng một mắt, chỉ còn một mắt cận nặng) không chỉ đem sách đến cho trẻ nhỏ khắp nơi, khai mở dân trí cho những vùng u tối, mà còn là sự thách thức, xô đổ chính sách ngu dân đã lỗi thời.

Nhà văn Nguyễn Hiếu ngồi bên kể thêm cho tôi, hôm qua có cả bác Nguyên Ngọc, anh Thái Kế Toại, nhiều anh chị văn nghệ sĩ đến chia biệt bác Thân. Tôi tiếc mình bận bịu đến trễ không được gặp những con người đáng kính ấy. Tôi có biết anh Thái Kế Toại, anh học văn Tổng hợp HN trước tôi vài khóa (khóa 14), lâu rồi tôi không được gặp anh, nhưng những “công tích” của anh thì chúng tôi đều khâm phục, nhất là chuyện anh đã dày công làm cái việc chiêu tuyết cho những vị của phong trào Nhân văn giai phẩm, để cuối cùng chính quyền đã phải gián tiếp xóa bỏ án tích từng ép đối với họ.

Còn bác Nguyên Ngọc, tôi kể chuyện này. Tối 3.3, một anh bạn quý bên ngành tivi mời tôi gặp nhau làm ly bia. Cũng đã hẹn nhau năm tao bảy tuyết, bận bịu bấn bíu mãi, nay mới thu xếp ngồi với nhau được. Chỗ gặp là nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn. Tới nơi, đang loay hoay tìm chỗ, nhác thấy ở chiếc bàn góc vườn chỉ có một người nhỏ thó, khuôn mặt không lẫn vào đâu được. Bác Nguyên Ngọc. Bác ngồi ăn một mình, chỉ một đĩa đồ nhắm, một ly rượu nhỏ. Khuôn mặt trầm ngâm, tư lự, buồn buồn. Tôi định đến chào, nhưng dợm bước. Cái phút giây riêng tư cá nhân đáng quý ấy của lão đại thụ mà thế hệ chúng tôi hằng kính trọng, mình không thể tự tiện phá vỡ được. Tôi rón rén đi qua, không chào mà như chào. Vị trưởng lão đang ngắm gì trong ly rượu, đang nghĩ gì, mình nào có biết, nhưng trông như bức tượng La hán mà tôi từng chiêm ngưỡng ở chùa Tây Phương dạo nào.

Lúc tôi ra về thì bác Nguyên Ngọc cũng về rồi. Hôm sau thì giải mã được sự tư lự ấy. Chiều hôm đó, bác đã khá bận rộn cho việc trao giải của Văn đoàn độc lập, cho các nhà văn nhà thơ xuất sắc. Đây là giải thường niên được văn đoàn (mà bác Ngọc là thủ lĩnh) lựa chọn, bình xét, nằm ngoài hệ thống giải của chế độ. Và có lẽ bác cũng lờ mờ hình dung được sự ra đi của người bạn văn Nguyễn Quang Thân bởi bác Thân đang cấp cứu ngay trong chiều trao giải.

Viết xong bài này, đang những chữ cuối cùng, chợt giật mình, cái tít cứ như vô thức bắt chước từ ai đó, bài nào đó. Và nhớ ra, đó là bài cực hay của cụ Nguyễn Tuân, "Một cuộc họp đưa ma Phụng" trong đó cụ Nguyễn tả cái đoạn cả đám văn sĩ kéo nhau qua cầu sông Cái (cầu Long Biên qua sông Hồng) để đi đám ma nhà văn Vũ Trọng Phụng. Còn khác thì khác ở chỗ, một trăm người như mình cũng không bằng ngón chân út của cụ Nguyễn Tuân.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: