Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Đe dọa vượt Đức, Nhật, Mỹ: Trung Quốc ảo tưởng cách mạng?


Với lợi thế đi sau, kinh tế Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc khi tập trung vào phân khúc hàng hóa giá rẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu, Bắc Kinh đang đe dọa vượt Mỹ, Đức, Nhật ở cả những lĩnh vực trình độ cao như tàu đệm từ Maglev Train, tàu siêu tốc di chuyển trong ống chân không. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở tuyên bố, hơn thế nhưng tai nạn thảm khốc và tai tiếng xuất khẩu tàu cao tốc của Trung Quốc lại khiến nhiều người lo sợ.
Ham vốn rẻ Trung Quốc: Không thể lường hết hậu quả
Theo tờ SCMP, một công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vừa tuyên bố đang lên kế hoạch xây tàu đệm từ Maglev có vận tốc độ nhanh nhất thế giới vào năm 2020, vượt ngưỡng 600 km/h mà Nhật Bản vừa thử nghiệm thành công.
Tờ báo Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) của Trung Quốc cho biết một đường ray tàu đệm từ có thể sẽ được xây dựng nối Bắc Kinh với Thượng Hải nhằm cắt giảm thời gian di chuyển xuống còn khoảng 2,5 giờ đồng hồ, thay vì 5 giờ với loại tàu cao tốc hiện này.
Tuyên bố của nhà sản xuất thiết bị đường sắt lớn nhất Trung Quốc CRRC Corp Ltd. và truyền thông nước này thực sự bất ngờ bởi trước đó, hồi tháng 5, DN này vận hành thử một tàu đệm từ tự sản xuất đầu tiên tại Changsha (thủ phủ tỉnh Hồ Nam) với vận tốc chỉ đạt 100km/h.
Maglev Nhật.
Tốc độ mà CRRC tuyên bố thậm chí còn vượt qua tốc kỷ lục thế giới mà Nhật Bản thử nghiệm thành công khoảng 1 năm rưỡi trước đó. Hồi tháng 4/2015, Nhật đã xác lập kỷ lục tàu đệm từ với vận tốc 603 km/h trên đoạn đường thử nghiệm 1,8km ở tỉnh Yamanashi, so với vận tốc thử nghiệm 590km/h lập hồi 2003.
Trong khi Nhật vẫn đang thử nghiệm để thương mại hóa công nghệ đã được thế giới ghi nhận hơn chục năm nay nhưng vốn rất tốn kém thì Trung Quốc tuyên bố sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào năm 2020 và một đường ray thử nghiệm 5km sẽ được xây ở tỉnh Sơn Đông.
Công nghệ hệ thống giao thông đệm điện từ đã được Đức, Nhật và Mỹ phát triển từ những năm 70 thế kỷ trước với mục đích cải thiện khả năng và hiệu quả giao thông công cộng ở các nước có trình độ kỹ thuật phát triển này. Tuy nhiên, đưa vào vận hành thương mại rất khó khăn do vô cùng tốn kém.
Ý tưởng về công nghệ Maglev cũng đã có từ hơn 100 năm trước nhưng trên thực tế, cho tới nay, tính thương mại mới chỉ có ở Thượng Hải. Hệ thống Maglev Train từ thành phố Thượng Hải tới sân bay quốc tế Pudong do người Đức mang công nghệ sang xây dựng, có hành trình 30km, với tổng thời gian hơn 7 phút. Vận tốc tối đa là 431km/h.
CRRC cũng đang phát triển tàu cao tốc xuyên biên giới có tốc độ tối đa 400 km/h, so với loại tàu 350km/h hiện tại, nhằm phục vụ cho chiến lược xuất khẩu của ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc.
Không những thế, tờ SMCP còn cho biết, Bắc Kinh đang nghiên cứu tàu siêu tốc di chuyển trong ông chân không siêu phàm hơn hệ thống Maglev mà Nhật đang thử nghiệm và nhanh hơn so với hệ thống Hyperloop mà nhà phát minh người Mỹ đã đưa ra 3 năm trước đó. Hệ thống có thể đạt tốc độ 187km/h trong 1,1 giây đầu tiên và tốc độ trung bình khoảng 1.000km/h, giúp hành khách di chuyển từ San Francisco tới Los Angeles trong vòng 30 phút.
Hyperloop Mỹ.
Ảo tưởng và thực tế đáng sợ?
Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà báo chí Trung Quốc đưa nhiều thông tin về các công nghệ mới mang tầm cỡ thế kỷ mà nước này sẽ đưa vào ứng dụng. Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới và vẫn đang phát triển bùng nổ.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung rất nhiều vào mảng xuất khẩu công nghệ đường sắt tốc độ cao ra nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp với quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Nhật Bản.
Những gói thầu xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc ở một số nước Đông Nam Á gần đây đều rơi vào tay người Trung Quốc, thay vì Nhật Bản.
Mặc dù vậy, không ít người cho rằng, tất cả mới chỉ là tuyên bố. Nền kinh tế Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc khi tập trung vào phân khúc hàng hóa giá rẻ. Trình độ kỹ thuật của nước này cũng đã lên một tầm cao mới nhưng ở khía cạnh công nghệ cao, ở cả lĩnh vực quân sự và ứng dụng cho kinh tế… thì vẫn khó có thể so sánh với Nhật, Nga, Mỹ, Đức.
Công nghệ tàu điện từ Maglev Train do người Đức phát minh ra hay công nghệ tàu điện từ siêu tốc di chuyển trong ông chân không (hyperloop)… do người Mỹ phát minh ra. Chỉ tính Maglev Train cũng đã có 2 công nghệ khác nhau: tàu nổi lên (trên đường ray) nhờ từ trường treo điện từ (EMS – cao hơn ray 1cm) và treo điện động (EDS – cao hơn ray 10 cm) nhưng đều rất đắt đỏ tốn kém.
Maglev Thượng Hải – Pudong (công nghệ Đức).
Maglev theo kiểu EMS là công nghệ của Đức (hiện đang áp dụng tại Thượng Hải) và treo kiểu EDS là của Nhật. Hiện nhiều nước đang nghiên cứu Maglev nhưng chưa đưa vào ứng dụng thương mại do đường dẫn tốn kém, cần dòng điện lớn và khả năng làm lạnh hao tiền tốn của.
Từ những năm 90, Tổng cục đường sắt Trung Quốc đã đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, đã có 7 năm tranh cãi sử dụng công nghệ Maglev hay công nghệ (wheel-rail) bánh ray như hiện nay. Sau đó, Trung Quốc đã chọn bánh ray và đây là công nghệ chính của ngành đường sắt Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới trong vài năm gần đây.
Mặc dù vậy, công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc dường như có vấn đề. Gần đây, làn sóng phản ứng với các dự án có sử dụng hàng Tàu, vật liệu Trung Quốc diễn ra nhiều trên thế giới với lo ngại chất lượng không đảm bảo và chi phí không hề rẻ, thậm chí còn đắt và không hiệu quả. Những thương vụ tỷ USD trong lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đầy kỳ vọng này đang gây ra sự phản ứng rất mạnh trên thế giới, từ chính quyền cho tới người dân nước thực hiện dự án.
Tại nạn tàu cao tốc tại Trung Quốc thán 7/2011.
Hồi đầu tháng 7/2016, Singapore đã thông báo về việc nước này đang triển khai chuyển trả về Trung Quốc 26 đoàn tàu điện bị lỗi, trong số lô hàng 35 đoàn tàu, trị giá 600 triệu USD. Số tàu này được bàn giao năm 2013 để sử dụng trên các tuyến tàu điện ngầm ở Singapore. Nguyên nhân được Singapore ban đầu xác định là do nguyên liệu để làm hợp kim đúc thân tàu không sạch. Nó gây ra vết nứt sau một thời gian ngắn sử dụng. Bên cạnh đó, một số tàu còn liên tục bị vỡ cửa sổ, nổ pin nguồn cấp điện…
Hồi đầu tháng 6, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo đã hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) sau chưa đầy 9 tháng sau khi công bố bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất, và những khó khăn liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình.
Trước đó, vụ tai nạn tàu cao tốc tại Ôn Châu, Trung Quốc vào tháng 7/2011 làm 40 người thiệt mạng và 191 người bị thương sau đó đã được kết luận là do một loạt lỗi, trong đó có nhiều lỗi thiết kế nghiêm trọng liên quan tới thiết bị tín hiệu quan trọng.
Một số nước như Thái Lan, Indonesia cũng đã lựa chọn cắt giảm mạnh quy mô dự án đường tàu điện cao tốc đã được ký kết với Trung Quốc hoặc bác bỏ dự án xây tuyến tàu điện cao tốc dùng tới tiền của chính phủ Indonesia. Trong khi Mexico ngưng luôn dự án với thông báo ngân sách gặp khó khăn.
Công nghệ tầu đệm từ Maglev còn khó khăn phức tạp hơn nhiều. Với tốc độ 500-600km/h, nếu tai nạn xảy ra thực sự là điều vô cùng khủng khiếp. Có thể thấy, truyền thông Trung Quốc xới lên công nghệ Maglev  sau vụ thử tàu đệm từ tự sản xuất đầu tiên tại Changsha (thủ phủ tỉnh Hồ Nam). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thành công bước đầu so với Nhật Bản, bởi vận tốc chỉ đạt 100km/h. Nhật đã thử nghiệm thành công ở tốc độ hơn 600km/h nhưng chưa ứng dụng thương mại do lo ngại hệ thống đường sắt xuyên lòng núi có thể đe dọa tới môi trường và công trình có thể không mang lại hiệu quả lâu dài do đắt đỏ và nhu cầu đi lại thấp dần do dân số Nhật Bản đang suy giảm.
V. Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: