Nguồn: Solzhenitsyn’s The Gulag Archipelago published, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1973, cuốn Quần đảo Ngục tù (The Gulag Archipelago, 1918-1956) của Aleksandr Solzhenitsyn – tác phẩm “điều tra” về nhà nước cảnh sát (police state) Liên Xô – đã được xuất bản tại Paris, bằng tiếng Nga. Đây là tập đầu tiên trong bộ sách ba tập của Solzhenitsyn, mô tả lại những đợt đàn áp chính trị và khủng bố tàn bạo và không khoan nhượng ở Liên Xô. Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được xuất bản tại Mỹ chỉ vài tháng sau đó.
Bộ sách đồ sộ của Solzhenitsyn đã ghi lại chi tiết những mưu đồ của nhà nước cảnh sát Xô-viết từ Cách mạng Bolshevik cho đến năm 1956. Tuy nhiên, trong phần lời tựa, tác giả cũng đã cảnh báo những người Nga đang sống trong giai đoạn 1973, rằng việc đọc cuốn sách là “rất nguy hiểm.”
Điểm quan trọng của Quần đảo Ngục tù là nó cho rằng việc đàn áp (hay khủng bố) của cảnh sát là luôn luôn cần thiết đối với sự tồn tại của nhà nước Liên Xô. Điều này đi ngược lại tuyên bố của Liên Xô rằng những đàn áp kiểu như vậy chỉ xuất hiện trong thời kỳ cầm quyền của Stalin và biến mất khi ông qua đời vào năm 1956.
Solzhenitsyn thừa nhận rằng đàn áp chính trị đã giảm bớt trong thời gian Khruschev tại nhiệm – chính tác giả cũng đã được giải thoát khỏi nhà tù chính trị trong thời gian này. Tuy nhiên, Solzhenitsyn tin rằng, kể từ khi Khruschev bị lật đổ vào năm 1964, chính quyền Liên Xô lại phải viện đến đe dọa và khủng bố. Sự thất vọng trước việc đất nước mình quay lại chiến thuật đe dọa này đã ảnh hưởng đến quyết định xuất bản sách của ông.
Quần đảo Ngục tù đã ngay lập tức được đón nhận ở phương Tây, nhưng các quan chức Liên Xô thì vô cùng tức giận. TASS, hãng thông tấn chính thức của Liên Xô, đã tuyên bố rằng cuốn sách là “lời vu khống vô căn cứ” chống lại người Nga. Ngày 12/02/1974, Solzhenitsyn bị bắt, bị tước quyền công dân, và bị trục xuất. Sau này, ông chuyển đến định cư tại Mỹ. Trong thập niên 1980, ông từ chối lời đề nghị phục hồi quyền công dân Liên Xô từ Mikhail Gorbachev, nhưng đã quyết định trở về Nga sinh sống vào năm 1994. Solzhenitsyn qua đời vì suy tim tại Moskva vào ngày 03/08/2008, hưởng thọ 89 tuổi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét