Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Dễ hiểu thế, sao lại không hiểu đ/c Thông?

Hiện tượng lặng lẽ




FB Nguyễn Thông



Thú thực, tôi rất bất ngờ khi thấy hầu hết các báo, kể từ báo Nhân Dân chúa trùm cho đến đám tép riu lắt nhắt (thôi, chả kể tên ra đây kẻo chạm tự ái) và hầu như không sót báo điện tử, trang tin điện tử nào, viết bài ca ngợi một nhân vật văn nghệ có tên là Trương Minh Phương. Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Văn hóa dân gian… của quốc gia cũng đều tranh giành tên ông để vinh dự cho mình. Rất lạ.

Từ bé đến giờ, là người rất quan tâm đến đời sống văn nghệ, tôi chưa một lần nghe đến tên bác Phương, cả văn, cả nhạc, cả văn hóa dân gian, cả sân khấu, tức là tất cả. Tôi hỏi lão Maddox, lão cũng lắc đầu, tôi hỏi mấy người có tên tuổi nữa, họ cũng lắc đầu, không biết. Một người nổi tiếng mà không ai biết. Thật lạ.

Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:

GS Hoàng Chương: “Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hóa khiêm nhường – một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ” (chính GS cũng phải thừa nhận hầu hết chưa biết).

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ca ngợi mới khiếp: “Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”. Thú thực chả biết ông Quân có thuộc bài hát nào của nhạc sĩ xuất sắc này.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống” (bác Kha rất khéo mồm).

Trung tướng Hữu Ước: “Khi bài ‘Chiều Trường Sơn’ vang lên, tôi có cảm giác như cả rừng Trường Sơn chuyển động. Tôi đánh giá rằng đây là một trong những cái bài hay nhất về Trường Sơn kể từ sau khi giải phóng đến bây giờ…” (thú thực với trung tướng, lâu nay khi cần hát về Trường Sơn, chả có nhà tổ chức nào chọn bài hay nhất này. Tôi đố bác nào thuộc được một câu trong bài hát mà đồng chí Hữu Ước bảo là dạng hay nhất đấy)

GS Hoàng Chương còn đề nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương, chưa kể ông vừa được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn do đích thân ông Nguyễn Thế Kỷ ủy viên trung ương đảng trao…

Nói chung, đây là nhân vật rất đặc biệt, một tài năng, một sự nghiệp lớn, thậm chí cực lớn bị chìm khuất hầu như không mấy ai biết, đài báo nhà nước suốt bao nhiêu năm không hề phổ biến sáng tác của ông, không dòm ngó tới sự nghiệp của ông, rất vô trách nhiệm trong việc làm cho mọi người biết đến ông.

Không biết trên đất nước này còn có bao nhiêu “nhân vật lặng lẽ” cần được phát lộ, khảo cổ như vậy. Mà nếu được tìm thấy, chả biết có được những Hoàng Chương, Đỗ Hồng Quân, Thế Kỷ, Thụy Kha, Hữu Ước… ca ngợi nức nở vậy không.

Cũng may, tôi đọc báo Đại Đoàn Kết thì được biết ông là thân phụ của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông.

Tôi viết những thông tin trên chỉ để nói về một hiện tượng đặc biệt chứ không có ý khen ngợi hoặc chê bai, cũng chả ẩn ý gì, nên không chấp nhận những nhận xét quá khích.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: