Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Các vlogger họ kiếm tiền như thế nào?


Các vlogger họ kiếm tiền như thế nào?YouTube Partner – Cộng sự YouTube đã và đang là giấc mộng làm giàu của không ít hot vlogger. Câu chuyện kiếm tiền từ YouTube vốn không còn là điều quá bí ẩn đối với cộng đồng teen đang sử dụng mạng xã hội video này trên thế giới.
Tuy vậy, mới đây khi Hồng Gấu, du học sinh Việt từng gây chú ý khi làm vlog kêu gọi tẩy chay Facebook tung một đoạn video bàn về cách “làm giàu” bằng YouTube, vấn đề này lại được đông đảo bạn trẻ xôn xao bàn tán.
kiem-tien-truc-tuyen

Trong video, Hồng Gấu kể các câu chuyện về các YouTube Partners, một phạm trù không quá mới mẻ song ít nhiều vẫn còn mù mờ đối với đa số các bạn trẻ, đặc biệt khi đây là đề tài khá tế nhị khiến không ít hot vlogger ngại đề cập.

Hồng Gấu nói đến một xu hướng dễ nhận thấy trong thế giới vlog, đó là việc các hot vlogger ngày càng đầu tư hơn cho sản phẩm của mình, thậm chí thuê hẳn một ekip và đăng tải thường xuyên theo đúng lịch. Cô bạn nhắc đến một số YouTuber hàng đầu thế giới như Smosh, Niga Higa, Annoying Orange… cùng số thu nhập “khủng” từ việc làm video.

Hồng Gấu cũng nhắc đến công việc “cá kiếm” bằng YouTube của nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng vlogger Việt. Câu chuyện của Hồng Gấu không mới, song với cách diễn đạt khá hấp dẫn, video đã khơi lại một đề tài được không ít bạn trẻ mê làm giàu từ mạng râm ran tranh luận suốt thời gian qua: sức hấp dẫn từ việc làm YouTube Partner.

Vậy, YouTube Partner là gì? Theo lý giải của giới kiếm tiền online, chương trình “cộng sự” này được YouTube đưa vào hệ thống từ năm 2009, với một số tiêu chuẩn khá khắt khe như: video phải do chính bạn tạo ra, thường xuyên hoạt động với lượng truy cập và người đăng kí theo dõi (subscriber) nhất định, và đặc biệt video không sử dụng hình ảnh, âm thanh vi phạm bản quyền. Ban đầu, việc đăng kí trở thành YouTube Partner phải mất một thời gian dài, trải qua nhiều khâu xét duyệt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chia sẻ từ Hồng Gấu, cô bạn cho rằng hiện tại, chuyện đăng kí khá dễ dàng và chỉ mất từ 1, 2 ngày.

Những quy ước ngặt nghèo của YouTube về lượng view, người theo dõi theo Hồng Gấu cũng không hẳn là “khó thở” như đa số bạn trẻ tưởng tượng. Cô bạn chia sẻ, mặc dù YouTube ra điều kiện lượng người theo dõi phải ít nhất 5.000 người, song theo kinh nghiệm của Hồng Gấu, cô bạn chỉ cần 3.000 người là có thể được duyệt. Trên thực tế, nhiều hot vlogger trên thế giới vượt quá tiêu chuẩn của YouTube, song vẫn không thể trở thành cộng sự. Ngược lại, một teen boy Ấn Độ 13 tuổi có nick AvatarSSJ dẫu chỉ có 40 người theo dõi, mỗi video chỉ vài trăm view, song vẫn được YouTube chọn nhờ chất lượng nội dung video tuyệt vời và “tiềm năng” trở thành hot vlogger.

Sau khi trở thành cộng sự, các video của bạn sẽ có thêm tính năng kiếm tiền qua quảng cáo (monetization). Tuy vậy, theo Hồng Gấu, lượng thu nhập này cũng khá mơ hồ do phụ thuộc vào lượng người xem và theo dõi của tài khoản YouTube. Cô bạn lấy ví dụ, theo ước tính thông thường, 1.000 views sẽ được trả 1 đô; tuy nhiên, nếu có lượng người theo dõi “khủng”, bạn có thể kiếm được gấp 5, 7 lần cũng với lượng view tương tự, và một video thông thường có thể kiếm đến hàng nghìn đô.

Thu nhập của các hot vlogger từ việc làm cộng sự cho YouTube cũng là mối quan tâm hàng đầu của các teen. Không ít người choáng váng khi những con số thu nhập “khủng” từ các kênh YouTube cá nhân được tiết lộ, chẳng hạn như Ray William Johnson, diễn viên hài 8x nổi tiếng trên YouTube có thể kiếm 9 nghìn đô mỗi ngày.

Hoặc chàng trai vlogger đẹp trai, hài hước Niga Higa “cá kiếm” hơn 2 triệu đô chỉ trong một năm. Show hài về quả cam phiền toái Annoying Orange bỏ túi gần 300 nghìn đô mỗi năm. Cộng đồng teen Việt cũng từng xôn xao trước thông tin Natalie Tran, “nữ hoàng YouTube” người Úc gốc Việt thu về 200 nghìn đô mỗi năm. Cô gái gốc Việt Michelle Phan cũng “cá kiếm” 130 nghìn đô mỗi năm nhờ những video hướng dẫn trang điểm của mình.

Tại cộng đồng vlogger ở Việt Nam, nhiều dấu hỏi về thu nhập của chàng hot vlogger JVevermind được đặt ra, khi anh chàng sở hữu một lượng video có số lượt view lên đến hàng triệu, được xếp vào hàng “đỉnh” trong làng vlog. Một cư dân mạng nhẩm tính vui, với mỗi view kiếm được 0,0005 đô, mỗi tháng lượng fan khổng lồ của JV đã giúp anh chàng bỏ túi đến hàng nghìn đô.

Cách đây không lâu, duhocsinhmy, người khởi đầu cho xu hướng làm vlog tại Việt Nam sung sướng “khoe” anh chàng đã được YouTube mời làm cộng sự sau 7 tháng trầy trật. Lâm Việt Anh, chàng vlogger “quái tính” cũng tiết lộ, công việc làm cộng sự cho YouTube giúp anh chàng kiếm thêm một khoản tiền tiêu vặt như một niềm vui nho nhỏ. Tuy nhiên, do điều khoản của YouTube nghiêm cấm tuyệt đối các cộng sự tiết lộ khoản thu nhập của mình, số thu nhập cụ thể của các hot vlogger hàng đầu Việt Nam vẫn chỉ nằm trong vòng đồn đoán của đông đảo bạn trẻ.

Sức hấp dẫn từ việc hợp tác cho YouTube khó cưỡng là thế, song chuyện biến sở thích làm video thành một công cụ hái ra tiền đối với nhiều teen vẫn còn là mơ ước nhỏ nhoi. Hồng Gấu chia sẻ, chuyện kiếm tiền từ YouTube không phải là dễ, bởi lượng thu nhập rất không ổn định, ngoài ra còn phải có sự sáng tạo vì không phải ai cũng có thể nghĩ ra một đề tài hay ho câu hàng triệu view chỉ trong thời gian ngắn.

Lâm Việt Anh cũng cho biết, khó khăn chủ yếu của Việt Anh khi làm cộng sự YouTube là thời gian để cân bằng giữa lịch học và việc làm vlog. “Đôi khi mình lên lịch nhưng có nhiều sự cố xảy ra nên tốn thời gian. Clip chất lượng sẽ lôi cuốn được nhiều người xem, khi đó lượt view của mình sẽ ổn định hơn nên mình cần đầu tư nhiều”, Việt Anh tâm sự.

Một khó khăn khác cho teen Việt khi muốn trở thành cộng sự cho YouTube chính là phạm vi bao phủ của chương trình này tại Việt Nam chưa cao. Tính năng kiếm tiền qua quảng cáo gắn lên video vẫn chưa được YouTube khai triển rộng rãi tại Việt Nam, và được mạng xã hội này giải thích là vẫn đang cập nhật thêm tại một số nước.

Tuy vậy, không ít teen vẫn đang từng bước nuôi mộng làm giàu từ YouTube bằng cách đăng video lên YouTube và kiếm tiền quảng cáo qua blog cá nhân. Theo các hot vlogger, nếu muốn trở thành cộng sự cho YouTube, hãy bắt đầu từ chính sở thích, đam mê của riêng mình, sau đó chuyện gì tới sẽ tới. “Đừng nóng vội chỉ để trở thành YouTube Partner mà quên đi sự đầu tư cho mặt nội dung cũng như chất lượng của từng video, từng sản phẩm của bạn”, vlogger Lâm Việt Anh chia sẻ.

Theo iOne

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: