(Ảnh: dwnews.com)
Ba năm qua, ông Tập Cận Bình đã đi công du nước ngoài 19 lần, nhưng đối ngoại của TQ không tiến lên, mà lại đang thụt lùi, lúng túng.
Thông cáo Hội nghị trung ương 6 Khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc công bố ngày 27/10 đánh dấu một mốc lớn về cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Thông cáo kêu gọi "Toàn đảng đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, xác lập chắc chắn ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức thống nhất, kiên định không lay chuyển bảo vệ quyền uy của trung ương và sự lãnh đạo thống nhất tập trung, tiếp tục thúc đẩy toàn diện công tác trị đảng nghiêm, cùng nhau tạo ra môi trường chính trị tác phong liêm chính, không ngừng mở ra cục diện mới cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".
Dư luận các nước cho rằng đây được coi là "Lời kết Nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình" với nhiệm vụ chủ yếu đấu tranh chống tham nhũng nhằm:
1- Giảm bớt những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ.
2- Củng cố địa vị lãnh đạo của mình.
3- Tạo ra được đội ngũ cán bộ trong cơ quan đảng, nhà nước tương đối trong sạch và đáng tin cậy đối với mình.
Thực trạng Trung Quốc khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tháng 11/2012
Một là, màu sắc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đậm nét. Ông Giang Trạch Dân trong 13 năm nắm quyền đã đưa rất nhiều thân tín của mình nắm giữ các chức vụ chủ chốt.
Mặc dù khi lên nắm quyền ông Hồ Cẩm Đào đã gạt ra ngoài nhiều thân tín của ông Giang, nhưng "tứ trụ" của ông Giang vẫn nắm quyền như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang, còn Tăng Khánh Hồng vẫn có ảnh hưởng lớn ở Thượng Hải.
Khi lên nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào đã ồ ạt đưa người thân tín của mình thay thế và nắm giữ các chức vụ chủ chốt, như 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị hiện nay có tới 4 người thuộc Hệ thống Đoàn thanh niên. Các Ủy viên Bộ chính trị , Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng khác hầu hết đều thuộc hệ thống Đoàn thanh niên Trung Quốc.
Bởi vậy, có thể nói rằng "Màu sắc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào" vẫn đậm nét sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Hai là, quốc nạn Tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc. Quốc nạn này tồn tại từ lâu. Cách đây 16 năm, khi ông Chu Dung Cơ lên làm Thủ tướng (3/1998) đã hạ quyết tâm chống tham nhũng đang hoành hành.
Ông Chu từng nói: "Tôi biết rằng mình đang đi vào bãi mìn rộng mênh mông chống tham nhũng... Nên Tôi chuẩn bị 100 chiếc quan tài cho cuộc đấu tranh này, trong đó có một chiếc dành cho bản thân".
Trong cuốn hồi ký mang tựa đề "Ghi chép-những điều đáng sợ" xuất bản tháng 4/2013, Chu phải than thở: "Tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc đã quá nghiêm trọng tới mức mà tôi, Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng phải bất lực bó tay".
Tờ Nhật Báo Kiểm Sát - cơ quan phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 23/10/2007 cho biết trong 5 năm từ 2003 tới 2007, nước này đã ban hành hơn 160 luật, sắc lệnh cấp nhà nước chống tham nhũng. Riêng các Bộ, ban ngành ban hành hơn 40 văn kiện, các tỉnh và địa phương ban hành tới hơn 1000 quy định các loại về chống tham nhũng.
Nhưng một sự thực trớ trêu là "có luật không theo, cấm mà vẫn làm", thậm chí càng chống thì tham nhũng càng tăng, càng nghiêm trọng hơn, tham nhũng ngày càng leo lên cấp cao, xâm nhập vào tất cả các ngành, các ngõ ngách ở Trung Quốc.
Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu của Trung Quốc cho biết rất nhiều biện pháp chính sách cải cách của trung ương đưa ra rất tốt, nhưng đều bị các "nhóm lợi ích" triệt tiêu và các lệnh của trung ương "không ra khỏi cổng Trung Nam Hải".
Ngày 16/1/2008, phát biểu trong Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ban kiểm tra kỉ luật trung ương Khóa 17 họp tại Bắc Kinh, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: "Phải rung lên hồi chuông dài cảnh tỉnh toàn đảng toàn dân về quốc nạn tham nhũng, hiện đang có nguy cơ làm mất đảng, mất nước".
Khi lên nắm quyền, trong Hội nghị nội bộ ngày 20/2/2014, ông Tập Cận Bình thừa nhận:
"Cải cách mở cửa hơn 30 năm, kinh tế tuy phát triển, nhưng chúng ta phải trả một giá quá đắt. Chưa nói gì tới việc chúng ta phải hy sinh môi trường sinh thái, mà chỉ nói riêng về đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì hầu như toàn bộ đều bị sa ngã. Có thể nói rằng hiện nay chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ đông đảo quan chức tham nhũng để quản lý đất nước chúng ta đấy!"
Tạp chí Tiền Tiêu (Hồng Kông) số tháng 4/2013 dẫn lời ông Tập Cận Bình, "Trên thực tế đấu tranh chống 'con hổ' tham nhũng hiện nay chỉ là biện pháp xì hơi khi quả bóng quá căng, giống như lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn ra ngoài".
Ông Tập cho rằng quốc nạn tham nhũng hiện nay "không phải là vấn đề giữ cho lá cờ hồng bay được bao lâu mà là vấn đề bảo vệ non sông đất nước này được bao lâu?"
Báo chí Trung Quốc ngày 21/10/2016 viết: "Trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, chúng ta đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và vật chất, nhưng đứng trước lợi ích kinh tế thì toàn bộ lòng đảng, lòng dân và toàn quân đã rệu rã, vô cùng rời rạc.
Chỉ nói riêng quân đội, số tướng lĩnh bị 'ngã ngựa' gấp tới 100 lần so với thời kỳ chiến tranh, số quan chức lãnh đạo cấp cao các tỉnh mấy năm qua bị xử lý bằng tổng số hơn 30 năm cộng lại, tình trạng của xã hội Trung Quốc không khác gì Thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966 – 1976)".
Nhân kỉ niệm 95 năm ngày thành lập ĐCSTQ (1/7/1921-1/7/2016), tờ Nhân dân Nhật báo viết:
"Bài học 74 năm xây dựng của ĐCS Liên Xô vẫn còn đó. Khi chỉ có 200.000 đảng viên, đảng đã giành được chính quyền, khi có 2 triệu đảng viên, đảng đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát xít Đức, nhưng khi có 20 triệu đảng viên thì đảng để mất chính quyền, làm tan rã đất nước." Tờ báo kết luận đây là tấm gương cho Trung Nam Hải.
Ba là, địa vị Tập Cận Bình vẫn mờ nhạt, nhất là bị các thân tín của người lãnh đạo trước đây cản trở, tiêu biểu là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Hai người này được bầu bổ sung vào chức Phó Chủ tịch quân ủy trung ương trong Hội nghị toàn thể trung ương 4 Khóa 15 (năm 2000).
Tạp chí Minh Kính ở Hồng Kông số ra ngày 11/4/2015 viết, khi nắm quyền, Từ Tài Hậu từng nói với Quách Bá Hùng rằng "Nếu bầu Tập Cận Bình vào, trong 5 năm ông ta sẽ làm rối loạn hết cả". Bởi vậy, mãi tới Hội nghị trung ương 5 Khóa 17 (10/2010), ông Tập mới được bầu làm Phó Chủ tịch quân ủy trung ương.
Do địa vị còn bấp bênh chưa được củng cố, nên ngay khi lên nắm quyền ông đã thâu tóm tới 9 chức vụ quan trọng trong tay để tiến hành thanh lọc, đưa những người tin cậy vào các chức vụ quan trọng.
Bởi vậy, chỉ có phát động cuộc chiến chống tham nhũng mới là biện pháp quan trọng vừa hợp lòng dân, vừa ngăn chặn được nguy cơ "mất đảng, mất nước", vừa đạt được mục tiêu củng cố được địa vị lãnh đạo của mình.
Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc, từ 24-27/10/2016. (Ảnh: Xinhua)
Cuộc chiến chống tham nhũng
Phương châm cơ bản của cuộc chiến chống tham nhũng do Tập Cận Bình khởi xướng là "đánh hổ, đập ruồi", tức là vừa nhằm vào những cán bộ cấp cao trung ương vừa nhằm vào cán bộ địa phương.
Cuộc chiến này tiến hành một cách rất quyết liệt, ráo riết, liên tục từ đầu năm 2013 tới nay trên tất cả các lĩnh vực, trên các hướng, các ban ngành, thậm chí kể cả quan chức chạy trốn ra nước ngoài sinh sống. Khẩu hiệu đưa ra là "Không có khu cấm, không có giới hạn, Không có hạ cánh an toàn", đã thôi chức hoặc đã về hưu vẫn bị bắt và truy cứu trách nhiệm.
Biện pháp quan trọng thường áp dụng "phạt cành, chặt rễ, nhổ gốc". Ông Tập cho rằng các quan chức cấp cao ở trung ương và địa phương như cây cổ thụ, nên trước tiên phải chặt bỏ những thân tín và thân thích là "cành rễ", sau đó mới nhổ được gốc.
Ngoài ra các chiêu bắt quan chức tham nhũng cũng khác trước, như có những quan chức vẫn làm việc bình thường, hôm trước vẫn dự Hội nghị, họp báo nhưng hôm sau bị bắt, có quan chức khi lên làm việc tại văn phòng thì bị bắt.
Kết quả, từ Đại hội 18 tháng 11/2012 tới trước Hộ nghị trung ương 6 ( 24/10 -27/10/2016), có 11 Ủy viên trung ương, 13 Ủy viên dự khuyết bị xử lý kỉ luật và đưa ra xét xử về tội tham nhũng, gần 200 quan chức địa phương, trong đó hơn 50 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, 29 người đã bị đưa ra tòa án xét xử.
Đối với quân đội, có hơn 100 tướng đương nhiệm, hồi hưu, chuyển ngành bị xét xử.
Cùng với việc đấu tranh chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã bố trí thân tín của mình vào các vị trí quan trọng của cơ quan đảng, Nhà nước và Quân đội Trung Quốc, củng cố được địa vị lãnh đạo, kiểm soát được tình hình.
Số liệu của Trung Quốc cho biết tới nay về cơ bản đã tiến hành điều chỉnh xong cấp tỉnh, thay đổi 230 cán bộ chủ chốt, trong đó đã điều chỉnh 19 Bí thư tỉnh ủy, 9 Tỉnh trưởng. Đáng lưu ý là trong số này, có 12 Bí thư tỉnh ủy và 9 Tỉnh trưởng không phải là Ủy viên trung ương, cũng không phải là Ủy viên dự khuyết nhưng vẫn được giao nắm chức vụ chủ chốt.
Đối với quân đội tiến hành cải cách tương đối triệt để, như giảm 300.000 quân, giảm từ 7 Đại Quân Khu xuống còn 5 Khu tác chiến và điều chỉnh lại các Tư lệnh, Chính ủy, chỉ riêng tháng 7/2016, có tới 32 tướng được điều chỉnh lại chức vụ.
Mặc dù chưa thực hiện được mục đích "Ba không" đối với cán bộ đảng viên và công chức: "Không dám tham nhũng, Không thể tham nhũng, Không có tư tưởng tham nhũng", nhưng cuộc đấu tranh này đã phần nào ngăn chặn, đẩy lùi được nguy cơ "mất đảng, mất nước".
Dù vậy, cuộc chiến này cũng tiêu tốn khá nhiều công sức của lãnh đạo Trung Quốc, vì vậy những lĩnh vực khác bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là kinh tế, đối ngoại.
Về kinh tế, tình trạng quan chức lãnh đạo trung ương và địa phương đều có tâm lý hoang mang lo sợ, tác động không nhỏ tới công tác chỉ đạo phát triển kinh tế, từ đó làm tăng trưởng GDP bị suy giảm.
Trong nửa đầu tháng 5/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phải tới 5 lần triệu tập cán bộ của 8 tỉnh thành để nhắc nhở về tình trạng lơ là, bỏ bễ các công việc của địa phương, nhất là công tác phát triển kinh tế.
Viện kiểm sát các cấp của Trung Quốc cũng lập 353 vụ án nhằm vào 503 cán bộ lãnh đạo, nhân viên về tội lơ là chức trách, gây tổn thất kinh tế cho nhà nước.
Chuyên gia kinh tế đầu ngành của Trung Quốc Lưu Hải Ảnh ngày 17/12/2016 cho báo giới biết, kinh tế Trung Quốc mãi tới cuối năm 2016 mới có chuyển biến tích cực, năm 2017 có thể vẫn tiếp tục suy giảm.
Về đối ngoại, báo chí các nước cho rằng ba năm qua, ông Tập Cận Bình đã có tới 19 lần đi thăm các nước khắp thế giới, riêng năm 2016, có 5 chuyến công du các nước, nhưng hoạt động đối ngoại những năm qua có thể nói không mấy sáng sủa, trái lại có bước thụt lùi, bị động và lúng túng.
Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" do ông Tập đưa ra đầu năm 2014 được coi như "chiến lược mềm" để thực hiện "giấc mộng Trung Hoa" cũng vấp phải nhiều thách thức và đang bị chững lại.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đại học Thanh Hoa, ông Trương Tiểu Kình ngày 2/7/2016 nói sáng kiến trên vẫn nằm trong giai đoạn "đang nghiên cứu, đang chuẩn bị, đang thử nghiệm" chứ chưa có một bước thực thi cụ thể nào. Vì trên thực tế chiến lược này đang gặp phải những thách thức rất lớn, nhiều nước không đồng tình, nhất là Mỹ và các nước Phương Tây.
Cuộc đại cải tổ quân đội là một trong những dấu ấn lớn nhất của ông Tập Cận Bình sau nhiệm kỳ đầu tiên (Ảnh: Reuters)
Điều gì sắp tới?
Một trong kết quả nổi bật của cuộc chiến chống tham nhũng là ông Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực của mình, kiểm soát được tình hình trong và ngoài đảng, nhất là đã xác lập được địa vị "hạt nhân lãnh đạo" ghi trong văn kiện Hội nghị toàn thể trung ương 6.
Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian tới nhiều khả năng sẽ chuyển biến sang giai đoạn tiếp theo.
Cho dù Nhân dân nhật báo ngày 5/12/2015 có viết: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn tiếp tục đi trên con đường dài" hay "vẫn còn nhiều hổ ở phía trước", nhưng có thể dự đoán rằng giai đoạn sau sẽ không quyết liệt như ban đầu, vì quyền lực của ông Tập Cận Bình đã được củng cố, con đường để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai trong Đại hội khóa 19 năm 2017 cơ bản đã được dọn sạch.
Mục tiêu quan trọng mà lãnh đạo Trung Quốc phấn đấu thực hiện thời gian tới:
Một là, tập trung phát triển kinh tế để thực hiện chỉ tiêu do ĐH 18 đề ra với hai mốc "Một trăm năm", trong đó "Một trăm năm đầu tiên" là 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ (1921 – 2021), trước mắt là Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2017-2021) nhằm hoàn thành xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, tiếp tục tăng GDP gấp hai lần so với năm 2010, từ đó thực hiện "giấc mộng Trung Hoa".
Hai là, tập trung vào công tác đối ngoại, đẩy mạnh chiến lược "Một vành đai, Một con đường" đang bị chững lại trong tình hình thế giới đang biến động phức tạp, nhất là quan hệ Trung – Mỹ đang ẩn chứa nhiều yếu tố không xác định khi ông Donald Trump ngồi vào Nhà trắng từ 20/1 tới.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét