Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Hệ lụy “xã hội trọng bằng cấp” và năng lực không ai đoái hoài!



DUY PHONG
(GDVN) - Câu chuyện bằng đại học ngắn hạn của ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục hàng hải đang gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Vì đâu xã hội lại quan tâm bằng cấp?

Câu chuyện đang nóng dư luận gần đây liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải tốt nghiệp Đại học Hàng hải “hệ ngắn hạn”.

Bộ Giao thông Vận tải thì khẳng định bằng đại học “hệ ngắn hạn” cũng được xem là bằng đại học, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo lại khẳng định bằng này chỉ tương đương với… bằng cao đẳng.

Nếu văn bằng của ông Việt chỉ tương đương với bằng cao đẳng thì căn cứ vào quy định, ông Việt sẽ không đủ điều kiện được bổ nhiệm Cục phó Cục Hàng Hải.

Cụ thể, ngày 28/9/2016, Đại học Hàng hải có Văn bản số 940 xác nhận ông Nguyễn Đình Việt đã tốt nghiệp và được cấp bằng đại học hệ ngắn hạn số A68868 ngày 25/10/1993.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết Bộ đã tiến hành rà soát lại trường hợp ông Nguyễn Đình Việt và việc bổ nhiệm là đúng quy định.

“Bằng tốt nghiệp của anh Việt ghi là bằng đại học hệ ngắn hạn, phù hợp với các tiêu chí theo Quyết định 3688/QĐ-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị là vụ phó hoặc tương đương trở lên phải có bằng ĐH phù hợp lĩnh vực công tác. Quyết định này không quy định cụ thể bằng ĐH phải là hệ nào”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên lại khẳng định: Bằng tốt nghiệp hệ ĐH ngắn hạn chỉ tương đương với bằng tốt nghiệp cao đẳng.

Theo bà Phụng, cuối năm 1990, Bộ Giáo dục đã ban hành các quy chế về văn bằng bậc Đại học, về kiểm tra thi và tốt nghiệp cho các hệ đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng, theo đó bậc đại học chỉ có 2 cấp trình độ đào tạo. Một là cấp đại học (tương ứng với đại học dài hạn trước kia), hai là cấp cao đẳng (tương ứng với đại học ngắn hạn và cao đẳng trước kia). Do đó, ở bậc đại học, Bộ Giáo dục chỉ phát hành 2 loại bằng tốt nghiệp ứng với 2 cấp học là bằng tốt nghiệp đại học và bằng tốt nghiệp cao đẳng.

“Như vậy chúng tôi có thể khẳng định bằng tốt nghiệp hệ ĐH ngắn hạn chỉ tương đương với bằng tốt nghiệp cao đẳng”, bà Phụng khẳng định.

Tranh cãi xung quanh “giá trị” bằng đại học của ông Nguyễn Đình Việt chắc chắn vẫn còn dài và chưa có hồi kết. Tuy nhiên, qua câu chuyện này mới thấy “căn bệnh” trọng bằng cấp của xã hội vẫn còn nặng nề.

Một bạn đọc bình luận về sự việc trên: “Sao lại cứ chăm chăm vào bằng cấp mà không đánh giá năng lực thực sự của người ta vậy kìa. Có người ôm cả mớ bằng quốc nội quốc tế nhưng có làm nên trò trống gì đâu”.

Một người khác cũng đồng quan điểm: “Bằng gì không quan trọng. Điều đáng nói là có làm được việc không, nhiều người đầy đủ bằng cấp có làm được việc đâu?”.

Chưa thể khẳng định năng lực của ông Việt có tốt thực sự và có đảm bảo được chức Cục phó Cục Hàng hải hay không nhưng khi mà các cơ quan chức năng chỉ "chăm chăm" đi tìm câu trả lời về bằng cấp mà quên đi năng lực thì sẽ không có một đáp án hoàn hảo. Đây cũng thể hiện một căn bệnh "trọng bằng cấp" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và nhiều cơ quan công quyền.

Rõ ràng, bằng cấp chỉ là tiền đề chứ không phải là đối tượng để căn cứ vào đó mà xem xét tiềm năng và khả năng phát triển tiếp theo của con người, thế nhưng trên thực tế nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở nước ta lại xem bằng cấp là thước đo năng lực phát triển.

Chính vì nhận thức trên đã dẫn đến thực trạng có những người "bằng thật nhưng chất lượng giả" hoặc có nhiều trường hợp “không hay có bằng cấp thấp nhưng có năng lực lại rất tốt”

Muốn thay đổi tình trạng nhận thức “trọng bằng cấp” trước hết phải thay đổi cơ chế đánh giá năng lực con người, quan tâm đến năng lực, khả năng thể hiện và kinh nghiệm có được. Nếu làm tốt điều đó, mới chứng minh được chân lý "đại học không phải là con đường duy nhất".
***

Thuyết xã hội bằng cấp (Degree of Social Theory) là tập hợp các vấn đề mặt trái của giáo dục mà các nhà khoa học giáo dục Mỹ nêu lên từ những năm 1980-1990 của thế kỷ XX; Đại diện tiêu biểu nhất là Randall Collins. Ông đưa ra khái niêm “Xã hội bằng cấp” để chỉ ra một xã hội trong đó mọi người quá coi trọng bằng cấp giáo dục và dựa chủ yếu vào bằng cấp để tuyển dụng lao động mà coi nhẹ năng lực thực sự của cá nhân. Collins cho rằng các văn bằng chứng chỉ như bằng Cử nhân, bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ là những biểu tượng vị thế, giống như nhãn hiệu hàng hoá, chứ không phải là những chỉ báo tri thức và năng lực nghề nghiệp của một con người.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: