NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Trích Tự truyện “Số phận không định trước”)
Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.
Trước khi nói chuyện của riêng mình, có lẽ cũng nên bàn qua về cái gọi là “đi thực tế” – theo như tôi hiểu thì chỉ mới xuất hiện từ khi có phong trào văn nghệ cách mạng, có tổ chức quản lý, lãnh đạo văn nghệ sĩ, với mục đích là lôi kéo những văn nghệ sĩ chỉ thích “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” về sống với cuộc sống của nhân dân.
Hình như cũng có người cho rằng đây là chủ trương khá là “vớ vẩn”, vì tác phẩm được sáng tạo từ trải nghiệm máu thịt, từ con tim, khối óc của mỗi văn nghệ sĩ, chứ đâu phải qua mấy ngày “đi xem” nông dân gặt lúa, công nhân bên lò nung…, về nhà tả lại là xong! Suy nghĩ một cách bình tĩnh thì ý kiến loại này không hoàn toàn là “vớ vẩn”, nhất là với những cuộc “đi thực tế” theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, một kiêu du lịch trá hình, chỉ tốn tiền bạc của công quỹ; và nếu chúng ta thử đặt câu hỏi: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng có ai tổ chức “đi thực tế” đâu mà vẫn có tiểu thuyết “Tắt đèn”, “Số đỏ”…; rồi tác phẩm khoa học viễn tưởng thì “đi thực tế” ở đâu?
Tuy vậy, theo góc nhìn của tôi, thì chủ trương “đi thực tế” vẫn có ích đối với người sáng tác, miễn là việc đó không bị dẫn dắt bởi quan niệm thô thiển là “thấy gì viết nấy” mô tả y xì hiện thực, càng không thể theo kiểu chỉ đi “săn” nhân tố mới, “người tốt việc tốt”, “tô hồng” hiện thực. Vì đơn giản, trách nhiệm nhà văn và đặc thù nghề văn khác với báo chí và cán bộ tuyên huấn; hơn thế, như chúng ta đều biết, hầu hết những tác phẩm lớn của nhân loại đều thể hiện những số phận bất hạnh, những nỗi đau nhân thế.
Với nhận thức như thế, thì chính những chuyến “đi thực tế” sẽ giúp nhà văn hiểu biết cuộc sống nhân dân sâu sắc hơn, nhìn ra những “góc khuất” của cuộc đời và nhiều khi những cảnh đời ta tình cờ bắt gặp hay nghe kể lại, sẽ làm nẩy những tứ thơ, gợi ra cả một “tình huống truyện” độc đáo. Có thể nói, đó là “bột” để “gột nên hồ” là tác phẩm văn chương. Một số tác phẩm của tôi đã hình thành theo “con đường” ấy.
1. Từ những con kênh khô cạn đến tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở”
Tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở dày gần 600 trang, xuất bản lần đầu năm 1986 (Nxb. Thuận Hóa), năm 2006, được Nxb. Hội Nhà văn tái bản trong bộ sách “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi Mới”, năm 2014 được in lại trong bộ sách đạt Giải thưởng Nhà nước (Nxb. Hội Nhà văn). Nếu nói về đề tài, thì đó là cuốn tiểu thuyết viết về những công trình thủy lợi trên dải đất miền Trung khắc nghiệt trong mấy chục năm cuối thế kỷ 20. Và quả thật cuốn sách đã được viết sau nhiều đợt tôi “đi thực tế” tại các công trình thủy lợi ở Bố Trạch (Quảng Bình), đại thủy nông nam Thạch Hãn (Quảng Trị) kênh đào nam Sông Hương, rồi đập ngăn mặn Thảo Long (Huế)… Nhưng trong sách nếu chỉ có chuyện xây đập ngăn sông thì ngoài dân làm thủy lợi, mấy ai đọc, nhất là sách lại dày như thế. Vậy mà sách in lần đầu 25.000 bản, chẳng có chiêu thức “PR” nào (ngoài một bài viết của anh Phan Ngọc Thu trên Tạp chí Sông Hương) đã bán hết trong một thời gian ngắn.
Có lẽ cuốn tiểu thuyết “đứng” được và bán hết khối lượng lớn chính nhờ cái tên sách và cũng là hình tượng gợi nhiều suy nghĩ đến các vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Hình tượng đó chính là một chi tiết kỹ thuật – một sáng kiến – trong công trình đập ngăn mặn Thảo Long (gần cửa Thuận An): Thay vì làm một đập bê tông khổng lồ chắn ngang sông Hương để ngăn nước mặn, trong điều kiện tiền đầu tư hạn hẹp, các kỹ sư có sáng kiến làm những cánh cửa treo vào hàng cọc bê tông đóng giăng ngang cửa sông; khi thủy triều dâng, những cánh cửa bị ép vào hàng cọc, không cho nước mặn lên; còn mùa mưa bão, trước sức đẩy của nước từ thượng nguồn, những cánh cửa tự động mở để thoát lũ. Hình ảnh những cánh cửa tự do “bay lên” thật đẹp, đồng thời gợi nghĩ đến thái độ của con người trước thiên nhiên: không áp đặt thô bạo, mà biết nương dựa, hòa điệu với thiên nhiên…
Cho dù vậy thì đây cũng không phải là vấn đề của văn chương. May mắn là tôi nắm được “thực tế” này qua người bạn kỹ sư Hàm; và đặc biệt hơn, kỹ sư L.K., “đồng tác giả” Thảo Long là người đồng hương với tôi – anh là lớp sinh viên Trường Đại học Thủy lợi khóa đầu tiên, sau khi miền Bắc được hòa bình (1954), nhưng “nghe nói” do hưởng ứng “Nhân văn – Giai phẩm” sao đó (chỉ “hưởng ứng” thôi, chứ anh có viết lách gì đâu!), bằng tốt nghiệp bị gác lại, lương bổng thua thiệt rất nhiều. Sau 1975, anh vào Huế tiếp nhận căn nhà bà mẹ giao lại và kết hôn với một cô giáo dạy Anh văn, chẳng ngại chi cô có anh trai là sĩ quan chế độ cũ di tản sang Mỹ! Thế là từ hình ảnh những “cánh cửa” mở tự do của một công trình thủy lợi, tôi tìm đến vấn đề “Mở cánh tự do” (tên một phần trong tiểu thuyết) đối với trí thức, đối với mối quan hệ giữa “Bên thắng cuộc” với đồng bào ta ở miền Nam. Trong thời gian thi công đập Thảo Long, tôi đang ở nhờ một căn phòng của gia đình anh L.K., nên tôi đã “mượn” luôn khung cảnh căn nhà ở Huế này đưa vào tiểu thuyết…
“Thông điệp” của một tiểu thuyết dày trên 600 trang không chỉ từng đó. “Thực tế” gợi cảm hứng đầu tiên cho tác phẩm này lại là những dòng kênh khô cạn qua các triền đồi cháy nắng – hậu quả của kiểu lãnh đạo “duy ý chí”, tiêu tốn không biết bao nhiêu là tiền của và cả xương máu của những người lao động. Nỗi thương cảm trước cô gái trẻ bị cụt chân do vướng bom khi đào kênh ở ngay làng quê vợ tôi đã trào lên ngọn bút khi tôi viết một chương vào loại hay nhất trong tác phẩm, miêu tả sự hối hận và tỉnh thức của Hồng – nhà báo, con gái vị phó chủ tịch tỉnh, người liều mạng khởi phát công trình sông đào vô dụng – khi cô có dịp trở lại thăm công trình mà cô đã “tô vẽ” hồi nào…
Công trình vô dụng đó là “điển hình” cho các con kênh mãi khô cạn như kênh “Duy-Hàm ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) và sông đào “Nam Sông Hương” ở Huế. Khung cảnh làng quê ở bên sông với những mái nhà có các cánh cửa phía trước, kiểu tấm rèm chống lên như “mi mắt mở chong”, với các bà mẹ nhân hậu chính là tôi “mượn” cảnh làng Trung Quán – quê vợ tôi. Hồi còn ở Quảng Bình, tôi cũng đã mấy lần đi tham gia lao động trên các công trình thủy lợi. Còn cảnh những chiếc xe chở nước ngọt bán cho dân phố do dòng sông nhiễm mặn là cảnh thành phố Huế mùa hè sau giải phóng, khi chưa có đập Thảo Long…
Hiện thực cuộc sống mà tôi thu lượm qua các chuyến “đi thực tế” ngành thủy lợi và vốn sống trực tiếp của tôi đã được “biến hóa” và đưa vào tác phẩm Những cánh cửa đã mở như thế đó. Cũng cần nói thêm, tác phẩm đạt được một ít thành tựu là nhờ tôi đã tránh được kiểu “bám sát” tiến độ xây dựng các công trình (tương tự như các tiểu thuyết viết về chiến tranh “bám sát” diễn biến một chiến dịch…) mà hướng sự quan tâm chủ yếu vào số phận nhân vật – các kỹ sư, cán bộ lãnh đạo, những con người bình dị ở nông thôn Việt Nam… trong cả một quá trình mấy chục năm…
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật – biên tập viên – và anh Vương Hồng, giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa lúc đó, tôn trọng tác giả, giữ nguyên bản thảo 100%; chỉ bổ sung một câu nói của Lê Nin theo đề nghị của anh Vương Hồng, đại ý phê phán lối áp đặt kiểu chỉ huy thời chiến vào lãnh đạo xây dựng kinh tế. Anh Vương Hồng không ít lần gặp tôi, tỏ ý rất thích thú đã cho xuất bản một tác phẩm phù hợp với không khí “Đổi mới” sôi nổi lúc đó (1986 – 1987). Có lẽ nhờ thế, một tác giả đã chuyển thể phần đầu tiểu thuyết sang kịch truyền thanh phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và trong kỳ tổng kết Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên 5 năm (1982 – 1987), Những cánh cửa đã mở đã được tặng Giải Bông Sen Trắng hạng A.
Nhân đây, nói chuyện “ăn theo” cuốn sách này cho vui. Mà duyên là chuyện “đi thực tế”. Khi sách vừa ra, tôi được đi Liên Xô cùng các nhà văn Trần Công Tấn, Văn Linh và nhà phê bình Phong Lê tham dự Hội thảo “Văn xuôi trong những năm gần đây – Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo” giữa hai Đoàn Nhà văn Liên Xô và Việt Nam. Tại Hội thảo, tôi đã đọc bản tham luận “Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo trong văn học nghệ thuật”, về sau đã đăng Tạp chí Sông Hương số 29 (Tháng 1/1988) và in trong tập sách “Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ” của tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2006). Trước khi lên đường, một số bạn ở Hà Nội từng quen buôn bán qua Liên Xô và Đông Âu nhiệt tình khuyến khích và bày vẽ cho chúng tôi mua hàng nào thì bán có lời. Thế là tôi cũng liều một chuyến, vay tiền cậu em rể, đi “chợ Trời” mua quần “bò”, đồng hồ điện tử và cả… mì chính mang sang! Lúc ấy cũng ít băn khoăn vì sao mà một cường quốc phóng vệ tinh đầu tiên, có tên lửa, bom hạt nhân như Liên Xô mà lại thiếu mì chính và đồng hồ điện tử. Chỉ lo tính toán tiền nong, cân đo trọng lượng, nhất là khi mang hàng về. Bốn anh em chúng tôi đều có “đầu mối” là những bạn quen đang học hay công tác ở Liên Xô, giúp bán hàng mang sang và hướng dẫn mua hàng gì về; lúc đó “ưu tiên” là mua thuốc lá Captant, bàn là, “áo bay”, rồi phích nóng-lạnh, đồ nhôm, máy may, phim chụp ảnh… Phải nhiều lần đi sắp hàng mua ở các cửa hàng mậu dịch mới hết tiền. Khổ nhất là “đóng hàng” và làm thủ tục gửi về nước trước khi ra sân bay. Tiếng Nga thì chủ yếu nói bằng… tay. Tôi vụng về, đóng xong thùng hàng to bằng cái tủ lạnh thì các bạn đã về trước, lần mò ra ga tàu điện ngầm, rồi đón tắc-xi về khách sạn trong tâm trạng đầy lo lắng. Hình như tối đó không đón được tắc-xi, nhờ xưng là “nhà văn Việt Nam”, nói tên khách sạn, và một xe con cho đi nhờ; rồi cũng về đến nơi.
Cũng vì “đèo bòng” hàng hóa mà lúc về đến sân bay Nội Bài, suýt nữa bị kẹt. Cán bộ hải quan khám thùng hàng, chất vấn: “Anh mua thuốc lá làm gì nhiều thế này?”; “Tôi mua tặng các bạn nhà văn ở Hà Nội, Huế…”. Người cán bộ hải quan liếc nhìn tôi giây lát, xem lại giấy tờ và hỏi: “À, có phải anh là tác giả cuốn tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở phải không?” Kết cục, tôi “thoát hiểm”, trong khi một nữ đại biểu Quốc hội, cũng… buôn thuốc lá Captant, bị phát hiện và bị một tờ báo “nêu gương”! Chuyện chỉ có thế, nhưng có lẽ nên thêm một lời bình: “Này, anh cán bộ hải quan đọc cuốn sách đó là nhờ cái nhan đề “Cánh cửa đã mở” gợi nghĩ đến công việc khám xét ở các cửa khẩu, chứ đừng có tưởng…”.
2. Tai nạn ở hầm đá vôi Long Thọ đến tiểu thuyết “Nếu được chết thay em”
Tiểu thuyết Nếu được chết thay em (Nxb. Thuận Hóa, 1989), với tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường, tuy cũng được Giải Cố Đô hạng B (Tổng kết 5 năm Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế 1987 – 2003), nhưng ít được dư luận chú ý. Tuy vậy, nói đến chuyện “đi thực tế” để sáng tác, thì đây lại là một trường hợp khá “điển hình”.
Khi đi thực tế các công trình thủy lợi, ngoài nhiệm vụ trước mắt là viết vài bài ghi chép “người thật việc thật” để đăng báo như nhiều chuyến “đi thực tế” khác của hầu hết các nhà văn, tôi chưa hề nghĩ đến mục đích sẽ viết tiểu thuyết về công trình A… hay B… Các chuyến đi cũng rải rác trong nhiều năm và hầu như không ai tổ chức, không được ai giúp đỡ. Như khi đi tìm hiểu các công trình thủy lợi ở huyện Bố Trạch, tôi đạp xe đi một mình, đến nhà bếp cơ quan huyện ăn cơm phải nạp tiền và cả tem gạo!
Còn việc “đi thực tế” ở nhà máy xi măng Long Thọ – một xí nghiệp có truyền thống vẻ vang nhất ở Huế – là do “thủ trưởng” Nguyễn Khoa Điềm thấy tôi là một tác giả được xếp vào hàng “nhà văn công nhân”, gợi ý và rồi cử hẳn tôi về tham gia sinh hoạt suốt liền 3 tháng tại nhà máy. Và như thế, khởi đầu chuyến đi, tôi đã tự đặt nhiệm vụ là phải viết một cuốn tiểu thuyết về nhà máy này.
Suốt 3 tháng liền, tôi được nghỉ công tác ở Tạp chí Sông Hương, lên “bám trụ” tại Long Thọ. Long Thọ nổi tiếng không chỉ vì sản xuất ra vôi, xi măng từ thời Tây còn đô hộ mà do câu ca “Gió đưa cành trúc la đà – Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương” được truyền tụng trong dân gian. Nhà máy vôi Long Thọ đối diện với chùa Thiên Mụ qua sông Hương và ở cạnh Hổ Quyền – cũng là một di tích độc đáo của Huế. Tuy vậy, 3 tháng ở Long Thọ, tôi ít quan tâm đến các di tích mà tập trung tìm hiểu lịch sử nhà máy, đời sống công nhân, nhiều ngày đêm mang quần áo như công nhân xuống hầm khai thác đá vôi, lên lò luyện clinke, vào phòng thí nghiệm chất lượng sản phẩm… Đồng chí Lê Bá Lan, giám đốc nhà máy và các đồng chí trong Đảng ủy, Công đoàn nhà máy đều quan tâm đến công việc của tôi, bố trí một căn phòng nhỏ khi tôi ngủ lại và cung cấp những bữa ăn miễn phí theo tiêu chuẩn như công nhân; mỗi tháng, tôi còn được trợ cấp một khoản tiền nhỏ, có lẽ bằng mức lương thấp nhất của nhà máy.
Với sự “thâm nhập” thực tế như vậy, tôi đã viết vài bài ký một cách dễ dàng, nhưng mãi không tìm ra ý tứ, cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết. Cho đến sau một trận lũ, hầm đá sâu hàng chục mét bị ngập chìm trong nước đã khiến 3 công nhân trẻ hy sinh. Từ sự cố này, tôi đã “dựng” thành tiểu thuyết Nếu được chết thay em, trong đó không chỉ có chàng công nhân từng bỏ nhà máy đi kiếm trầm cũng suýt mất mạng trong trận lũ kinh hoàng, phải sám hối rồi tỉnh ngộ mà nhiều người khác cũng tự “kiểm định” lại công việc của mình một cách ng- hiêm túc, như các nhân viên kỹ thuật trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm qua các mẩu thí nghiệm…
Cuốn tiểu thuyết ít được dư luận quan tâm, theo tôi, một phần do câu chuyện chưa đủ chất dính kết các nhân vật và quan trọng hơn là không mang một “chủ đề tư tưởng” có tầm khái quát, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội. Nói cho công bằng thì cách chọn đề tài chỉ xoay quanh một nhà máy nhỏ ở địa phương, khiến tác giả rất khó “hư cấu” và tưởng tượng cũng như nâng tầm tư tưởng của tác phẩm lên cao. Điều này cũng đồng nghĩa là nếu “gò” nhà văn vào một đề tài, một “địa chỉ” quá cụ thể, sẽ khó tạo nên tác phẩm có chất lượng cao. Tất nhiên, đã nói chuyện sáng tác thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: dù tác giả chung bữa ăn với công nhân, lên lò cao với thợ nhiều ngày đêm, nhưng có khi vẫn chưa hiểu hết những nỗi niềm sâu thẳm cũng như ước vọng cao xa của họ; và chuyện muôn thuở: thiếu tài năng!
Viết đến đây, lại phải nhắc đến nhà văn Hemingway với tiểu thuyết Ông già và biển cả – tác phẩm lớn mà “thực tế’ chỉ có con cá mắc câu ngư ông giữa biển khơi mịt mù…
3. Chuyện người kiểm lâm bị trói đến tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu”
Để “thay đổi không khí”, xin kể “ngược”, tức là trước hết, nhắc lại hai câu chuyện nhỏ sau khi sách ra đời. Theo lời anh tôi kể, trong số độc giả sốt sắng đón mua cuốn tiểu thuyết này có ông già V.Đ.L., bạn thân của anh tôi, một tín đồ đạo Ki-tô, quê Đức Thọ (Hà Tĩnh); anh trai ông là một linh mục rất nổi tiếng, từng là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nghe nói ông mua cả chục cuốn, có thể vì đọc qua nhan đề, ông tưởng là tiểu thuyết viết về đề tài công giáo, có khi viết về chuyện anh tôi bỏ nhà theo đạo cũng nên! Dù chuyện có “sai số” thì cũng là chuyện vui vì có khi nhờ nhiều người lầm như thế mà sách bán chóng hết!
Chuyện thứ hai, nửa vui nửa… buồn, mới xảy ra năm 2011, khi các Hội đồng tiến hành xét chọn các tác phẩm văn hóa nghệ thuật đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. Được biết mình có tên trong danh sách đề nghị với hai tiểu thuyết là Đường giáp mặt trận và Những cánh cửa đã mở, tôi liền viết thư gửi Hội đồng kiến nghị “nếu đã đưa Đường giáp mặt trận thì cần phải đưa thêm tiểu thuyết Chỗ đứng người kỹ sư vì đây là bộ tiểu thuyết 2 tập liên hoàn, mà tập sau được đánh giá là hay hơn tập đầu với bằng chứng là cuốn này đã được Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tặng Giải thưởng; cũng nên xét thêm tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu vì không ít người cho rằng cuốn này còn hay hơn Đường giáp mặt trận, lại có đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết…”. Thư đã viết, nhưng rút cục không gửi vì khi hỏi ý kiến một vị là thành viên Hội đồng, ông bảo mọi chuyện đã xong, đưa danh sách hai cuốn tiêu biểu và cho gọn, bây giờ đưa vấn đề lên, cấp trên bắt họp lại Hội đồng thì lôi thôi lắm! Vậy nhưng khi công bố giải thưởng, tôi thấy có nhà văn ghi đến 4-5 tác phẩm vào bằng giải thưởng. Tôi đoán rằng, các vị ngại đưa tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu vào giải vì chính cái tên sách dễ bị hiểu lầm; mà chắc rằng có vị – nhất là ở cấp cao nhất, không thể có thời gian đọc hết hàng trăm tác phẩm, sẽ phán: “Cuốn này viết về công giáo, đề tài phức tạp, phải xem kỹ nghe!” Nói rằng chuyện này nửa vui, nửa buồn, vì dù sao tôi cũng đã được “dính” một giải thưởng sang trọng, nhưng hơi buồn vì Nhà nước đã đầu tư cho tái bản các tác phẩm được giải; có nghĩa là Thập giá giữa rừng sâu không có may mắn ấy, trong khi chính cuốn tiểu thuyết này – theo tôi – chỉ xét về khía cạnh xã hội, lại rất cần tái bản, để góp sức vào cuộc chiến đấu bảo vệ “mái nhà xanh” của chúng ta đang bị uy hiếp ngày ngày. Vậy nhưng sách bán hết lâu rồi, Nxb. Trẻ hứa sẽ xem xét tái bản, nhưng mãi chẳng thấy đâu; vì thế, thỉnh thoảng có bạn đọc hay nhà phê bình cần sách, tôi lại phải đi phô-tô…
Tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu, tuy có vài nhân vật ở một làng quê theo “đạo”, nhưng chủ yếu là viết về cuộc chiến đấu chống lâm tặc, bảo vệ “lá phổi” của trái đất. Đó là xét thuần về đề tài. Cũng tương tự như với tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở, tôi không có chủ đích viết một cuốn tiểu thuyết về rừng, trước những chuyến “đi thực tế” về các lâm trường, các hạt kiểm lâm. Tuy nhiên, cây rừng và những người giữ rừng là đề tài tôi quan tâm từ lâu, đơn giản vì từ năm 1962, khi chuyển công tác từ Hà Đông vào miền Tây Nghệ An, tôi thường xuyên sống giữa chốn rừng sâu, núi thẳm; trong mấy năm làm công tác bảo đảm giao thông trên đường 12A, có thể nói rừng là tấm “khiên” khổng lồ che chắn, bảo vệ tính mạng cho tôi cùng ngàn vạn những chiến sĩ giữ con đường ra trận.
Khi đất nước hòa bình, tôi trở lại vùng rừng thông Ba Trại bên sông Gianh, rồi đến với những chiến sĩ kiểm lâm dưới chân đèo Hải Vân… nhưng sau các chuyến đi chỉ viết được mấy bài ký để đăng báo. Tôi cũng muốn viết một “cái gì đó” có dung lượng lớn hơn về đề tài này, nhất là dạo đó nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng với sự cấu kết của các quan chức địa phương bị công luận lên án mạnh mẽ, nhưng một sáng tác văn học không thể chỉ dựa vào những bài báo – dù là bài điều tra đăng nhiều kỳ hấp dẫn.
Cho đến ngày dự Trại Sáng tác do Hội Văn nghệ mở ở Lăng Cô… Một câu chuyện tôi nghe từ hồi đi thực tế lâm trường Bố Trạch bỗng “sống lại”: Một nhân viên kiểm lâm bị lâm tặc bắt trói trong rừng với một thanh gỗ dài cột suốt hai cánh tay giang ra, tựa như một “cây thập giá sống”! Cách trả thù độc đáo này của bọn lâm tặc kích thích trí tưởng tượng trong tôi, nó như là cái nút kéo theo một chùm dây – những chi tiết thu lượm trong các chuyến đi thực tế và cả trên mặt báo, câu chuyện thương tâm về một cô gái ở quê bị “hư thai”, một số người lại bảo vì chồng là kiểm lâm đối xử ác với kẻ phá rừng, cả hình ảnh diễn viên xiếc thân thiết với hổ dữ… – tất cả kết lại thành một cốt truyện khá hấp dẫn, vừa có tính thời sự, vừa chuyển tải được những thông điệp đậm chất nhân văn. Vài dòng tóm tắt một mạch chuyện trong tiểu thuyết, bạn sẽ hình dung được phần nào:
…Trong khi kiểm lâm viên Đức bị lâm tặc trói trong rừng sâu, đói khát kiệt quệ, đồng đội, thủ trưởng của Đức vẫn mải mê lo chuyện “đi đêm” với lãnh đạo địa phương để tiêu thụ gỗ lậu, dụ dỗ vợ của Đức, thậm chí định giết Đức để phi tang, bịt đầu mối, thì một con hổ không quên ơn cứu mạng của Đức hồi anh còn là lính Trường Sơn, đã đến giải cứu cho Đức…
Tiến sĩ Trần Huyền Sâm trong bài bình về tác phẩm này đăng báo Văn Ng- hệ đã lấy nhan đề là “Một lời nói tối hậu với con người.” Quả là khi con người tha hóa, mất nhân tính, ác hơn cả loài hổ báo, thì phải lên tiếng cảnh báo khẩn cấp. Thông điệp cảnh báo đối với con người không chỉ qua vụ một kiểm lâm viên bị hạ sát; bọn lâm tặc phá rừng đã dẫn đến tội ác phá hủy môi trường và sự cân bằng sinh thái mà tạo hóa đã thiết lập qua hàng ngàn năm. Đức được con hổ cứu sống, nhưng anh đã hy sinh trong một trận lũ khủng khiếp, khi xông vào cứu một lớp mẫu giáo, trong đó có đứa con vô tội của vợ anh (cô mang thai chính trong lúc Đức bị trói trong rừng, với chính cái tên định giết anh để bịt đầu mối!)…
Nói đến mối liên hệ giữa thực tế với sáng tác của nhà văn, có lẽ cũng nên kể thêm chi tiết này: Trong tiểu thuyết, khi bọn lâm tặc bị công an bao vây, tôi “bố trí” anh nhà báo (bạn học với Đức hồi phổ thông) đi theo và… “hư cấu” (hay là bịa) ra cảnh anh nhà báo bị lâm tặc dùng sào đâm mù mắt. Sau khi sách phát hành một thời gian, trên báo Lao Động có bài tường thuật một cuộc vây bắt lâm tặc với chi tiết một người bị chúng đâm mù mắt, như là “cóp-pi” từ tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu vậy!
Hẳn là có bạn văn sẽ cười khi tôi kể những chuyện này, vì thiếu gì các cây bút “cách tân” được không ít nhà phê bình ngợi khen mà chẳng cần chi đi thực tế. Đó là chưa kể những nhà văn viết chuyện khoa học viễn tưởng. Với những cây bút hiện đại này, tôi xin cúi đầu bái phục. Cho dù vậy, kể chuyện “đường đến văn chương” của chính mình thì phải chân thực. Tôi nghĩ là có lẽ không vô ích, vì ít ra, nếu thấy đây là “con đường” lạc hậu và sai lầm, thì các bạn đồng nghiệp trẻ cũng như ai có ý định làm văn sẽ tránh đi…
(Nguồn: TCSH 10-2016)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét