Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Tàu sân bay Liêu Ninh bất ngờ lộ diện bằng thông báo bất thường: Biển Đông "dậy sóng"?


Hải Võ
Tàu sân bay Liêu Ninh bất ngờ lộ diện bằng thông báo bất thường: Biển Đông "dậy sóng"?

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hôm 23/12 cùng một số tàu khu trục, nhiều máy bay J-15 và trực thăng tham gia huấn luyện, hoàn thiện phối hợp tác chiến trên biển Hoàng Hải.

Thông báo "bất thường" về hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh
Trong thông báo về cuộc tập luyện của tàu Liêu Ninh được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải tối muộn ngày 23, tờ Thời báo Hoàn Cầu chỉ ra hai điểm "bất thường".
Thứ nhất là Ủy viên Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã trực tiếp lên tàu sân bay để giám sát. Đây là điều chưa có tiền lệ ở Trung Quốc, hé lộ khả năng thực chiến của tàu Liêu Ninh "đã đạt tới tiêu chuẩn tương đối cao".
Thứ hai là báo cáo chỉ ra "bước tiếp theo, biên đội tàu Liêu Ninh sẽ theo kế hoạch triển khai tập luyện, thử nghiệm xuyên các vùng biển". Theo Hoàn Cầu, kế hoạch huấn luyện "xuyên biển" sẽ diễn ra từ Hoàng Hải, Bột Hải tới biển Hoa Đông và biển Đông.
Lý Kiệt, chuyên gia về tàu sân bay của Trung Quốc, trả lời Hoàn Cầu ngày 24 đánh giá, khu vực biển Đông có điều kiện khí hậu tốt, nhiệt độ khá cao, diện tích mặt biển lớn, độ sâu bình quân 1.200 m, rất có lợi cho hoạt động huấn luyện của các lực lượng quân sự.
"Động thái ngày 23/12 cho thấy [biên đội tàu Liêu Ninh] muốn tiến hành một cuộc tâp trận xuyên biển quy mô lớn vào đúng thời gian chuyển giao giữa hai năm. Và biển Đông là địa điểm lý tưởng," ông Lý nói.
Nếu suy đoán của Lý Kiệt chính xác, đây sẽ lần thứ hai kể từ khi đi vào phục vụ, tàu sân bay Liêu Ninh được đưa tới biển Đông để tiến hành hoạt động huấn luyện quân sự và nghiên cứu.
Tàu sân bay Liêu Ninh bất ngờ lộ diện bằng thông báo bất thường: Biển Đông dậy sóng? - Ảnh 1.
Tàu sân bay Liêu Ninh tham gia huấn luyện trên Hoàng Hải ngày 23/12/2016 (Ảnh: 81.cn)
Thời điểm nhạy cảm
Hoạt động ngày 23/12 của Liêu Ninh nhận được sự quan tâm lớn không chỉ bởi nó là tàu sân bay đầu tiên của quân đội Trung Quốc, hay lần đầu huấn luyện chung với một biên đội tác chiến, mà còn là một tín hiệu ở biển Đông.
3 ngày trước lần gần đây nhất tàu sân bay này tới biển Đông (26/11/2013), Trung Quốc đã tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Động thái bị dư luận quốc tế cho là lời đe dọa của Bắc Kinh nhằm vào các đối thủ.
Một điều trùng hợp khác là thời điểm ra mắt lần này của tàu Liêu Ninh cũng mang lại cho giới quan sát quốc tế đầy đủ "không gian suy diễn". Chỉ hơn 1 tuần trước, Mỹ đã trao công hàm phản đối tàu Hải quân Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) từ tàu khảo sát biển của Hải quân Mỹ ngày 15/12.
Dù Bắc Kinh khẳng định đã "trao trả êm xuôi" chiếc UUV này cho phía Mỹ vào ngày 20/12, nhưng vụ việc bị phương Tây cho là màn phô trương sức mạnh và quyền lực của Bắc Kinh ở biển Đông.
Đồng thời, chính phủ Trung Quốcbị cho là tỏ thái độ cứng rắn nhằm cảnh cáo chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump "hành động cẩn thận", trong khi mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung trên biển Đông leo thang.
Tàu sân bay Liêu Ninh bất ngờ lộ diện bằng thông báo bất thường: Biển Đông dậy sóng? - Ảnh 2.
Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi lên tàu Liêu Ninh giám sát cuộc tập luyện ngày 23/12. (Ảnh: Sina)
"Sóng ngầm" ở biển Đông?
Hoàn Cầu bình luận, chính phủ Trung Quốc đã dùng một thông báo "bình thường" ở mức có thể để công bố hoạt động huấn luyện của tàu Liêu Ninh ngày 23, nhằm tránh cho phương Tây có ấn tượng "Trung Quốc thách thức".
Bên cạnh đó, việc khẳng định "kế hoạch huấn luyện thường niên của quân đội Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi 'sự cố' UUV Mỹ" là một cách để nói với Washington rằng "chúng tôi rất cứng rắn".
Chuyên gia Lý Kiệt nói: "[Tàu Liêu Ninh tới biển Đông] ở một mức độ nào đó chính là tín hiệu gửi đến các bên khiêu khích Trung Quốc. Trong vụ việc UUV Mỹ, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí trao trả thiết bị cho Mỹ, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh e sợ hay mềm yếu."
"Tàu sân bay là tượng trưng cho sức mạnh hải quân và năng lực tổng hợp của một quốc gia. Nó đại diện cho sức đe dọa.
Không cần nghi ngờ rằng việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới biển Đông huấn luyện chính là quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích bất khả xâm phạm (mà Bắc Kinh áp đặt trái phép-PV) của Trung Quốc tại các đảo đá trên biển Đông," ông Lý ngang ngược tuyên bố.
"Trong vai trò sức mạnh bảo vệ và chiến đấu trên biển được hiện đại hóa, tàu sân bay có thể đối phó với nhiều vấn đề. Nếu các nước khác dám sử dụng vũ lực thì Trung Quốc đều có thể chống lại, dù là trên/dưới mặt nước hay trên không," Lý Kiệt tuyên bố.
Sự lộ diện của tàu sân bay Liêu Ninh vào thời điểm nhạy cảm này cũng khơi dậy một làn sóng mới những suy luận xoay quanh tình hình biển Đông.
Đầu tiên là ngày 8/12, các máy bay ném bom chiến lược H-6K của Mỹ bay dọc theo "đường 9 đoạn", mà Bắc Kinh dùng để áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông, nhằm cảnh cáo ông Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Ngày 13/12, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Mỹ đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã lắp đặt các hệ thống phòng không trên 7 đảo nhân tạo xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, làm dấy lên thông tin Bắc Kinh đẩy mạnh quân sự hóa trái phép.
Sau khi Bắc Kinh trao trả UUV cho Mỹ ngày 20, Lầu Năm Góc đã cứng rắn tuyên bố hành động "thu giữ" thiết bị lặn là "phi pháp" và yêu cầu Trung Quốc "tuân thủ luật quốc tế".
Mới đây nhất, Fox News ngày 23/12 cho hay, các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai (trái phép) thêm các hệ thống tên lửa phòng không CSA-6b và HQ-9 từ đảo Hải Nam tới các đảo nhân tạo xây phi pháp trên biển Đông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: