Sarah Rainsford
Bao phủ bởi những lớp tuyết dày, ngôi làng Privolnoye là một nơi yên tĩnh xa rời trung tâm quyền lực.
Nhưng đây chính là nơi Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết, từng sinh sống. 25 năm sau ngày Xô Viết sụp đổ, di sản do ông để lại vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
“Thật xấu hổ cho Privolnoye khi là nơi đã sản sinh ra người đàn ông đó”, tài xế taxi Andrei càu nhàu khi được chúng tôi yêu cầu đưa đến làng Privolnoye.
Như nhiều người Nga, Andrei cho rằng Gorbachev là người phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
Nhưng ở làng Privolnoye, nhiều người vẫn dành những lời trìu mến cho ông, người được phương Tây ngưỡng mộ vì đã kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh mà không cần đổ máu.
“Chúng tôi tự hào vì biết ông ấy”
Tôi gặp Raisa Kopeykina khi bà đang gạt tuyết khỏi căn nhà xây bằng đá của mình, ngay trên con phố có ngôi trường tiểu học mà chính bà và Mikhail Gorbachev cùng theo học.
Raisa sau này trở thành giáo viên môn hóa học, trong khi cậu bé xuất thân từ nhà nông mà bà biết dưới cái tên Misha, đã leo lên hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô.
“Cậu ấy là một người đơn giản và dễ gần, sinh ra từ một ngôi làng bình thường. Và rồi cậu ta trở thành Tổng bí thư ngay trước mắt chúng tôi,” Raisa hào hứng cho tôi xem rất nhiều bức ảnh từ thời niên thiếu của mình để trên bàn.
“Cậu ấy là người rất thông minh và chúng tôi tự hào vì từng sống và làm việc cùng Gorbachev”, bà nói.
Vào ngày 25/12/1991, Raisa còn nhớ mình đã lo lắng rất nhiều khi thấy người bạn học cũ tuyên bố từ nhiệm trên vô tuyến truyền hình.
Liên bang Xô Viết chính thức tan rã vào ngày hôm sau.
Vẫn còn nhiều kỉ vật thời kỳ Xô Viết hiện hữu tại ngôi làng Privolnoye.
Một bức tượng Lenin bằng đá dựng ngay bên ngoài Nhà Văn hóa. Nhưng bên cạnh đó là một nhà thờ Chính thống Nga, do chính Gorbachev tài trợ mặc dù ông từng lãnh đạo một đất nước theo đường lối vô thần.
Tự do tôn giáo
Bên trong nhà thờ là tranh thờ Đức mẹ Kazan, cũng do Gorbachev đóng góp cho làng.
“Tôi đã được rửa tội một cách bí mật, không ai biết điều này,” người trông nom nhà thờ, ông Viktor Kudrin nhớ lại, trước khi kể lại quá trình thay đổi sau này.
“Lý do thầy tu không còn ở đây nữa là vì đã có các nhà thờ mới ở ngôi làng bên cạnh và cả ngôi làng kế đó nữa,” ông Kudrin nói với tôi.
“Thực sự là có nhiều nhu cầu, song chúng tôi không kịp đào tạo thêm các thày tu”.
Bên trong Nhà Văn hóa, một vài người dân làng lớn tuổi cũng rất vui vẻ vì giờ đây họ có thể tự do thờ cúng.
Một người phụ nữ nhớ rõ ngày một người Mỹ đầu tiên đến thăm nhà thờ, mang theo quyển Kinh thánh.
Anh hùng bất đắc dĩ
Phần lớn người dân làng Privolnoye ủng hộ việc cải tổ kinh tế do ông Gorbachev khởi xướng, mà nhờ có những chính sách đó, nông trại của họ trở nên năng suất và sinh lời nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi nhắc đến việc Liên Xô tan rã, đến những người trung thành nhất ở làng Privolnoye cũng có những cảm xúc lẫn lộn.
“Dĩ nhiên là Mikhail Gorbachev đã làm rất nhiều điều cho ngôi làng này”, một người đàn ông nói với tôi khi uống trà và ăn bánh.
“Nhưng về việc Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì chúng tôi rất thất vọng”.
Ở ngôi làng này còn có một viện bảo tàng nho nhỏ, nơi người đàn ông nổi tiếng nhất Privolnoye được vinh danh.
Trong bảo tàng, bên dưới bức ảnh của Mikhail Gorbachev có dòng ghi chú, ông là người lãnh đạo đầu tiên mà người Nga có thể công khai phản đối.
“Suy nghĩ khác biệt chấm dứt tội ác,” dòng chữ chú thích và cũng đề cập đến việc phục hồi cho tù chính trị.
Nuối tiếc quá khứ vàng son
Tuy nhiên, chính sách cải tổ sâu sắc do Gorbachev đề ra, cuối cùng đã phá đổ nền tảng Liên bang Xô Viết, và ngày càng có nhiều người Nga cảm thấy hối tiếc về điều đó.
Một cuộc điều tra vào tháng này của viện nghiên cứu độc lập Levada, đã đưa ra con số 56% số người nuối tiếc Liên bang Xô Viết.
Vào đầu tuần này, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin cũng nói, Tổng thống vẫn cho rằng việc Liên Xô sụp đổ là một thảm họa.
Đây là sự kết thúc của một siêu cường, và nhiều người Nga vẫn cảm thấy khó khăn khi đối diện việc mất đi danh nghĩa này kể từ đó.
“Nước Đức đã thống nhất, trong khi đất nước chúng tôi lại tan rã,” một người về hưu có tên Nikolai nói với tôi.
“Đó là sai lầm của những người lãnh đạo. Đáng ra họ phải cứu vãn tình thế.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét