(Libération 23/12/2016) Tổng thống Nga và đồng nhiệm Mỹ tương lai đều tuyên bố muốn tăng cường kho vũ khí nguyên tử. Chỉ là đòn gió hay ý đồ thực sự ?
Lại thêm một tin không vui, để khép lại năm 2016 đầy khủng khiếp : một cuộc đua máu lạnh giữa hai đỉnh cao quyền lực của hành tinh. Ai sẽ sở hữu lực lượng nguyên tử mạnh nhất, Donald Trump hay Vladimir Putin ?
Lần lượt, hôm thứ Năm 22/12 và thứ Sáu 23/12, ông Putin rồi đến ông Trump đưa ra những tuyên bố chẳng khác vào thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, khẳng định muốn tăng cường năng lực trong lãnh vực này, chỉ vì người kia đã khởi động ! Cần nhắc lại, hiện nay Hoa Kỳ sở hữu khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân, ít hơn Nga chừng vài trăm.
Tổng thống Nga muốn trang bị cho quân đội các phương tiện để chọc thủng lá chắn chống tên lửa mà Washington muốn triển khai tại Rumani và Ba Lan. Về phía ông Trump không đưa ra bất kỳ chiến lược nào, chỉ là một tweet đơn giản, nhưng cũng không làm an tâm hơn chút nào. Như vậy đây chỉ là đòn gió hay là ý đồ thực sự ?
Ông Trump không cần phải nỗ lực thêm
Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược, chuyên về vũ khí nguyên tử giải thích với Libération : « Có một sự khác biệt lớn giữa đôi bên. Putin đã tuyên bố không biết bao nhiêu lần về việc tăng cường năng lực của Nga. Thêm một lần nữa, ông ta nêu ra hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu để biện hộ. Nhưng lý lẽ này không đứng vững vì hệ thống trên không thể chặn các hỏa tiễn tầm xa của Nga, mà được chế tạo để ngăn chận các hỏa tiễn từ phía Nam, chủ yếu từ Iran.
Điều mà Putin không nói ra, là nếu việc hiện đại hóa này nhắm vào kho vũ khí nguyên tử nói chung, hay các loại vũ khí tầm trung và tầm ngắn, thì sẽ đi ngược lại với các cam kết quốc tế của Nga. Còn các tuyên bố của ông Trump cho thấy ông được tự do hành động. Quan điểm của Trump được phát ngôn viên của ông nói rõ là « peace through strength » - hòa bình thông qua sức mạnh, một khái niệm rất là Reagan ».
Chi phí là yếu tố quan trọng để cân nhắc. Để tham khảo, chương trình hiện đại hóa của Lầu Năm Góc dành cho ba thành phần của kho vũ khí nguyên tử (hỏa tiễn liên lục địa, tàu ngầm và oanh tạc cơ chiến lược) được ước tính tiêu tốn khoảng 1.000 tỉ đô la trong vòng ba mươi năm. Nhưng những tỉ đô la này ông làm cho Donald Trump phải chùn tay – theo logic, ông sẽ tham gia câu lạc bộ các nhà lãnh đạo gia tăng ngân sách quốc phòng, trong khi trước đây ông Barack Obama không muốn.
Chuyên gia Tertrais kết luận : « Tất cả cho thấy rằng ông Trump, ngược với những gì người ta nói, có thể là một tổng thống gây khó khăn cho ông Putin. Tổng thống Nga coi đồng nhiệm tương lai như một người dễ điều khiển. Trên thực tế, ông Trump là một người không dễ nắn gân ».
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét