Giang mai, ung thư, động kinh, lao, phong - đây đều là những loại bệnh bị hiểu lầm trong quá khứ.
Y học ngày nay phải thừa nhận rằng đã có chuyển biến rất tích cực, giúp cho những căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa trở nên cực kỳ nhẹ nhàng.
Nhưng ít ai biết rằng, những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay được đúc kết từ vô vàn thất bại, trong đó có cả sai lầm tai hại, gây nên nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh và gia đình họ.
1. Giang mai
600 năm về trước, Chistopher Columbus và thủy thủ đoàn đã mang căn bệnh này đến châu Âu.
Điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy chính là nó lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, các cơ quan và tổ chức quyền lực lúc bấy giờ đều cho rằng phụ nữ chính là nguyên nhân gây lan truyền căn bệnh, đặc biệt là những người phụ nữ đang phải làm nghề "mua vui" cho thiên hạ - hay còn gọi là gái làng chơi.
Quan niệm sai lầm này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tìm ra cách chữa bệnh, khi nhiều nhà nghiên cứu gần như mặc định nó là đúng.
Với hi vọng căn bệnh sẽ được chữa tương tự như thủy đậu, vào giữa thế kỷ 19, các bác sĩ đã truyền bệnh giang mai cho những cô gái gọi, cho rằng họ sẽ tự hình thành được kháng thể chống lại căn bệnh.
Thậm chí đến tận thế kỉ 20, cả châu Âu lẫn châu Mỹ vẫn giữ quan niệm sai lầm này khi tuyên truyền với cộng đồng. Các "chuyên gia" thời đó còn đưa ra khuyến cáo với phụ nữ trong ngành công nghiệp tình dục rằng hãy cố gắng "sống sạch sẽ". Trong khi họ không hề khuyên nam giới – những người tìm kiếm đến dịch vụ của họ - điều tương tự.
2. Ung thư
Một trong những căn bệnh nan y đến bây giờ vẫn chưa có thuốc chữa cũng góp mặt trong danh sách này. Đó chính là ung thư.
Từ thời Hi Lạp cổ đại, các quy định khắt khe của tôn giáo đã cấm thí nghiệm trên cơ thể người chết. Điều này cùng với sự thiếu thốn trang thiết bị như kính hiển vi đã khiến cho con người có một cái nhìn khá mù mờ về những gì diễn ra bên trong cơ thể.
Sự thiếu hiểu biết này đã khiến cho vị bác sĩ Hi Lạp cổ đại Hippocrates – cha đẻ của ngành y – cho rằng nguyên nhân của ung thư là do dịch cơ thể có chất lượng kém.
Dịch cơ thể gồm 4 loại chất dịch cơ bản: máu, đờm, mật vàng và mật đen. Theo Hippocrates, nhiều mật đen trong cơ thể sẽ gây ung thư.
Giả thuyết sai lầm này còn tiếp diễn đến tận thế kỉ 18. Tuy nhiên vào thế kỉ 19, với sự xuất hiện của kính hiển vi, các nhà khoa học đã bắt đầu có thể hiểu được phần nào cơ chế và bản chất thực sự của ung thư. Nhờ vậy, chúng ta mới bắt đầu dốc sức tìm kiếm phương thuốc làm chậm diễn biến của căn bệnh đáng sợ này.
3. Động kinh
Cũng như ung thư, động kinh đã tồn tại trong xã hội con người từ thời cổ đại. Động kinh có thể xảy ra với bất kì ai, và được lí giải bằng nhiều cách khác nhau.
Có điều vào thời xưa, quan niệm của mọi người về động kinh đều là do người bệnh bị quỷ ám. Sự hiểu nhầm này thậm chí còn có trước cả khi Kinh Thánh ra đời, nó xuất hiện cùng với người Babylon, Hi Lạp và La Mã cổ đại.
Cách chữa bệnh thời xưa còn oái oăm không kém. Người La Mã cho rằng người bệnh sẽ hết động kinh khi được uống máu của những đấu sĩ trong đấu trường và ăn thịt xác chết. Ngoài ra còn có những buổi lễ trừ tà với hy vọng những thầy pháp sẽ đuổi được con quỷ có trong người bệnh.
Sự hiểu nhầm này đã khiến cho các bệnh nhân động kinh và gia đình của họ bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ và gây nên những hậu quả đáng tiếc trong suốt nhiều thế kỉ.
4. Bệnh lao
Theo các nhà khoa học của thế kỉ 19, bệnh lao bùng phát là do sự đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra quá nhanh. Họ cho rằng đường phố đông đúc và ô nhiễm khiến cho con người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp (trong khi sự thật là mãi đến tận sau này, họ mới biết nguyên nhân của bệnh lao là do vi khuẩn Tubercle bacillus).
Hiểu lầm này đã khiến cho cả một thời kỳ con người phải sống trong nỗi khiếp sợ, bởi rác và chất thải đô thị có ở khắp mọi nơi.
Một giả thuyết khác từ một bác sĩ người Pháp thì cho rằng những loại bệnh như lao phổi là do bản chất của con người, và chỉ xuất hiện ở một số vùng lãnh thổ nhất định.
Trên thực tế, cuộc sống đô thị làm cho con người dễ bị nhiễm lao phổi hơn, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Đô thị chỉ làm cho con người tiếp xúc nhiều với vi khuẩn, và vi khuẩn mới chính là tác nhân gây bệnh lao phổi.
Giới khoa học không mất nhiều thời gian để giải thích nguyên nhân chính xác của sự truyền nhiễm của bệnh lao. Sự hiểu biết cùng với sự cải thiện tình trạng vệ sinh đô thị đã khiến cho số ca nhiễm bệnh giảm đáng kể.
Ngoài ra, sự xuất hiện của kháng sinh penicillin cũng góp phần lớn vào việc xóa sổ căn bệnh này vào thế kỉ 20.
5. Bệnh phong
Bệnh phong (cùi, hủi...) có thể được coi là một trong những bệnh bị hiểu nhầm tai hại nhất trong lịch sử. Cũng như nhiều loại bệnh tật trước nó, nền khoa học đương thời cho rằng đó là một sự trừng phạt của Chúa trời đối với con người.
Bệnh nhân phong thường bị xa lánh, cô lập và bị gửi đến "trại phong", nơi mà họ phải sống ngày những cuối cùng của cuộc đời trong sự cô lập từ xã hội.
Tuy nhiên, bệnh phong này hơi khác so với những căn bệnh khác. Ngay cả sau khi nguyên nhân căn bệnh được làm rõ, những hiểu lầm vẫn được duy trì khá lâu sau này, bởi vì con người quá sợ bị nhiễm bệnh.
Những ngôi làng ở châu Âu đã dùng chuông để báo hiệu khi có một người bị bệnh phong ở gần để họ có thể tránh xa khỏi đường đi của người đó. Và bệnh nhân phải bị gửi đến những nơi biệt lập để sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình trong sự xa lánh và sợ hãi của mọi người.
Bệnh phong thực chất bắt nguồn từ con tatu, không phải từ con người, và khoảng 95% dân số có miễn dịch tự nhiên với bệnh này. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn gây nhiễm mới cho khoảng 250000 người mỗi năm và gây những biến chứng nặng nề như mù và hoại tử chi.
Nguồn: All that is interesting
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét