Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

TNXP


Mấy cái ký tự viết tắt này để chỉ cụm từ “thanh niên xung phong”. Cũng là một thứ danh hiệu, tên gọi của một lực lượng xã hội trong cái thời đại mà các nhà cai trị gọi là thời cách mạng.

Có vài bạn vừa bảo rằng TNXP là lực lương do ông Võ Văn Kiệt tổ chức, lập ra năm 1976, theo tôi hơi bị nhầm lẫn. Ông Kiệt lúc ấy với chức vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận ra rằng trước mắt còn quá nhiều việc phải làm, nhất là cải tạo kinh tế, khai hoang phục hóa, thậm chí phá rừng lấy gỗ, nên đã tổ chức đám thanh niên đang ngơ ngác thời hậu chiến lại, truyền lý tưởng cho họ, giao nhiệm vụ cho họ, gọi là lực lượng TNXP TP.HCM. Phải công nhận, TNXP của ông Kiệt, vốn xuất thân từ giới trẻ Sài Gòn, mà rất nhiều trong đó là sinh viên, học sinh đang trong ngã rẽ cuộc đời, là con em công chức “ngụy quân ngụy quyền” có trình độ, học thức cao, đã làm vẻ vang cho tên gọi mà họ mang: TNXP. Thời những năm đầu hậu chiến, TNXP tượng trưng cho sức trẻ, nhiệt tình, sự hăng hái, quên mình, chịu khó chịu khổ, đi đầu, vẻ đẹp trong sáng. Đó là thứ danh hiệu một thời rất đẹp.

Nhưng tên gọi này, lực lượng này thực ra không phải bắt đầu từ thời ông Kiệt. Nó có từ hồi kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh bộ đội và dân công hỏa tuyến, thời chống Pháp đã có TNXP. Cụ Hồ năm 1950 gặp TNXP ở Bắc Cạn đã khen họ “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Đó là cụ trò chuyện, khen ngợi TNXP chứ không phải với tuổi trẻ nói chung, sau này người ta cứ vống lên vơ vào cho đoàn thanh niên, thực ra đó là của riêng TNXP.

Thời đánh nhau với Mỹ thì TNXP là lực lượng quan trọng, cực kỳ quan trọng là khác, chỉ đứng sau bộ đội. Thôi, tôi cũng chả cần diễn giải ra nhiều bởi hầu như ai cũng biết. Chỉ nhấn mạnh rằng thời này đàn ông đàn ang, nam thanh niên vào lính gần hết rồi nên TNXP chủ yếu là đàn bà con gái. Sự nghiệp, việc làm, đóng góp, hy sinh của những cô gái này, nếu có viết thành tiểu thuyết sử thi dày trăm tập cũng chưa kể hết. Điều đáng buồn là, cái hội nhà văn suốt gần nửa thế kỷ hậu chiến gần như chả mấy đoái hoài đến họ, không có lấy được tác phẩm ra hồn về những Jeanne d'Arc Việt Nam này, trong khi lúc nào cũng ra rả đòi vươn lên ngang tầm thời đại. Tôi có ông bạn là nhà văn có thẻ hội trung ương đàng hoàng bảo với tôi, mày thông cảm, chúng tao chỉ là lũ ăn hại, vô tích sự, chúng tao chỉ giỏi nổ, chỉ vênh với cái danh hiệu hão thôi.

Tham gia chiến tranh và hậu chiến, nếu đàn ông chịu mất mát hy sinh một thì đàn bà chịu bi kịch tang thương gấp 10 lần, đủ mọi mặt. Những nông trường đầy ắp nữ TNXP như kiểu Sông Bôi (Hòa Bình), Quỳ Hợp (Nghệ An), hay những vùng quê nhan nhản đàn bà quá lứa lỡ thì không chồng ở Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên... sau 1975 như nấm mồ xanh chôn vùi dần tuổi xuân, khao khát hạnh phúc của họ, những cô gái Trường Sơn năm nào, chỉ là phần nhỏ trong tấn bi kịch vĩ đại ấy.

Tôi có những kỷ niệm nhỏ với TNXP. Từ năm 1977 tôi dạy học tại Sài Gòn, Trường Dự bị đại học TP.HCM (lúc ấy gọi là Dự bị đại học Tiền Giang bởi tiếp thu cơ sở chính của Viện đại học cộng đồng Tiền Giang). Năm 1978, thầy trò kéo nhau lên Củ Chi cả tuần cùng lực lượng TNXP tham gia đào kênh Đông. Các anh chị Đoàn trường như Lê Thành Thượng, Đái Phụng Thời, Đoàn Ái Thơ và đám giáo viên trẻ chúng tôi cũng như các sinh viên ở ngay sát lán trại của một liên đội TNXP. Họ làm việc vất vả mà hăng say, yêu đời lắm. Ngày làm mệt mỏi thế nhưng đêm nào cũng đàn ca hát xướng tưng bừng, nhất là những bài hát Liên Xô đang thịnh hành lúc bấy giờ, như “lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ…”. Thầy trò chúng tôi rất yêu mến, kính phục họ.

Trong lớp tôi dạy, có những sinh viên vốn từ TNXP về đi học. Năm học 1979-1980 có cậu trai là Thanh Phong (tôi quên họ), chung lớp với bạn Đinh Thúy Nga (sau này về công tác tại báo Tuổi Trẻ, chắc Nga còn nhớ), nhà ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5. Phong cao lớn, đẹp trai, hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, học giỏi, rất thạo tiếng Pháp, ai cũng quý. Phong là con một công chức hạng trung của chính quyền cũ, ba đi cải tạo, Phong phải tự làm mới lý lịch của mình bằng việc tham gia lực lượng TNXP, chứ không thì chả bao giờ ngóc đầu lên được. Y tâm sự với tôi vậy. Gần Phong, tôi hiểu ra một điều, con cái công chức chính quyền cũ được dạy dỗ rất bài bản, nền tảng, họ rất giỏi, có nhiều thứ mình tuy là thầy họ nhưng thực ra kém họ rất nhiều. Sau này, tôi cũng không biết tốt nghiệp đại học Phong có về lại TNXP không, hay là cũng theo gia đình vượt biên như nhiều gia đình dạng vậy trong nhưng năm sóng gió nhất là cuối 70 đầu 80.

Một anh nữa là Đoàn Xuân Hải. Y học tôi khóa 1982-1983, chỉ kém tôi vài tuổi. Cũng như Phong, y là con công chức chế độ cũ. Gia đình trước 1975 rất khá giả, đùng một cái gần như mất hết. Y vào TNXP để làm lại cuộc đời, có nhiều tài lẻ, viết lách tốt, làm báo Tuyến đầu, rồi thi đại học, vào học dự bị. Y vui tính, hiểu biết rộng, chơi với bạn bè chí tình chí nghĩa. Sau này trời đất run rủi thế nào, tôi lại cùng công tác với y ở báo Thanh Niên, là cấp dưới của y. Nhưng y vẫn đúng mực, một điều thầy hai điều thầy, rất đáng nể. Mỗi lần bên lực lượng TNXP làm lễ kỷ niệm ngày truyền thống, y dự đầy đủ, chả bỏ lần nào, chơi với toàn dân TNXP sừng sỏ như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Bùi Chí Vinh, Lã Văn Cường… Lúc nào y cũng rất tự hào về TNXP và đồng đội. Tôi rất quý y.

Tôi nhớ lại những điều về TNXP và biên ra đây bởi lực lượng này đã có những năm tháng và con người tuyệt đẹp, khi tôi bất giác nhìn thấy bộ mặt hung ác, đằng đằng sát khí, hành vi tàn ác kẹp cổ đánh người của những người khoác màu áo xanh lực lượng TNXP hôm chủ nhật vừa rồi ở Sài Gòn. Một danh hiệu đã bị bôi bẩn, do chính thế hệ kế tiếp lực lượng này, hay do một thế lực nào khác tạo ra? Đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: