Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

"Tôi đang diễn vai một người dân thất bại, không làm được gì để giúp những nhà lãnh đạo nước mình".

Hồi ức nào sống dậy cùng ngày 22-5-2016?

       Đó là ngày Chủ Nhật thứ tư của tháng Năm năm nay. Ba Chủ Nhật trước ghi nhận sự nóng bức bằng ba cuộc biểu tình vì môi trường. Ngày 22-5 không có biểu tình, vì cuộc biểu tình ngày 15-5 đã bị chính quyền ngăn chặn quyết liệt, và chắc chắn chính quyền còn quyết liệt hơn nữa để bảo vệ sự bình yên dù chỉ là bề ngoài cho ngày 22-5, bởi ngày đó có một sự kiện mà xưa nay tôi vốn không quan tâm.
       
       Nhưng năm nay tôi chẳng còn cơ hội để thờ ơ nữa, dù tôi vẫn không tham gia vào sự kiện quái gở ấy. Buổi sáng, vào lúc 8h45’ anh bạn vong niên đã xuất hiện trước cửa nhà tôi, như vậy là trễ so với hẹn mất 15 phút. “Tại vì anh còn phải đi bầu cử cho xong trước khi chạy qua đây.” Anh phân trần. Nhà anh ở quận Bình Thạnh, còn tôi ở quận 8.
       
       Ngày 22-5 là ngày bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, hình như là 5 năm một lần. Tôi nói “hình như”, vì sự thật tôi không biết rõ. Tôi chưa đi bầu cử bao giờ mặc dù có quyền bầu cử từ 22 năm nay. Năm nay là năm thứ tư tôi không còn sinh hoạt trong các trường học hay các cơ quan do nhà nước quản lý. Tối hôm 21-5 bố tôi từ ngoài Bắc gọi điện hỏi tôi đã được đăng ký bầu cử trong này chưa. “Bố đừng bầu hộ con.” Tôi đáp.“Bầu hộ là vi phạm pháp luật đấy.” Tôi không trả lời bố tôi về chuyện tôi có là cử tri ở Sài Gòn hay không. Tôi là người thường xuyên “tạm trú”. Tôi đang tạm trú ở Sài Gòn và không thấy ai đến vận động mình đi bầu cử. Lần bầu cử duy nhất còn lờ mờ trong ký ức của tôi là thời tôi còn sinh viên, khi ấy tôi đang ở quê chứ không ở trường, hình như là nghỉ hè. Khi trở lại trường, tôi nghe nói đã có bầu cử và người ta đã bầu hộ cho tôi…
       
       Mặc dù cờ đỏ treo rợp đường và chiếc xe gắn loa phát thanh thông báo về ngày bầu cử đã chạy qua ngõ nhà tôi từ hôm trước, nhưng bạn tôi đến đón tôi không phải để đi bầu cử, mà là để cùng anh ấy đi thăm điện Ngọc Hoàng. Chúng tôi không thể làm ngơ như không biết chuyện đêm 22-5 tổng thống Mỹ Obama sẽ có mặt ở Việt Nam, sau thời gian làm việc ở Hà Nội, chiều 24-5 ông ấy sẽ đến Sài Gòn, nơi ông ghé thăm đầu tiên ở đây là điện Ngọc Hoàng tức chùa Phước Hải. Anh bạn tôi xưa nay chẳng quan tâm đến chùa chiền, nên dù chùa này rất gần nhà anh (tuy khác quận) mà anh vẫn chưa từng đến. Và anh muốn tôi cùng đến đó trước Obama.

       Tôi cũng không phải nhà nghiên cứu chùa chiền hay nghiên cứu tôn giáo. Tôi quan tâm đến chuyện bầu cử vì anh bạn tôi vừa đi bầu xong. Lần đầu tiên có người để tôi hỏi kỹ hơn về chuyện này. Tôi hỏi anh có biết những người được đề cử trong phiếu mà anh phải bầu không, anh nói tổ trưởng dân phố hôm trước có đem đến cho anh những tờ trích ngang lý lịch của họ, đáng lẽ là 20 tờ, nhưng vì hết nên anh chỉ được đưa cho một nửa, còn lúc đến điểm bầu cử thấy trên tường có dán đủ các tờ, anh đến sớm và đã đọc, song tất nhiên chả thể nào chỉ nhờ đọc một trang giấy mà hiểu biết về một con người, mà đây có tới những 20 người cơ đấy, cho 4 lá phiếu.
       
        -Tại sao lại có tới 4 lá phiếu? - Tôi thắc mắc.
       - Vì bầu cho 4 cấp: cấp phường, cấp quận, cấp thành phố (tỉnh) và quốc hội. Mỗi phiếu có 5 cái tên, gạch 2 để lại 3.
       - Hả? Bầu 4 cấp một lúc, phân tích theo kiểu nào?
       - Sorry, anh không biết – Anh bạn tôi bối rối và chữa thẹn – Anh nghĩ là Einstein cũng không giải được bài toán này.
       - Thế thì anh gạch theo kiểu gì? – Tôi tò mò hỏi cho tới cùng, vì anh bạn tôi là người có tính cẩn thận, dù làm việc nhỏ cũng phải cân nhắc.
       - Theo tiêu chí thế này: Thứ nhất là anh không gạch tên phụ nữ. Thứ hai là những ai có tên “nổ” như Chiến, Đấu, Thắng, Lợi, Vĩ, Đại… thì anh gạch thẳng tay. Thứ ba là người nào mình biết chút ít qua báo chí hay thông tin trên mạng thì anh không gạch, như ông Trương Trọng Nghĩa chẳng hạn, vì những cái mình biết còn lơ mơ nên chẳng rõ họ tốt xấu thế nào, nếu gạch họ thì có thể do mình có định kiến sai lầm. Thứ tư là anh không gạch người dân tộc (ý nói thuộc thành phần dân tộc thiểu số). Bằng ấy tiêu chí rồi mà anh vẫn chưa gạch đủ 8 người nên thêm một tiêu chí nữa: ai có tên “nổi” thì anh gạch.
       
        Tôi ù cả đầu. Những tiêu chí của anh bạn tôi không ăn nhập gì với nhau, nó chỉ nói lên rằng anh có óc hài hước và giàu lòng thương cảm. Nhưng như anh nói, anh không phải là Einstein và anh chỉ có vài phút để suy nghĩ, không thể làm mất thời gian của ông khối trưởng đang chờ để hướng dẫn anh bỏ 4 cái phiếu xanh, đỏ, vàng, trắng vào đúng 4 cái thùng phiếu (màu tùy theo mỗi cấp). Ấy thế mà khi anh đang bỏ phiếu vào thùng thì ông ấy còn hỏi nhỏ: “Sao anh không bầu giùm cho người nhà luôn thể?”
       
       Người cả nghĩ như anh bạn tôi bỏ phiếu rất kém năng suất, vì theo như anh kể thì có người chỉ một phút là xong tất, cả suy nghĩ, cả gạch tên và bỏ phiếu vào thùng. Hỏi làm cách nào thì họ trả lời: “Gạch đại.” Thế cho nên tôi không nghi ngờ gì khi sau đó có những bức ảnh được tung lên mạng xã hội với hình ảnh một chiếc bàn ở điểm bầu cử có biển đề: “Bàn gạch giúp”.
       
       Chúng tôi đến điện Ngọc Hoàng ở số 73, đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1. Cổng ngoài cùng đề chữ “PHƯỚC HẢI TỰ”, nhưng ở tòa nhà chính phía trong đề tên điện Ngọc Hoàng bằng chữ Hán theo lối cổ. Màu hồng của tòa kiến trúc là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi. Người dân đến chùa dập dìu tấp nập nhưng không đến nỗi quá đông. Thổ Địa và Môn Quan canh hai bên cửa. Ở ban thờ Phật, trên bàn bên phải có một lọ hoa lan gồm hai màu tím và trắng có biển chú thích là do chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng nhân đại lễ Phật Đản. Đi qua ban thờ Phật mới vào đến ban thờ Ngọc Hoàng ở trong cùng, có Bắc Đế bên trái và Phật Chuẩn Đề bên phải, kèm theo những nhóm tượng chầu hai bên cho mỗi vị. Không khí này làm tôi liên tưởng đến những ngôi chùa trong tác phẩm “Tây Du Ký”.
       
       Ngay trước ban thờ Ngọc Hoàng, có một chiếc bàn dài đốt hương và cắm nhiều nến sáng bừng, một người đàn ông mặc thường phục áo vàng đang rót một chai nước nhỏ xuống một chiếc khay mà trên khay đó là một giá cắm nến nhiều chân. Trên bàn còn vài chai nước như vậy đang chờ được rót. Người đàn ông vừa rót nước vừa đọc lên tên tuổi những người vừa đưa chai nước đến bàn và những điều cầu xin của họ. Sức khỏe. Tình duyên. Con cái. Thi cử. Tai qua nạn khỏi…
       
       Anh bạn tôi đi lướt nhanh hơn tôi, vì anh chẳng nhìn ngắm gì nhiều, có lẽ anh chỉ cần cảm nhận không khí và được xác nhận là anh đã đến đó, nơi mà Obama hai ngày sau sẽ đến. Anh sẽ không có trong đám đông chen chúc chờ tận mắt nhìn thấy Obama, vì anh không thích những nơi quá ồn ào. Tuy vậy anh lại bỏ công nhiều hơn tôi trong việc tìm hiểu lịch sử của ngôi chùa. Đó vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế do một người Hoa lưu vong xây dựng vào đầu thế kỷ 20, tính đến nay đã hơn trăm năm. Cách đây hơn ba chục năm có một vị hòa thượng đến tiếp quản và kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rồi được đổi tên thành “Phước Hải Tự”, nhưng người dân vẫn gọi là chùa Ngọc Hoàng.
       
       Sau khi chúng tôi rời khỏi chùa và đã yên vị trong một quán cà phê nhỏ thì con trai anh bạn tôi gọi điện tới hỏi bố về thông tin cần thiết khi đi bầu cử. Anh dặn con rành mạch qua điện thoại: “Nhớ là mỗi phiếu gạch 2 bầu 3 nghen!” Không rõ là anh đã nhầm lẫn hay do ông khối trưởng hướng dẫn nhầm cho anh, vì về sau khi tôi xem những ảnh chụp phiếu bầu trên Facebook thấy ghi là được bầu 3 người chứ không phải là bắt buộc bầu 3 người trên một lá phiếu. Đây là lần đầu tiên con trai anh làm cử tri nên anh dặn dò theo thói quen cẩn thận của anh, trong khi anh biết rõ dù cậu ấy “gạch cẩn thận” như anh hay “gạch đại” như nhiều người khác thì kết quả cũng giống nhau ở chỗ chúng tôi không tin là những lá phiếu ấy có giá trị. Chẳng cuộc bầu cử nào có ý nghĩa khi các ứng cử viên và các cử tri không hiểu biết về nhau, không tiếp xúc và không đối thoại với nhau.
       
       Ký ức của anh bạn tôi về những lần bầu cử toàn dân có vẻ như chẳng rõ nét hơn của tôi được bao nhiêu, điều duy nhất anh nhớ rõ là bốn mươi năm trước khi anh còn trai trẻ, vào năm 1976, anh là tổ trưởng tổ bầu cử. Khoảng thời gian từ đó đến nay thì anh hầu như không nhớ gì về bầu cử nữa, anh cũng dùng những từ “hình như” và “có lẽ” như tôi. Có lẽ là xóm nhà anh thường đưa hết phiếu bầu cho một ông anh nào đó, rồi một mình ông ấy đi bầu giùm cho cả xóm.
       
       Hồi ức của chúng tôi trống rỗng.
       
      “Bậy rồi! Bao năm nay mình làm thế là bậy rồi, em ạ!” Anh bạn tôi than thở, anh vẫn đang nghĩ về chuyện bầu cử. Còn tôi thì lục lọi trong trí nhớ xem tôi có từng làm được gì tốt hơn không. Vẫn trống rỗng. Tôi có làm, nhưng làm không được.
       
       Khi tôi viết đến những dòng này thì đã là ngày 29-5, Chủ Nhật thứ năm của tháng. Trên mạng Facebook không khí quanh tôi không còn nóng hổi, người ta chỉ đang nhớ lại “cơn sốt Obama”. Suốt một tuần qua tôi ngồi ở nhà, xem qua mạng những bức hình và những đoạn video tái hiện cảnh người dân Việt Nam tràn ra đường vẫy chào tổng thống Mỹ, nghe những tràng pháo tay dành cho bài phát biểu của ông. Anh bạn tôi trước và sau khi Obama thăm điện Ngọc Hoàng đều viết trên blog những bài bày tỏ niềm yêu mến với vị tổng thống da màu.
       
       Ngày 22-5-2016, tôi đã không đi bầu cử mà ra đường vì Obama. Tổng thống Mỹ “thắng cử” như vậy đó.
       
       Ngày 22-5 nơi điện Ngọc Hoàng tôi đã không cầu xin điều gì. Tôi không phải là người của tôn giáo, nhưng tôi có đức tin. Tôi biết Đấng Tối Cao không có ở trong đền điện chùa miếu, mà Ngài ngự trị khối óc con tim của nhân loại. Bi kịch không xảy ra khi con người chạy theo hình bóng những ngôi sao sáng bên ngoài mà khi họ từ chối Thượng Đế trong tâm.
       
       Obama sáng chói trên sân khấu chính trị, ông ấy đã làm tốt vai diễn của một tổng thống thành công. Còn tôi sẽ hoàn thành vai diễn của mình ra sao? Tôi đang diễn vai một người dân thất bại, không làm được gì để giúp những nhà lãnh đạo nước mình.

       Đấng Tối Cao tuyệt đối công bằng. Tôi sẽ nhận được những gì xứng đáng với tôi. Những người dân nước tôi cũng thế.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: