Tổng thống Mỹ Barack Obama khi chuyên cơ vừa đáp xuống Nội Bài khuya 22/05/2016. |
(AFP 22/05/2016) Tổng thống Barack Obama tối Chủ nhật 22/05/2016 đã đến Việt Nam trong mục đích tăng cường quan hệ thương mại và chiến lược với Hà Nội, vào lúc Trung Quốc có thái độ hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ tại khu vực.
Sau các ông Bill Clinton và George W.Bush, chuyến viếng thăm thứ ba của một tổng thống Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 đã tạo thêm sự trang trọng cho hai thập kỷ xích lại gần nhau. Ít ai có thể tưởng tượng là nhanh đến như vậy, vì những vết thương cũ vốn quá sâu.
Hai quốc gia cựu thù đã vượt qua một chặng đường ngoạn mục : hình ảnh nhân vật số một của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), ông Nguyễn Phú Trọng, được tiếp đón tại Phòng bầu dục hồi tháng Bảy năm ngoái, 40 năm sau khi Saigon sụp đổ, đã gây ấn tượng sâu sắc.
Hội đàm song phương với các lãnh đạo chủ chốt, diễn văn, gặp gỡ giới trẻ Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh (Saigon cũ) : tổng thống Mỹ dự kiến ở thăm Việt Nam ba ngày.
Tại Hà Nội, những mong đợi xung quanh chuyến viếng thăm đầu tiên của ông Obama, vốn sẽ rời chức vụ vào đầu năm 2017, là rất lớn.
Nhà phân tích Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh : « Luôn luôn có tâm lý nghi ngại đối với Washington, nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông thực sự đã gây chuyển biến trong suy nghĩ, thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh hơn về phía Hoa Kỳ ».
Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo nằm ở trung tâm tuyến đường hàng hải quốc tế.
Nhằm gởi tín hiệu cho Bắc Kinh, và cũng để hiện đại hóa quân đội, giảm sự lệ thuộc vào vũ khí Nga, Hà Nội đã hướng về phía Washington - một cách thận trọng, nhưng vững chắc. Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận vũ khí, đặc biệt là thiết bị giám sát, thông tin và trinh sát trên biển.
Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales phân tích : « Việt Nam thi hành chính sách « ngoại giao đa phương », để tìm kiếm sự thăng bằng trong quan hệ với các đại cường, mà không đứng về bên nào cả ».
Chính quyền Mỹ, vốn luôn gắn việc bỏ cấm vận với các tiến bộ về nhân quyền, không tiết lộ ý định trước chuyến công du.
Tại Hoa Kỳ, đã có những tiếng nói cảnh báo một quyết định quá vội vã trong vấn đề này, mà không có nhượng bộ thực sự nơi chính quyền Việt Nam. Bằng chứng mới nhất về hạn chế tự do cá nhân là các ứng cử viên độc lập gồm các nhà ly khai, luật sư, ca sĩ…đều bị loại.
Trên lãnh vực kinh tế, hai nước hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nối kết 12 quốc gia trong khu vực, tuy việc được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vẫn bất định.
Mục tiêu thấy rõ của chính quyền Obama : không để cho Trung Quốc « vạch ra các quy định » mậu dịch trong khu vực. Là quốc gia cộng sản duy nhất trong số các nước ký kết TPP, Việt Nam với 90 triệu dân có thể là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Giai cấp trung lưu « sẽ tăng gấp đôi từ 2014 đến 2020 » - đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nhắc nhở. Ông tin rằng việc hủy bỏ hay giảm bớt các rào cản thương mại sẽ mang lại những cơ hội thực sự cho các công ty Mỹ.
Giữa ý muốn siết chặt quan hệ với một nhân tố quan trọng ở Đông Nam Á, và sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng cần thiết với Trung Quốc, ông Obama phải tìm ra một giọng điệu thích hợp.
Bà Phó San San (Sandy Pho) ở Wilson Center viết : « Sự nhiệt thành của Việt Nam khi tiếp đón đoàn đại biểu hùng hậu của Mỹ, có thể bị Trung Quốc coi là một sự ‘‘khiêu khích’’ », và ông Obama sẽ phải tiến hành « một điệu luân vũ ngoại giao tế nhị ».
Sau ba ngày công du Việt Nam, tổng thống Barack Obama sẽ sang Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7, nhằm tìm kiếm các phương thuốc cho nền kinh tế thế giới đang ủ ê. Tiếp đó ông tiến hành chuyến viếng thăm lịch sử tại Hiroshima, nơi chưa bao giờ một tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét