Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Tổng thống Obama đến Việt Nam: TPP sẽ nâng tầm quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam


VOV.VN-Hiệp định TPP được đánh giá mở ra nhiều cơ hội cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ về thương mại và còn có ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt – Hoa Kỳ trong tương lai.
TPP nâng tầm quan hệ Việt Nam –Hoa Kỳ
Trong bối cảnh hội nhập, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo một nghiên cứu của TS. Hoàng Thị Thúy Nga và TS Đồng Thị Hà (Đại học Kinh tế Quốc dân), “việc TPP được ký kết và thực thi sẽ tạo ra một cơ hội lớn đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì đây là một thị trường nhập khẩu khủng và mối quan hệ song phương giữa hai bên sẽ chuyển thành mối quan hệ đa phương giữa các nước trong TPP”.
tong thong obama den viet nam: tpp se nang tam quan he hoa ky-viet nam hinh 0
 
Bên cạnh đó, khi TPP được ký kết, cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ với thuế nhập khẩu bằng 0% kết hợp các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các tập đoàn lớn.
Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.
Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu, “TPP còn ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt – Hoa Kỳ trong tương lai vì: TPP là yếu tố quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á của Tổng thống Obama. Việt Nam là thành viên quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama. Đây được coi là một cách để kéo các đối tác thương mại ở Thái Bình Dương đến gần hơn với Hoa Kỳ, đồng thời tạo nên thách thức đối với Trung Quốc – quốc gia không nằm trong TPP nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn ở châu Á. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đang thúc đẩy quá trình giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua một hiệp định mà quốc gia này không phải là thành viên”.  

“Việt Nam đang có vai trò ngày càng nổi bật trong khu vực và trên thế giới. Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ giúp tăng thêm ảnh hưởng của TPP, nhất là khi lưu ý đến các mục tiêu “cân bằng chiến lược” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Nhật Bàn và một số nước khác”- Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
Đồng quan điểm cho rằng TPP là cơ sở kinh tế cho chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, bổ sung: Với Hoa Kỳ, mục tiêu trước mắt và thường xuyên là tăng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm. Còn mục tiêu chiến lược là tạo động lực hình thành khu vực mậu dịch tự do APEC và xa hơn thế nếu hiệp định mậu dịch tự do APEC thành công thì cùng với TPP sẽ làm sống lại vòng Đô Ha. Tuy nhiên, đây là những mục tiêu khó khăn và có thể còn lâu dài.
Vì thế theo ông Tuyển, Việt Nam rất có giá trong Hiệp định TPP. Cụ thể, về kinh tế, trong tương lai Việt Nam là nước đem lại giá trị gia tăng lớn cho Hoa Kỳ (sau Nhật Bản). Về chiến lược thì do là một nước có trình độ thấp nhất trong các quốc gia TPP nên Việt Nam là hình mẫu để Hoa Kỳ thúc đẩy các nước khác trên vành đai Thái Bình Dương tham gia đàm phán khu vực mậu dịch tự do APEC. Đồng thời, Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Gia tốc tăng trưởng thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2016, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau đối tác Trung Quốc) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,92 tỷ USD, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, có mức tăng 13,5% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2015.
Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam đạt mức thặng dư thượng mại hàng hóa lớn nhất, cụ thể năm 2015 đạt mức thặng dư 25,67 tỷ USD, riêng trong 4 tháng từ đầu năm 2016 đạt mức thặng dư là 8,98 tỷ USD, tăng 1,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng cao, cụ thể kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2006 là 8,81 tỷ USD thì đến năm 2015 đạt 41,26 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 19% mỗi năm. Cán cân thương mại hàng hóa song phương luôn đạt mức thặng dư cao về phía Việt Nam,cụ thể từ mức 8,85 tỷ USD năm 2006 và đã lên đến 25,67 tỷ USD năm 2015.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, năm 2015 xuất khẩu sang Mỹ đạt 33,47 tỷ USD, chiếm 20,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt mức tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây là 17,9%/năm.
Trong đó, 4 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của khối doanh nghiệp FDI  (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt kim ngạch 8,35 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 72,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm nay như: hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam sang Hoa Kỳ như: thủy sản, hạt điều…
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm 2016 đạt kim ngạch 2,47 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 4,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong đó khối doanh nghiệp FDI  đạt kim ngạch 1.463 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 59,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Hoa Kỳ.
Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ Hoa Kỳ luôn đạt mức tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây từ kim ngạch 0,98 tỷ USD năm 2006 lên 7,79 tỷ USD năm 2015, đạt mức tăng bình quân mỗi năm lên tới 27,4%. Trong số hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm 2016, có kim ngạch lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; bông…. /.
Xuân Thân/VOV.V






















































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: