Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

LÃO TỒN


Truyện ngắn của HG

Khi ban liên lạc hội đồng hương chúng tôi tới nhà, lão Tốn đã một mình, leo lên đồi cây ở phía sau. Hỏi, vợ lão bảo:
- Ông ấy chả chịu ngồi yên lấy một ngày. Người hãy còn yếu lắm, mới đi viện về mà nhất quyết đòi lên thăm đồi cây, nói thế nào cũng không nghe, lại vác dao đi rồi. Các bác các anh đã có lòng đến thăm, mời vào nhà uống nước đã. Để tôi bảo cháu nó gọi ông ấy về.
Ông hội trưởng nói:
- Thôi bà cứ để cho tự nhiên. Nghe tin ông nhà đi viện, lại xa quá, không sẵn phương tiện, nên hội chưa bố trí đi thăm được. Nay ông ấy về, chúng tôi đại diện cho ban chấp hành đến thăm, có chút quà gọi là, mừng ông ấy khỏi bệnh, ra viện.
Cả bọn lục tục kéo nhau vào nhà.
Đây là ngôi nhà ngói năm gian vừa mới “cải cách”, nâng cấp lại. Nó vốn nằm chính diện mặt đường, theo hướng tây bắc. Nay chuyển lui về phía sau, theo hướng đông nam. Cột nhà được chuốt lại, đánh vẹc ni, mái lợp ngói Hạ Long.  
Thượng đổi mới, hạ bảo thủ là cách một số nhà trung trung vùng này ưa làm. Ông hội trưởng ghé tai một ông trong đoàn nói nhỏ: “ Đất mặt đường có giá, lui về thế này là có ý cả”. Ông kia chưa hiểu ý đó là ý gì, nhưng vẫn gật gù: “ Công nhận ông tinh thật đấy. Ở mãi bên sông mà lại biết chuyện. Tôi nhà ngay sát đây mà cũng chả hiểu. Người ta phần đông đua nhau ra mặt đường, ông ấy lại lùi về phía sau, nói để cho đỡ bụi. Bây giờ đường nhựa rồi, bụi sợ gì chứ?”
Tôi cũng biết sơ sơ chuyện này, nhưng nghĩ là chuyện nội bộ gia đình người ta, không nên ghé mũi vào. Đáng ghét là những anh hay dỏng cổ lên nghe chuyện người khác rồi thì xì xầm bàn tán, thêm bớt. Cuộc sống hàng ngày vẫn còn thiếu chuyện hay sao mà lại thóc mách thêm chuyện riêng tư của nhà người ta?
Đi thăm người ốm cứ biết đi thăm, tò mò để làm gì?
 - Ông nhà tôi cả đời rất ít khi nhức đầu, sổ mũi, không mấy khi đụng đến viên thuốc hay mũi kim tiêm. Đùng một cái lâm bệnh, cả nhà được một phen phát hoảng. Mới hay chả gì bằng sức khỏe. Lâu lắm ông ấy mới lại phải nằm viện đấy!
Ông hội trưởng rủ cả bọn lên đồi, vừa gặp người, vừa thăm cây nhà lão Tồn luôn thể.
Đồi dốc thoai thoải, cây trồng theo hàng, vòng ôm nửa quả đồi. Cây nào cây ấy xanh ngăn ngắt, gốc cây không một cọng cỏ, sạch sẽ tinh tươm. Chứng tỏ chủ nhân của nó tỷ mỉ, cẩn trọng, chăm chú trong việc làm.
Một con người hình như không màng đến xung quanh. Bao nhiêu tâm sức dồn cả vào đây. Nhiều hôm trời nắng chang chang hay mưa tối mặt, đi ngang qua tôi vẫn thấy lão nón lá cũ xùm xụp trên đầu, đi đi lại lại trong vườn cây của lão. Có khi chỉ lúc ăn cơm, hay buổi tối về ngủ, lão mới có mặt ở nhà. Làm vườn ai chả xăm soi, chả chăm chút..Nhưng cố gắng đến mức như lão, ở đất này quả thực không ai làm được. Không bình thuốc trên lưng thì cũng con dao, cái cuốc trong tay. Quanh quẩn suốt ngày trên đồi vừa như tình cảm, vừa như định mệnh, số kiếp của lão!
Tính khí lão này lâu nay vẫn làm người ta ngại. Lão bề ngoài xem như người trầm cảm, rất ít khi trò chuyện với ai. Làng nước có công việc gì, họp hành hay cỗ bàn lão đều để vợ con đi thay. Có người nói lão khoảnh, có tính hay “ghét người”, không thích ai, khó gần.
Người như thế, gặp gỡ rất chi là ngại, biết trò chuyện thế nào?
Nhưng đã đến đây rồi, lão là nhân vật chính, không gặp lão không được. Ông hội trưởng bảo ngày trước lão không có thế đâu, tính cởi mở và chan hòa với mọi người..
Lâu lắm rồi xảy ra một chuyện, lão mới như bây giờ..

**

Có những trận ốm làm con người ta thay đổi hoàn toàn. Sức khỏe giảm sút đã đành, tâm tính lại đổi thay đến kỳ lạ. Gần như biến đổi hoàn toàn, mình không còn như mình nữa. Mặc dù sau đó sức khỏe hồi phục dần, lão Tốn lại đi cày, đi bừa, lên nương như hồi đang sức.
Không hiểu tại sao, sau trận ấy lão hay nghĩ vơ nghĩ vẩn, nhìn cảnh vật, con người xung quanh lão thấy nó không còn như trước nữa. Tỷ dụ như trước đây chả bao giờ lão thắc mắc là tại sao cái xóm lão ở lại có tên là “Hòn ruồi”?  Mặc dù ruồi muỗi ở cái xóm gần sông này thời nào cũng ít hơn ở các nơi khác. Có thời hầu như không có con ruồi nào, không phải ban ngày ban mặt mắc màn ăn cơm vì quá nhiều ruồi như ở một vài nơi không xa làng lão lắm. Sao những nơi đó người ta không lấy cái “danh ruồi” để đặt tên, mà lại là nơi lão ở?
Lão nhớ không chính xác lắm ngày nào, tháng nào, nhưng năm thì lão chắc chắn mình không nhớ nhầm. Đợt đó lão đi dân công hỏa tuyến, làm con đường chiến lược trên Pắc Mê. Làng lão đi rất đông chứ không phải lão chỉ có một mình. Mỗi đợt ba tháng thì đổi đợt khác, ăn nghỉ làm việc tại lán trong rừng. Có người suốt đợt không về thăm nhà, thư từ cũng không, vì xa nơi có trạm bưu điện.
Người ta phân công cho lão làm đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ đơn vị. Người khác hết đợt thì về. Riêng lão không có cán bộ lên thay thì tiếp tục ở lại. Ngày công của người lên phục vụ hỏa tuyến cao hơn công lao động loại A của hợp tác xã, nên hết đợt ở lại thêm lão không lấy đó làm buồn, thậm chí còn thấy vui. Hàng ngày công việc chỉ là gián tiếp nên không đến nỗi vất vả. Cũng đến gần cả năm lão không về thăm nhà. Có lúc cũng nóng ruột, muốn về qua một lần.
 Đột nhiên lão gặp người làng. Anh này là lái xe chuyên chở thực phẩm cho các đơn vị dân công. Gọi là chuyên chở thực phẩm nhưng thực ra chỉ chở dụng cụ làm đường, một ít bí xanh bí đỏ. Lâu lâu mới có thùng mỡ hóa học trắng hêu hếu hay chút cá mắm, chút mì chính phân phối ít ỏi. Lương thực chủ yếu vẫn là bột mì đen, hoặc hạt bo bo. Lắm lúc lão cũng lấy làm ngạc nhiên, ăn ở như thế không biết sức lực ở đâu mà mọi người vẫn bám đường, không vắng mặt trên công trường buổi nào. Buổi tối ở các lán vẫn rôm rả tiếng nói, tiếng cười. Có anh chị nào đó cao hứng còn véo von “Lan và Điệp”. Cuộc sống gian khổ nhiều năm, chiến tranh như những làn sóng hết lần này đến lần khác, gian khổ như một thứ mặc nhiên, hay còn lý do khác?
Anh chàng lái xe bảo chuyến này về sẽ chạy đường tắt qua làng lão. Đường hơi khó đi nhưng gần được mấy chục cây. Lão có muốn về khi xe ngang qua thì xuống. Sáng hôm sau lại đúng chỗ ấy đón để lên.
Được như vậy còn gì bằng? Chỉ có điều lúc xuống xe đã nửa đêm, có khi làng xóm và cả vợ con lão ngủ cả rồi.
Xe không thể chạy sớm hơn vì phải đảm bảo nguyên tắc bí mật. Ừ thì muộn còn hơn không, lão nghĩ bụng rồi tạm dặn dò bàn giao cho người ở lại. Dù thời gian ngắn vẫn phải bàn giao, nguyên tắc thời chiến là vậy.
Từ chỗ xuất phát xe chỉ bật đèn gầm. Chỗ này không xa điểm chốt là mấy. Nếu thám báo của địch phát hiện ra, vẫn trong tầm đạn pháo. Xe âm thầm đi gần trăm cây số. Gần đến làng lão đèn pha mới bật sáng. Lão nhìn phong cảnh núi non lạ lẫm như chưa từng thấy bao giờ. Có cảm giác như trong đêm tối cảnh vật như gần gũi hơn, lại như xa lạ hơn..Xe đã qua ba con đèo, lội qua cả chục con suối. Lão đã nhìn thấy đỉnh núi Gù lưng ở ngay trước mặt. Từ đấy về Hòn Ruồi chừng nửa cây số. Lão bảo xe dừng lại, đưa nốt bao thuốc lá Trường Sơn bao đỏ hàng phân phối cho tay lái xe, hẹn anh ta sớm mai đợi đúng chỗ này.
Lúc ấy tầm mười một giờ đêm. Do không có hành lý gì cồng kềnh mang theo nên lão đi rất nhanh, gần như chạy. Chả mấy chốc lão đã hồi hộp đứng trước cổng ngõ nhà mình.
Không biết trong nhà có việc gì, đến lúc này đèn vẫn sáng? Con chó vàng sủa lên tràng dài. Có lẽ lão đi lâu ngày nên nó chưa nhận ra chủ. Ánh đèn pin loang loáng từ trong nhà rọi ra sau vườn. Đột nhiên đèn trong nhà vụt tắt.
Đang xảy ra chuyện gì? Lão còn đang phân vân chưa rõ ra sao thì có người từ trong nhà chạy ra chút nữa đâm xầm vào lão. Lão vội bật đèn pin nhưng hết điện tự bao giờ, chỉ thấy một quầng sáng mờ mờ đo đỏ, không rõ mặt người.
Ai vừa chạy ra từ trong nhà mình? Lão tự hỏi. Các con lão còn nhỏ chưa có bạn trai, bạn gái cao nhớn như người vừa rồi. Chẳng nhẽ bạn của vợ lão?  Nhưng lão ngờ ngợ cái dáng người hơi cúi về phía trước, mái tóc để dài không rõ mặt của người đó có nét gì đó quen quen, ngay lúc đó lão chưa kịp nhớ ra..
Khi lão vào nhà, đèn lại được thắp lên. Vợ lão áo xống xộc xệch, vẻ ngái ngủ như vừa chui trong chăn ra. Lão hỏi vợ:”Ai vừa ở đây ra, thấy tôi lại bỏ chạy?”. Vợ lão cười nhênh nhếch: “Làm gì có? Chắc thầy em đi đường xa bị mệt nên hoa mắt đó mà”. Lão ậm ự không nói gì. Vợ lão chần cho lão bát mì sợi, món thức ăn lão thích thời bấy giờ ăn với canh rau ngót có đập thêm quả trứng. Lão bảo miệng đắng không muốn ăn.
Lão ngồi hàng giờ không nói không rằng bên bàn uống nước, hút thuốc liên tục. Vợ lão giục ngả lưng một chút cho đỡ mệt. Lão miễn cưỡng quay vào giường, lẳng lặng quay mặt vào vách. “Anh làm sao thế?” Vợ hỏi. “Chả làm sao. Khuya rồi để yên cho các con nó ngủ”.
Sáng sớm hôm sau, lão ra chỗ hẹn thật sớm để đón xe. Vợ gói cho gói xôi to tướng với nửa con gà, lão làm như quên, bỏ lại không mang theo..
Ở công trường người ta rất lấy làm lạ. Mọi khi chỉ thỉnh thoảng mới thấy ông C trưởng ra làm với anh em. Công việc gián tiếp không yêu cầu ông phải có mặt hàng ngày ở chỗ làm. Ông còn bận giấy tờ, sổ sách. Cứ vài ngày lại có cấp trên về kiểm tra, bận tiếp khách hoặc làm công tác dân vận với địa phương. Tuy đơn vị biệt lập, nhưng công tác đoàn thể vẫn phải duy trì. Hôm thì họp với thanh niên, hôm với chi hội phụ nữ..Tóm lại là công việc của người đứng đầu, không cứ ông, ai làm C trưởng cũng vậy.
Thấy ông hăm hở đào đất, đẩy xe, vác cây quá mức nhiệt tình nên người ta để ý cũng phải. Người thì bảo do tình hình đang rất khẩn trương, âm mưu của địch chống phá không biết đâu mà lường, công việc càng nhanh càng tốt nên ông mới gương mẫu làm như vậy. Nhưng cũng có anh xì xào, không dám nói to.
Đặc biệt là từ sau hôm về thăm nhà ông dường như thành con người khác, lầm lầm lì lì lại hay cáu gắt. Ai có việc gặp ông cũng ngại, vớ vẩn là bị ông xạc cho một phen dù sai sót chưa có gì quá đáng. Một cái trục xe bị gãy, cái cuốc chim hay cái xẻng bị mất hay bị hỏng đều là cái cớ để ông nổi nóng. Thấy vậy, không ai bảo ai, đều có ý tránh ông.
Hai tháng sau ông C trưởng đổ bệnh. Đang làm ở mặt đường ông ngã gục vào bụi cây, chân tay co giật, mặt mày tái mét. Người ta nói ông gắng quá sức mà đêm lại ít ngủ, hút nhiều thuốc, nên thường ho sòng sọc cả đêm.
Người ta đưa ông về tuyến sau bởi trận sốt rét ác tính. Đơn vị cử người khác thay ông.
Ông nằm viện nửa tháng trời rồi về làng..

Sau trận ốm ấy lão Tồn như thành con người khác. Vợ lão bảo do trận sốt rét ác tính đã biến đổi tâm tính. Lão thường tránh những chỗ đông người, không thích chuyện lâu với ai. Suốt ngày, người ta thấy lão hay thui thủi một mình làm việc gì đó. Ít khi lão làm cùng với vợ con.
Trong nhà lão lúc nào cũng im ắng như không khí nơi bệnh viện, không thấy tiếng nói to bao giờ.
Sau này khi xóm làng có điện, nhà nào nhà nấy điện đài oang oang, rộn ràng ầm ĩ các loại loa đài, nhà lão vẫn lặng thinh.
Nhà lão cũng có ti vi như mọi nhà, nhưng chỉ để xem tin tức, tuyệt đối không nghe ca nhạc. Vợ con có muốn xem phim hay nghe ca nhạc phải sang hàng xóm chơi, nghe nhờ vì sự khó tính khó nết của lão.
Mẹ tôi thường lấy sự cần cù chịu khó làm gương cho anh em tôi. Bà bảo: “Nhờ có đức tính chịu khó ấy mà anh Tồn lấy được vợ đẹp nhất làng, dù anh ấy đen đúa, cục mịch. Sinh thời ông bố vợ quý anh ấy lắm. Nhiều người giàu có sang trọng đến cầu hôn, ông cụ đều từ chối. Lại gả con gái yêu cho một anh con nuôi chả biết cha mẹ đẻ là ai, chuyên đời đi ở. Ông cụ ấy quý anh còn hơn con đẻ vì cụ không có con trai..”
Người già thì hay khái quát thiết thực như vậy. Quả thực lão Tồn thời ấy rất được tín nhiệm. Chữ nghĩa thì chỉ khơi khơi bình dân học vụ, chưa sạch chính tả, nhưng lão luôn được phân công trách nhiệm, cán bộ địa phương. Sau trận ốm trên công trường phục vụ hỏa tuyến lão mới thôi, nghỉ công tác, ở hẳn nhà. Ít khi thấy lão đi đâu..
***
Rõ ràng chúng tôi thoáng nhìn thấy lão Tồn trong vườn mà khi lên đến nơi lại không thấy lão đâu? Đám cỏ lão phát lá vẫn còn tươi, chưa kịp héo. Gọi mấy câu cũng không có tiếng ai trả lời. Không lẽ lão có phép tàng hình? Hay hội chúng tôi có điều gì không phải, lão nằm viện không tới thăm, bây giờ mới đến? Tôi nghĩ vậy nhưng không dám hỏi ông hội trưởng.
Chả cứ lão, ai trong hội cũng vậy. Trừ trường hợp nằm ở bệnh xá của xã mới tiện đến thăm, còn phần nhiều khi hội viên ra viện về nhà rồi, mới kéo nhau đến. Cũng không phải kiêng kị hay ngại ngần gì, đơn giản là quỹ của hội có hạn, không có tiền để thuê xe đi cả tốp như thế này đến bệnh viện ở xa. Hẳn là lão Tồn cũng biết điều này và không nỡ trách.
Vậy vì lẽ gì mà lão tránh không muốn gặp? Tôi phân vân, chưa kịp hiểu vì chuyện gì?
Ông hội trưởng nói:
- Hội đã có lòng bố trí đến thăm ông ấy, rất tiếc là không được gặp. Thôi thì cậu Bảo (là tôi ) Ở lại chuyển cho ông ấy chút quà của hội. Chúng tôi phải về vì chiều nay có cuộc họp hiệp thương chuẩn bị bầu cử. Tôi không thể vắng mặt.
Mọi người chào bà chủ nhà, ra về. Tôi ở lại với cái phong bì ông hội trưởng đưa, chờ lão Tồn.
Tôi không phải chờ lâu. Bà vợ Lão chưa kịp giập bã trầu thì lão Tồn lò dò về. Bà cằn nhàn:
- Hội đồng hương người ta có lòng đến tham, ông đi đâu mà người ta lên tận nương mà không gặp?
Lão Tồn mặt tỉnh queo:
- Ơ bà này hay! Gặp ai là quyền của tôi, không bận gì đến bà. Ai cũng như chú Bảo đây việc gì tôi không gặp. Còn muốn chuyện trò lâu lâu nữa ấy chứ! Còn cái thứ người sống giả mạo, nói một đằng làm một nẻo, hay làm chuyện mờ ám tôi gặp làm gì?
- Sao ông nói thế? Tình nghĩa đồng hương có ai như vậy đâu? Đến tai người ta không hay đâu ông ạ!
Lão Tồn nhếch mép cười, cái cười tôi chưa thấy khi nào ở lão. Rồi lão hỏi tôi chuyện ông hội trưởng vừa được hưởng trợ cấp “nạn nhân chất độc màu da cam” có phải không? Tôi bảo tôi không biết vụ này. Lão Tồn nghiêng nghiêng đôi mắt, tinh quái cười:
- Chú không biết thật hay giả vờ không biết? Tay này trước đã có lần làm giả mạo giấy tờ xin trợ cấp thương binh, bị phát hiện, giờ lại đến việc này, quả là to gan thật. Tôi ở nhà không đi tới đâu mà còn biết, huống chi là chú? Tay ấy cuối năm bảy hai mới nhập ngũ, lúc đấy đã ký hiệp đinh Pa ri rồi, làm gì còn máy bay Mỹ rải chất độc nữa? Ngay cái vụ thương binh giả nghe nói tay ấy cũng chỉ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo xã, chả bị làm sao. Xã này hết người rồi à?
Không nói bảo là không nói. Hôm nay ta không gặp, ta có lý do cả đấy. Chưa kể việc cách đây mấy mươi năm, ngày ta từ Pắc Mê về qua nhà đã lâu.. Hắn tưởng ta không biết hay sao mà vẫn nhơn nhơn vác mặt đến đây?
Thì ra là vậy. Lão Tồn biết chúng tôi đến thăm và cố ý tránh mặt vì những chuyện buồn sâu kín, chôn chặt đáy lòng đã bao nhiêu năm.


Nơi ấy, vết thương chưa lành, thỉnh thoảng lại tấy lên, nhức nhối!
===============

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: