Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn
12/05/2016 05:00 GMT+7
"Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao.”- Vũ Ngọc Hoàng.
Tự ái dân tộc
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Muốn vượt lên phía trước (để thành XHCN) thì trước nhất phải bằng người ta, lúc đầu là bằng mức trung bình, tiếp theo là bằng mức tiên tiến.
Nói cách khác, về kinh tế, trước mắt phải vượt qua thu nhập trung bình (hiện nay thế giới xác định khoảng hơn 12.000 USD/người/năm) và tiếp theo là vươn lên trong thu nhập cao để bằng (khoảng 40.000 USD) rồi vượt hơn các nước phát triển. Hiện nay một số nước phát triển đã đạt trên 60.000 USD/người/năm. Nước ta mới ở mức 2000USD/người/năm.
Để chống tụt hậu thì việc đầu tiên là phải thấy mình tụt hậu, biết mình tụt hậu, công khai sự tụt hậu để toàn Đảng, toàn dân biết. Cần thường xuyên so sánh mình với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới (chứ không phải chỉ so với chính mình ngày xưa). Không ngại nhân dân biết và cũng không được giấu nhân dân việc nước ta bị tụt hậu. Đảng và Nhà nước dám công khai sự tụt hậu của nước ta tức là Đảng mạnh, Nhà nước mạnh. Mạnh và có trách nhiệm. Đó là một Đảng chắc chắn như cách nói của Hồ Chí Minh. Công khai để chạm vào tự ái của dân tộc. Từ đó mà phát động tinh thần dân tộc – một sức mạnh vô cùng lớn lao và ẩn chứa.
Trong chiến tranh ta đã chiến thắng bằng tinh thần dân tộc và văn hóa giữ nước. Nay xây dựng hòa bình cũng phải nghĩ đến sự tiến lên với tinh thần dân tộc quật cường (không duy ý chí) và văn hóa phát triển. Thật sự khuyến khích mọi người tham gia ý kiến thẳng thắn về nguyên nhân tụt hậu, giải pháp để đổi mới và phát triển, đổi mới cho phát triển.
Trong đổi mới tư duy, không nặng nề việc phân chia thế giới thành hai nửa TBCN và XHCN, đối lập nhau, khác nhau căn bản, làm cái gì giống như các nước tư bản thì coi là “chệch hướng”, là “xét lại”, xóa nhòa ranh giới ấy là mất lập trường, là mơ hồ trong cách mạng. Tư duy ấy rất không đúng, đã xưa cũ, sai lầm và lạc hậu. Nó siêu hình và duy tâm, không phải biện chứng và duy vật, không đúng với cách tư duy của C.Mác, cũng không đúng với thế giới hội nhập mà Việt Nam đã và đang tham gia tích cực để trở thành của nó.
Việc phân chia quá trình phát triển của lịch sử nhân loại thành nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, TBCN và XHCN là cách phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội. Trong đó, cho đến nay, chế độ XHCN vẫn chưa đạt được trong hiện thực, mà còn trong dự báo tương lai.
Từng sai lầm khi lập “hàng rào”, ngăn “chiến tuyến”
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Ảnh: Báo Đồng Nai.
|
Thực tiễn từ sau cách mạng tháng 10 Nga, năm 1917, cách phân chia nói trên (TBCN và XHCN) chủ yếu nặng về chính trị. “Loài người” có một thời kỳ khá dài đã tư duy và ứng xử rất sai lầm trong việc lập ra “hàng rào”, “chiến tuyến” ngăn đôi thế giới, trên cơ sở các hệ tư tưởng khác nhau, đằng sau “hàng rào” ấy thực chất là sự đối nghịch của hai cường quốc là Liên Xô và Mỹ, gây ra thù địch, đe dọa và chiến tranh, chạy đua vũ trang làm ra rất nhiều loại vũ khí có đủ khả năng giết cả nhân loại, kể cả bên này và bên kia đều phạm những sai lầm về tư tưởng và hành động. Thực tiễn đã cho thấy cuối cùng cũng phải hội nhập, cũng phải coi nhau là đối tác chiến lược đấy thôi.
Ngày nay, đồng thời với việc phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội để tiếp tục nghiên cứu, chúng ta có thể và nên phân chia thế giới theo trình độ phát triển thành các loại nước: chưa phát triển, đang phát triển, phát triển và phát triển cao. Cách phân chia này sẽ có nhiều ý nghĩa trong chỉ đạo công việc thực tế. Trong đó, nước nào và khi nào đạt trình độ phát triển cao thì đó là nước XHCN.
Cho đến nay, như đã nói, CNXH chưa có trong hiện thực. Các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH. Còn nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai (các nước đang phát triển), còn rất xa để có thể đến được XHCN. Các nước tư bản phát triển dù ta vẫn gọi họ là tư bản (mà tư bản cũng không phải là xấu!) nhưng họ đã phát triển khác xa họ trước kia, họ không còn là họ như thời C.Mác đang sống.
Thậm chí chính họ (chứ không phải các nước XHCN) đang chứng minh trên thực tế những dự báo của C.Mác về xã hội tương lai [Tôi nói dự báo khoa học chứ không phải các ý kiến tư biện]. Thu nhập và phúc lợi xã hội cao hơn chúng ta rất nhiều lần. Vấn đề con người ngày càng chiếm vị trí trung tâm. Quyền con người được bảo đảm. Sở hữu xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trong các hình thức kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác và các tổ chức phi lợi nhuận trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sự xuất hiện của sở hữu xã hội mặc dù có vai trò quan trọng của cơ chế quản lý do nhà nước ban hành, nhưng chủ yếu vẫn là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển của kinh tế tư nhân, đến lúc nó tự vượt qua chính nó, vượt ra khỏi ranh giới của nó để thành sở hữu xã hội (trên cơ sở vẫn tôn trọng kinh tế tư nhân, không phủ nhận kinh tế tư nhân). Nhờ tự do cạnh tranh và chính các nhà tư bản cần phải có thị trường phát triển, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng với kiên trì đấu tranh xã hội, các nước tư bản đã thực hiện một quá trình dân chủ hóa, chuyển quyền lực từ tay các tập đoàn tư bản lớn (nhất là tư bản tài chính) về tay của đa số nhân dân.
Nói cách khác, các nước tư bản phát triển đang XHCN hóa, chính họ đang chứng minh tính “tất yếu” trong quá trình phát triển, còn các nước gọi là XHCN thì chưa hiểu hết về mình.
Không có tự do sẽ không có bền vững
Để có thể phát triển bền vững trên đường dài, vươn tới đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tự do tư tưởng. Và song song với tự do tư tưởng là tự do ngôn luận, tự do học thuật.
Cũng có không ít ý kiến thắc mắc không rõ tại sao không phải là các giải pháp kinh tế mà tự do tư tưởng mới là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất đối với sự phát triển? Đó là điều chắc chắn! Bởi lẽ sức mạnh quan trọng nhất của một dân tộc là sức mạnh trí tuệ; phát triển là kết quả của sáng tạo – của hoạt động trí tuệ. Và trí tuệ của một dân tộc, của một Đảng chân chính chỉ có thể ngày càng giàu có và phong phú hơn lên nhờ quá trình tiếp cận liên tục, thường xuyên với các chân lý. Mà con đường đi đến chân lý (trong khoa học xã hội) chủ yếu là thông qua trao đổi, tiếp biến, thử nghiệm, tranh luận, phản biện và đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa các ý kiến khác nhau; chứ không phải chân lý đã luôn có sẵn rồi, trong sách vở, do ai đó đã nghĩ ra tất cả rồi hoặc đã độc quyền nắm giữ và áp đặt, người khác không được quyền nghĩ khác.
Không có tự do tư tưởng cũng có nghĩa là chưa có con đường tiếp cận chân lý để nhanh chóng trưởng thành về “duy lý” mà còn dừng lại phổ biến trong “duy cảm”.
Thực tiễn của thế giới từ trước đến nay đã cho thấy, chưa có một nước nào không có tự do tư tưởng mà trở thành quốc gia phát triển. Ngày xưa Châu Á đã từng có thời kỳ đạt bước tiến đáng kể trong nền văn minh nhân loại, trong khi Châu Âu vẫn còn trong đêm dài lạc hậu bởi chế độ thần quyền. Vậy mà sau đó Châu Âu đã tiến vượt lên, bỏ Châu Á lại phía sau, nhờ các cuộc khai sáng và phục hưng đã khai phóng tư tưởng, mở đường cho tự do cá nhân và tiến bộ về dân chủ xã hội.
Tất nhiên, để phát triển được, không chỉ có tự do tư tưởng mà còn các vấn đề về cơ chế, thể chế, trình độ và năng lực quản trị quốc gia… nữa. Tuy nhiên, tự do tư tưởng vẫn là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất, mà nếu không có nó thì chắc chắn dân tộc ấy sẽ tụt hậu về tư duy, từ đó mà dẫn đến tụt hậu toàn diện. Chính tự do tư tưởng sẽ giúp cho lãnh đạo và cộng đồng tiếp cận đúng hơn với chân lý, lựa chọn những quyết định đúng nhất có thể, và nếu sai thì điều chỉnh nhanh nhất; đồng thời thông qua đó mà nhanh chóng trưởng thành về duy lý.
Mới sẽ có sức sống, cũ sẽ mòn
Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ít lần ghi vào văn bản về sự cần thiết của tự do tư tưởng. Trong thực tế xã hội cũng đã có nhiều tiến bộ so với vài ba chục năm trước. Tuy nhiên vẫn là rất chưa đủ! Cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề nhận thức và điều chỉnh bổ sung, đổi mới các quy định pháp lý về vấn đề này, kể cả việc xem lại các điều luật về tội tuyên truyền chống nhà nước, sao cho nước ta có được một môi trường văn minh, lành mạnh về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, không để ai có thể lợi dụng những điểm chưa rõ để quy chụp, quy tội, gán tội một cách tùy tiện cho người khác, hoặc bằng hành vi bạo lực chống lại nhà nước của dân, hoặc lợi dụng tự do để bịa đặt vu cáo các tổ chức và cá nhân, xúc phạm và xâm phạm tự do của người khác.
Tiếp theo tự do tư tưởng, và nhờ tự do tư tưởng, cộng đồng nhân dân tiếp cận dễ dàng hơn với tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cả cổ điển và hiện đại. Các giá trị ấy được chắc lọc từ trong đa dạng văn hóa và trở thành nền tảng cho sự phát triển, trước tiên là nền tảng tinh thần.
Trong sự đa dạng văn hóa ấy, có phần thuộc tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh, C.Mác và Lê Nin… Đó là bộ phận rất quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Trên nền tảng văn hóa ấy mà tiến hành đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách và lựa chọn giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển.
Bản thân Đảng cũng phải mới, không để cho Đảng ta bị cũ. Mới sẽ có sức sống. Cũ sẽ không còn hấp dẫn. Đảng đổi mới để đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, tham gia tích cực việc khai hóa văn minh cho dân tộc, để Việt Nam phù hợp với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng mà chúng ta không thể đứng ngoài hoặc tự cô lập mình, ngược lại phải là một thành viên chủ động hội nhập, một bộ phận hợp thành của thế giới đó.
Mặt khác, thông qua đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng và thông qua lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ của đất nước mà Đảng thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong sạch và vững mạnh hơn./.
Vũ Ngọc Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét