Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Nhà báo Nguyễn Thông: ĐỘNG CƠ DÙNG FACEBOOK





Facebook là nơi cho con người biểu đạt quyền tự do của mình, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin, nơi giúp chính quyền dễ dàng nắm bắt những thay đổi trong xã hội, nguyện vọng và ý chí của dân chúng để từ đó mà điều chỉnh chính sách, hành vi, thái độ cho kịp thời, phù hợp.

Tôi không đề cập cụ thể, bàn sâu đến chương trình “60 phút mở” của Đài truyền hình trung ương – VTV nữa bởi hai ngày qua hầu như ai coi tivi đều biết, đều nắm được, sau đó các kênh truyền thông đều bàn luận. Ý kiến trái chiều, khác nhau là lẽ đương nhiên, như dư luận trước bất kỳ một chương trình nào khác của VTV lâu nay. Điều nên ghi nhận, với “60 phút mở”, đài truyền hình quốc gia đã tạo ra cuộc tranh luận công khai, cho phép cá nhân được bày tỏ chủ kiến của mình trước người cùng tranh luận, điều mà dường như chúng ta đang thiếu, đang rụt rè trong một xã hội dân sự, bình đẳng.

Cũng dễ hiểu vì sao dư luận đông đảo lại chĩa mũi nhọn phê phán, sự công kích, không hài lòng… vào nữ nhà báo, người dẫn chương trình Tạ Bích Loan và nhà báo nhà thơ Hồng Thanh Quang; đồng thời có sự tán đồng, sẻ chia với một người trong cuộc khác là MC Phan Anh. Dù rằng không phải số đông bao giờ cũng đúng nhưng có lẽ bản clip (đã bị lược bớt) do chính VTV đưa lên mạng internet, sau đó lại rút xuống, đã chứng tỏ những cơn sóng dậy lên có lý do chính đáng của nó.

Cạn nghĩ rằng, với một cơ quan truyền thông hùng mạnh, dày kinh nghiệm như VTV, đây chưa phải là cái gì nghiêm trọng lắm. Có những thứ còn nghiêm trọng, kinh khiếp hơn nhiều từng xảy ra mà họ cũng vượt qua được, rút kinh nghiệm sâu sắc được, thì vụ “đấu tố” này có thể xem như bản beta thử nghệm cho không khí tranh luận dân chủ công khai, tuy có phần sống sượng, vụng về. Hy vọng công chúng thời gian tới sẽ được coi những chương trình dạng như vậy nhưng hay hơn, chất lượng hơn của vị anh cả truyền thông này.

Ở đây, tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh, nhưng là nét, là nội dung rất quan trọng toát lên từ cuộc tranh luận mà thiên hạ gọi đùa là “đấu tố” ấy: Việc người dân sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Tôi xin mở đầu phần tiếp theo này bằng những phân tích hợp lý, thẳng thắn và thuyết phục của nhà báo Trần Ngọc Kha công tác tại báo Đại đoàn kết (cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam). Dường như để đáp lại câu vặn vẹo Phan Anh của người dẫn chương trình Tạ Bích Loan rằng “động cơ nào mà anh lại chia sẻ chuyện cá chết trên Facebook”, anh Kha viết: “Facebook thì làm sao? Chia sẻ thì làm sao? Nếu các vị cứ đường đường chính chính tự nhận ra những cái xấu của mình mà thành thực với dân, gần gũi hợp tác với dân một cách thực sự chân thành thì có làm sao? Thay vì ngăn chặn, trấn áp người dân bằng đủ mọi cách để bưng bít thông tin, các vị hãy mở lòng với dân, huy động và gom nhặt mọi nguồn lực trong dân cùng xây dựng và phát triển giữ gìn đất nước. Hãy đăng ký tài khoản và kết bạn với dân trên Facebook, tôi chắc chắn các vị sẽ tìm thấy tiếng nói đồng thuận, cách nghĩ đồng lòng và cách làm đồng mục đích với dân”.

Tôi hiểu ý đồng nghiệp Kha, anh không có ý công kích chị Loan bởi dẫu sao MC Tạ Bích Loan cũng chỉ là người gợi mở vấn đề, anh chỉ muốn nêu việc những người có trách nhiệm với dân hãy nhìn thẳng vào sự thật qua những gì công chúng bộc lộ trên mạng xã hội, đừng phủ nhận truy bức nó (sự thật), cũng như đừng né tránh, thờ ơ với nó. Facebook là công cụ, là kênh thông tin cực kỳ hiệu dụng để những nhà xây dựng và thực hiện chính sách tham khảo, nắm bắt, chứ không phải là thứ tào lao, vớ vẩn, rỗi hơi, nhảm nhí, xuyên tạc của những người bị quy kết là “anh hùng bàn phím”.

Như chúng ta đã biết, nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, thậm chí cả chính phủ còn sử dụng Facebook như một kênh thông tin, để vừa phổ biến, vừa nắm bắt việc thực hiện chính sách, đường lối, quan điểm. Đó là sự tỉnh táo, thích hợp chứ không phải thú chơi, mốt chơi, không phải dạng “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào”. Cần nói thẳng ra rằng, quay lưng lại mạng xã hội - Facebook, đóng cửa rào ngõ trước Facebook, thì thiệt nhiều hơn lợi, chưa kể đến tự tách mình ra khỏi dòng chảy cuồn cuộn của thời đại.

Internet, cụ thể là Facebook, một thành tựu của khoa học kỹ thuật trong thời đại điện tử, cực kỳ thông dụng, đại chúng, đơn giản dễ sử dụng, không tốn chi phí, đa chiều, nhạy bén nóng hổi, mọi lúc mọi nơi. Nó chan hòa vào cộng đồng xã hội không phân biệt đẳng cấp, địa vị, từ những nhà lãnh đạo đứng đầu quốc gia, những giáo sư tiến sĩ, những trí thức lừng lẫy, đến những người bình dân nhất trong giới bình dân. Có Facebook, thế giới thu hẹp lại, con người xích lại gần nhau hơn, dễ thông cảm hiểu biết nhau hơn.

Facebook là nơi cho con người biểu đạt quyền tự do của mình, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin, nơi giúp chính quyền dễ dàng nắm bắt những thay đổi trong xã hội, nguyện vọng và ý chí của dân chúng để từ đó mà điều chỉnh chính sách, hành vi, thái độ cho kịp thời, phù hợp. Đừng chỉ nhìn Facebook là nơi chứa đựng những điều xấu xa, chống đối, mà hãy coi là nơi giúp bộ máy công quyền ngày càng tốt hơn, gần dân chúng hơn. Nhà báo Trần Ngọc Kha đã khá tâm đắc khi trích ra nhận xét của ông Obama, vị Tổng thống Mỹ vừa có chuyến thăm Việt Nam rất thành công, ông cho rằng “Khi có tự do biểu đạt và ngôn luận, người dân có thể chia sẻ ý tưởng và tiếp cận internet và mạng xã hội mà không bị ngăn cấm, điều đó sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế. Facebook hay các công ty công nghệ lớn đã hình thành như vậy. Và khi có tự do báo chí, nhà báo và blogger đưa ra ánh sáng những bất công, sai phạm, quan chức sẽ bị giám sát và xã hội sẽ có niềm tin vào hệ thống chính trị" (trích phát biểu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình ngày 24.5.2016). Theo ông Obama, hằng ngày chính phủ Mỹ vẫn nhận được không ít những lời phê bình, chỉ trích của người dân qua nhiều kênh thông tin, trong đó có các mạng xã hội nhưng chính sự giám sát đó, việc tranh luận cởi mở đó cũng như sự đối mặt với những khiếm khuyết của mình như vậy đã giúp nước Mỹ mạnh hơn, thịnh vượng hơn, công lý hơn.

Bài học này, kinh nghiệm này, thiết nghĩ không phải chỉ cần cho nước Mỹ.

Đã qua rồi cái thời bóp mồm bịt miệng “Đánh đùng một cái/kêu eng éc ngay/bịt mồm bịt miệng/trói chân trói tay” (Phan Khôi), thời đấu tố quy chụp, chỉ vài chữ vài dòng vài hình ảnh thôi là cũng có thể bị suy diễn nâng thành quan điểm này nọ. Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, thầy Hà Minh Đức có kể vụ nhà thơ Xuân Diệu suýt nữa được coi là thành phần theo chủ nghĩa xét lại. Nhà thơ tình nổi tiếng ấy viết: “Hồn tôi cánh rộng mở/đôi bên gió thổi vào/nghĩ những điều hớn hở/như trời cao cao cao” bày tỏ niềm vui sướng của văn nghệ sĩ trong cuộc đời mới, nhưng không may cho ông, có một nhà lãnh đạo về tư tưởng đặt vấn đề “tại sao lại gió thổi đôi bên, cả gió xã hội chủ nghĩa và và tư bản chủ nghĩa à? Tư tưởng cơ hội chủ nghĩa à? Chỉ có một luồng gió thời đại cách mạng thôi”. Kể xong, thầy tôi (nay vẫn khỏe, minh mẫn, từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học) cười bảo “ông Xuân Diệu muốn cãi thì lên trời mà cãi”. Cứ tưởng kiểu cách vu vạ ấy đã lùi tít xa dĩ vãng, ai ngờ đâu đó, lúc này lúc khác ở ta vẫn thỉnh thoảng ló ra, tuy không nghiêm trọng như trước nhưng tạo mối nghi ngờ, lo lắng không đáng có. Việc nhà báo Tạ Bích Loan truy vấn MC Phan Anh về “động cơ gì” khi sử dụng Facebook chỉ là một trong những rơi rớt ấy.

Bây giờ, bên cạnh những kênh thông tin chính thống của nhà nước (một hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình dày đặc lên tới cả ngàn đơn vị) còn có sự góp sức đắc lực của mạng xã hội, nhất là Facebook, để phổ biến thông tin. Dù chưa được thừa nhận trong hệ thống báo chí nước ta nhưng có thể nói mạng xã hội, Facebook nóng từng phút, thời sự từng phút, không báo đài nào theo kịp. Nếu coi mỗi người đưa tin (press) là một nhà báo không chuyên thì thời nay người người làm báo, nhà nhà làm báo, nơi nơi làm báo, tụ vào rồi lại tan ra, lan tỏa cực nhanh. Cũng có người đưa thông tin lên với động cơ sâu xa này nọ, nhưng có rất nhiều người chỉ với “động cơ” cực kỳ đơn giản là chia sẻ thông tin, như một việc bình thường trong xã hội, cũng như khi ta cầm cái chổi quét nhà, giặt cái áo bẩn. Động cơ mà thực ra là không có động cơ, nó cứ tự nhiên như đời vậy.

Chúng ta hoàn toàn thông cảm với những người chức việc nhà nước, để thi hành nhiệm vụ, để đạt mục đích nào đấy, có khi phải ngăn chặn mạng xã hội, ngăn Facebook, như một giải pháp tình thế. Ai cũng hiểu rằng, cách làm vậy chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, bởi thực tế không thể ngăn chặn được giữa thời buổi công nghệ đa dạng này. Điều cần làm là phải có những quy định hợp lý, cụ thể, thực tế; phải có luật, căn cứ vào luật mà xử lý. Trong đời cũng như trên Facebook, nếu vi phạm pháp luật thì áp chế theo pháp luật. Ai vi phạm thì chịu trách nhiệm. Người sử dụng mạng xã hội cũng nên tự hiểu đó không phải là nơi muốn làm gì thì làm mặc dù quyền thông tin và được thông tin không ai có thể cấm đoán.

Có như vậy, mới tránh khỏi chuyện quy kết cho nhau “động cơ gì” mà lên Facebook.

Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: