Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Ông Obama: 'Khi còn trẻ tôi cũng rất ham chơi'


Tại buổi trò chuyện hơn một giờ cùng với nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI sáng 24/5 tại TP HCM, ông Obama đã chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, từ một cậu bé nổi loạn trở thành Tổng thống nước Mỹ.

Diễn biến
Tổng thuật


Từ sáng sớm 25/5, hàng trăm người đã xếp hàng trước tòa nhà Gem trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chờ tham dự cuộc giao lưu với Tổng thống Obama. Tất cả cửa hàng xung quanh tòa nhà được yêu cầu đóng cửa, hàng chục nhân viên đặc vụ Mỹ, an ninh Việt Nam, CSGT... phong tỏa nhiều con đường xung quanh toà nhà trước tòa nhà.



Các bạn trẻ đến nơi gặp gỡ Tổng thống Mỹ trước 5 tiếng. Ảnh: Thoại Hà


Lực lượng này phát loa yêu cầu người dân hạn chế đi lại khu vực diễn ra sự kiện. Chó nghiệp vụ được huy động hỗ trợ. Từng người, đều bị lực lượng rà soát bằng máy trước khi vào hội trường diễn ra buổi giao lưu với ông Obama.

Gần 11h, đoàn xe hộ tống chiếc "Quái thú" đưa Tổng thống Mỹ đến trong sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Bước vào hội trường, ông Obama nói "Xin chào" trong tiếng vỗ tay không ngừng của cả nghìn người. Người đứng đầu Nhà Trắng giữ nụ cười tươi, nói “Xin cám ơn các bạn!”.

"Tôi rất xúc động. Cuộc gặp này rất quan trọng. Một trong những phần yêu thích của tôi trong chuyến thăm này là bước ra khỏi phòng chính phủ và gặp gỡ mọi người. Như các bạn đã biết, tôi có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực này, ASEAN. Tôi thích món ăn ở đây. Tôi mong muốn mối quan hệ giữa các quốc gia ASEAN ngày càng chặt chẽ hơn".

Ba năm trước ông Obama thành lập YSEALI với mong muốn giúp cho tất cả các bạn trẻ tài năng tạo thành một mạng lưới để biến các ý tưởng thành hành động.

"Vai trò của tôi là tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi cũng đã thành lập trường Đại học Fullbright và cũng sẽ xúc tiến hỗ trợ phát triển giáo dục khắp thế giới. Tôi tin tưởng các bạn trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên phía trước. Các bạn là những tấm gương vươn lên", ông Obama nói.

Ông Obama đã giới thiệu những tấm gương trẻ Việt Nam tiêu biểu ở ASEAN. Ông đã gặp bạn Ngân ở Nhà Trắng với tư cách là tình nguyện viên; bạn Lộc ở Đại học quốc gia TP HCM. Ông cũng nhắc đến tên người đóng vai trò cố vấn cho mình cũng là một tấm gương lớn đến Mỹ sau năm 1975. Nhờ nỗ lực và sự chăm chỉ, cô đã trở thành cố vấn của ông trong vấn đề chính sách ở châu Á. Với những tấm gương này, ông bày tỏ "đã cho chúng tôi thấy sự cống hiến, lạc quan. Các bạn đang thay đổi khu vực, như cố nhạc sĩ Trần Lập đã viết "đường đến những ngày vinh quang không còn xa".



Ông Obama: "Nhiều khi tôi còn quan tâm đến thể thao và bạn gái hơn là những việc mà các bạn trẻ hôm nay đã làm được". Ảnh:Thoại Hà


Trong khi Tổng thống Obama phát biểu, thỉnh thoảng lại có những tràng pháo tay vang lên. Có lúc các bạn trẻ cười và trầm trồ trước những câu nói hóm hỉnh của ông, nhất là khi ông nói về thời trẻ của mình.

"Nhiều khi tôi còn quan tâm đến thể thao và bạn gái hơn là những việc mà các bạn trẻ hôm nay đã làm được", ông Obama nói. "Hồi còn trẻ tôi cũng không được ngăn nắp lắm. Tôi hay chơi bời lêu lổng, thích bóng rổ, thích làm quen bạn gái và tôi thường không nghiêm túc với bản thân mình. Các bạn hơn hẳn tôi rồi đấy".

Tổng thống Mỹ nói rằng, khi có cơ hội gặp gỡ người trẻ đã khuyên họ tìm ra những cái quan tâm, hứng khởi nhất. "Mỗi người có một con đường khác nhau, mỗi người đều có những bài diễn văn vĩ đại nhưng không phải là cách duy nhất để trở thành nhà lãnh đạo. Các bạn đừng quá lo lắng suy nghĩ về việc trở thành người như thế nào. Ngay cả người thành công nhất thế giới cũng không nghĩ mình trở thành người giàu có. Chẳng hạn như Bill Gates đã không bắt đầu suy nghĩ mong muốn được giàu có", ông Obama nói và khuyên các bạn trẻ "hãy quyết định xem bạn quan tâm gì nhất và dành năng lượng cho nó".

Trả lời các câu hỏi của thành viên YSEALI về những vấn đề kinh tế, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết: "Ngày hôm qua tôi có cơ hội gặp gỡ các nhà kinh doanh thương mại. Chúng tôi muốn thúc đẩy dỡ bỏ các rào cản trong thương mại hàng hóa và là cơ hội để nâng cao chất lượng, môi trường. Nguyên tắc chung của tôi không phải tạo ra các giao dịch hay thương vụ. Mà hai chính phủ luôn tìm kiếm những cơ hội và đảm bảo môi trường thuận lợi cho những nhà kinh doanh gặp gỡ với nhau".

Chăm chú nghe câu hỏi của một bạn trẻ về việc "Liệu YSEALI có tiếp tục được duy trì sau khi tổng thống mãn nhiệm", ông Obama mỉm cười, nói: "Chúng tôi muốn tiếp tục những công việc tuyệt vời đã làm được với YSEALI, với những thủ lĩnh trẻ. Một điều tôi muốn tiếp tục làm là phát triển kỹ năng và tương lai của bạn trẻ khắp thế giới. Tôi hy vọng là người kế nhiệm sẽ tiếp tục những điều này, mạng lưới này. Tôi vui khi thấy được hàng nghìn bạn trẻ cùng làm việc với nhau và đảm bảo chương trình YSEALI vẫn tiếp tục hoạt động".

"Ông sắp rời Nhà trắng, vậy ông có kế hoạch nào giúp cho tổng thống tương lai tiếp tục những ý tưởng tốt đẹp của ông hay không?", một người khác hỏi. "Tôi sẽ cố gắng duy trì những chương trình hỗ trợ cho người trẻ ở châu Á và châu Phi. Tôi hy vọng tổng thống mới duy trì các tổ chức như thế này cho người trẻ. Và tôi hy vọng sau khi mãn nhiệm kỳ tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người trẻ cùng nhau mang lại điều kiện phát triển cho giới trẻ. Tôi tự hào càng ngày có nhiều người trẻ tham gia vào tổ chức chính phủ và cộng tác cùng nhau, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Trong tương lai nếu có cơ hội hỗ trợ cho các bạn, tôi sẽ rất vui và tự hào", ông Obama trả lời.

Một bạn trẻ đặt câu hỏi khó cho Obama: "Sơn Đoòng không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là của thế giới. Với tư cách công dân toàn cầu ông làm gì để bảo vệ hang động này? Nếu có cơ hội quay trở lại, ông thám hiểm nó bằng cáp hay đi bộ?"

Tổng thống Mỹ chia sẻ: "Lần sau tôi sẽ đi bộ vì khi đó tôi sẽ có sức khỏe tốt. Mất 7 ngày đến Sơn Đoòng tôi vẫn có thể đi bộ được. Tôi sẽ tự mang vật dụng mà không cần ai giúp đỡ. Tôi đang làm việc với chính phủ và các tổ chức liên quan để bảo vệ Sơn Đoòng. Việc này rất quan trọng, không chỉ là bảo vệ tài sản thiên nhiên mà còn bảo vệ môi trường".

Giọng mạch lạc, ông nói thêm: "Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hệ thống sông Me Kông xuất hiện hạn hán và nhiễm mặn, tác động rất lớn vào đời sống của người dân Việt Nam. Ngư dân, nông dân đều khó khăn. Bạn và tôi sẽ là một phần trong kế hoạch giúp đỡ khu vực này".

Trong bối cảnh TPP sẽ được ký kết, nhiều công ty nước ngoài sẽ đến Việt Nam tìm nhân tài. Làm thế nào để Việt Nam có thể giữ lại nguồn nhân tài ấy phục vụ cho xã hội? Với câu hỏi này ông Obama chia sẻ: "Rất nhiều hãng sẽ đến Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư, đối tác. Tôi tin những công ty tốt của Mỹ muốn đến Việt Nam và sẽ có những hướng phát triển tốt đẹp. Họ hiểu nền văn hóa ở đây và sẽ chú ý tìm đến các nhân tài trẻ. Ví dụ các trang web, Internet hiện nay là nơi để mọi người có thể cập nhật thông tin giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm nhân tài. Bạn có thể cho họ thấy được điều này khá dễ dàng. Các chính sách về thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng phải tốt để họ hiểu được đây là nơi tốt nhất để kinh doanh".

"Muốn xây dựng môi trường có nhân tài tốt thì phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống của họ", Obama nhấn mạnh.

"Khi TPP có hiệu lực sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, công ty, nhà xưởng từ khắp nơi đến Việt Nam, cần nhiều lực lượng lao động, là cơ hội để các tổ chức buôn người tấn công người lao động. Ông có cách nào phòng chống nạn buôn người trong tương lai không?"

Ông Obama khẳng định, việc phòng chống nạn buôn người là một trong những mục tiêu hàng đầu nước Mỹ. "Chúng tôi có những bước tiến trong việc thực hiện và cải thiện tình hình và trong TPP có những điều khoản riêng về nạn buôn người. Ví dụ như bạn phải có hệ thống luật pháp chống buôn người thật tốt mới được phép gia nhập TPP, bao gồm cả việc chống nạn buôn người ở biên giới. Một trong những nạn nhân chính là phụ nữ và bé gái - là đối tượng chúng tôi quan tâm nhất. Vì vậy, cách giảm thiểu và chống nạn buôn người là hãy cho họ tiếp cận nền giáo dục tốt để họ có thể tự bảo vệ bản thân", ông nói.



Cuối buổi nói chuyện, Tổng thống Mỹ đưa tay chào mọi người và nán lại chụp ảnh với họ trước khi ra sân bay đến Nhật. Ảnh:Thoại Hà


Một thành viên tổ chức YSEALI không ngần ngại chất vấn ngài Obama về đời tư thời niên thiếu của ông. "Hồi trẻ ông còn đi "hút cỏ" (có chất kích thích). Tôi tự hỏi làm thế nào từ lêu lổng mà ông lại thành công như hôm nay? Có bước ngoặt gì không?"

Ngài Obama trải lòng, ông đã viết một cuốn sách về giấc mơ từ người cha của mình. "Tôi lớn lên không cha, chỉ được mẹ và bà thương yêu nên không tránh khỏi sự thiếu thốn tình cảm. Tôi tin sự thiếu sót này góp phần tạo nên sự nổi loạn trong con người tôi. Khi lớn lên, thay vì cứ mãi suy tư về bố không có mặt ở bên cạnh mình, tôi tập trung vào phát triển bản thân, học hành chăm chỉ và suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề xã hội".

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, động lực là quan trọng nhất và ông hiểu tại sao bạn trẻ kia lại muốn nghe câu chuyện của ông. "Nhưng mỗi người có những hoàn cảnh, động cơ khác nhau để thành công trong cuộc sống. Bản thân nước Mỹ cũng có câu chuyện tuyệt vời, một trong số đó là nằm trong Bản tuyên ngôn độc lập. Nhiều người đã đến Mỹ vì muốn nghe câu chuyện từ Bản tuyên ngôn độc lập đó", ông Obama nói.

Đặt câu hỏi với Tổng thống Mỹ, một nữ ca sĩ nhạc rap nói: "Ông đã nói nhiều câu về môi trường, giáo dục, kinh tế, TPP, ông có thể chia sẻ về việc nước Mỹ làm cách nào để thúc đẩy phát triển nghệ thuật và âm nhạc?"

Ngài Obama đề nghị Suboi hãy hát một đoạn rap. Ông tỏ ra hào hứng thưởng thức và nói, nghệ thuật là một trong những cách để chúng ta bước vào cuộc sống của người khác, từ đó hiểu được người khác, và chia sẻ các ý tưởng cùng nhau.

"Cũng giống như tôi nghe người Việt Nam hát (bằng tiếng Việt) nhưng vẫn có sự kết nối và cảm thấy gần gũi với người Việt Nam hơn. Người Mỹ chúng tôi bày tỏ rất nhiều suy nghĩ, tư duy qua rap. Nếu một ngày nào đó Chính phủ cấm rap, không cho loại hình nghệ thuật này hoạt động thì chúng ta sẽ không có được nền âm nhạc văn hóa hiphop phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới như ngày nay", ông nói.

Hơn 12h buổi giao lưu kết thúc. Trước khi lên xe ra sân bay đi Nhật, Tổng thống Mỹ nán lại khoảng 10 phút để chụp ảnh và nói chuyện với các thành viên tổ chức YSEALI.

Nhóm phóng viên
Xem diễn biến chính
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: