Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao bình luận về phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama


Quan hệ đối tác toàn diện, thậm chí còn sâu sắc hơn nữa trong tương lai giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, có ý nghĩa quan trọng.
LTSMột số chuyên gia nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama là cơ hội tốt để hai nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Xung quanh vấn đề này, hôm 25/5, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ xung quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của người đứng đầu Nhà trắng.
- PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng trong quan hệ hai nước.
Đặc biệt là chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ có tác động tích cực đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Việt Nam và các nước có chung lợi ích.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (phải) trong một lần chụp ảnh lưu niệm 
với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (ảnh: NVCC). 


Điều này có thể hiểu như thế nào?
Trước hết chúng ta cần thấy rằng, "hành trang" của Tổng thống Mỹ mang theo trong chuyến thăm Việt Nam lần này là hết sức quan trọng.
Một trong số đó là tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Điều này có ý nghĩa lớn đối với chính sách an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đang có nhu cầu cần được trang bị vũ khí phục vụ việc bảo vệ chủ quyền trước hết trên biển. 
Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương còn có ý nghĩa trong việc răn đe kẻ thù có ý định xâm lược chúng ta. 
Điều này cũng thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đạt được việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam
Cũng trong bài diễn văn trước đó của mình, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị của Việt Nam.
Điều này cho thấy, về mặt quan hệ, giữa hai nước đã có sự tin cậy đã tuyệt đối.
Hoa Kỳ cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương.
Do đó, Hoa Kỳ muốn phát triển quan hệ hai nước theo hướng sâu, rộng hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, ông Obama cũng là Tổng thống Mỹ thứ 3 thăm Việt Nam sau các chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton (Bin Clin-tơn) và 2006 của Tổng thống George W. Bush (Gioóc W. Bu-sơ). 
Chuyến thăm này nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới, theo hướng đối tác toàn diện, sâu sắc, đặc biệt là việc Mỹ hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là điểm mạnh, trọng bước phát triển quan hệ về kinh tế  giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
- Trong bài diễn văn trong chuyến thăm, khi đề cập tới vấn đề Biển Đông, Tổng thống Mỹ đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Theo ông, thông điệp mà Tổng thống Mỹ muốn gửi gắm là gì?
- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Quan điểm và lập trường của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông nói chung là rất rõ ràng.
Việc giữ ổn định tình hình Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, không phải chỉ riêng nước Mỹ muốn, mà đó là lợi ích chung, của nhiều nước có liên quan trong khu vực… 
Mỹ cũng khuyến khích các nước trong khu vực thực hiện quyền chủ quyền mà luật pháp quốc tế cho phép, nhằm đảm bảo thực thi trật tự pháp lý quốc tế trên biển, cũng như vấn đề cốt lõi liên quan tới trật tự hàng hải, tự do hàng không.
Do đó, câu chuyện Biển Đông phải có sự tham gia của nước lớn như Mỹ.
Hoa Kỳ phải thể hiện nước đi đầu trong việc giữ gìn trật tự, kỷ cương trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, cụ thể ở Biển Đông.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng nước Mỹ đứng ra như một "ngôi sao cô đơn" để duy trì trật tự luật pháp trên Biển Đông.
Họ cần có sự hợp tác từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Mỹ chỉ có thể thực hiện được điều này (ổn định tình hình Biển Đông-PV) trên cơ sở hỗ trợ với các nước có chung lợi ích.
- Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 23/5 đăng bài xã luận bình luận về quan hệ Mỹ - Việt với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, trong đó nhấn mạnh rằng, “Việt Nam chơi với Mỹ phải cẩn thận”. Ông nhận định gì về quan điểm này?
- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trong bài bình luận của Tân Hoa xã, hãng thông tấn của Trung Quốc nói Mỹ giống như một kẻ chuyên gây sóng gió ở châu Á - Thái Bình Dương và cho rằng quốc gia này thiếu sự kiềm chế trong việc can thiệp vào tình hình khu vực.
Đồng thời Bắc Kinh cũng đề cập tới “ý thức hệ” giữa hai nước Việt – Trung…
Thử hỏi, Trung Quốc có nghĩ tới ý thức hệ khi chiếm đảo của chúng ta?
Họ có nghĩ tới ý thức hệ khi đâm phá tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt tại vùng biển thuộc chủ quyền của Viêt Nam...?
Trong trường hợp có sự cố trên Biển Đông, các nước có dã tâm, mưu đồ xâm lược nói chung, thừa biết rằng, khi Việt Nam có vũ khí công nghệ cao, sẽ gây nhiều khó khăn cho họ trong việc thực hiện âm mưu bành trướng trên biển.
Thực tiễn đã chứng minh, trước năm 1975, Việt Nam có một số vũ khí công nghệ cao của Liên Xô, chúng ta đã sử dụng hiệu quả trong việc bảo vệ bầu trời Hà Nội 1972. 
Do đó, trước xu thế phát triển quan hệ đối tác toàn diện, thậm chí còn sâu sắc hơn nữa trong tương lai giữa Việt Nam - Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
- Trong bài phát biểu tại Hà Nội vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama  khẳng định "các nước lớn không được ức hiếp nước nhỏ". Việt Nam cần làm gì để chống lại sự "bành trướng" đó?
- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trong chính sách ngoại giao của chúng ta đã nói rất rõ, Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác.
Vấn đề là phải hiểu câu nói đó sao cho đúng, có lợi cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.
Tôi đặt câu hỏi: “Khi trong nhà anh có cướp, hàng xóm láng giềng, bạn bè xa gần người ta muốn giúp anh, thì anh có liên minh lại để chống cướp không?”.
Trong điều kiện chúng ta bị đe dọa về chủ quyền thì phương án liên minh cần phải được tính đến.
Liên minh ở đây không có nghĩa là chúng ta chạy theo họ, làm theo họ, mà liên minh trên cơ sở bình đẳng về mặt chủ quyền với các nước trong khu vực, để chống lại sự bành trướng vì lợi ích chung chứ không phải đi theo nước này, chống nước kia.
Do đó, ngoài nội lực, Việt Nam cần tận dụng tối đa mọi sự giúp đỡ bên ngoài để đảm bảo lợi ích cho mình và lợi ích chung.
- Theo ông, Việt Nam sẽ thu được kết quả gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama?
- Tiến sĩ Hoàng Ngọc giao: Đây rõ ràng là cơ hội cho Việt Nam.
Trong khối ASEAN, vị thế (vai trò, độ tin cậy, tiếng nói) của Việt Nam sẽ vững lên.
Điều này càng tạo nên niềm tin đối với cộng đồng quốc tế, rằng Việt Nam sẽ kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, tôn trọng công lý theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng đang mạnh lên về thực lực trong quan hệ với Hoa Kỳ, đặc biệt là sự hỗ trợ về mặt quân sự sau lệnh gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương.
Đặt vấn đề ngược lại, các nước có mưu đồ xâm lược sẽ không dám gây xung đột trên biển, ít nhất là trong tương lai gần.
Bởi lẽ, kẻ bành trướng, xâm lược thừa hiểu họ được gì và mất gì nếu động binh 
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh pháp lý trên Biển Đông, chúng ta cần tỉnh táo để tránh mắc phải âm mưu gây hấn, khiêu khích của kẻ xấu.
Quốc Toản (thực hiện)/GDVN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: