Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Ông Kissinger nói gì việc Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc?


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “không có thỏa thuận nào” với Trung Quốc về Hoàng Sa hơn 40 năm trước, giữa cáo buộc Mỹ làm ngơ để Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Ông Henry Kissinger nhấn mạnh như vậy hôm 26/4 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas.

Sau khi bị một người tham dự cáo buộc là người đã đồng ý “về mặt chiến thuật” để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, người từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ nói:  “Mỹ từ trước tới nay không đưa ra quan điểm ủng hộ chủ quyền của bất kỳ nước nào đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc xảy ra vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể dám chắc với quý vị rằng Hoàng Sa không trong tâm trí của chúng tôi".
Ông nói tiếp: "Nhưng không hề có thỏa thuận nào trao cho Trung Quốc quyền chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc chưa từng đưa ra tuyên bố nào như vậy. Không có cuộc đàm phán cụ thể nào [về vấn đề này]”.

Giới quan sát cho rằng đây là lần đầu tiên cựu ngoại trưởng Mỹ 93 tuổi lên tiếng trực tiếp về vấn đề vẫn còn gây nhức nhối này.
Ông Henry Kissinger bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng Ba năm ngoái.Ông Henry Kissinger bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng Ba năm ngoái.
Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng ngày 19/1/1974.

Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng Washington có thể đã có thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh trong vụ này vì quyền lợi của mình.

Ban tổ chức cho biết rằng đây có thể là lần cuối cùng ông Kissinger phát biểu về Chiến tranh Việt Nam, nên ông đã yêu cầu được trao đổi với người nghe một cách thẳng thắn và “không hạn chế”.
"Phản bội đồng minh"
Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông.
Sau khi một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa kể lại câu chuyện phải ngồi tù nhiều năm sau Hiệp định Paris, và hỏi rằng nước Mỹ học được gì từ việc “phản bội” và “bỏ rơi” đồng minh Việt Nam Cộng hòa, ông Kissinger nói: “Tôi thực sự cảm thông với những người Việt Nam. Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông".
Ông nói thêm: "Tôi hy vọng không một nhà lãnh đạo Mỹ nào trong thời đại này sẽ lại nhận được câu hỏi như vậy nữa. Thất bại lớn nhất, đó chính là sự chia rẽ tại đất nước chúng ta”.

Ông Kissinger có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

Năm 1973, ông trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ. Ông từng nắm giữ ngành ngoại giao Mỹ dưới cả thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

"Chính người Mỹ tự gây ra"
Trong một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2010 về chủ đề “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á trong thời kỳ 1946 – 1975”, ông Kissinger nói rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt.
Ông Kissinger nói về ông Lê Đức Thọ: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.
Ông Kissinger nói về ông Lê Đức Thọ: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.

Vị cựu cố vấn về chính sách an ninh của Mỹ cũng lên tiếng tán dương ông Lê Đức Thọ, đối thủ của ông trong cuộc hòa đàm Paris. Ông Kissinger nói: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.

Washington và Hà Nội đã ký kết một hiệp định hòa bình vào tháng giêng năm 1973, và trong năm đó ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từ chối không nhận giải.
Trong khi đó, cũng liên quan tới vấn đề biển Đông, khi được hỏi liệu có phải yếu tố Trung Quốc đã khiến Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau không, ông Tom Johnson, Cựu trợ lý điều hành cho Tổng thống Lyndon B. Johnson, một trong các diễn giả của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:

“Tôi không thể nói thay cho Washington hoặc Hà Nội. Tôi biết là có người cho rằng Mỹ cần phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tôi cũng biết là hiện có các quan ngại về việc Trung Quốc củng cố quốc phòng và xây dựng các đảo nhân tạo [trên biển Đông]. Nhưng tôi nghĩ rằng đôi bên cũng nhận thấy tầm quan trọng của thương mại”.

Ông Johnson nói ông hy vọng rằng ví dụ về sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ về mặt thương mại và kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nữa cả về mặt chính trị.

Đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 27/4, và dự kiến sẽ đề cập tới mối quan hệ từ thù thành bạn giữa Hà Nội và Washington.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: