Thi nhau rao bán
Hiện, một bộ phận sinh viên không tìm đến sách để trang bị hành trang kiến thức mà đã biến việc thi thành sự đối phó. Những sinh viên lười học hay gian lận thường rỉ tai nhau về những thiết bị công nghệ mới - vốn được sản xuất không phải phục vụ cho việc quay cóp. Dẫn đầu về sự tìm kiếm là thiết bị tai nghe siêu tinh vi truyền dẫn không dây, được quảng cáo rất hiệu quả trong mùa thi.
Trang Tai nghe..., có cơ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội đang dẫn đầu trên Facebook với gần 40 nghìn lượt người thích.
Khi PV nhắn tin hỏi mua thiết bị tai nghe để thi tốt nghiệp đại học, người quản lý trang ngay lập tức phản hồi: “Bạn tìm đúng chỗ rồi đấy! Chỗ mình chủ yếu cho sinh viên thuê, đặc biệt là mùa thi tốt nghiệp, cuối kỳ, hết môn. Giá rẻ mà cực an toàn”.
Khi PV gọi điện theo số nhà cung cấp, một giọng nam lên tiếng và giới thiệu là T, cựu sinh viên của một học viện tại Hà Nội. T. nói: “Bạn qua bên mình hướng dẫn tận tình, mình sẽ tiếp thêm niềm tin cho, chắc chắn sẽ thành công. Không chỉ có sinh viên thuê, học sinh và người thi công chức cũng thuê nên bạn yên tâm, chỗ mình rất uy tín”.
Theo tìm hiểu của PV, nếu mua qua mạng, khách hàng chỉ cần gửi tiền vào số tài khoản mà chủ cửa hàng cung cấp, vài ngày sau có người giao hàng tận tay. Mặc dù không có giấy tờ mua hàng hay bảo hành, nhưng các cửa hàng cam kết bảo hành 3 tháng, đổi trả miễn phí trong 1 tháng. Không chỉ bán lẻ, nam thanh niên còn nhận bán buôn những thiết bị tinh vi này cho những ai có nhu cầu kinh doanh.
T. cho biết, bộ sản phẩm gian lận của T. phải nhập từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Úc, Thái Lan, Trung Quốc… Giá bán tùy từng loại, từ 1 đến 4 triệu đồng/bộ. Khi PV thắc mắc giá quá đắt, T. giải thích: “Mấy đồ công nghệ cao phải đắt chứ, bạn là sinh viên, thuê sẽ tiện hơn. Giá thuê từ 200 đến 350 nghìn đồng/ngày, thuê nhiều ngày sẽ được giảm giá”.
Trong lúc đứng chờ T., PV gặp một nam sinh viên cũng đang đợi mua hàng. Dẫn chúng tôi vào phòng, T. lôi ra một túi sản phẩm công nghệ được bọc trong túi ni lông gồm 5 loại sản phẩm. T. hỏi lấy loại nào và khuyên “bạn là con gái lấy loại nào cũng dễ ngụy trang”.
T. đưa cho PV một thiết bị nghe lén được ngụy trang giống hệt thẻ ATM. Thiết bị này được thiết kế dày và thô hơn thẻ ATM thật, thẻ này có một khe sạc pin và một khe để cắm sim. “Với thẻ này, bạn có thể mang đi như một giấy tờ tùy thân có thể để trong túi áo ngực với con trai hoặc nhét vào áo ngực nếu là con gái, đảm bảo không giám thị nào phát hiện”.
Khi nam sinh viên ngỏ lời muốn xem bộ tai nghe siêu nhỏ, T. lấy ra 2 bộ để giới thiệu. Theo quan sát của PV, bộ sản phẩm gồm: Một hạt tai nghe có kích thước siêu nhỏ (khoảng 4mm), một thiết bị gắn sim giống điện thoại thu nhỏ (có khe cắm sim, nút nguồn, nút nhận cuộc gọi, các phím tăng - giảm âm lượng) và một cây nam châm để hút hạt tai nghe ra khỏi tai. Sau khi thử và cảm thấy hài lòng, nam sinh viên quyết định thuê với giá 350 nghìn đồng/ngày, đặt cọc 1 triệu đồng cùng CMND.
Phó mặc cho may rủi
Theo tìm hiểu của PV, có nhiều sinh viên đã gánh hậu quả khi lạm dụng những thiết bị gian lận. Liên hệ với một số sinh viên đã từng đặt hàng này trên mạng, một cựu sinh viên tên H. của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội chia sẻ: H đã dùng công nghệ thi cử từ năm nhất cho những môn lý luận vì không thể học được. “Trong suốt một năm, mình không làm chủ được bản thân, bị phụ thuộc vào thiết bị gian lận quá nhiều, chỉ biết chép và chép. Làm bài xong cũng không hiểu mình vừa chép gì”.
Sau một năm sử dụng trót lọt, đến đầu năm học thứ hai, H. bị giám thị phát hiện. “Khi đứng trước giáo viên mình rất xấu hổ. Về nhà, mình đấu tranh tâm lý rất nhiều. nếu không có thiết bị này thì những kỳ thi sắp tới của hai năm học nữa sẽ ra sao. Từ đó, mình đã quyết định tự học và những kỳ thi bằng kiến thức thực sự cũng đạt điểm khá cao”, H. kể lại.
Trong khi đó, bạn T.L chia sẻ: Nếu cứ phụ thuộc vào các thiết bị gian lận, kiến thức sẽ bị rỗng. Nếu không may bị bắt sẽ bị đình chỉ hoặc đuổi học. “Chúng ta đang phó mặc cuộc đời mình cho sự may rủi trong buổi phỏng vấn hay tuyển dụng. Sự gian lận chỉ có thể che đậy trong chốc lát nhưng không thể làm hành trang cho mình suốt cuộc đời”, T.L nói.
Trao đổi với PV, nhiều giảng viên cho biết, việc sử dụng các thiết bị gian lận trong thi cử vô cùng tác hại tới sinh viên. Nếu trót lọt, sinh viên được điểm cao nhưng kiến thức trống rỗng; còn bị bắt chắc chắn bị đuổi học hoặc chịu những hình thức kỷ luật nặng. “Thiết bị cũng do con người tạo ra, do đó, không có thiết bị nào là không thể phát hiện. Là tương lai của đất nước, các bạn sinh viên không nên lạm dụng để rồi rước lấy hậu quả khôn lường”, một giảng viên ĐH Luật Hà Nội nói.
(VTC News)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét