Nguyên Mẫn
Ngày chủ nhật, 1 tháng 5 năm 2016, thành phố Minamata đã làm lễ tưởng niệm các nạn nhân của chứng bệnh nhiễm độc thủy ngân Minamata, và kỷ niệm 60 năm ngày chứng bệnh này được chính thức công nhận (1).
Minamata nguyên là một làng nhỏ, thành lập vào cuối thế kỷ 19, cạnh vịnh Minamata, phía tây của đảo Kyushu, miền nam nước Nhật. Dân chúng sinh sống bằng nghề nông và đánh cá. Đến năm 1907, dân làng với hy vọng được hòa nhập vào tiến trình phát triển công nghiêp của nước Nhật vào thời kỳ ấy, đã thuyết phục công ty Chisso lập nhà máy tại làng. Chisso, thoạt đầu, là một công ty chuyên sản xuất phân bón và carbide, dần dần phát triển thành một công ty hóa dầu và plastic.
Ngay từ đầu Chisso đã không xử lý chất thải công nghiệp xả vào vịnh Minamata, gây thiệt hại cho khu vực đánh cá. Cá chết nổi trên vịnh Minamata ngày càng nhiều và lượng cá đánh bắt giảm đi rõ rệt. Nhưng chủ trương của Chisso là thà bồi thường cho ngư dân Minamata vẫn có lợi hơn là áp dụng các kỹ thuật bảo vệ môi sinh. Từ năm 1932, Chisso bắt đầu chế tạo hóa chất acetaldehyde để sản xuất plastics. Hóa chất này được chế tạo với hợp chất trong đó có thủy ngân (mercury), và thủy ngân cũng được Chisso thải vào vịnh Minamata. Sau thế chiến thứ hai, Chisso nhanh chóng khôi phục lại khu nhà máy ở Minamata, tiếp tục sản xuất acetaldehyde. Đến năm 1953 Chisso đã thành công chế tạo DOP, một chất dẻo dùng cho việc sản xuất PVC. Số lượng mercury dùng trong qui trình sản xuất PVC ngày càng tăng, hệ quả là vịnh Minamata bị ô nhiễm bởi hợp chất này ngày càng nặng nề.
Thủy ngân khi ở trong môi trường sông nước đã dần dà biến thành hợp chất hữu cơ vô cùng độc hại: methylmercury. Chất hữu cơ này khi được hấp thụ đã tích lũy dần trong các lớp trong hệ sinh vật. Sinh vật càng cao trong hệ thì lượng methylmercury tích lũy càng nhiều. Sau cùng, sinh vật cao nhất trong hệ, con người, khi tiêu thụ cá tôm đánh bắt trong vịnh, đã tích lũy trong cơ thể một lượng lớn methylmercury.
Mehtylmercury, một khi được hấp thụ, dễ dàng vượt các tuyến phòng thủ của cơ thể để tấn công bộ não, hủy hoại hệ thần kinh. Đến năm 1956 tác hại của methylmercury mới được dân Minamata phát hiện.
Đầu tiên là hiện tượng nhiều con mèo trong thành phố đột nhiên “nhảy múa” (2) một cách điên dại rồi lao mình xuống vịnh. Tháng năm 1956, bốn nạn nhân của một chứng bệnh lạ lùng được đưa đến bệnh viện thành phố. Họ có cùng những triệu chứng như co giật dữ dội, tay chân và môi bị tê dại, liên tục rơi vào tình trạng điên dại, rồi bị hôn mê vĩnh viễn. Cuối cùng, sau một cơn sốt cao, họ chết. Giới y tế thành phố khám phá ra rằng, đây không phải là những nạn nhân đầu tiên mà đã có gần 20 người ở các làng chài quanh vịnh đã chết với những triệu chứng tương tự. Nhiều trẻ sơ sinh khi ra đời sau đó đã nhiễm chứng bệnh này, chân tay co quắp, hệ thân kinh bị hủy hoại từ khi còn trong bụng mẹ. Mẫu số chung của những nạn nhân này, và kể cả những con mèo đã tự tử, là đã ăn cá đánh bắt trong vịnh.
Dựa vào đó, những nhà điều tra đã suy ra rằng, cá bị nhiễm độc từ chất thải của Chisso xả vào vịnh. Lẽ dĩ nhiên Chisso chối bỏ lời kết tội này và tiếp tục công việc sản xuất. Đến năm 1958 Chisso lại chuyển địa điểm xả chất thải từ vịnh Minamata sang sông Minamata. Sông này chảy ngang thị trấn Hachimon. Chỉ vài tháng sau những triệu chứng của căn bệnh lạ lùng lại xuất hiện ở vùng Hachimon. Cứ thế chứng bệnh Minamata đã lan truyền đến những vùng lân cận một cách nhanh chóng (4).
Mặc dầu Chisso luôn luôn chối bỏ là đã thải mercury vào sông nước và từ chối hợp tác với các nhà điều tra, nhóm điều tra y học thuộc đại học Kumamoto ở Kyushu, vào tháng 7 năm 1959, đã đưa ra kết luận tạm thời là cá vùng vịnh Minamata đã nhiễm methylmercury (thủy ngân hữu cơ) từ chất thải của nhà máy Chisso. Phân tích chất thải ra vịnh của Chisso cũng như kết quả giảo nghiệm các nạn nhân chứng bệnh Minamata đều cho thấy sự hiện diện của methylmercury ở nồng độ cao.
Chisso phản ứng dữ dội, đưa ra bản báo cáo riêng phủ nhận những kết luận của nhóm đại hoc Kumamoto. Chính quyền Nhật bản cắt đứt tài trợ cho nhóm nghiên cứu y học đại học Kumamoto. Bộ trưởng Công Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế, Ikeda Hayato (Thủ tướng Nhật, 1960-1964), chỉ trích việc công bố kết luận về chất thủy ngân hữu cơ của nhóm nghiên cứu đại học Kumamoto, cho rằng đó là nguyên do gây ra xung đột xã hội.
Không còn có thể đánh cá để bán hay để ăn, mất đi cơ sở kinh tế của cuộc sống, một số dân chài đã phải bỏ xứ tha phương cầu thực. Năm 1959 ngư dân Minamata bắt đầu phản đối Chisso, đòi bồi thường thiệt hại. Chisso từ chối bồi thường, viện lý là không có chứng cớ liên kết chứng bệnh với hoạt động sản xuất của nhà máy, chỉ đồng ý cho các nạn nhân còn sống sót một số tiền nhỏ gọi là để cảm thông.
Tháng 11 năm 1959, 4,000 ngư dân vùng vịnh tụ họp đòi quốc hội Nhật kiểm tra vùng bị ô nhiễm. Trên đường về, họ xông vào trụ sở công ty, đập phá dụng cụ văn phòng. Mặc dầu cuộc nỗi loạn của ngư dân bị chỉ trích nhưng chính sự kiện này đã lôi cuốn được sự chú ý của giới truyền thông khắp nước. Sau hơn ba năm, kể từ ngày được phát hiện, chứng bệnh Minamata đã được dân chúng khắp nước Nhật biết đến. Chisso đồng ý bồi thường cho các nạn nhân còn sống hay đã chết với số tiền nhỏ bé (5). Và Chisso tiếp tục thải thủy ngân vào vùng vịnh cho đến năm 1968 thì ngưng, lý do là thủy ngân không còn cần cho qui trình sản xuất acetaldehyde nữa!
Nhưng cuộc đấu tranh của nạn nhân chứng bệnh Minamata vẫn tiếp tục. Năm 1969 bệnh nhân kiện Chisso đòi bồi thường. Các bệnh nhân và những người ủng hộ họ đã dấy lên phong trào mỗi người mua một cổ phiếu duy nhất để tham gia các cuộc họp thường niên của Chisso. Chisso đối phó bằng cách thuê yakuza (mafia Nhật) để hù dọa, trấn áp các cổ đông này. Trong kỳ họp thường niên ngày 28 tháng 11 năm 1970, Chisso đã ngăn không cho hàng ngàn cổ đông này vào phòng họp bằng cách cho yakuza làm cổ đông và chiếm phòng họp. Cuộc họp kết thúc sau 5 phút, các dự thảo đều được chấp thuận nhanh chóng.
Sau đó các nạn nhân vẫn tiếp tục kiện Chisso và cả chính quyền trung ương và địa phương. Năm 2010 chính quyền Nhật Bản buộc phải can dự, sắp xếp cho những nạn nhân, không được xác nhận mắc bênh Minamata (6) và không nằm trong các vụ kiện chính quyền và Chisso, được bồi thường. Năm 2014, tòa án khu Kunamoto ra lệnh cho nhà nước, chính quyện Kunamoto và Chisso bồi thường cho ba nạn nhân, không có xác nhận bệnh Minamata, đã kiện họ. Các bị cáo chối bỏ trách nhiệm về luận cứ là nguyên đơn đã mắc bệnh Minamata do nhiễm thủy ngân.
Minamata là trường hợp ô nhiễm công nghiệp đầu tiên được biết đến. Chứng bệnh Minamata là chứng bệnh do ô nhiễm môi trường đầu tiên được công nhận. Cho đến thế kỷ 21, bài học Minamata cho thấy, ở Minamata cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, người ta vẫn còn sẵn sàng hy sinh quyền lợi con ngưởi để đổi lấy lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm đắng cay của Minamata, nước Nhật đã học được nhiều bài học bổ ích. Các tổ chức xã hội dân sự gây áp lực buộc chính quyền Nhật lập các cơ quan bảo vệ môi trường, thông qua nhiều đạo luật bảo vệ môi sinh. Các tổ chức thương mại và kỹ nghệ đổ vốn đầu tư vào kỹ thuật sạch (clean technology). Nhật bản được công nhận là quốc gia có nhiều biện pháp chống ô nhiễm chặt chẽ nhất thế giới.
Bây giờ thành phố Minamata là niềm hãnh diện chung của dân cư trong vùng. Năm 1997 Vịnh Minamata được công nhận là vùng môi sinh an toàn, mọi lệnh cấm đánh bắt và tiêu thụ cá được bãi bỏ. Năm 1999 Minamata được chứng nhận tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001. Đầu thế kỷ 21, năm 2001, Minamata được công nhận là thành phố Sinh Thái (Eco-Town) của Nhật bản. Năm 2008 chính phủ trung ương Nhật bản chỉ định Minamata là thành phô sinh thái kiểu mẫu. Tháng 10 năm 2013, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một qui ước nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường đối với hiểm họa của thủy ngân và hợp chất thủy ngân đã được trên 140 nước ký kết, trong đó có Việt Nam. Qui ước này mang tên “Qui Ước Minamata về Thủy Ngân”.
Như đã đề cập ở đầu bài, Minamata vừa kỷ niệm 60 năm ngày chứng bệnh Minamata được công nhận. 60 năm sau, năm 2076, mong ước chúng ta không phải làm lễ tưởng niệm cho nạn nhân của vụ ô nhiễm Vũng Áng!
___
Chú thích
- Ngày 1 tháng 5 năm 1956 đánh dấu ngày cơ quan y tế địa phương công nhận bệnh Minamata là do ô nhiễm từ chất thải công nghiệp. Mãi đến năm 1968, 12 năm sau ngày bệnh được phát hiện, chính phủ Nhật mới công nhận chứng bệnh này là do sự hủy diệt môi trường.
- Dân chúng thoạt đầu, khi chỉ quan sát được triệu chứng kỳ lạ của mèo, đã gọi đây là căn bệnh “sốt mèo-nhảy-múa”.
- William Eugene Smith (1918-1978), phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ chuyên về các đề tài nhân bản. Tháng 6 năm 1972 tạp chí Life đã đăng bộ ảnh nạn nhân Minamata, trong đó bức ảnh trên được xem đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến thảm họa ô nhiễm môi trường đến toàn thế giới. Công ty Chisso, muốn Smith ngưng phổ biến bộ ảnh này, đã thuệ Yakuza, giả dạng làm nhân viên công ty, hành hung ông này. Ông bị thương nặng, thị giác của một mắt bị suy giảm hẳn.
- Năm 1965 bệnh Minamata lại xuất hiện tại Niigata dọc theo sông Agano. Thủ phạm lần này là một công ty của Showa Denko, cũng dùng thủy ngân trong qui trình sản xuất.
- Năm 1959 Chisso trả cho mỗi nạn nhân đã tử vong 300,000 yen (US$ 830) 100,000 yen (US$ 278) cho nạn nhân còn sống sót.
- Có hơn 17,000 người trong vùng Kumamoto và Kagoshima đã nộp đơn xin chứng nhận nhiễm bệnh Minamata. Chỉ có 2,264 người được chính quyền công nhận, 10,353 người khác được xem đủ tư cách để nhận tiền bồi thường của công ty Chisso.
Tài liệu tham khảo
1/ Jun Ui, Jun “Chapter- 4 Minamata Disease”
2/ Minamata Disease Municipal Museum “Ten Things To Know About Minamata Disese”, translated by Timothy S. Geotge and Jane George.
3/ Allchin, Douglas “The Poisoning of Minamata”, https://www1.umn.edu/ships/ ethics/minamata.htm.
4/ “Minamata, Kumamoto”, Wikipedia article, https://en.wikipedia.org/wiki/ Minamata,_Kumamoto#cite_note- Ministry_of_Environment.2C_ Japan-6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét