Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Nghề giáo – nghề của sự hy sinh


Câu chuyện của những người thầy ở miền núi khiến chúng tôi phải giật mình và đôi khi là cố nén những giọt nước mắt khâm phục.

Tôi đến Điện Biên vào một ngày đông giá kéo theo chút mưa lâm thâm ẩm ướt. Đó là chuyến đi tiền trạm do một nhóm tình nguyện mà tôi tham gia phát động.
Trong chuyến đi đó, tôi gặp thầy, một người thầy đáng kính với sự nhiệt huyết và chân thành. Những câu chuyện của thầy khiến chúng tôi, những người quen sống cuộc sống đầy đủ, no ấm, những người quen sống cuộc sống vị kỉ phải giật mình và đôi khi là cố nén những giọt nước mắt khâm phục.

Cảnh dạy học buổi tối ở vùng cao. Video: Trang Trịnh.

Tôi nhớ mãi ánh mắt của thầy lúc đó, khi tôi hỏi thầy lí do thầy lên trên miền núi dạy học. Đó là ánh mắt trĩu nặng, hơi bạc đi vì vất vả nhưng vẫn ánh lên một nét tự hào, viên mãn. Thầy chỉ khẽ hát một câu và có lẽ đó cũng là câu trả lời: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”
Trước giờ, tôi vẫn quen “chọn việc nhẹ nhàng”. Và đến hôm đó, tôi mới thấm phần “gian khổ” mà người đã chọn là như thế nào.

Tôi đã suýt bật khóc khi nhìn “căn phòng” mà các thầy ở nội trú. Căn phòng của thầy không kín gió, không chăn đệm êm, không nền gạch sạch sẽ, không điện, không nước. Chỉ có cái kệ gỗ thầy kê cao làm giường,chồng củi cùng cái bếp ở cuối phòng và mấy đồ cá nhân lặt vặt. Trời tạnh ráo thì không sao, trời mưa thì sàn nhà đúng như vũng bùn. Hôm nào gió mùa về, từng đợt lạnh lùa vào như từng lưỡi dao lam cứa qua da thịt vậy.
   Nghề giáo – nghề của sự hy sinh - Ảnh 1
Căn phòng nội trú của thầy cô. Ảnh: Trang Trịnh.
Tôi đã suýt bật khóc khi biết được rằng các thầy không chỉ dạy học cho gần hai chục em học sinh ở điểm trường mà còn phải vận động các em đi học từng bữa, lo từ chén cơm, giấc ngủ cho các em. Hầu như bữa nào thầy cũng chỉ ăn duy nhất bát cơm trắng “là đủ sức quát chúng nó”. Thỉnh thoảng phụ huynh gửi ít rau, ít muối lạc, ít thịt khô hay khi nào thầy xuống núi thì mới được ăn một bữa mà như thầy gọi là “bữa có món”.
Tôi đã suýt bật khóc khi theo thầy lấy nước. Nguồn nước cách đó hơn 1km, cứ khi nào rảnh thầy lại đi gánh về để mọi người sử dụng. Vừa đi, thầy vừa kể những câu chuyện vừa hài hước nhưng cũng xót xa. “Nhiều lúc gánh nước về, học sinh không biết lại nghịch ngợm, nhúng cả chân vào xô, té nước trêu bạn, thế là đi tong xô nước sạch. Thầy nhắc có nghe đâu nhưng cứ phạt cho đi xách nước cùng thầy là sau không dám nghịch nữa. Chúng mày thấy thầy trị siêu không?”
Tôi đã suýt bật khóc khi biết được rằng các thầy vất vả như thế nào trong việc truyền đạt tri thức.
Thầy kể rằng: Trẻ trên này chưa biết tiếng Kinh, nên không hiểu thầy giảng gì. Nhiều đứa nghịch quá, trong giờ mà chúng nó chạy chơi loanh quanh từ trong đến ngoài lớp. Thầy quát chúng nó không nghịch nữa, chúng nó vẫn chơi vì nghe không hiểu. Vài đứa ngoan hơn khi bị mắng thì ngồi im rồi vừa mếu vừa đọc. Nhưng trẻ con mà, chẳng tập trung được. Nhiều bài cứ giảng đi giảng lại cả chục lần mà cũng không ổn.
Đây là chữ Ô, đọc Ô nào... Ô.
Hu hu... Ê, Ê...
   Nghề giáo – nghề của sự hy sinh - Ảnh 2
Một tiết học của thầy và trò. Ảnh: Giáo dục.
Và cuối cùng, tôi cũng đã rơm rớm khi nghe thầy tâm sự: “Nhiều lúc cực quá cũng thấy nản nhưng bọn trẻ trên này nó thiệt đủ đường rồi, thầy mà không lên dạy, chúng nó không biết chữ rồi còn khổ hơn! Mình không đành lòng được.
Người thầy đó tuy chưa từng dạy tôi một buổi nào, nhưng thầy lại khiến tôi giác ngộ về cái nghề cao quý hơn cả này. Tôi tin chắc rằng, ai có cái duyên, cái nghiệp gắn bó với nghề giáo, đều là những người luôn chọn gian khổ, âm thầm hy sinh và cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp “ươm mầm, trồng cây”. Sự hy sinh đó không thể đánh đổi bằng vật chất mà chỉ có thể quy đổi bằng sự nỗ lực vươn lên, bằng tấm lòng của những lớp lớp học trò dành cho người thầy – cô đáng kính của mình!
Thầy ơi! Lòng sông sâu con sào dài đo được. Lòng người đưa đò ai đưa được bao la ...
Trang Trịnh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: