Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Tiến trình DÂN CHỦ HÓA nói gì thì nói, ở Việt Nam đang khởi động!

Quốc Hội thông qua nhiều quy định mới 
về Quyền con người

Thứ Năm, ngày 26 tháng 11 năm 2015 

BLA: Về mặt pháp luật, trên thực tế Việt Nam đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực và cần được đánh giá theo quan điểm tích cực. Chẳng hạn như với việc ban hành Luật trưng cầu dân ý lần này, theo hướng cho phép Quốc Hội trưng cầu dân ý về "toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp". Mà chúng ta biết rằng trong Hiến Pháp có quy định về quyền lãnh đạo xã hội của Đảng cộng sản VN (Điều 4). Trong khoảng vài năm qua, Việt Nam cũng đã tăng cường quan hệ với các nước từng bị xem là "kẻ thù" như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp ... lên mức nồng ấm đáng kể, trong đó có việc nhận viện trợ bán quân sự từ Mỹ, đề nghị được mua vũ khí của Mỹ, ủng hộ vai trò của Mỹ ở Biến Đông ... Những hành động này cho thấy lãnh đạo Việt Nam đang từng bước thoát khỏi vòng phong tỏa của Trung Quốc, hướng tới một xã hội dân chủ, nhân văn hơn. Tui ủng hộ những bộ luật vừa ra lò lần này và cảm thấy vui. Tất nhiên, để luật đi vào cuộc sống một cách thực thụ, để luật không phải là mị dân, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và lòng dũng cảm của toàn cộng đồng.   

Ngày 25-11-2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số luật liên quan đến quyền con người, trong đó có Luật trưng cầu ý dân - Ảnh: Việt Dũng

26/11/2015 13:38 GMT+7 

TT - Trưng cầu ý dân được thực hiện từ 1-7-2016; người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử, tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng...  
Đây là những nội dung đáng chú ý trong các đạo luật được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015.

Kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực trực tiếp

Với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu ý dân gồm 52 điều. Theo đó, cho phép Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của 
đất nước.

Luật này quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Trước khi bấm nút thông qua nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: “Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân.

Kết quả này cần được xác lập trên cơ sở có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần thiết (3/4) và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành để thể hiện sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.

Thực tế tổ chức bầu cử ở nước ta đã chứng minh việc thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước là hoàn toàn có cơ sở”. Riêng trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phải được 2/3 số phiếu hợp lệ 
tán thành.

Điều 11 Luật trưng cầu ý dân quy định: “Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố”. Như vậy, kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực trực tiếp mà không cần phải có sự xem xét của bất cứ cơ quan nào.

Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử

Với việc thông qua Luật tạm giữ, tạm giam, Quốc hội thừa nhận quyền bầu cử của những người chưa bị kết án.

Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân quy định người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.

Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Luật cũng quy định cụ thể quyền và chế độ được hưởng đối với những người bị tạm giam, tạm giữ, đặc biệt là các đối tượng là người chưa thành niên được tăng thêm định lượng ăn về thịt, cá...;

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe, nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ.

Liên quan đến ý kiến cho rằng biện pháp kỷ luật “cùm một chân” là quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích:

“Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ”.

Quốc hội đã đồng tình với lập luận này.

Không có luật thì xử theo tập quán

Đây là một trong các quy định mới đáng chú ý trong Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Điều 4 bộ luật này quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, giải thích “vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng”.

Bộ luật cho phép tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp này. Khi yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng.

Thông qua Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), với quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện, Quốc hội đã khép lại cuộc tranh luận kéo dài về việc nên để tòa tỉnh xử “quan” huyện hay tòa huyện xử “quan” huyện.

............

Ngày 22-5-2016 bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021

Cùng với việc thông qua một số đạo luật liên quan tới quyền con người, quyền công dân, trong ngày 25-11 Quốc hội cũng hoàn tất thủ tục phê chuẩn bốn phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, gồm Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân và 16 người khác làm ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Như vậy, Hội đồng bầu cử quốc gia gồm có 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm chủ tịch. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được ấn định là 22-5-2016.

Với đa số phiếu đồng ý, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Hạnh Phúc làm tổng thư ký Quốc hội.

LÊ KIÊN


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: