Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

"Đã Đại Đoàn Kết sao lại thất bại toàn tập?



         Thế là, sau hơn 2 năm chờ đợi, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa ra xét xử vụ án nhà báo Từ Khôi khởi kiện  báo Đại Đoàn Kết.
         Phiên tòa xét xử chiều 20.11.2015. Chiều 25.11.2015 tòa tuyên án. Nguyên đơn nhà báo Từ Khôi thắng kiện. Bị đơn báo Đại Đoàn Kếtlại thêm một lần bại trận.
         Trong 3 tháng kề nhau (9-10-11.2015 ) báo Đại Đoàn Kết trở thành bị đơn của 3 vụ án, với 3 nguyên đơn đều là “người trong nhà” của tờ báo này, cả 3 nhà báo có hàm cấp phó ban chuyên môn.
          Ba nguyên đơn đều thắng. Báo Đại Đoàn Kết thì ngược lại, bị nốc ao trắng bụng.
          Ba nguyên đơn là đồng nghiệp của tôi. Chúc mừng ba đồng nghiệp, những người hiên ngang chống tiêu cực tại cơ quan báo chí có bề dày thuộc tốp đầu của làng báo Việt Nam.
         Xin chia phần xót xa với báo Đại Đoàn Kết, bị lôi ra tòa và thất bại ê chề mà nguyên nhân hoàn toàn do chủ quan gây ra.
         Những ai là người của báo Đại Đoàn Kết, nếu thật sự khách quan và không bị lợi ích nhóm lôi kéo, khi tòa chưa xét xử đã tự tin với khẳng định: phần thắng chắc chắn thuộc về nguyên đơn.
         Với báo Đại Đoàn Kết, trong 3 vụ án này, sai phạm chồng lên sai phạm, bị đơn không thua kiện mới là chuyện lạ.

         Đã là vụ án thì đương nhiên có tội danh, xét xử và tuyên án dựa vào các điều khoản do pháp luật quy định. Thực ra, về bản chất, 3 vụ án này có chung hành vi là trù dập người dũng cảm chống tiêu cực.
        Những người bị trù dập là nhà báo, thể hiện phẩm chất báo chí cách mạng bằng cách nêu gương chống tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan.
        Kẻ ra tay trù dập chính là người có bề dày tiêu cực nhưng lại đứng đầu cơ quan báo chí.
        Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, có vị đại biểu nêu vấn đề bi đát nhưng có thật: người tiêu cực xử lý người chống tiêu cực.
        Tại báo Đại Đoàn Kết, dưới thời nguyên Tổng biên tập Đinh Đức Lập, hiện trạng bi đát ấy phát sinh nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa “nuốt” hết hậu quả.
        Ba vụ án xảy ra tại báo Đại Đoàn Kết và cơ quan này thất bại đắng cay, một phần có nguồn gốc từ cơ quan chủ quản.
         Người đứng đầu trù dập ba nhà báo, từ đó dẫn đến ba vụ án, chính là Đinh Đức Lập, nguyên Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.
         Ngay từ ngày đầu đưa Đinh Đức Lập về chiếm ghế lãnh đạo báoĐại Đoàn Kết, cơ quan chủ quản vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của Ban Bí thư. Quyết định 75 của Ban Bí thư có điều khoản mang tính bắt buộc: người làm lãnh đạo cơ quan báo chí (tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập) phải có thẻ nhà báo, phải có quá trình làm báo từ 3 năm trở lên.
           Đinh Đức Lập không phải là nhà báo, chưa một ngày hoạt động nghiệp vụ ở cơ quan báo chí. Thế mà, như kẻ điếc không sợ súng, cơ quan chủ quản phớt lờ quyết định 75 của Ban Bí thư, ra quyết định giao cho Đinh Đức Lập ngồi vào ghế cao nhất của báo Đại Đoàn Kết. Mọi phát sinh bất ổn và tiêu cực của báo Đại Đoàn Kết bắt nguồn từ đó.
          Sẽ là hàm hồ nếu cho rằng mọi thành viên của cơ quan chủ quản đều sai phạm khi lôi Đinh Đức Lập về làm báo Đại Đoàn Kết. Thực ra chỉ là một nhóm nhỏ (chứ không phải là một bộ phận không nhỏ) gây ra sai phạm nghiêm trọng ấy. Đứng đầu và giữ vai trò quyết định là ông Vũ Trọng Kim. Đinh Đức Lập là sản phẩm của ông Vũ Trọng Kim. Là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim đã lạm quyền khi quyết định để cho Đinh Đức Lập đứng đầu báo Đại Đoàn Kết. Chỉ vì quan hệ cá nhân, vì lợi ích nhóm, ông Vũ Trọng Kim bất chấp đến mức phớt lờ quyết định 75 của Ban Bí thư.
         Những năm cầm quyền ở báo Đại Đoàn Kết, Đinh Đức Lập tác giả bài viết thì ít nhưng “tác giả” sai phạm thì nhiều. Ông Vũ Trọng Kim lại tiếp tục ô dù bao che cho Đinh Đức Lập. Cặp đôi Đinh Đức Lập - Vũ Trọng Kim giống như quan hệ con nghiện với người nuôi con nghiện. Càng dung dưỡng cho con nghiện thì con nghiện càng nghiện nặng hơn. Và kết cục bi đát đã ập đến với Đinh Đức Lập: không những mất chức Tổng biên tập mà còn thảm hại ê chề về danh dự.
        Nếu dũng cảm thừa nhận sự thật, cơ quan chủ quản không khó tìm ra bài học chua chát về công tác nhân sự tại báo Đại Đoàn Kết. Khó tránh khỏi nhầm lẫn khi chọn người nhưng làm nhân sự liên tục “có vấn đề” như ở báo Đại Đoàn Kết thì quả thật hơi bị hiếm. Cơ quan chủ quản vung tay “gieo” còn báo Đại Đoàn Kết è cổ gánh chịu hậu quả.
        Có mặt tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm dự phiên tòa xét xử vụ án với nguyên đơn nhà báo Từ Khôi, vụ cuối cùng trong 3 vụ án có chung bị đơn là báo Đại Đoàn Kết, tôi miên man nghĩ về báo Đại Đoàn Kết. Giá như, khi xét xử 3 vụ án này, lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết có mặt tại tòa sẽ rất có ích. Nghe tranh tụng tại tòa, lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết sẽ tìm ra bài học từ những thất bại do chính họ gây ra. Nhìn lại những diễn biến vụ án được trình bày tại tòa, lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết sẽ phải sửa đổi điều hành quản lý làm cho nội bộ lành mạnh hơn, trong sáng hơn và vươn tới thực hiện mơ ước xứng danh tên gọi Đại Đoàn Kết.
Bá Tân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: