Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh: “Thiếu tác phẩm đỉnh cao, công chúng mất phương hướng”


(LĐCT) - Số 46 NHẬT LỆ (thực hiện) 
Nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh
 Không thoát ra khỏi “vòng kim cô” của chủ nghĩa lý lịch, sau giải phóng, nhà báo, nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh long đong, lận đận trên con đường làm nghề. Nhưng ông nhanh chóng thoát ra khỏi hoàn cảnh, tự mình tìm ra cái mới để chơi. Thú chơi của một người nghiên cứu văn, triết, Hán nôm lại bắt đầu từ những chuyện mà chẳng ai nhìn thấy. Thoạt đầu, ông nổi tiếng với những bài tiểu luận phê bình trước năm 1975 về văn học cổ điển, sau đó là công trình “Văn học sử 20 năm miền Nam”, một công trình có giá trị mà rất tiếc, đến bây giờ bản thảo thất lạc khá nhiều.

Sau giải phóng, nhiều trí thức chế độ cũ khác, ông lên nông trường sản xuất, tham gia các khóa học sinh ngữ để chờ tái bổ nhiệm dạy học. Tuy nhiên, nghề báo đã chọn ông, từ thuở ông mở sạp bán báo phụ vợ. Từ mô hình sạp báo, ông đã biến nó thành mô hình tờ Tin nhanh World Cup Italia 1990 được Việt hóa hấp dẫn và cùng với nhà báo Tường Vy, cùng cả êkíp Báo Tuổi Trẻ đạt được thành công rực rỡ. Một thời gian dài, ông viết và biên dịch cho Báo Lao Động ở chuyên mục thể thao. Một con người tài cao, học rộng nhưng lại rất khiêm nhường.
Mới đây nhất, ông lại xuất bản trên mạng tập “Hồ sơ hậu chiến”, nói về số phận kỳ lạ của 7.000 người từng trải qua cuộc chiến ở cả hai phía, thu hút sự quan tâm của độc giả.
Vì sao có một thời gian viết báo hết công suất mà ông vẫn có thể làm được tuyển tập Guinness Việt Nam - điều mà trước đó chưa ai làm?

- Guinness Việt Nam bắt đầu hình thành trong đầu tôi là nhờ cái sạp báo. Hồi đó, tôi giữ một chân ở Báo Giác Ngộ, nhưng tờ báo mỗi tháng ra một lần, không đủ sống, đành phải bán báo thêm phụ vợ. Mỗi lần báo bán ế, tôi ngồi đọc cả đống báo, thấy có nhiều thông tin hay, liền bật ra, a mình làm cái này chơi. Thế là ra đời Guinness Việt Nam. Ra được 2 tập, trong năm 1990 và 2000, do NXB Trẻ ấn hành. Sau này, người ta bắt đầu làm nhiều, thấy quá nhàm nên thôi không ra tập tiếp nữa.

Lúc làm Guinness, ông nghĩ đến những giá trị nhất thời hay còn cả về sau?

- Đúng là Guinness có những giá trị của nó. Tôi chỉ lấy thông tin trên báo chí, chứ nếu muốn hay, phải đến tận nơi, gặp gỡ nhân vật, chụp hình, phỏng vấn… thì sẽ có nhiều điều thú vị. Nhưng thời đó điều kiện chỉ có thế. Người ta thích vì nó lạ. Tại thời điểm đó, các kỷ lục về thể thao được người ta chú ý đến rất nhiều. Càng về sau, mới mở rộng ra nhiều kỷ lục khác. Mở ngoặc một chút, thời những năm 1980, chuyện tường thuật thể thao hầu như không hề có trên đài truyền hình, phát thanh. Nhờ có vốn sinh ngữ, tôi nghe đài nước ngoài, sau đó ghi lên bảng dựng ở sạp báo, có lời bình cho hấp dẫn, và ghi tên cầu thủ ghi bàn. Tôi chủ trương đã làm thì phải làm cái mới, cái chưa ai làm thì mới đột phá được. Nếu đi theo cái cũ thì khó ăn lắm. Khi chưa ai làm Guinness thì mình làm, còn khi quá đông người nhảy vô thì nghĩ cái khác mà chơi.
Sau Guinness, ông còn làm tuyển tập “1.000 nhà thơ Huế đương thời”, gây ấn tượng cho độc giả?

- Đó là cách tri ân Huế, coi như món quà cho quê hương. Nhờ sự cộng tác với các bạn tôi mới hoàn tất 3 tập. Không phân biệt chức tước hay già trẻ, chỉ cần bài thơ đạt tiêu chuẩn hay theo ý mình. Tôi tự bỏ tiền ra in, hòa vốn là mừng. Hồi đó, in thơ là liều lắm, không NXB nào dám bỏ vốn ra in đâu vì sợ lỗ là cái chắc.

Trong cuốn “Văn học Việt Nam - tổng quan” in tại Mỹ năm 1987, nhà văn Võ Phiến (1925 - 2015) cho rằng, “thời kỳ 1954 - 1975 (ở miền Nam - BT chú thích), gặp cái rủi ro hiếm thấy, là trong suốt 20 năm trời không có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp”. Võ Phiến nhiều lần nhắc đến tên ông trong cuốn sách một cách trân trọng và có cả tiếc nuối: “Ông Cao Huy Khanh (tức Cao Huy Vĩnh. BT chú thích) có nghiên cứu về bộ môn tiểu thuyết cùng các tiểu thuyết gia trong thời kỳ này, nhưng sách chưa kịp phát hành thì miền Nam sụp đổ”. Thời ấy, tiểu thuyết ở miền Nam có nhiều thành tựu, Võ Phiến đã trích dẫn sự nhìn nhận của Cao Huy Khanh là “tiểu thuyết chúng ta có quá nhiều sắc thái, nhiều tính chất, nhiều đặc điểm khác biệt”. Võ Phiến còn kết luận rằng, “Biên khảo về tiểu thuyết miền Nam Việt Nam sau 1954 thì hình như chỉ mới có Cao Huy Khanh”…

Không chỉ viết báo chuyên về thể thao, văn hóa, ông còn là nhà phê bình với nhiều bài tiểu luận gây tiếng vang trước 1975. Ông có thể cho biết về các nhân vật mà ông từng nghiên cứu?

- Công trình trước năm 1975 mà tôi thực hiện là một số bài tiểu luận, phê bình gây được tiếng vang vì ít nhiều có cái lạ. Hồi đó, tôi sử dụng phương pháp hiện đại, áp dụng phân tâm học, phê bình kiểu hiện sinh về phân tâm học. Phương pháp đó khá mới thời đó. Tôi viết về Hồ Dzếnh, Bùi Giáng, Tế Hanh… Theo quan điểm của tôi, khi viết bài phê bình, tôi chỉ lấy tác giả đó làm cái cớ thôi, để đưa cái chủ quan của mình vào. Nên nó không phải phê bình lý luận khoa học bình thường, mà giống như một dạng cảm xúc phối hợp tác phẩm nên mới dễ đọc.
Bùi Giáng thì tôi không đánh giá cao ở tài thơ, mà con người ông mới lạ, mới đáng phục. Là người nửa tỉnh, nửa mê nhưng thực chất ông không điên. Còn sự nghiệp thơ văn của ông chủ yếu là lục bát, nhưng ông có thế mạnh là sức viết rất khỏe - có cả chục ngàn bài. Điều này trong lịch sử văn học VN chỉ có hai người đạt được thôi, là Tản Đà và ông. Còn về dịch, ông dịch nhiều cuốn giá trị, nhưng chủ yếu vẫn thêm vào sáng tác của mình, như một kiểu dịch phóng tác.
Bài viết “Chân trời cũ” nói về bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh, có lối viết vừa nghiêm túc, vừa tưng tửng. Hay “Mái hiên người” viết về bài thơ “Trên sân ga” của Tế Hanh. Ở Huế, tiếng còi tàu kinh hoàng lắm, cả trăm năm nó vẫn như vậy. Mượn cớ bài Tế Hanh để viết ra những ý nghĩ, suy tư của mình.

Thế còn công trình “20 năm Văn học sử miền Nam từ 1954 - 1974”?

- Mới làm được một phần ba thì đất nước thống nhất, nên thôi luôn. Tôi làm văn học sử theo quan niệm truyền thống, dùng lịch sử, thời đại, tiểu sử tác giả để phân tích, chia làm các giai đoạn, cột mốc… Tuy nhiên, dự án vừa mới đăng vài ba số thì bị ngưng...

Theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn, bây giờ nhìn nhận lại, thời đó, văn học miền Nam đã có những thành tựu nhất định, có thể nói là phát triển lên đỉnh, với nhiều tác giả lớn, có ảnh hưởng đến văn học về sau. Quan điểm của ông ra sao?

- Văn học sử thời đó chia ra làm 3 giai đoạn. Thời gian đầu, dựa vào nhóm nhà văn từ Bắc di cư vào Nam, cụ thể là nhóm Sáng tạo. Nhóm này gồm Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Trong đó, nổi bật nhất là Thanh Tâm Tuyền, một người rất đứng đắn, có trình độ. Ông nổi bật với thơ tự do “Mặt trời cô đơn”, và văn thì có cuốn “Bếp lửa”. Trong Nam, phát triển sau hơn một chút là nhóm “Bách Khoa”, tức nhóm làm bán nguyệt san Bách Khoa, đứng đầu là ông Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu I, Võ Hồng, Lê Tất Điều... Võ Phiến là chuyên gia truyện ngắn, phân tích tâm lý rất hay. Lớp văn trẻ sau này có Y Uyên viết về chiến tranh cũng rất đặc sắc, nhưng bị chết trận. Nhóm Văn nghệ xuất hiện sau khi nhóm Sáng tạo tan rã, có Viên Linh, Du Tử Lê… Ngoài ra có những nhà văn nữ có cá tính như Nhã Ca, Thụy Vũ, Túy Hồng…

Ông đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng của các nhà văn thời đó đến thế hệ sau? Bản thân nhiều nhà phê bình cho rằng, thời đó, mặc dù cũng bị kiểm duyệt, nhưng các nhà văn miền Nam vẫn có những tác phẩm đỉnh cao?

- Trong lịch sử có một chân lý kỳ cục, từ thời Roma cho đến bây giờ, là những người đi chinh phục, sau khi chiến thắng thì lại bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của những kẻ bị chinh phục. Người đi chinh phục thường mạnh về quân sự, nhưng họ không thể mạnh về văn hóa.

Có người nói báo chí, xuất bản miền Nam hồi đó rất phát triển, liên tục cập nhật các trường phái, trào lưu trên thế giới. Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao?

- Báo chí miền Nam thời trước ít được tổ chức đàng hoàng, mà hầu hết chụp giật, chỉ gói gọn vài người viết bài, chụp ảnh, chứ không nhiều ban bệ như báo chí thời bây giờ. Sở dĩ, xuất bản thời đó phát triển, là bởi cũng nhờ cơ chế tự do, không bị o ép. NXB hay nhà văn cá nhân vốn thiên biến vạn hóa. Cứ để người ta tự do, nếu có những sai phạm thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, còn không, thì để họ tự xoay xở, sống còn. Muốn vậy, các NXB phải tự thân vận động, tìm những tác phẩm hay nhất, mới nhất về dịch. Vì thế mà thời đó, các trào lưu văn chương thế giới đều được cập nhật khá sát sao.
Còn nói về dân trí, thời đó, đội ngũ trí thức đông hơn, văn hóa đọc cũng phát triển. Từng làm nghề giáo qua hai chế độ, tôi thấy thời đó có những thầy cực giỏi, mà có những thầy cực dốt. Còn ngược lại, giờ không có thầy dốt, nhưng thầy giỏi cũng không có.

Theo ông, do đâu mà thời nay, phê bình văn học không phát triển?

- Phê bình bây giờ không phát triển là do công chúng không còn chú ý đến văn chương nhiều nữa. Thứ hai, không dễ phê bình, phải có học thuật, có trình độ, mà nhất là muốn phê bình văn học VN phải hội đủ hai yếu tố, phải có kiến thức về văn chương Việt Nam, và cả phương pháp Đông Tây hội tụ. Điều đó không đơn giản. Người ta thườngchỉ giỏi một trong hai thứ đó thôi. Những người Tây học thì viết không ai hiểu. Những người không biết tiếng Tây thì là ông đồ gàn. Thứ ba nữa là có cả yếu tố chính trị.

Phải chăng, văn học thời kỳ nào cũng nằm trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam, nhắc đến nó phải vẽ nên những nét tổng thể của bức tranh hoàn chỉnh, cũng như không thể thiếu văn học miền Nam trước ngày thống nhất hay văn học hải ngoại đương đại…

- Thực ra, những thành tựu chính đạt được tính ra ở văn học miền Nam, còn văn học hải ngoại thì theo tôi nghĩ, văn nghệ sĩ mà xa rời cái gốc của mình thì viết khó mà hay được nữa. Điểm khác biệt giữa nhà văn ở hai miền chính là ở chỗ lòng yêu nước thể hiện qua thái độ và tư tưởng hành động khác nhau. Trải qua 20 năm đổ xương máu giành độc lập, bao nhiêu thù hận, bao nhiêu đổ vỡ, đến bây giờ người ta mới tạm nguôi ngoai, mới nói đến hòa hợp dân tộc.

Bao nhiêu năm viết về văn hóa văn nghệ, thể thao, ông có nhận xét gì khi thời nay, rác văn hóa tràn ngập, trong khi chẳng có ai buồn dọn dẹp hay ra tay để làm sạch môi trường văn học nghệ thuật?

- Quan trọng nhất là sự tự do, để người hành nghề tự định đoạt, xoay xở, đừng kèm cặp, chỉ đạo nhiều quá. Trình độ văn hóa bây giờ đi xuống, vì ngay cả những tác phẩm chân chính cũng không có nhiều, không định hướng được khán giả, buông lỏng về mặt quản lý. Văn hóa nghệ thuật xuống cấp, lại thực dụng nữa, chính vì thế mà xã hội không có được tác phẩm đỉnh cao, công chúng mất phương hướng thì nhảy từ cái này qua cái kia… là điều dễ hiểu.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn : laodong.com.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: