Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Đơn kiến nghị của con trai ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi



Phần nhận xét hiển thị trên trang
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
o0o
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Kính gửi: – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;
     – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang;
     – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng;
     – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng;                 
     – Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an;
     – Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình
Ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi. Nguồn: báo TP
Tên tôi là: Nguyễn Quốc Dũng, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1973.
CMND số: 001073000757, do Cục CSĐK cư trú và QLQG về dân cư cấp ngày 12/12/2013. Điện thoại: 0913383111.
Hiện tôi trú tại: A 1504 Tòa nhà Sky City, 88 Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội;
Tôi là con trai nhà báo Kim Quốc Hoa (tức Nguyễn Quốc Hoa), cựu Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi, TW Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Bản thân tôi cũng là nhà báo, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ nội dung vụ việc.
Kính thưa ông!
Sau khi Bộ Thông tin-Truyền thông (Bộ TTTT) thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi, rồi chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố hình sự xảy ra tại Báo Người cao tuổi, khởi tố bị can bố tôi và suốt quá trình điều tra, dưới sự chỉ đạo của Bộ TTTT cấm các báo đưa tin, bình luận vụ việc (tại buổi giao ban báo chí ngày 10/2/2015) nhưng Đài Truyền hình Việt Nam, một số báo Bộ TTTT độc quyền đăng tin, bình luận một chiều, phê phán gay gắt, khiến nhiều độc giả hiểu chưa đúng bản chất sự thật. Trong khi, Tổ chức Bảo vệ nhà báo quốc tế, báo chí nước ngoài và các trang mạng đăng tải nhiều nội dung sát với thực tế, có những bình luận đúng bản chất vụ việc, bày tỏ sự ủng hộ Báo Người cao tuổi và bố tôi.
Suốt 8 năm làm TBT Báo Người cao tuổi (3/2007 – 3/2015), mặc dù tuổi đã cao nhưng đầy tâm huyết với nghề báo, với Người cao tuổi nên bố tôi không tiếc công, tiếc sức đưa báo Người cao tuổi từ bờ vực phá sản, có nguy cơ giải thể, một tuần 1 số lên một tuần 4 số, không thương mại hóa, được người cao tuổi cả nước đón nhận, bạn đọc tin tưởng, sản lượng phát hành tăng 12 lần so với trước. Không chỉ khi làm TBT Báo Người cao tuổi bố tôi mới dám đấu tranh, mà trong suốt quá trình làm báo, là người lãnh đạo 6 cơ quan báo chí bố tôi luôn giữ vững lập trường, quan điểm, vì trong sạch bộ máy, vì sự vững mạnh của Đảng nên không ngừng đấu tranh với cái ác, cái xấu và những biểu hiện tiêu cực của đời sống xã hội. Nhất là, từ khi có Nghị quyết Trung ương VI (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) bố tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước với tinh thần cương trực, thẳng thắn của người “lính cầm bút” luôn tiên phong trong, hăng hái trong lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu.
Cùng thời điểm Báo Người cao tuổi đăng những bài bị cho là có sai phạm, thì nhiều tờ báo, tạp chí khác ở Trung ương cũng có nhiều bài cùng nội dung, lời lẽ mạnh mẽ không kém Báo Người cao tuổi, hoặc cùng đăng vụ việc nhưng hầu hết không thấy báo nào bị xử lý. Trong 8 năm qua, mọi cá nhân, tổ chức gửi đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện, đều được Báo Người cao giải quyết minh bạch, đúng pháp luật. Vậy mà khi kết luận thanh tra, Bộ TTTT không hề đề cập, đánh giá trong khi báo phanh phui mấy nghìn vụ việc với hàng chục nghìn bài phóng sự, điều tra, bình luận, phát hiện và phản ảnh hàng loạt vụ thành công, mang lại niềm tin cho Nhân dân và đem về cho Nhà nước nhiều lợi ích, được dư luận xã hội hoan nghênh. Điển hình như một số vụ: Chỉ ra sai phạm của ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; vụ việc ở Công ty xây dựng Bến Tre; Một số vụ thu hồi đất trái pháp luật ở Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh, thành; vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đại biểu Quốc hội (Khóa VIII); vụ Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình Trần Văn Vệ; vụ sai phạm trong đào tạo và thu chi của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và một số trường ĐH khác; vụ việc liên quan ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP; vụ tuyển lẻ Nguyễn Quốc Đức không đủ tiêu chuẩn chính trị vào bộ đội Hải quân ra đảo Trường Sa bằng cách làm giả hồ sơ cán bộ,…
Trong 8 năm bố tôi làm Tổng Biên tập, Báo Người cao tuổi và bố tôi được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen , được Hội NCT Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… tặng rất nhiều Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc mà không có nhắc nhở, hay chỉ ra sai lầm, khuyết điểm. Vậy mà sau gần 3 tháng thanh tra, Bộ TTTT “vạch ra” hàng loạt sai sót, rồi đề nghị khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Báo Người cao tuổi (ngày 9/2/2015) và khởi tố bị can bố tôi (ký ngày 9/5) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, xử phạt báo gần 700 triệu đồng, thu hồi tên miền trang tin điện tử Người cao tuổi như đòn trừng phạt, sự trả thù. Trong khi Việt Nam có Luật Báo chí; Đảng, Nhà nước luôn kêu gọi báo chí tích cực tham gia chống tham nhũng, cần bảo vệ người chống tham nhũng, cơ quan quản lý báo chí hô hào mở rộng tự do cho báo chí chống tham nhũng nhưng khi cơ quan báo chí có sai sót lại không được bảo vệ, thậm chí còn “vùi dập”, tạo điều kiện cho một số người bị báo phanh phui, phản ánh sai phạm tố cáo quá thời hiệu, dẫn tới cơ quan ANĐT thiếu khách quan trong quá trình xác minh.
Nếu Báo Người cao tuổi và bố tôi sai phạm như kết luận Thanh tra cũng mặc nhiên thừa nhận Bộ TTTT vi phạm khoản 10 Điều 17 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (Nội dung quản lý nhà nước về báo chí) quy định: “Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí và việc chấp hành pháp luật về báo chí, thi hành các biện pháp ngăn chặ hoạt động báo chí trái pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí”.
Bằng cách làm cắt xén, trích đoạn nội dung các bài viết, thanh tra Bộ TTTT suy luận theo cảm tính chủ quan, áp đặt, không cho Báo Người cao tuổi và bố tôi cơ hội giải trình theo quy định của Luật Thanh tra, vội vàng ký Kết luận số 01/KL-BTTTT ngày 5/2/2015, chuyển hồ sơ cho cơ quan ANĐT đề nghị khởi tố Báo Người cao tuổi cùng ngày công bố kết luận thanh tra.
Khi nhận được hồ sơ do Bộ TTTT chuyển sang, thay vì thận trọng xem xét, sau 4 ngày Cơ quan An ninh điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự (số 04/ANĐT-P3) “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại Báo Người cao tuổi. Ngày 11/5/2015 Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can (số 20/ANĐT-P3) đối với bố tôi cũng với tội danh trên.
Ngày 9/10/2015, vẫn với lối cắt xén nội dung các bài báo chứ không hề chỉ ra được sai phạm nào cụ thể, không chứng minh được mức độ (định lượng) mức độ ảnh hưởng đến ai, uy tín, danh dự, vật chất của tập thể, cá nhân nào, ai là đại diện cho Nhà nước bị bố tôi xâm phạm lợi ích, mà chỉ căn cứ vào Bản kết luận giám định (ngày 18/9/2015) của Bộ TTTT về các bài báo theo Quyết định số 91/ANĐT-P5 (ngày 3/8/2015) trưng cầu Bộ TTTT giám định nội dung 25 bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi (việc này khác nào Bộ TTTT vừa đá bóng vừa thổi còi), Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ký Kết luận điều tra số 25/KLĐT, nêu căn cứ vào Điều 162, Điều 163 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Quyết định chuyển Bản kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1), đề nghị truy tố bố tôi về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Điều đáng lưu ý, Cơ quan ANĐT lại căn cứ vào Điều 162 (Tội lừa dối khách hàng)Điều 163 (Tội cho vay lãi nặng) của Bộ luật Hình sự. Điều này không chỉ cho thấy sự cẩu thả, vội vã mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật của Cơ quan ANĐT.
Mặt khác, trong số 23 bài báo mà Cơ quan ANĐT cho rằng có “sai phạm” có tới 12 bài liên quan đến ngành Công an, 4 bài liên quan đến ngành Thanh tra, thử hỏi kết luận điều tra và đề nghị xử lý Báo Người cao tuổi truy tố bố tôi liệu có khách quan, vô tư hay không?
Báo NCT là một tờ báo của Nhà nước chứ không phải là báo tư nhân. Tờ báo là sản phẩm của tập thể, do cá nhân phụ trách. Việc viết, biên tập bài, duyệt đăng của người đứng đầu cơ quan báo chí thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chứ không phải là sự bộc phát, mang tính cá nhân. Do đó, cơ quan quản lí Nhà nước cần phải căn cứ quy định của pháp luật, trân trọng công lao để xử lí sai sót (nếu có) cho thấu tình, đạt lí và công bằng. Chính vì lối hành xử không công bằng, “sát phạt” báo Người cao tuổi khiến các trang mạng quốc tế có nhiều bài bình luận cho rằng có sự phe cánh, Báo Người cao tuổi và bố tôi là nạn nhân, có trang mạng so sánh bố tôi với những người viết Blog bị bắt vì vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự mấy năm qua…
Trong việc quy chụp Báo Người cao tuổi, Bộ TTTT không chỉ quên vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý về báo chí, mà còn qua mặt cả Tòa án, vượt Hiến pháp, tự cho mình kiêm nhiệm vai trò của cơ quan tư pháp. Bởi, nếu có tổ chức, cá nhân nào đó bị ảnh hưởng quyền lợi, xúc phạm danh dự, uy tín thì họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện báo Người cao tuổi, việc đúng sai được tòa án phán xét chứ không phải Bộ TTTT. Hơn nữa, trong quá trình Bộ TTTT thanh tra Báo Người cao tuổi cũng như Cơ quan ANĐT khởi tố, điều tra, đều không áp dụng một trong những nguyên tắc được nêu trong Hiến pháp 2013 nhằm thể chế trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, mà còn vận dụng sự suy đoán có tội. Điều đó đi ngược với Hiến pháp 2013 và trái với nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nguyên tắc này đã được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên Hiệp Quốc. Nguyên tắc suy đoán vô tội được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982. Những năm qua, nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ được đề cập rất nhiều trong những hội nghị khoa học và các hội nghị về tư pháp mà còn trở thành một yêu cầu bức thiết trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng như trong hoạt động thực tiễn.
Hiện nay, Quốc hội đang bàn sửa đổi Bộ luật Hình sự. Nếu giữ nguyên nội dung Điều 258 Bộ luật Hình sự và cách xử lí nặng tính quy chụp, suy diễn như thế thì bất cứ ai đều có nguy cơ vi phạm. Trong phiên thảo luận thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự (ngày 14/9/2015), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhận định Bộ luật này rất quan trọng, do đó phải quy định chi tiết. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: “Tất cả các tội phải quy định vào trong này, những gì chưa quy định được về hành vi thế này thế khác, khung hình phạt phải làm rõ. Thế nào là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thế nào là thiếu trách nhiệm… lâu nay các đồng chí vẫn xử án, phải tổng kết đưa vào đây. Các đồng chí không được để cơ quan xử án hoặc cơ quan kiểm tra tự ý cụ thể hóa bằng quan điểm cá nhân để buộc người ta vào tội cố ý, buộc người ta thiếu trách nhiệm”. Chủ tịch Quốc hội nêu thí dụ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và yêu cầu phải nói rõ các hành vi thế nào là chống phá nhà nước. “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.
Kính thưa ông (bà), 8 năm làm TBT Báo Người cao tuổi, bố tôi có những đóng góp lớn đối với tờ báo, Hội Người cao tuổi qua các chương trình đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện như 2 Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam (Nguyễn Tấn Trịnh, Cù Thị Hậu) đánh giá, mà hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, 46 năm tuổi đảng, 25 năm trong quân đội, từng đứng đầu nhiều cơ quan báo chí, bố tôi không hề tính đếm những cống hiến hay vụ lợi cho gia đình, luôn vô tư, trong sáng. Hơn nữa, gia đình tôi là gia đình có công với nước, gia đình liệt sĩ, bố mẹ, vợ chồng tôi, em trai, em dâu tôi đều là đảng viên, thì lý gì bố tôi có đốt sạch những đóng góp, “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”?
Trong 8 năm làm TBT Báo Người cao tuổi, đặc biệt sau khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bố tôi và gia đình luôn nhận được sự quan tâm, sẵn lòng giúp đỡ của nhiều luật sư, sự cổ vũ, động viên của nhiều vị cán bộ lão thành, nhiều cựu chiến binh, người cao tuổi và đông đảo bạn đọc cả nước, kiến nghị bày tỏ niềm tin vào công lý và sự sáng suốt của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Vì vậy, tôi làm đơn này đề nghị ông (bà) xem xét, chỉ đạo vụ việc, giải quyết khách quan trên cơ sở thực tế, không để oan sai cho Báo Người cao tuổi và bố tôi.
Tôi trân trọng cảm ơn!

              Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2015
Nơi nhận:
– Như kính gửi                                                   NGƯỜI LÀM ĐƠN
-Thủ trưởng CQ ANĐT                                             
-Vụ I Viện KSNDTC
-VP Luật sư Bách sự thuận;                             Nguyễn Quốc Dũng
-VP luật sư Hoàng và cộng sự;
-VP luật sư Trung Hòa.

Không có nhận xét nào: