Tôi xin bắt đầu bằng việc phải trích dẫn lại đôi chút về cái "hầu bao" quốc gia đang có dấu hiệu xấu qua giải thích mới đây trước Quốc hội của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh về nguồn thu ngân sách nhà nước(NSNN). Ông đưa ra những con số giữa thu và chi rất đáng suy nghĩ trong thời gian tới. Những tưởng các địa phương sẽ theo đó mà "thắt lưng buộc bụng" vì khó có thể lập luận chứng kinh tế, xã hội để xin đầu tư bất kể thứ gì nếu chưa thật bức thiết vào lúc này.
Theo Bộ trưởng Vinh: Từ rất lâu rồi, chúng ta mới có một năm vượt thu ngân sách địa phương nhưng ngân sách trung ương thì hụt thu. Điều này khiến cho ngân sách nói chung sẽ thâm hụt 31.000 tỷ đồng...
Mà "miếng bánh ngân sách" của chúng ta đâu phải là"niêu cơm Thạch Sanh" trong truyền thuyết, cứ ăn hết lại đầy?
E rằng nợ công là một mối lo ngày càng nặng với ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa: Dân trí.
|
Cũng theo nguồn tin từ Bộ KHĐT, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 là 254.950 tỷ đồng. Nếu trừ đi 30.000 tỷ đồng số vốn đầu tư nguồn thu cổ phần hóa, thì kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 là 224.950 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch năm 2015.
Cơ cấu vốn ngân sách trung ương và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2016 như sau:
- Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 131.200 tỷ đồng, tăng 34,3% so với kế hoạch năm 2015, chiếm 64% kế hoạch vốn trong nước năm 2016 (năm 2015 chiếm 55,8%).
- Vốn đầu tư ngân sách trung ương kế hoạch năm 2016 còn lại 123.750 tỷ đồng. Trong đó: Vốn nước ngoài (ODA) 50.000 tỷ đồng (đầu tư theo các dự án cụ thể đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài); Vốn trong nước là 73.750 tỷ đồng, giảm 4,6% so với kế hoạch năm 2015. Nếu trừ đi 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn thu cổ phần hóa, thì số vốn ngân sách trung ương còn lại chỉ là 43.750 tỷ đồng, giảm 43,4% so với kế hoạch năm 2015.
Tôi cũng xin nói trước quan điểm của mình là về lâu dài, vẫn đồng tình với xu hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm Hành chính, Chính trị công của các tỉnh, thành phố. Đây là việc nên làm nhưng chỉ nên làm khi có điều kiện. Bởi nó giúp cho bộ máy lãnh đạo các địa phương bám sát "chân rết" của mình hơn.
Tuy nhiên, tôi không tán thành cách làm hiện nay: Cứ tỉnh, thành nào xây sau thì phải lớn, phải đẹp hơn địa phương trước vừa làm.
Lẽ ra, Trung ương nên có dăm mười mẫu thiết kế khác nhau để có sự lựa chọn phù hợp với địa thế đất, cảnh quan nơi mình đặt trụ sở và cũng nên có nhiều kiểu để lựa chọn dựa theo tiêu chí: quy mô diện tích của bộ máy phù hợp với nhu cầu của người dân trong phạm vi phục vụ.
Nói chung là cần có cách đầu tư sao cho cân đối và công bằng, vừa đủ công năng nhưng tiết kiệm tối đa (ngay tiền thiết kế kiến trúc và dự toán, nếu 64 tỉnh, thành mà ai cũng một kiểu thì cũng sẽ tốn vô cùng cho ngân sách Trung ương).
Thông tin TP.Hải Phòng đang nghiên cứu lập dự án khả thi xây dựng Trung tâm Hành Chính, Chính trị với dự kiến cả chục ngàn tỷ đồng đang bị "dậy sóng" khá giống câu chuyện Sơn La gần đây do hiểu không đúng.
Chiều 10/11, tại cuộc họp báo gấp về thông tin này, thay mặt UBND TP.Hải Phòng, ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng UBND thành phố khẳng định thành phố chưa nghiên cứu, chưa lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm Hành chính - Chính trị “nghìn tỉ”.
Thực tế, con số 10.000 tỉ với 70% xin ngân sách trung ương là con số dự tính để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Trong đó sẽ có đến vài chiếc cầu nối hai bờ sông được xây dựng để hình thành cả khu đô thị mới cả nghìn ha.
Theo ông Lê Khắc Nam, phó Chủ tịch TP thì "đây cũng là việc bình thường" vì Hải Phòng là thành phố lớn, xứng đáng có cơ ngơi nói trên. Mỗi năm nguồn thu thuế từ xuất nhập khẩu qua cửa ngõ cảng Hải Phòng cũng nộp ngân sách trung ương đến 40.000 tỷ...
Như vậy cũng đã rõ phần nào. Song riêng công trình Trung tâm Hành chính, Chính trị thành phố, tôi nghĩ cũng sẽ không thể dưới vài ba nghìn tỷ đồng bởi cách đây 1 năm, TP.Đà Nẵng khai trương Trung thâm Hành chính đa năng cũng đã chi tới 2.000 tỷ đồng (Đà Nẵng khởi công từ 2008 cho nên mới có giá đó).
Cũng câu chuyên tương tự khi mới đây, tại tỉnh Khánh Hoà, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết tổng vốn đầu tư dự án Khu Trung tâm Hành chính Khánh Hòa khoảng 4.300 tỉ đồng chuẩn bị thực thi được huy động từ nguồn vốn các nhà đầu tư mà không sử dụng ngân sách tỉnh.
Theo ông Nhân, do nhu cầu nguồn vốn xây dựng Khu Trung tâm Hành chính tỉnh rất lớn trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế, nên UBND tỉnh đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư, không sử dụng đến nguồn ngân sách địa phương. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức đầu tư BT, không sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện dự án Khu đô thị Hành chính tỉnh Khánh Hòa.
Tôi thấy Hải Phòng cũng nên tách bạch hơn nữa về tài chính để dư luận khỏi hiểu lầm và rất nên tham khảo cách làm của tỉnh Khánh Hoà: dự chi khoản xây dựng Trung tâm nói trên không dùng ngân sách Nhà nước.
Bản phác thảo khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: FLC.
|
Chúng ta nên xem cách Khánh Hoà trình Chính phủ là hướng tích cực mà địa phương nào đang xây dựng đề án cũng nên tham khảo. Qua đó góp phần hạn chế bớt khó khăn cho ngân sách trung ương. Sau khi hoàn thànhTrung tâm, vài chục sở, ban, ngành cùng Uỷ ban TP về một mối; quỹ đất thu về, đem đấu giá sẽ là nguồn thu không hề nhỏ.
Như thế, tôi nghĩ chưa hẳn đã phải xin ngân sách trung ương.
Đó là chưa nói tới chuyện tên gọi cho các Trung tâm này ở các địa phương, nơi thì gọi là Trung tâm Hành chính - Chính trị , nơi thì gọi là Trung tâm Hành chính, nơi thì gọi Trung tâm Hành chính đa năng, ...Thật muôn hình vạn trạng! Dù rằng chỉ cần tinh ý thì sẽ biết nơi nào gộp cả 2 cơ quan Đảng và chính quyền vào làm một và nơi nào chỉ thuần tuý là cơ quan chính quyền.
Nhân đây, tôi xin kể một chuyện có thật xoay quanh Báo cáo số 180, ngày 8/10/2015 của UBND thành phố Hà Nội gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về “Tình hình triển khai Luật Thủ đô năm 2015”.
Dù luật đã có hiệu lực trên 2 năm nhưng những bất cập khó tin vẫn xuất hiện. Trong đó có chuyện khó tin liên quan tới việc xây trụ sở: Nhiều trụ sở của các cơ quan bộ, ngành Trung ương sau khi được nhận đất và di dời vị trí khác, cơ sở cũ thường không được bàn giao lại cho Hà Nội mà lại chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc làm nhà ở, hoặc làm trung tâm thương mại...
Ngoài ra, văn bản tuy đã đóng dấu son nhưng lại không nêu đích danh những trụ sở ấy thuộc bộ nào, ngành nào. Phải chăng Hà Nội vẫn có sự “nể nang” đối với các bộ, ngành đó?
Vậy thì ngân sách nào chịu nổi và đến khi nào chúng ta mới có khả năng trả bớt được nợ công? Theo cái đà tăng “không thể yên tâm” này, tôi e rằng nợ công chỉ có thể còn tăng thêm nữa và đó thực sự là điều đáng lo lắng…
Quốc Phong
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét