Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Vong bướm và Sự tích chúa Chổm : Hai tác phẩm mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp

  
Bìa một tuyển tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, xuất bản tại Việt Nam. DR
Bìa một tuyển tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, xuất bản tại Việt Nam. DR

Thụy Khuê
Sự im lặng của Nguyễn Huy Thiệp trong tám năm qua là sự nhập thiền để ngộ mình trong một tình huống khác. Tình huống đó là chèo. Tại sao lại chèo? Bởi chèo tự thân đã mang khả năng cách mạng thường trực nghĩa là tác giả và diễn viên đều có quyền phản ứng lại hay quyền phản biện đối diện với hoàn cảnh hiện sinh và trực diện với khán giả trước mắt mình: Chèo là nghệ thuật có tính cách mạng cao.

Chừng tám năm nay, từ sau khi tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu bị cấm in trong nước[1], cùng với dư luận "tẩy chay, ruồng bỏ" của một số người "có thẩm quyền" xác định tác phẩm này là một "thất bại hoàn toàn", Nguyễn Huy Thiệp bèn viết vài cuốn tiểu thuyết ba xu để tặng bọn -chẳng ai hiểu cóc khô gì như lời thằng Khuê trong Tuổi hai mươi yêu dấu- mà theo ông, chỉ đáng đọc tiểu thuyết ba xu.
Sau lẫy hờn đó là im lặng.
Điều kiện sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình góp phần trách nhiệm vào sự im lặng này, nhưng lý do chính vẫn là sự chán nản toàn bộ danh vọng, chữ nghĩa và tình đời: Khi đã đạt tới "đỉnh cao", nhà văn phải trực diện với vực sâu trước mắt, bởi đỉnh nào không nằm bên vực?
Vậy, sự im lặng của Nguyễn Huy Thiệp trong tám năm qua là tất yếu và cũng là sự nhập thiền để ngộ mình trong một tình huống khác.
Tình huống đó là chèo.
Tại sao lại chèo?
Bởi chèo là hình thức văn nghệ cổ dân gian, tự do nhất vàmang nhiều nghi nghiã nhất trong kịch bản, cách nói, hát và diễn tả:
- Về cốt truyện, tác giả chèo thường dựa trên những truyền thuyết cổ, rồi tự do vẽ rết thêm chân đểtạo nên nhân vật của mình: Một danh nhân được coi là anh hùng vĩ đại kiệt xuất qua tay nhà trò, có thể trở thành một bù nhìn hình nộm nhất; một triều đại mở nước, liệt oanh, qua tay chèo, có thể trở thành một triều đại ma só, ma bùn...
- Về lời nói, cách hát, diễn viên cũng có thể tự do sáng tác ra những câu những lời (không có trong kịch bản) để đáp ứng với hoàn cảnh sống hiện tại và phản ứng khán giả. Sự tự do này có tự thời xưa, bởi kịch bản
[2] chèo chỉ truyền khẩu chứ không được lưu giữ bằng văn tự.
Vậy chèo tự thân đã mang khả năng cách mạng thường trực nghiã là tác giả và diễn viên đều có quyền phản ứng lại, nói cách khác là quyền phản biện đối diện với hoàn cảnh hiện sinh và trực diện với khán giả trước mắt mình: Chèo là nghệ thuật có tính cách mạng cao.
Nguyễn Huy Thiệp cho biết những vai chính diện có tác dụng giáo hoá, lại thường do những diễn viên nghiệp dư, tức là "bọn tử tế" đảm trách, và "đất diễn" của họ không nhiều. Ngược lại, đám nghệ nhân chuyên nghiệp, tức những quan viên phường chèo, tức là "bọn xướng ca vô loài" thường giữ địa vị "quấy đảo để làm tăng vị chèo".
Tác giả muốn nói bọn dạy đời, bọn giáo dục quần chúng (tức bọn chính thống, bọn quyền thế) xuất hiện rất ít, chỉ giữ vai phụ, do những người tập tành học việc diễn.
Trong khi bọn bị khinh rẻ, chỉ được đóng vai phụ, lại là bọn nghệ sĩ đích thực "xướng ca vô loài", có tay nghề, có có khả năng khuynh đảo xã hội, có thể "nổi loạn" bằng cách sáng tác những lời văn, thơ không có trong nguyên bản, để tạo không khí và gây hậu quả, làm cách mạng thường trực.
Nhờ tính nghi nghiã và đa nghiã, chèolà một nghệ thuật mở, dù diễn tích xưa, nhưng luôn luôn tái tạo để phù hợp với đời sống hiện sinh, hiện hành, trong bất cứ môi trường nào, xã hội nào, thời đại nào.
*
Chèo Vong bướm, kể chuyện Điệp Lang, một chàng trai quê ra tỉnh tìm công danh, trót ký với Ma vương "giao kèo" bí mật: bán linh hồn mình để thoả mãn tất cả dục vọng trên đời... Sùng ông, cha chàng, đi tìm con, chỉ gặp được vong con.
Vong bướm kết hợp huyền thoại Trang Tử hoá bướm và bác sĩ Faust bán mình cho Quỷ, cùng tinh thần Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, để tạo ra một mô hình mới trong chèo: Vong.
Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du mở đầu bằng những dòng trác tuyệt:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau khảm bạc, giếng khô rụng vàng
Từ thềm nhân ái, Nguyễn Du tạo một hoàn vũ cô hồn đến Quỷ cũng đáng thương: "Quỷ không đầu van khóc đêm mưa". Tố Như là hồn của chữ nhân sau khi thoát xác.
Hồn Nguyễn Du, ba trăm năm sau, vẫn còn vấn vương trần thế, ám vào đám vong người.
Từ ảnh hưởng Nguyễn Du, Nguyễn Huy Thiệp tạo thế giới vong thế kỷ XX, mà quỷ và người cùng sống chung trong ý thức.
Goethe giải thích cuộc quyết đấu cơ bản: "Có hai linh hồn sống trong ngực tôi. Cái nọ muốn muốn lìa cái kia. Một, với những bộ phận lành mạnh, bấu víu vào cuộc đời, trong niềm vui xác thịt; một hăng hái đứng lên và thoát ra từ cát bụi trong lòng đất để về với những cánh đồng của tổ tiên". Đó là cuộc tranh đấu tay đôi thường trực trong nội tâm con người, giữa sống và chết, tốt và xấu. Faust và Méphistophélès là hai mặt của một mề đai.
Ma vương là hiện thân của Méphistophélès trong thế giới phương đông.
Nguyễn Huy Thiệp, từ thời Quỷ ở với người, đã chịu ảnh hưởng Goethe, qua kỹ thuật dàn dựng và cuộc chiến nội tâm.
Điệp Lang trong Vong bướm, là hiện thân của những người mải mê đi tìm danh vọng, bán linh hồn cho quỷ.
Mà vong lại là hồn và hồn bướm là hình tượng được Khái Hưng và Nguyễn Bính tái tạo trong Hồn bướm mơ tiên và Cô hàng xóm. Vậy Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp là tái tạo thứ ba, sau Khái Hưng và Nguyễn Bính:
"Vong là ngọn gió đa tình bay qua,
Vong ngoài sân, vong trong nhà,
Vong từ cung cấm, vong ra sân đình.
Vong này đích thực vong tình,
Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta".
Sau thời kỳ "tham thiền" gần mười năm, Nguyễn Huy Thiệp nhìn lại đời mình, đời người, luận lại mọi lẽ, và ông đã tìm ra một triết lý mới của đạo Phật: Tất cả đều là vong (Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta) hoặc sẽ trở thành vong. Bởi vong ở mình. Bởi tất cả rồi sẽ chết. Bởi ta mang cái chết trong mình.
Nhưng vong còn là sự suy vong, tận diệt, tự huỷ. Vong có trong ta, trong cuộc sống, là sự tranh đấu giữa hai thế lực tốt xấu trong ta.
Điệp Lang (Chàng Bướm) mang hình ảnh những kẻ đam mê danh vọng cung đình, bán mình cho Quỷ:
Lại những vong công hầu khanh tướng,
Nơi thâm nghiêm thì thụt vào ra.
Lăm le gánh vác sơn hà,
Bạn bè toàn những mãng xà diều hâu
Trường danh lợi biết đâu là đủ,
Danh càng cao thù oán càng cao,
Thác đi vênh váo được nào,
Văn thơ để lại vận vào tiếng nhơ!
Cũng nhiều vong bơ phờ hốc hác,
Tưởng như mình thiên chức tài cao.
Trường văn trận bút áo ào,
Viết hàng đống sách vứt vào lãng quên.
Điệp Lang là chàng trai quê lên tỉnh, giống như cô gái quê của Nguyễn Bính sau khi đi tỉnh về: Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Điệp Lang dấn cả cuộc đời trong gió bụi kinh thành, chàng thì thụt vào ra những nơi thâm nghiêm kín cổng, bạn bè toàn những mãng xà diều hâu. Đối diện với Điệp Lang là Ma vương:
"Ta là cô hồn, ta là tận thế, 
Ta là bài ca tuyệt vọng cõi nhân sinh!
Ta là cơn lốc bất thình lình,
Ta ập đến trong sát-na, trong thời khắc!
Ta ký những giao kèo bí mật,
Ta ký trong thoả thuận tâm linh.
Ta ký giao kèo với các sinh linh..."
Khi mê, Điệp Lang không phân biệt được, đâu là ánh sáng, đâu bóng tối, nhưng khi tỉnh lại, chàng đã thành vong, mới có cơ hội bay lên nhìn lại toàn cảnh đời mình, từ không gian vũ trụ:
Danh càng cao thù oán càng cao,
Thác đi vênh váo được nào,
Văn thơ để lại vận vào tiếng nhơ!
Để xây dựng nhân vật của mình, Nguyễn Huy Thiệp trích dẫn khá nhiều thơ Nguyễn Bính, nhưng ông tạo ra những cá tính, những tinh thần, những tình huống huyền hoặc của xã hội ngày nay, khác hẳn tinh thần lãng mạng xưa, trong cuộc tranh đấu một mất một còn giữa đô thị và thôn quê, giữa quyền lực và dân đen, giữa thối nát và trong sạch, trong bối cảnh nửa hiện đại, nửa cổ phong.
*
Truyền thuyết tìm Vua (hay là Sự tích chúa Chổm) thoạt nhìn là huyền thoại Chúa Chổm thế kỷ XVI, nhưng khảo sát kỹ hơn, vở chèo bao trùm nhiều thời điểm khác, nhiều giai đoạn lịch sử khác. Phầngiáo trò, mở bằng những câu:
"Chuyện xảy ra thế kỷ mười sáu,
Nhà Lê suy vong, nhà Mạc truất ngôi
Mặc Đăng Dung khởi chuyện động trời
Giết Cung Hoàng, tiếm ngôi Hoàng đế
Công thần nhà Lê thảy đều phẫn chí
Theo Nguyễn Kim dựng ngọn cờ đào
Một phen nước lửa binh đao,
Một phen vận hội anh hào ra tay
Nam-Bắc triều cuộc chiến này,
Nồi da nấu thịt xương thây trắng đồng!
- Có câu rằng:
Nam Bắc Tây Đông,
Rối tinh canh hẹ, Nam Bắc Tây Đông!... (Chương 1)

Phần giáo trò (giáo đầu hay mở đầu) tóm tắt bối cảnh vở chèo: Chuyện xẩy ra khi Mặc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nguyễn Kim, công thần nhà Lê lập bản doanh tại châu Sầm Nứa (Ai Lao) cùng con rể là Trịnh Kiểm đi tìm con út vua Lê Chiêu Tông, tên Duy Ninh, tức chúa Chổm, tôn làm vua, năm 1533, tức Lê Trang Tông. Đó là huyền thoại dân gian, chính sử không nói gì đến chúa Chổm
[3]. Nhà Lê trung hưng lên từ đấy, nhưng đồng thời đất nước bắt đầu "rối tinh canh hẹ" trong những cuộc nội chiến tương tàn.
Vào chèo, đại thần Nguyễn Kim dấy cờ khởi nghiã, có Hề và ba quân (tiếng đế) phò tá. Nguyễn Kim là chủ soái nhưng Hề "giật dây", Hề mới là kẻ có thực quyền.
Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm, "tổ phụ" của hai "triều" Nam Bắc, đi tìm dòng dõi vua Lê để phò, tức là tìm Đạo, hay tìm Ngài Được Chọn (Kinh thánh gọi là Élu, tức là vị Chúa con được Chúa Trời tiền giao sứ mệnh thiêng liêng). Chữ Đạo này, ứng vào lịch sử Nam Bắc triều là Chính nghiã. Người ta đánh nhau vì chính nghiã, mà chính nghiã đối với hai bên tham chiến, thu gọn lại là chính quyền. Tất cả những sự "rối tinh canh hẹ" trong cuộc nội chiến trải dài ba thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX) giữa các họ Mạc, Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn, núp dưới chính nghĩa phò Lê, để dành quyền chấp chính, tức là cướp chính quyền.
Còn vấn đề Ngài Được Chọn, ứng vào thế kỷ XVI, là tìm Chúa Chổm, người nối dõi tông đường của nhà Lê, đưa lên làm vua bù nhìn và biểu hiệu chính nghiã.
Có vua, họ Trịnh xưng chúa phía Bắc để hiếp vua; họ Nguyễn xưng chúa phía Nam, lấy cớ phò vua đánh Trịnh. Trịnh Nguyễn tranh chấp bá quyền trong 148 năm vì "chính nghiã" vua Lê; sau đó Tây Sơn tiếp nối đánh Nguyễn trong 24 năm nữa.
Ứng vào lịch sử cận đại, thời tiền khởi nghiã, thì Ngài Được Chọn là vị Chúa Nhất, được tôn vinh "cha già của dân tộc"Sau khi Chúa Nhất băng hà, người ta đi tìm con rơi của Người, để dựng chúa Chổm hiện đại. Các chúa con này được các thiền sư hồng giáo dục theo đúng nguyên tắc huấn Chổm: "Tửu, sắc, yên, đổ"
[4]Và nhà nước hồng triền miên dưới sự trị vì của các chúa Chổm thời danh từ giai đoạn tiền khởi nghiã đến ngày nay.
Vở chèo mở cửa cho chúng ta vào lịch sử thành lập triều đại hồng này.
Trống thúc, chạy cờ, Nguyễn Kim ra (có Hề theo sau) vạch đường chính nghiã:
"Hãy mau mau theo ta tìm vua tìm Đạo! Hãy theo ta tìm ra nòi giống vua Lê dựng nghiệp". Rồi truyền lệnh: "Hãy mời các tướng lĩnh ra đây bàn việc!".
4 tướng: 2 văn, 2 võ ra, chắp tay:" Trình lạy tướng công, Vô Dụng, Vô Đức, Vô Sản, Vô Nhân, có mặt!" (...)
Hề hỏi:
"Thế các ông theo tướng công ta bởi lẽ gì nào?
Vô Dụng: Vui thì theo thôi!
Vô Đức: Thấy người ta đi thì ta cũng đi!
Vô Sản: Đi thì may ra có cái ăn, còn ở nhà thì lấy gì mà ăn?
Vô Nhân: Cứ chỗ nào đông người thì đến đục nước béo cò!
Hề:" Thế thì xéo! Xéo ngay! Thời thế ngày nay đã khác xưa rồi, muốn vào doanh tướng công ta nay phải có vàng mười đặt cọc!" (Xua đuổi, đánh, các tướng ôm đầu chạy).
Nguyễn Kim: (ngăn lại) Cũng phải giữ lại một người để bàn việc chứ?
Hề: Thôi thì ta giữ lão già này lại! (giữ Vô Dụng lại, 3 tướng chạy đi).
Vô Dụng: (Chắp tay) Trình lạy tướng công! Vô Dụng trình lạy tướng công.
Hề: Lão là Vô Dụng hay Ngô Dụng?
Vô Dụng: Lão là Vô Dụng, chứ nếu là Ngô Dụng như trong truyện Thủy Hử thì chết lâu rồi!
Hề: Sao Vô Dụng còn mà hữu dụng chết?
Vô Dụng: (bảo Hề) Cậu ơi, thế cậu có nhìn thấy cái cây to lớn bên đường kia không?
Hề: Có! Có phải cái cây cao bóng cả, cái cây lắm cành nhiều cội, cái cây lắm họ hàng hang hốc đấy không?
Vô Dụng: Đúng rồi, cái cây vô dụng!
(vỉa) Gỗ của nó đóng quan tài thì quan tài mục,
Mang đóng thuyền thì thuyền chìm nghỉm mất toi!
Làm củi đun thì khói um giời!
Chim không làm tổ mà hoa quả thì cây này không có!
(nói) Chính vì vô dụng mà cái cây ấy sống trăm tuổi thành cổ thụ đấy cậu ạ! Chứ hữu dụng thì người ta chặt nó lâu rồi!
Nguyễn Kim: Hay! Nay ngươi nói ra ta mới hiểu cái nghiã của sự vô dụng ở đời!
(hát cách) Này vô dụng! Hỡi vô dụng!
Nào ai hay vô dụng đắc thời!
Giở hay cũng bởi chữ thời,
Thị phi hai mặt ai người chớ quên!
Nhân tài do bởi chữ Duyên!"
Trích đoạn trên đây mở màn vào không gian và "triết lý" chính của vở kịch: vô dụng thì sống, hữu dụng tất chết. Chỉ với mấy dòng đối thoại, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra tám chủ đề:
1- Tìm Vua tức là tìm Đạo.
2- Ý nghiã họ tên của bốn tướng: Vô Dụng, Vô Đức, Vô Sản, Vô Nhân.
3- Động lực dựng cờ "Hưng quốc" của bốn tướng họ Vô.
4- Cửa quyền: muốn vào dinh thì phải đút cửa Hề vàng mười.
5- Các họ Vô khác đều bị sa thải, chỉ giữ lại Vô Dụng.
6- Nguyễn Kim là chủ soái nhưng Hề nắm thực quyền.
7- Nguyên tắc cai trị: vô dụng thì còn, hữu dụng bị diệt.
8- Nguyễn Kim "ngộ" ra "nguyên tắc" tìm vua tức là tìm "Người Được Chọn" (dùng chữ Élu trong Kinh thánh) nói khác đi là tìm "kẻ vô dụng" để dựng "vua bù nhìn".
Tám chủ đề này bao trùm lên nhiều thời điểm lịch sử : thời Tiền khởi nghiã (tìm Chúa), thời Nam Bắc triều (Vô Sản lãnh đạo thành công: dãi thây trăm họ nên công một người), thời Thống nhất (Vô Dụng tồn tại, các họ Vô khác bị tiêu diệt như trong Thủy Hử, có danh ắt hại ba đời) và thời Hiện đại (vào dinh phải có vàng mười).
Chủ đề một: nhà nước chuyên chế nào cũng đồng hoá chính quyền (vua, đảng) với Đạo.
Chủ đề hai: Chỉ vì cái tên mà bốn tướng cột trụ Dụng, Đức, Sản, Nhân, bị Vô (hiệu) hoá dưới triều đại hồng.
Chủ đề ba: Lý do theo "kháng chiến": Vô Dụng:Vui thì theo thôi! Vô Đức: Thấy người ta đi thì ta cũng đi! Vô Sản: Đi thì may ra có cái ăn, còn ở nhà thì lấy gì mà ăn? Vô Nhân: Cứ chỗ nào đông người thì đến đục nước béo cò!
Lời Dụng và Đức chả khác gì lời Phạm Duy, Tạ Tỵ, Hoàng Cầm... thốt lên về việc theo kháng chiến, nghiã là họ chẳng biết mô tê mù tịt gì về chủ nghiã nọ kia, thấy vui thì đi; bọn theo Nguyễn Kim ngày trước cũng thế.
Chủ đề bốn: Sự đút lót có từ thời dựng cờ Hưng quốc.
Chủ đề năm: "Hưng quốc" (cách mạng thành công) rồi, áp dụng quy luật "tiền nhân": các tướng có công bị loại, chỉ giữ lại Vô dụng.
Chủ đề sáu: Chủ soái chưa chắc đã có thực quyền, thực quyền nằm trong tay bọn hề.
Chủ đề bẩy: Nguyên tắc thống trị của triều đại hồng: tiêu diệt những gì hữu dụng, chỉ để lại bọn vô dụng.
Chủ đề tám: Vị nguyên thủ "ngộ" ra chân lý: phải bù nhìn hoá các giá trị (ví dụ tự do, dân chủ), tức là viết thành chữ trong hiến pháp nhưng không thi hành.
Nguyễn Huy Thiệp vẫn kiệm lời, kiệm nhân vật, kiệm cử chỉ và kiệm cả hành động, nhưng mỗi nhân vật, mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều ẩn nhiều ý nghiã, nhiều chủ tâm khác nhau, ví dụ, bốn tướng quan trọng nhất đều họ Vô, tên: Dụng, Đức, Sản, Nhân. Ba chữ Dụng, Đức, Nhân, biểu dương những đức tính tốt của con người, thường được cha mẹ Việt chọn làm tên cho con với kỳ vọng người con sẽ thực hiện được những gì mà cha mẹ hoài bão, nhưng ở đây, lại bị chữ Vô triệt hết, biến chúng trở thành: Vô Dụng, Vô Đức, Vô Nhân.
Yếu tố "ngoại lai" duy nhất lọt vào trong đám tướng này là Sản (tài sản, tiền bạc), nhập cảng từ bên ngoài, không có ý nghiã gì trong đạo đức truyền thống của người Việt, khiến cha mẹ dùng để đặt tên cho con. Chính cái Sản này, là thứ vi trùng ngoại lai, sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc tiêu diệt các đức tính: Nhân, Đức, của con người mà cha mẹ Việt ước muốn cho con. Sản (tiền tài, của cải) sẽ tiêu diệt Nhân, Đức, hoặc chuyển hoá Nhân và Đức sang cùng họ Vô với mình, để trở thành: Vô Nhân, Vô Đức, Vô Sản. Sự chuyển biến này trong thời kỳ tiền khởi nghiã (tìm Chúa) có ý nghiã sau xa: Vô Sản tiêu diệt Nhân Đức, để nắm toàn quyền lãnh đạo, tạo nên cuộc Cách mạng Vô sản.
Trong bọn tướng theo Nguyễn Kim có bốn cột trụ: Vô Dụng, Vô Nhân, Vô Đức, Vô sản.
Vô Dụng được Hề giữ lại. Nhưng việc Hề so sánh Vô Dụng với Ngô Dụng có ý nghiã thâm thúy: Ngô Dụng, quân sư trong Thủy Hử (được ví như Gia Cát Lượng), phải tự vận chết, bởi khi hết loạn, nhà Tống tiêu diệt gần như toàn bộ nhóm anh hùng Lương Sơn Bạc về giúp triều đình. Ngoài ra, họ Ngô, trong thời điểm Nam Bắc phân tranh, còn gợi nhớ đến một họ cầm quyền ở phương Nam. Nghĩa gì chăng nữa thì họ Ngô tên Dụng ở đây, vẫn là một thứ "hữu dụng" và như cái cây, nếu nó hữu dụng thì bị người ta chặt ngay! Chỉ bọn vô dụng là đắc thời, đắc thế!
Cuối cùng, Hề núp sau, giật dây quyền lực. Hề ra lệnh "giết phăng lịch sử". Nhà nước hồng đã răm rắp thi hành bản án tử hình lịch sử này.
Chổm hiện ra trong màn 2. Mẹ Chổm ngày trước "bán rượu" ở kinh thành, một đêm, phận hèn may (hay rủi) gặp vua, xong "việc", vua trao cho nàng ấn tín xác nhận hành vi. Chẳng ngờ chuyện một đêm thành chuyện một đời: "Ai hay sinh hạ được nên giọt Rồng!". Nàng bèn: "Gửi con lên chốn núi Hồng", cho các vị thiền sư Hồng dạy Đạo. Chổm là đệ tử của sư Thạch Toàn. Chổm học gì? Chàng học được những trò "sớm đào tối mận", bởi "sư dạy toàn những thú ăn chơi đế vương thôi!". Sau 10 năm "tu luyện", Chổm quyết định "hạ sơn" đúng lúc đại thần Nguyễn Kim đang truyền lệnh tìm Đạo, tìm Người Được Chọn. Chổm lên ngôi vua. Mẹ Chổm mừng rỡ: "Ơn giời Long lại hoàn Long! Trứng Rồng lại nở ra Rồng. Liu điu lại nở ra dòng liu điu!". Rồi thoắt nhiên nàng hoá dại: "Chổm ơi là Chổm" "Mẹ hại con rồi!", mẹ Chổm ca:"Rồ rồ dại dại điên điên, vào trong cung cấm không điên mới tài".
Sự hoá dại của mẹ Chổm khi biết con mình sẽ thành vua, là điều bi đát nhất trong lịch sử, lịch sử hồng và lịch sử nhân quyền của một nước.
Paris Tết Nhâm Thìn, 2012


[1] Viết xong năm 2004. Bản dịch Pháp văn A nos vingt ans của Sean James Rose, do nhà Aube in ở Pháp 2005.
[2] Nguyễn Huy Thiệp sưu tầm và cho biết kịch bản tức thân trò hay tích trò chỉ truyền khẩu.[3] Theo Long điền Nguyễn Văn Minh, trong bài nghiên cứu "Chúa Chổm là ai? Cấm Chỉ là gì?" thì huyền thoại Chúa Chổm và phố Cấm Chỉ ở Hà Nội không liên lạc gì với nhau. Về Chúa Chổm, ông viết: "Xét nhà Lê trung hưng từ năm Quý Tỵ (1533) đóng hành điện ở châu Sầm Gia (Ai Lao), sau Trịnh Kiểm thiên ra Vạn lại (Thanh hoá), mãi đến năm quý tỵ (1593) mới về được Thăng long, tức là cách 60 năm tròn. Trong 60 năm, trải bốn đời vua: Trang tông, Trung tông, Anh tông và Thế tông. Tháng 4 năm ấy, xa giá vua Thế tông mới tới Thăng Long: như vậy mà bảo Lê Trang tông là Chúa Chổm, thực không đúng. Vua Trang tông mất ở Vạn lại từ năm 1548, mà đến năm 1593 triều đình mới về được Thăng Long, cách nhau 45 năm trường". Về phố Cấm Chỉ, ông viết: "Lại xét địa đồ xưa, thành Thăng Long, ba phía đông, tây, bắc, mỗi phía có một cửa, duy phía nam có hai cửa: một cửa ở ngay vườn hoa Bách Việt bây giờ có con đường đi thẳng lên Cột cờ; một cửa nữa có lẽ vào phố hàng Đẫy (đại lộ Nguyễn Thái Học bây giờ) khoảng nhà thương Saint Paul. (Theo bản đồ phác hoạ (schéma) Hà Nội năm 1876, trong quyển "Hanoi pendant la période héroique (1873-1888) của André Masson, in 1929, do nhà Librairie orientaliste Paul Geuthne). Vậy có lẽ xưa lúc thiết đại triều ở Kính thiên, tất phải cấm dân chúng đi lại gần cửa Nam để tiện giữ trật tự, vì thế mà có lệnh cấm từ con đường ngang cách Cửa Nam một quãng, do đó thành tên là con đường ngang Cấm Chỉ. Như thế, Cấm Chỉ có từ xưa, đời nhà Lý, chứ không phải có từ đời Lê trung hưng.". Còn về cái tên Chúa Chổm, ông lập luận: "Chúa Chổm, dẫu là thực danh hay xước danh của một nhân vật nào, tất cũng phải từ sau năm quý tỵ (1593) tức là sau thời kỳ Trịnh Tùng xưng chúa". (Tập san Nhân Loại số 16 và 17, ra ngày 9 và 30/11/1953, Sài Gòn).
[4] Rượu chè, trai gái, ma tuý, cờ bạc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: