“Dầu chuối”
“Họ gọi nó là dầu chuối, tôi không hỏi rõ thành phần bên trong”, Long Li thật thà trả lời khi được nhóm phóng viên điều tra của tạp chí Wired hỏi. Nữ công nhân 18 tuổi chỉ biết mình có nhiệm vụ dùng thứ dầu này để lau hàng trăm màn hình điện thoại mỗi giờ.
Mùi dầu loang khắp phòng xưởng không cửa sổ, tại một nhà máy 3 tầng tại thành phố Quảng Đông, Trung Quốc.
Công ty của Li – Fangtai Huawei Electronic Technology (FHET), phát cho cô và đồng nghiệp khẩu trang giấy, nhưng họ chẳng mấy khi dùng. Thứ nhất là vì trong xưởng quá nóng, thứ hai là họ thường xuyên phải hà hơi lên màn hình để lau cho dễ.
Mỗi ca bắt đầu từ 8h sáng đến 11h tối. Mùa cao điểm, họ có thể phải làm tới 4h sáng hôm sau, nhưng Li chẳng bao giờ phàn nàn, vì tiền làm tăng ca mỗi tháng có thể đạt 485 USD.
Long Li cho biết, cô tới làm việc tại FHET vào năm 2010, thời điểm tình trạng lao động bất công tại các nhà máy ở Trung Quốc bị quốc tế lên án dữ dội; Foxconn Technology, một công ty gần đó cũng bị cơ quan kiểm sát nhà nước điều tra vì liên quan đến các vụ tự tử của công nhân.
Chưa rõ kết quả điều tra ra sao, chỉ biết không lâu sau khi làm việc, ngón tay Li bắt đầu run rẩy. Vài tháng sau, cơn run lan sang cả cánh tay và chân. Cô không cầm nổi màn hình điện thoại. Nhiều đồng nghiệp trong xưởng cũng có triệu chứng bất thường. Người thì chán ăn, người thì đau cơ, cá biệt có người không thể đứng vững. Đến mùa hè, một vài công nhân phải nhập viện.
Đến Tháng 7, khi Li không thể tự đi lại, cô đã phải nhập viện tại Quảng Châu với 30 công nhân khác. Các bác sỹ chẩn đoán họ bị phơi nhiễm n-hexane, tên khoa học của thứ “dầu chuối” họ vẫn tiếp xúc. Đây là một loại dung môi hòa tan công nghiệp, có thể phá hủy tế bào thần kinh với tỷ lệ 50/1 triệu tế bào.
Được biết, các công nhân tiếp xúc với n-hexane phải đeo mặt nạ phòng độc trong khu vực thoáng khí. Nhưng khu vực Li làm thì kín mít và mỗi người chỉ có 1 cái khẩu trang giấy để dùng.
“Chặn cửa”
Trung Quốc quy định mọi công ty công nghiệp phải nộp 1% lương công nhân vào Quỹ bảo hiểm thương tật công nghiệp. Chính quyền địa phương sẽ giám sát việc thanh toán. Khi người lao động bị thương tật, tiền trong quỹ sẽ được trích ra để trang trải chi phí y tế, sinh hoạt. Thêm nữa, nhà tuyển dụng có nghĩa vụ tiếp tục trả lương đầy đủ cho nhân viên, thanh toán một phần hóa đơn y tế, tùy theo mức độ.
“Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì khác xa”, bà Zhai Yujuan, Giáo sư dạy luật lao động tại Đại học Thâm Quyến nhận xét.
Trong một số trường hợp, các công ty nộp 1% lương vào quỹ, nhưng họ né tránh bồi thường bổ sung. Tệ hơn, khoảng 75% công ty không hề thanh toán 1 xu bảo hiểm nào, bà cho biết.
Nếu người lao động muốn được bồi thường, họ phải nộp tài liệu chứng minh họ làm tại nhà máy đó và bị chẩn đoán thương tật có liên quan đến công việc.
“Ví dụ, nếu một người bị bạch cầu, bệnh viện sẽ chẩn đoán thành lao phổi”, bà Zhai nói.
Việc xác minh giấy tờ là thủ tục rất phiền hà tại Trung Quốc. Thông thường, các công ty sẽ chặn một hoặc cả hai cửa, bà Zhai chia sẻ. Họ có thể phủ nhận đã thuê công nhân đó, hoặc lót tay để bệnh viện kết luận thành một căn bệnh không liên quan đến môi trường làm việc.
Không đủ sức theo đuổi các vụ kiện tụng dai dẳng, nhiều công nhân đành phải chấp nhận khoản thanh toán một lần từ phía công ty, và chúng thường ít hơn nhiều so với chi phí thuốc men.
“Một vụ tranh chấp có thể kéo dài 1 năm, 2 năm hay thậm chí 10 năm. Trong lúc đó, bạn vẫn phải tự rút tiền thanh toán viện phí. Nên nhiều người chỉ muốn nhận được một cục tiền và về quê tĩnh dưỡng”, bà Zhai cho hay.
“Hy sinh” an toàn
Mặc dù trong hai năm qua, nhiều công ty Trung Quốc đã nâng lương và giảm giờ làm, những vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn người lao động vẫn bị làm ngơ.
Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu thương vong vào khoảng 115/10.000 công nhân, cao hơn một chút sao với Mỹ và vượt hẳn so với Liên minh châu Âu. Mặc dù vậy, nhưng chẳng có mấy ai tin tưởng vào số liệu từ quan chức nước này. Một báo cáo độc lập phát hiện cứ 10 công nhân thì 7 người không có bảo hiểm lao động.
Tháng 4/2014, Samsung cho ra một thông cáo hiếm thấy. Trong nhà máy tại Hàn Quốc, Samsung thừa nhận có 26 công nhân bị bạch cầu và máu trắng sau khi làm việc với một hóa chất chưa được tiết lộ, 10 trong số đó đã qua đời.
“Nếu một công nhân làm ca 12 tiếng, cần cung cấp 3 bộ găng tay. Trong những nhà máy 40.000 – 50.000 công nhân, tổng chi phí là khá lớn”, ông Garrett Brown, cựu Giám đốc pháp chế của Đơn vị sức khỏe và an toàn lao động California tính toán.
Mùa hè năm 2013, sau một năm nằm viện, nhóm công nhân, trong đó có Li, nhận được một biên bản từ phía Fangtai Huawei. Nhà máy yêu cầu họ ký vào đơn xác nhận hoàn thành đợt tuyển dụng, với mục đích giũ bỏ trách nhiệm và các khoản bồi thường.
Khi công nhân tổ chức biểu tình tại vụ lao động địa phương, cảnh sát bắt giữ 3 người, trong đó có Li. Cô phải ngồi trong nhà giam qua đêm trong tình trạng hoảng loạn. Tháng 2 năm sau, cô quyết định bỏ cuộc và về quê.
Nhà máy Fangtai Huawei vẫn hoạt động bình thường. Ngoài cổng thép gai vẫn sừng sững tấm biển: “Chỉ tuyển nữ từ 18 đến 35 tuổi. Nghe lời và chịu khó”.
Theo Zing News
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét