Còn chút cơ hội cũng xem xét lại bản án
 
Trả lời báo chí về việc xử tử hình Lê Văn Mạnh, ông Phạm Quốc Bảo – Chánh án TAND Thanh Hoá - cho hay, cơ quan hành pháp mới chỉ có kế hoạch thi hành án bản án tử hình, chứ chưa quyết định chính thức thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh vào hôm nay (26.10). Theo ông Bảo, 26.10 là thời hạn cuối cơ quan thi hành án thông báo cho gia đình viết đơn xin đưa thi thể Mạnh về an táng hay không, chứ không phải thời gian thi hành án. “Tử tù kêu oan nên dù còn một chút cơ hội thì cũng sẽ xem xét lại vụ án này” - ông Bảo nói.
 
Quan điểm của ông Bảo cũng là đề nghị của nhiều luật sư. Trao đổi với PV Lao Động, LS Trần Thu Nam – VP LS Tín Việt (Hà Nội) - cho rằng, việc cần thiết bây giờ là hoãn thi hành án đối với Lê Văn Mạnh. “Kẻ phạm tội ác sẽ phải đền tội. Tuy nhiên, nếu bị cáo vẫn có tội thì việc hoãn vài ngày cũng không ảnh hưởng đến việc đền tội của bị cáo. Cho một người hưởng thêm dương thọ ít ngày cũng là làm phúc. Và, việc xem lại bản án khẳng định bị cáo vẫn có tội sẽ xoá tan mọi nghi ngờ của nhiều người, ổn định trật tự xã hội” – luật sư Trần Thu Nam nói. 

Theo ông Nam, nếu bị cáo bị oan sai, chúng ta đã cứu được một con người, một người mẹ già không phải mất con sau hơn 10 năm đi kêu oan, hai đứa trẻ không mất cha và thủ phạm gây án có thể tìm được để đền tộị. Luật sư Lê Văn Luân – VP Luật sư Hưng Đạo Thăng Long - cũng cho rằng, việc hoãn thi hành án bây giờ không có nghĩa tuyên bố Mạnh vô tội và có thể tránh được sự trừng phạt của pháp luật nếu bị cáo thực sự có tội. “Tuy nhiên, việc hoãn thi hành án lúc này là thực sự cần thiết, cả về pháp lý và đạo lý”. 

Bị bắt vì một chiếc quần đùi

Lê Văn Mạnh (SN 1982, có 1 vợ và 2 con) bị bắt ngày 20.4.2005, sau đó bị cáo buộc phạm tội hiếp dâm, cướp của và giết nạn nhân Hoàng Thị Loan là người cùng xã. Theo bản án, ngày 21.3.2005, xảy ra một vụ giết người và hiếp dâm tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nạn nhân là Hoàng Thị Loan, SN 15.8.1991. Theo đó, vào lúc 17h ngày 21.3.2005, Hoàng Thị Loan đi ra bờ sông Cầu Chày, thuộc địa phân xã Yên Thịnh đi vệ sinh. Đến tối, gia đình phát hiện Loan mất tích liền tổ chức đi tìm nhưng không phát hiện. Đến 13h ngày 22.3.2005, phát hiện xác Loan tại bờ sông Cầu Chày thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhận được chiếc quần đùi được xác định là của Lê Văn Mạnh. 
 
Ngày 20.4.2005, Lê Văn Mạnh bị bắt theo lệnh bắt tạm giam số 01 ngày 14.4.2005 của cơ quan CSĐT, công an tỉnh Đồng Nai do hành vi cướp tài sản và bỏ trốn. Ngày 23.4.2005, xuất hiện bức thư của Lê Văn Mạnh từ trong tù gửi cho bố với nội dung nhận tội, công an thu giữ bức thư này làm bằng chứng kết tội.
 
Theo các cáo trạng, Mạnh chính là hung thủ giết nạn nhân Loan. Khi đi tìm trâu, thấy Loan ngồi một mình, Mạnh đã thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau đó lo sợ bại lộ, Mạnh đã đem xác Loan sang sông và xé áo Loan kết thành thòng lọng làm giả hiện trường Loan treo cổ chết. 
 
Bản án phúc thẩm số 874/2008/HSPT ngày 25.11.2008, TAND Tối cao kết luận, Lê Văn Mạnh chính là hung thủ giết nạn nhân Hoàng Thị Loan. "Lời khai nhận tội của bị cáo Mạnh còn phù hợp với kết quả giám định pháp y, cùng các chứng cứ khác có trong hồ sơ". Xét thấy "tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng" "Bị cáo giết trẻ em để cho giấu hành vi hiếp dâm; thực hiện phạm tội rất quyết liệt và tán ác..." nên "cần loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội". 
 
Từ 2005-2008, Lê Văn Mạnh trải qua tổng cộng 7 phiên tòa bao gồm 3 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và 1 lần giám đốc thẩm. Trong tất cả các phiên tòa có mặt, Mạnh đều phản cung, tố cáo rằng mình bị đánh đập dã man bởi các phạm nhân cùng phòng và điều tra viên. Phiên xử phúc thẩm gần nhất vào ngày 25.11.2008 của TAND tại Hà Nội vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.
 
Bỏ sót nhiều tình tiết quan trọng
 
Ngày 22.10, các luật sư ở Hà Nội gồm: Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Trần Thu Nam và Lê Văn Luân nhận được phản ánh, kêu cứu của bà Nguyễn Thị Việt, nhờ kêu oan cho con trai. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, các luật sư đã đồng tình ký đơn gửi Chủ tịch Nước, Chánh án TAND Tối cao và các cơ quan hữu quan của Thanh Hoá cũng như ở Hà Nội xin hoãn thi hành án để làm rõ. 
 
Theo phân tích của luật sư Lê Văn Luân – Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long - thì bản án Lê Văn Mạnh có nhiều dấu hiệu oan sai, nhiều tình tiết quan trọng xác định hung thủ thực sự của vụ án đã bị bỏ qua. Theo đó, cơ quan pháp y đã kết luận có tinh trung trong người nạn nhân nhưng không thực hiện xét nghiệm AND, mặc dù luật sư bào chữa và bị cáo, người nhà bị cáo đã nhiều lần yêu cầu. 
 
Nạn nhân bị chết trong tình trạng bị hành hung, hiếp dâm và thắt cổ bằng chính chiếc áo của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xác định mẫu vân tay, mẫu mắt. Đối với những vụ trọng án, đây là những chi tiết hết sức quan trọng để xác định hung thủ. "Tuy nhiên, trong bản cáo trạng không hề nhắc đến những chứng cứ khoa học này" - LS Nam cho hay. 
 
Việc lấy lời khai của em Lê Thị Lệ - em gái Mạnh - lúc đó mới 9 tuổi cũng vi phạm tố tụng khi không có mặt bố, mẹ là người giám hộ. Theo phản ánh của em Lệ với PV Lao Động, “Lời khai của em hôm đó khác hoàn toàn với lời khai được ghi trong bản án” – Lệ nói. “Em có được xem lại bản khai trước khi ký vào biên bản không?” – PV hỏi. Lệ: “Không! Em chỉ được công an chỉ vào chỗ ký rồi bảo viết tên và ghi rõ họ tên phía dưới”. 
 
Các luật sư cũng chỉ rõ vi phạm khác là cơ quan tiến hành tố tụng đã lấy chứng cứ kết án chỉ dựa vào lời khai nhận của bị cáo hoặc bức thư bị cáo gửi ra ngoài trong thời gian tạm giam và không có ai làm chứng việc Lê Văn Mạnh viết bức thư trong thời điểm nào, tình trạng ra sao.
 
Theo các luật sư, trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. “Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: "Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội" – Luật sư Trần Thu Nam – Văn phòng Luật sư Tín Việt cho hay. Vật chứng duy nhất là chiếc quần sooc rách được Mạnh thay ra vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác Loan được nhiều người chứng kiến. 
 
Việc TA chấp nhận cho bị cáo vừa không có trình độ hiểu biết pháp luật thấu đáo lại không có tài liệu gì (vì không ai cung cấp tài liệu cho bị án) tự bào chữa là để họ đi vào chỗ chết. Điều đó là không đúng cả về luật và đạo lý. 
 
Các luật sư cũng đã chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn, thiếu sót khác của cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hoá trong các bản án tuyên Lê Văn Mạnh phạm tội và phải chịu mức án tử hình. Trong tất cả các buổi lấy cung bị cáo đều không có sự hiện diện của luật sư. 

Tiếp tục kêu oan lên Chủ tịch Nước

Sau khi các luật sư ký đơn gửi Chủ tịch Nước cùng Chánh án TAND Tối Cao và các cơ quan hữu quan, Tổ chức ân xá quốc tế cũng đã có thư gửi đến Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đề nghị hoãn thi hành án để xem xét lại. 
 
Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Việt cho hay, ngày 26.10, bà cùng 2 con Lê Văn Cường, Lê Thị Lệ tiếp tục ở Hà Nội đi gõ cửa kêu oan cho con: “Tôi cầu xin Chủ tịch Nước quan tâm, cho hoãn thi hành án, cử cơ quan thanh tra, điều tra lại vụ án. Nếu con tôi có tội, gia đình dù xót thương đau đớn cũng chấp nhận mất con vì nó gây tội ác, còn không, xin hãy trả sự sống lại cho con tôi”.
 
Chưa thể khẳng định việc kết án hình Lê Văn Mạnh là oan sai. Tuy nhiên, việc hoãn tử hình, xem xét lại bản án còn nhiều tranh cãi là điều rất nên làm.