Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Ơ, Thế còn đạo đức của "Bộ phận tiên phong của giai cấp công nhân" đâu?!


Nguyễn Hồng Kiên

"Bữa ăn công nhân và đạo đức ông chủ
Một thanh tra lao động thú nhận từng nhiều lần rớt nước mắt khi nhìn những suất ăn bèo bọt dành cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, song hoàn toàn bất lực vì hiện tại nhà nước chỉ khuyến khích, chứ hoàn toàn không có cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp chăm lo tốt cho bữa ăn của người lao động.
Nhưng rõ ràng vụ ngộ độc khiến hàng trăm công nhân nhập viện ở Bình Dương ngày 21.10 như giọt nước tràn ly, khiến người ta không thể tiếp tục thờ ơ với chất lượng bữa ăn công nhân, như một phần trong yêu cầu về việc cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất lao động.
Bữa ăn công nhân VN hiện không chỉ nghèo nàn về dinh dưỡng (được cảnh báo không đủ khả năng tái tạo sức lao động) mà, sự thờ ơ còn khiến nó tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chắc hẳn các ông chủ đều ý thức được người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp, nhưng chỉ không hiểu họ nghĩ gì khi cho “vốn quý” của mình ăn không đủ dinh dưỡng, thực phẩm ôi thiu, mất vệ sinh, còn thua cả nhà giàu cho thú cưng ăn như vậy?
Điều này là không thể tha thứ cả về tình và lý. Người lao động được trả lương thấp, đãi ngộ kém, mà trực tiếp là bữa ăn ca kém chất lượng thì thậm chí họ không còn sức lực, chứ chưa nói đến niềm vui lao động, tình yêu và sự gắn bó với nơi mình làm việc để có sáng tạo, để nỗ lực đến giọt mồ hôi cuối cùng vì sự phồn vinh của doanh nghiệp.
Về mặt tình cảm mà nói, chăm lo sức khỏe, tính mạng của những người đang dốc sức làm việc cho mình cũng chính là cái đức của người làm chủ. Và các cụ ta chả có câu “có đức mặc sức mà ăn” đó sao.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xếp VN “thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương” về năng suất lao động. Một đánh giá rất đáng xấu hổ.

Ngoài nguyên nhân ít đầu tư công nghệ thì chế độ đãi ngộ kém, bao gồm tiền lương thấp và chính sách chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần của người lao động không tương xứng là sự thật không thể chối cãi.
Một ông chủ luôn mồm hô hào là tăng ca, làm thêm giờ để tăng năng suất lao động, tuy nhiên chỉ cho người lao động ăn cơm với mức 11.000 - 13.000 đồng/bữa.
Kiểu ăn xổi, chụp giật như vậy, thử hỏi có người lao động nào có thể có sức khỏe, chưa nói yên tâm làm việc để tăng năng suất.
Khi thảo luận về việc tăng lương tối thiểu, lý do đại diện giới chủ đưa ra để chỉ tăng ở mức rất thấp là “sức khỏe” doanh nghiệp không chịu được, rằng nếu tăng lương thêm, doanh nghiệp sẽ phá sản.
Lý do này càng không thuyết phục khi mà lương tối thiểu của VN hiện thấp xa nhu cầu sống tối thiểu.
Chấp nhận cách này, là VN tiếp tục chấp nhận hy sinh sức khỏe, tính mạng của lực lượng sản xuất chính, đổi lấy việc duy trì những doanh nghiệp èo uột, thiếu đạo đức kinh doanh. Đừng ngại sự phá sản của doanh nghiệp; bởi lẽ khi sự cạnh tranh càng gay gắt, càng khiến cho doanh nghiệp và người lao động có sự chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau.
Doanh nghiệp cần có sự sẻ chia nhiều hơn, chăm lo tốt hơn cho “vốn quý” của mình dù lợi nhuận có thể thấp hơn một chút, đó là cái gốc của một nền kinh doanh văn minh." -

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: