Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trại Gulag Solovetsky ngày 29/10/2015 tại Matxcơva, trước tảng đá lấy từ trại này. |
Những bức tường gạch loang lổ, cửa sổ khóa chặt, cánh cổng sắt han rỉ…Chính trong bầu không khí đáng sợ một cách cố tình này, Bảo tàng quốc gia về thời kỳ Đại thanh trừng của Stalin đã mở cửa tại Matxcơva hôm 30/10/2015, nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp thời xô-viết cũ với hàng triệu người đã bị giết hại.
Khách tham quan đi qua những cánh cửa bọc thép hoen rỉ, thu gom từ những trại cải tạo khác nhau của « Quần đảo Gulag », từ trại Solovski ở miền bắc đến Kolyma ở vùng Viễn Đông. Người ta nghe thấy tiếng ổ khóa lạnh lùng đóng sập lại, và tiếng sủa của những con chó canh gác.
Trong bóng tối mịt mù - những cánh cửa sổ được bịt vải đen, người ta cảm thấy bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài. « Giống như những người bị biệt giam hoàn toàn sau khi bị bắt » - Egor Laritchev, Phó giám đốc Bảo tàng Gulag giải thích cho AFP.
Những màn hình tương tác thuật lại câu chuyện của các cựu tù nhân và người thân của họ, và của cả các quản giáo.
Ông Laritchev cho biết : « Vào thời kỳ đỉnh điểm năm 1937, Đại thanh trừng đã đụng chạm đến hầu như mỗi người dân Liên Xô, cho dù họ là nạn nhân, người tố cáo hay cai ngục ».
Với 2.500 bức ảnh, chứng cứ, vật dụng cá nhân và tài liệu lịch sử, viện bảo tàng mới này chiếm trọn một tòa nhà bốn tầng nằm cách trung tâm thủ đô Matxcơva không mấy xa, lớn hơn Bảo tàng Gulag trước đây vốn chỉ có vài gian phòng.
Khách đến thăm còn có thể quan sát tấm bản đồ « Quần đảo Gulag ». Đó là một mạng lưới mênh mông gồm nhiều trại tập trung, tại đây số phận 20 triệu người tù đã bị nghiền nát từ năm 1930 đến 1956 – theo lời kể của Galina Ivanova, Phó giám đốc phụ trách về khoa học của bảo tàng, và là tác giả một bản chuyên khảo về chủ đề này.
Không nên làm câm lặng lịch sử
Vào cuối năm 1949, giáo sư N. của trường đại học Lomonossov ở Matxcơva tố cáo một câu lạc bộ sinh viên mà trong đó chính con trai ông là thành viên. Các điều lệ của câu lạc bộ này không có gì là chống chính phủ xô-viết cả, nhưng sau khi bị thẩm vấn, các thanh niên này đều phải thú tội « hoạt động phản cách mạng ». Tất cả đều bị tống vào các trại Gulag, trừ người con trai của vị giáo sư chỉ điểm.
Theo một luật vẫn đang có hiệu lực tại Nga, tên của những điềm chỉ viên đều được giữ bí mật. Galina Ivanova cho biết người con trai này hiện nay đang giảng dạy trong cùng trường đại học trên.
Nhà sử học nói thêm : « Ngày nay rất nhiều người đã bắt đầu tự hỏi : Đã có những gì không ổn đối với chúng ta, và tại sao ? Câu trả lời rất đơn giản : Người ta không thể làm nín lặng lịch sử nước Nga, và viện bảo tàng của chúng tôi phải lấp vào chỗ trống này ».
Nhưng triển lãm chỉ giới thiệu có thời kỳ kéo dài nên năm 1958 mà thôi, bỏ qua các trại cải tạo chính trị vốn hiện diện cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
Bà Ivanova giải thích : « Sau cái chết của Stalin, các trại tập trung không biến mất nhưng số lượng tù nhân chính trị không còn tính theo con số hàng triệu nữa ».
Một không gian nghe nhìn cho phép khách tham quan « tham dự » tang lễ của tác giả thời kỳ Đại thanh trừng kinh hoàng đó : Stalin, qua đời ngày 5 tháng Ba năm 1953. Khoảng năm triệu người xô-viết đã dự đám tang khổng lồ, với những cảnh khóc than tập thể, dẫn đến cái chết của hàng trăm người hiếu kỳ vì bị giẫm đạp hay nghẹt thở.
Xếp hàng viếng các nạn nhân trại Gulag Solovetsky tại Matxcơva, 29/10/2015. |
Năm 2012, cái tên Stalin đã dẫn đầu danh sách trong một cuộc thăm dò dư luận về những nhân vật Nga nổi tiếng nhất, nhờ vai trò của ông ta trong thất bại của Đức quốc xã trước Liên Xô.
Stalin vẫn đang được chôn trước điện Kremli, trên Quảng trường Đỏ, địa điểm trang trọng nhất tại thủ đô nước Nga. Và ngày nay cứ hai người Nga thì có một người cho rằng những hy sinh mất mát do Stalin áp đặt lên dân tộc được đền bù bằng những « thành tựu lớn lao » mà Liên Xô đã thực hiện được.
Ian Ratchinski, đồng chủ tịch tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền Homme Memorial nhận định : « Bảo tàng Gulag chắc chắn là một sự kiện tích cực, nhưng mọi chuyện vẫn còn nhập nhằng. Một mặt, ông Vladimir Putin thường xuyên tố cáo thời kỳ thanh trừng của Stalin, mặt khác Bộ Văn hóa lại cho phép khánh thành những công trình kỷ niệm vị bạo chúa này ».
Những tháng gần đây, hai bức tượng bán thân và một đài kỷ niệm Stalin đã được đảng Cộng sản Nga dựng lên. Trong khi đó ở Oural, Perm-36, trại tập trung tù chính trị cuối cùng của Liên Xô cũ được cải tạo thành viện bảo tàng, đã bị chính quyền đóng cửa vào năm ngoái.
Từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền cách đây 15 năm, chính phủ Nga chưa bao giờ tổ chức những buổi lễ tưởng niệm chính thức dành cho những nạn nhân bị thanh trừng tàn khốc.
Hôm thứ Sáu 30/10/2015, ngày tưởng niệm các nạn nhân một lần nữa lại hoàn toàn bị Nhà nước làm ngơ. Phát ngôn viên Tổng thống, Dimitri Peskov nói với AFP là việc ông Vladimir Putin tham gia vào những hoạt động kỷ niệm « không được dự kiến ».
Đại thanh trừng, một thời kỳ bị cố tình lãng quên
Trên các kênh truyền hình nhà nước hôm qua, chỉ có mỗi một chương trình đặc biệt dành cho ngày lễ tưởng niệm được chính thức công nhận kể từ năm 1991, ít lâu sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tại Matxcơva, Saint Petersbourg và các thành phố lớn khác của nước Nga, những buổi lễ mang tính cách tôn giáo đã được tổ chức theo sáng kiến của các cá nhân để tưởng những người đã bị giết hại trong thời kỳ Đại khủng bố Stalin.
Ngày 30 tháng Mười được chọn lựa làm Ngày tù nhân chính trị Liên Xô, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 30/10/1974 bởi các nhà ly khai từng bị giam cầm trong các trại cải tạo ở Moldova và Oural. Họ đã tiến hành tuyệt thực và đình công trong ngày hôm đó.
Từ sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Nga vẫn có thái độ không rõ ràng về Stalin. Tháng Tám năm nay, Kremli nhìn nhận việc phục hồi danh dự cho các nạn nhân bị Stalin thanh trừng « vẫn chưa kết thúc ».
Thủ tướng Dimitri Medvedev tuyên bố : « Nước Nga không thể trở thành một Nhà nước pháp quyền thực sự, nếu không tổ chức tưởng niệm hàng triệu công dân là nạn nhân của đàn áp chính trị ».
Dù Thủ tướng đã tuyên bố như vậy, nhưng cho đến những năm gần đây chính quyền vẫn gây rất nhiều khó khăn cho những ai muốn tìm hiểu về số phận của những người thân bị mất tích trong thời kỳ Đại khủng bố của Stalin. Rất hiếm khi họ được tạo điều kiện tiếp cận tàng thư về thời kỳ đó.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét