Máy bay của hãng KLM tuyến đường Amsterdam- Habana chật ních không còn một ghế trống. Dân du lịch Hà Lan mười người như cả mười: mặc đồ thể thao, đồ đạc gọn nhẹ, mang cả con bé chưa đầy một tuổi và lẫn cả các ông bà già chống gậy, đẩy xe lăn. Cứ như thể du lịch là nghĩa vụ đối với người dân xứ sở hoa tup líp này. Các cô chiêu đãi viên cao to, mặt mũi để mộc mạc không son không phấn, tóc buộc tự do luôn miệng cười nói vui vẻ, thoải mái với từng hành khách, không nghỉ tay đến một phút trên suốt chặng đường bay 10 tiếng đồng hồ.
Một góc La Habana
Khi hạ cánh xuống sân bay Jose Marti ở Havana, trong một khoảnh khắc tôi cứ ngỡ như đang ở sân bay Nội Bài thời cách đây 20 năm: vắng vẻ, đơn sơ cũ kỹ. Cùng một lúc hơn chục cửa kiểm soát viên làm việc khá nghiêm túc. Theo như tôi được biết, về mặt lý thuyết du lịch Mỹ vẫn không được phép đến Cuba. Nhưng trên thực tế hàng trăm ngàn người Mỹ vẫn mua vé đi Cuba từ Canada, Mexico và hải quan Cuba cũng chỉ “ý tứ” đóng dấu ra vào vào tờ visa của họ chứ không vào passport và cũng chưa mấy người Mỹ nào đi du lịch Cuba về bị phạt tiền như ghi trong hiệp định cấm vận
Ra khỏi cửa sân bay chúng tôi đâm sầm vào cái nóng ẩm của cuối tháng tư. Bãi đỗ xe ngột ngạt mùi xăng dầu của những chiếc xe buýt tương đối mới nhập từ TQ và hàng loạt các xe Mỹ cổ tuổi đời trên 50! Ban đầu tôi thấy ngỡ ngàng sao những chiếc xe “bảo tàng” như vậy vẫn còn chạy được trên đường phố. Những xe sản xuất trước năm 1954 thường có dạng tròn trịa, những xe sau năm 1955 dài ngoằng, nhọn hoắt như tên lửa, người có điều kiện kinh tế thì đánh bóng chỉnh xửa xe bóng lộn như mới vừa rời xưởng ra (đó là cả một quá trình hàng năm như tôi được biết), người ít tiền xe lồi lõm, thủng lỗ chỗ, sơn chằng chịt như sơn cửa gỗ. Dân chúng chỉ có quyền mua bán đổi chác các xe cũ có ở Cuba từ trước năm 1959. Xe nhập mới phải có giấy phép của chính phủ với giá cắt cổ dân không thể với tới được. Nhưng cũng chính vì thế mà những chiếc xe Mỹ cổ lỗ sĩ độc nhất vô nhị trên thế giới này lại trở thành biểu tượng độc đáo của Havana.
Cảm tưởng nói chung về thành phố Habana thật khó nói vì lắm thứ lẫn lộn quá. Cứ như gặp lại một nữ minh tinh màn bạc một thời từng sáng ngời rực rỡ trên sân khấu lúc đã về già. Hàng loạt khách sạn, casino ở những vị trí lộng lẫy trên bờ biển xanh ngắt vắng vẻ, tuyệt nhiên không thấy một con tầu. Do nhu cầu của du lịch, nhiều khách sạn nay được sửa sang lại, có nhạc có quầy bar tấp nập khách ra vào. Ngồi trong sân vườn của Hotel Nationale buổi chiều tối, nhìn ra bờ biển, gió mơn man điếu xì gà thơm phức và cốc Mojito mát lạnh trên tay, tôi ngỡ như mình đang trong một giấc mơ, chẳng thể tin nổi mình đang ở một xứ sở xã hội chủ nghĩa “đặc sệt”!
Ban ngày, quang cảnh có rõ nét hơn. Những tòa nhà “vô chủ” của tư sản Cuba thời trước chạy đi di tản, nằm ngay trên con đường chạy dọc bờ biển cũng bị sụp lở đến đau lòng bởi thuộc về sở hữu của nhà nước, lấy đâu ra tiền trùng tu ! Cô hướng dẫn viên thầm thì: chỉ có nhà nào có người ở nước ngoài gửi tiền về mới bí mật mua lại được nhà cổ (người nước ngoài không được phép đứng tên), sửa lại bên trong, mặt ngoài vẫn để đổ nát cho đỡ bị “dòm ngó ”, rồi cho khách du lịch thuê. Ngoài các khách sạn thuộc sở hữu nhà nước, cho thuê phòng là dịch vụ làm ăn tư nhân duy nhất mà Fidel đồng ý với điều kiện phải đóng thuế (các hiệu cafe, cửa hàng quần áo, rạp chiếu phim tư nhân mini cũng bị đóng cửa mấy năm trước). Chúng tôi trọ lại trong một ngôi nhà như vậy. Chị chủ nhà tóc vàng, dài, xoăn yểu điệu mời chúng tôi vào. Nhà xây theo trường phái Tây Ban Nha trần cao vút, sàn gạch đá hoa cổ mầu còn đẹp thoáng mát với đầy đủ trang thiết bị đồ gỗ cổ trạm trổ cầu kỳ từ đầu thế kỷ trước như đồng hồ đứng, bàn gương, bàn ăn, tủ trang trí, ghế bập bênh… Bà già hàng xóm đứng nhìn chúng tôi từ trên ban công giang rộng hai cánh tay như kiểu chào đón, cười móm mém. Bất chợt có một anh đeo các xâu tỏi khô đi qua, bà ra hiệu muốn mua, thả chiếc dây xuống và anh ta buộc tỏi vào để bà ta kéo lên. Suýt nữa do mải chụp ảnh mà tôi đâm sầm vào chiếc xe ba gác chất đầy hoa quả. Thấy tôi thích thú cầm nải chuối lá mật giơ lên ngắm nghía, anh ta cười tươi cho tôi chụp ảnh, phô hàm răng trắng toát. Bên kia đường túm năm tụm ba một tốp các ông già vác bàn ra ngoài vỉa hè dưới bóng cây chơi domino cười nói râm ran. Chao ôi sao mà yên bình thanh thản như phố nhà tôi ở Hà Nội thời bao cấp!
Phần lớn những nơi thăm quan của Havana nằm trong khu phố cổ được người Tây Ban Nha xây dựng từ thế kỷ thứ 16. Những ngôi nhà làm tôi liên tưởng tới các lâu đài trong chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm.Từ năm 1982 UNESCO đã chính thức công nhận khu này vào danh sách bảo tồn văn hóa thế giới, nhưng ở đây sự đổ nát đi kèm với trùng tu xanh đỏ nhiều mầu vẫn làm gợi lên cảm giác tiếc nuối. Đọc sách Hemingway xong đi Cuba ngay mới cảm nhận được đúng như không gian của nhà văn viết và thích thú vô cùng. Hai quán Bar nhờ có câu nói bất hủ của ông: “My Mojito in La Bodeguita. My Daiquiri in El Floridita” lúc nào cũng tấp nập. Không biết có phải vì nóng, vì khát, vì nhạc hay, vì mấy anh barista tươi cười hai tay rót rượu rum như múa mà đúng là daiquiri uống ở đó ngon thật: ngọt ngào, mát lịm, gây cảm giác lâng lâng. Quán Floridita vẫn để nguyên bên trong như cả mấy chục năm về trước, rèm tối để “quên đi sự đời bên ngoài”, tượng Hemingway đứng trong góc quầy rất giống ảnh thực của ông. Hemingway không bao giờ uống ngồi vì một chân đau, thậm chí lúc đánh máy chữ cũng dùng cái bàn riêng có thể nâng cao lên vừa tầm đứng. Ban nhạc có cô ca sỹ da đen dáng cao nhỏ nhắn khuấy động đám đông du lịch bởi những tiết tấu mạnh mẽ, sôi nổi. Ai thích đứng lên nhẩy luôn, ôm nhau luôn, hôn nhau luôn, chẳng mấy ai quan tâm bạn là ai từ đâu đến.
Hotel Ambos Mundos nơi Hemingway đã từng sống nhiều năm và viết toàn bộ cuốn tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” là một khách sạn rất gần bến cảng thời xưa. Căn phòng nổi tiếng 511 bé nhỏ với những đồ đạc đơn sơ và tủ sách bầy đầy các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhưng có lẽ cái để lại ấn tượng nhất đối với tôi là “view” từ cửa sổ và cái sân thượng ngay trên đó. Được biết hàng ngày Hemingway lên đó ăn sáng và có hôm ở lại trên đó viết lách cả ngày đến tận đêm. Mái ngói của những tòa nhà cổ lộng lẫy một thời, những con đường tấp nập ra biển và mầu biển, mầu trời của hòn ngọc Cuba thật nhìn mãi không chán! Từ trên cao đập vào mắt là hai chấm mầu sặc sỡ của váy áo, khăn mũ, túi sách do hai bác thổ dân da rất đen đang ngồi bậu cửa hút xì gà. Mừng quá, chúng tôi chạy xuống xin cùng chụp ảnh. Được vài tấm ưng ý như trong quyển guide du lịch nhưng sau mới trố mắt ra khi hai bác gái xin tiền và phát hiện điếu xì gà cũng rởm nốt vì nào có cháy! “Giống hệt các cô gái dân tộc trên Sapa”, chúng tôi vừa cười vừa nghĩ.
Đi bộ dọc theo những khu phố cổ của Havana, tôi cũng hình dung được tại sao thời trươc khách du lịch Mỹ lại mê nơi này đến như vậy: Habana cổ mang đầy không gian kiến trúc của châu Âu cổ như nhà thờ Cathedral xây dựng từ thế kỷ 18 đã từng chứa hài cốt của Christof Columbus, hay nhà của tổng thống thời trước xây theo trường phái barocc Palacio de los Capitanes Generales. Những boutique hotel chỉ có vài phòng nhưng mỗi phòng được trang hoàng theo những style khác nhau chờ đón ví tiền của khách du lịch sành điệu. Những quảng trường bán đầy đồ tranh ảnh, sách báo cũ về Fidel Castro, Che Guavara, đồ lưu niệm huy hiệu, mũ giải phóng quân. Những dẫy phố đi bộ, khu shopping mua bán của Havana thoạt nhìn thấy tấp nập chẳng kém gì ở Mỹ hay châu Âu nhưng ngoài những của hàng bán đồ souvenir, đồ ăn uống ra các mặt hàng rất buồn cười: tivi cũ bán kèm với thảm, bột giặt, trang thiết bị xe đạp, dép lê… nửa tiệm cắt tóc, nữa kia sửa chữa đồng hồ cũ. Chúng tôi tạt vào một cửa hàng mậu dịch to, đông người xếp hàng. Hôm nay đúng ngày bán trứng gà theo tem phiếu, mỗi người bê về cả khay. Ngoài ra còn có bánh qui gai, bột mì và bột gia vị nữa. Ai cũng hớn hở, kể cả người mua và người bán!
Tôi nhớ lại thời bao cấp ở Việt Nam ai cũng gầy vì thiếu ăn. Ngược lại với hình dung của tôi, con trai con gái Cuba mạnh khỏe, nở nang, ăn mặc tương đối tươm tất. Người Cuba ăn rất nhiều gạo, đậu, khoai lang, khoai sọ, sắn và hoa quả đầy rẫy khắp nơi. Bấy giờ đang mùa đu đủ, một quả phải nặng đến 1,5-2 kg, vỏ vàng, trong đỏ chót, ngọt đậm và thơm. Ổi đào rất to và dứa la liệt các xe đi bán dọc phố. Trưa có thể ăn ở các quán “du lịch” với thực đơn chẳng có gì đặc biệt như sandwich với giăm bông, pho mát hay thịt gà rán, cá rán… Nhưng buổi tối chúng tôi được dẫn đến những quán nấu “tại gia” với tôm hùm mua chui chợ đen to bằng cánh tay, tươi, dai thịt và ngọt khủng khiếp. Tóm lại ở đấy chẳng có thứ gì nhưng mà rồi cái gì cũng có!
Buổi tối chia tay Havana chúng tôi đi xem show diễn ở Tropicana-một thưởng thức được Mỹ đưa vào từ năm 1939 mà Fidel không thể từ chối được vì quá đẹp, quá hoàng tráng, quá ăn sâu vào máu của người Cuba và cái chính …thu được quá nhiều tiền bởi giá vé khá đắt mà sân khấu ngoài trời hàng nghìn người luôn chật kín khán giả. Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu đã xem Tropicana rồi sẽ thấy Moulin Rouge thật “yếu đuối”. Tôi không dám đánh giá nhưng Tropicana mang đậm phong cách Mỹ như thể đang đi ở Las Vegas vậy. Đã từ lâu, trong ngôn ngữ Cuba hình thành từ “mulat” chỉ các chàng trai cô gái lai giữa hai giòng máu da trắng và da đen của nô lệ châu Phi bị mang đến làm trong các đồn điền mía thời trước. Qua nhiều thế hệ, họ có nước da hơi ngăm đen bánh mật, nhiều cô còn có mắt xanh với những đường nét cực kỳ thanh tú, cộng thêm đôi chân dài thẳng tắp, bộ hông nở nang và đặc biệt đôi mông chắc nịch…Không thể kiếm đâu ra những diễn viên nhẩy chuẩn hơn họ được nữa. Chương trình phần lớn mô phỏng dựa trên nền văn hóa Cuba từ thời các bộ tộc da đỏ với các điệu nhẩy của thổ dân. Các bước nhẩy sexy, quyến rũ, mạnh mẽ nên nền nhạc luôn tiết tấu nhanh, dồn dập đến ngạt thở và các bộ xiêm áo lộng lẫy gấp cả trăm lần lông công. Tôi chắc không mấy ai ân hận vì trong đời đã một lần từng xem Tropicana!..
Bác sỹ Đặng Phương Lan
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét