Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Một cách tiếp cận mới về Biển Đông trong giới trí thức Nhật Bản


Một cách tiếp cận mới về Biển Đông trong giới trí thức Nhật Bản
 
 Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng vừa có chuyến sang Nhật tham dự Hội thảo tháng 9 trước. Anh có viết và đăng bài dưới đây trên báo Văn Nghệ ngày 17/10/2015 với đầu đề "Một cách tiếp cận mới về thách thức trên Biển Đông".  

Mới đây tác giả chuyển cho chủ blog tôi bài viết trên cùng với các tấm ảnh về Hội thảo mà anh nói rằng vì "lý do kỹ thuật" các báo khác họ không đăng được nên gợi ý cho tôi nếu đăng lại bài thì đăng những tấm ảnh này với lời chú thích mà anh chuyển cùng bài cho blog tôi.

Xin mời bà con, bạn bè của trang Nguyễn Vĩnh blog cùng chia sẻ bài & ảnh trước nhiệt tình của tác giả...

Vệ Nhi g-th

----  .  

Thách thức mới ở Biển Đông, qua kỳ hội thảo


 “Mùa Xuân sang có hoa Anh Đào, 
Màu hoa tôi trót yêu từ lâu…” 

Đinh Hoàng Thắng (Tokyo—Hà Nội, Thu 2015) 


Chuyến bay VN0384 chở chúng tôi đáp xuống phi trường Haneda, Tokyo chính xác từng phút như ghi trong lịch trình. Trên đường về Khách sạn, người của Ban Tổ chức tranh thủ thông báo chi tiết hơn về Hội thảo kỳ này (so với kế hoạch đã gửi qua mail). Vẫn biết từ trước là Hội thảo 2 ngày, nhưng 2 ngày mà đến 6 buổi thì thật đúng là một“phong cách rất Nhật Bản”. Quá nghiêm cẩn, quá chỉnh chu và chương trình làm việc như vậy là cũng khá độ sộ! “Mưa rả rích mấy ngày nay, anh ạ…” Onuki Kamu nói tiếng Việt giọng nửa Nam nửa Bắc. “Tiếc là không được đón các anh vào mùa Anh Đào, phải chờ đến tháng Tư cơ, hy vọng các anh sẽ có dịp quay lại đúng vào kỳ hoa nở”. Thật thú vị khi bí mật đầu tiên được khai mở. Hóa ra bài ca trữ tình năm nào lại đến từ một tác giả Việt. Cứ ngỡ là của người Nhật. “Mùa Xuân sang có hoa Anh Đào, Màu hoa tôi trót yêu từ lâu…”. Mấy ai biết, đằng sau bản tình ca anh hát bằng cả lời Nhật là một “núi Phú Sỹ” về những vấn đề liên quan đến Biển Đông và quan hệ Việt-Nhật trong những ngày tới.  



Ảnh trên (từ phải sang trái): Giảng viên Odoka, Giáo sư Imai, Giáo sư Nakano, Tiến sĩ Tanaka cùng tác giả.

Ảnh bên: Trong số báo phát hành sáng ngày 20/9/2015, tờ Yomiuri Shimbun (tirrage đạt tới 12.774.000 bản mỗi ngày) và Sekai Nippon (phát hành ở Tokyo) đã dành phần lớn trong mục Thời sự Quốc tế đăng tin về Hội thảo Biển Đông tổ chức tại Đại học Takushoku.

  




Ảnh trên: Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, thành viên của Viện các Vấn đề Phát triển tại Hội trường Shintobe của Đại học Takushoku đang thu hút sự chú ý của giới trí thức Nhật Bản.

Ảnh dưới: Đây là tấm áp-phích lớn treo trước cổng trường Đại học Takushoku (Tokyo) trước hôm diễn ra Hội thảo chừng 10 ngày. Nhưng...có một câu chuyện "bi-hài" đã xảy ra mà những người kể lại không khỏi "tức cười" về một hành động lạ! Đó là tấm áp-phích tự dưng bị bóc gỡ, lấy đi mất khiến Ban Giám hiệu phải ra một Thông báo, viết rằng "...đây là tấm áp-phích đẹp, nếu bạn sinh viên nào thích thì có thể đến Văn phòng xin, Nhà trường phát không phí, chứ đừng nên tự ý bóc ra lấy làm của riêng...Người ta truyền tai nhau, nhiều khả năng cô cậu sinh viên bóc áp-phích kia là sinh viên Trung Quốc?! Người Nhật đúng là đại hài hước (họ có "great sense of humor").


















Ảnh trên: Hội trường Shintobe với hơn 300 thính giả đến từ Đại học Takushoku. 


Nhật-Việt cần kết nối…

Trong quá trình hội luận, tôi may mắn được trao đổi nhiều lần với các GS. Kojima Takayuki và GS. Araki Kazuhiro đều là “những cây đa cây đề” về các vấn đề an ninh Đông Á. Câu chuyện xoay quanh nhiều “nút thắt” nóng bỏng. Các bạn nói, từ nay, chúng tôi quan tâm đến cả hai “Biển Đông”. Tới đây, Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo ở cả Hoa Đông lẫn Biển Đông? Bạn cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam cần khẩn trương làm sâu sắc hơn nữa mối bang giao vừa được nâng cấp lên tầm mức quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” để có thể ứng phó kịp thời với những diễn biến ngày càng căng thẳng do các bước leo thang ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc. Các diễn giả đều nhận thức rằng, quan hệ Việt – Nhật đã trở nên bền vững hơn trong những năm qua, một phần chủ yếu là do hai bên có chung các mối quan ngại trước sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, ở một số phương diện, quan hệ Việt – Mỹ vẫn còn đang phát triển tiệm tiến, chưa có đột phá như quan hệ Việt – Nhật nên có thể khiến Trung Quốc tin rằng họ có thể “tiếp tục bắt nạt Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”. Thái độ quyết đoán này của Bắc Kinh một phần nằm trong chiến dịch tiếm quyền kiểm soát khu vực, nhưng họ tiến hành một cách ma mãnh, không ồn ào, để không dẫn đến phản ứng quá mạnh của các nước lớn trong vùng.

Các bạn Nhật cũng nhắc lại thời điểm tháng 5/2014, chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du châu Á để trấn an các đồng minh thì Bắc Kinh đã gây ra cuộc khủng hoảng HD981, hạ đặt giàn khoan khủng bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Vấn đề đặt lên bàn là, sau các chuyến thăm sắp diễn ra của Chủ tịch Tập Cận Bình và của Tổng thống Obama, lần lượt dự kiến sẽ đến Hà Nội vào tháng 11 tới, và đặc biệt là sau Đại hội 12 của Đảng CSVN, liệu Trung Quốc có gây hấn đối với Việt Nam hay không? Nếu có thì sẽ tấn công trên bộ hay trên biển? Thật ra, chẳng ai có thẩm quyền để trả lời câu hỏi này, ngoài Bắc Kinh, nhất là khi các bạn Nhật lại đọc thấy những lời đe nẹt trực tiếp Việt Nam ngay trên chính các trang báo đảng của Trung Quốc! Một nguy cơ khác, bạn không phát biểu công khai, nhưng luôn ẩn hiện trong các câu hỏi, các lời bình, đó là việc Trung Quốc đang cố “khua chiêng gõ mõ” về một mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới” với Hoa Kỳ. Cái gọi là mô hình mới này, theo các diễn giả Nhật, thực chất là việc Trung Quốc muốn thỏa hiệp với Mỹ trong một số vấn đề lớn, để “nuốt trọn Biển Đông”. Bằng cách nào? Trung Quốc muốn Mỹ đừng dính dáng gì đến đường lưỡi bò hay còn gọi là đường “đứt khúc 9 đoạn”, mà hãy để mặc cho Trung Quốc múa gậy vườn hoang, xử lý các nước nhỏ và yếu trong khu vực. Vậy liệu cái “tinh thần Thượng Hải” quyết “bán đứng Việt Nam” như năm nào sẽ được lặp lại theo gợi ý của chiến lược gia Bresinsky? Người Nhật không mấy tin vào cái giả thuyết sặc mùi con buôn này.

Và cái chính là, với lý trí lành mạnh, Hoa Kỳ khó có thể chấp nhận cái chính sách sẽ làm tổn hại đến vị thế cường quốc số một của mình; quan trọng hơn, làm mất đi một trong những đòn trục để “tái cân bằng”, đó là hệ thống các đối tác truyền thống (gồm các liên minh xưa nay) và cả những đối tác mới nổi (như Việt Nam). Dù bị cuốn hút vào các hồ sơ khác như Syria hay Ukraina, chính quyền Obama vẫn không quên thúc đẩy chính sách “xoay trục” qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, một trong những hướng chủ yếu trong nền chính trị đối ngoại của Hoa Kỳ hiện nay. Các hoạt động ngoại giao ráo riết bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã diễn ra cuối tháng 9 vừa qua cho thấy, Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Hai sự kiện hiếm hoi liên quan đến bang giao giữa Mỹ với Á châu diễn ra gần như đồng thời vào ngày 29/9 tại New York. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã siết chặt hàng ngũ cùng hai đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida và Hàn Quốc Yun Byung Se, trong một cuộc họp tay ba hy hữu giữa các đồng minh quân sự này. Ông Kerry còn có một cuộc họp khác với hai Ngoại trưởng Nhật Bản và Ấn Độ; cuộc bắt tay ấy cũng chưa từng có, được giới thiệu như là “những cuộc hội ngộ giữa các nền dân chủ lớn của thế giới”. Và đến giờ này, sau khi phối hợp hoạt động giữa Hạm đội 3 với Hạm đội 7, triển khai thêm 30.000 thủy quân lục chiến đến Hawaii, thông báo cho đồng minh về kế hoạch tuần tra hải quân ở Trường Sa, có thể thấy rằng các bạn Nhật nói đúng, người Mỹ không hề tuyên bố suông!

Nghe cả tiếng nức nở

Hội trường Shintobe của Đại học Takushoku quy tụ hơn 300 khách mời, bao gồm các giáo sư, giảng viên và phần lớn là sinh viên các khóa master của Học viện Quốc tế từ Đại học Takushoku và các trường đại học bạn. Các sinh viên quốc tế học Nhật Bản rất coi trọng đến an ninh “phi truyền thống” trong nghiên cứu về khu vực và nhân tố con người trong nghiên cứu về phát triển toàn cầu. “Đằng sau các vận động chính trị lớn không bao giờ được quên nhân tố con người”. Lão Giáo sư Hasegawa Michiko từ Đại học Saitama nói với tôi sau khi ông hoàn thành xuất sắc bản báo cáo dẫn đề tại Hội thảo. Nói đến con người Nhật Bản thì không thể không nói đến văn hóa và giáo dục, mà tôi chú ý nhất là văn hóa chính trị và giáo dục quốc tế học. Buổi gặp gỡ các nghị sỹ và dân biểu từ Thủ đô Tokyo và hàng chục đơn vị bầu cử từ các địa phương lên nghe chúng tôi nói chuyện là một bài học nhớ đời đối với bản thân. Ngày 18/9, khi chúng tôi đang ở trong Tòa nhà Quốc hội, ước tính hơn cả ngàn người đang thực sự “bao vây” tòa nhà vừa cổ kính vừa hiện đại ấy, dưới trời mưa tầm tã. Những người biểu tình phản đối dự luật cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham chiến khi có xung đột đe dọa đến an ninh của cả Nhật lẫn Mỹ. Mấy mươi năm trước đây, ông ngoại của Thủ tướng Abe bây giờ cũng đã muốn sửa đổi điều 9 của Hiến pháp Nhật liên quan đến vấn đề này, nhưng ngày ấy, cử tri Nhật không đồng ý. Bây giờ số người phản đối dự luật vẫn còn đông, nhưng ông Abe đã thành công. Ông thành công không chỉ bằng lá phiếu ở Quốc hội, vì Liên minh cầm quyền chiếm đa số ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Dự Luật đã biến thành Luật, ông Abe vẫn không ngơi nghỉ các nỗ lực thuyết phục những người chống đối bằng nền văn hóa dân chủ. Chính ông cũng thừa nhận, chính quyền ngay từ đầu, thực sự chưa giải thích thấu đáo dự luật này cho người dân.

Trở lại với các khảo luận của Giáo sư Ari Nakano, dường như các bài viết ấy của chị chỉ được đăng tải trên báo chí Nhật Bản và nước ngoài. Tôi tìm trong Google, tuyệt nhiên không thấy có bài “Những câu hỏi về quan hệ Việt-Nhật” trên truyền thông Việt Nam. Có lẽ nền “ngoại giao văn hóa” của ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Phải chăng đã đến lúc nên giã từ cái thời ngoại giao thiên về ngợi ca một chiều, nặng về sáo rỗng bề ngoài, thiếu chiều sâu cần có? Dân gian ta từng truyền khẩu “Mồm tuyên giáo, áo ngoại giao” có sai không nhỉ? Thật nguy hiểm, nếu ta cứ hành xử mà thiếu nghiên cứu một cách rốt ráo văn hóa sở tại; nhất là ở miền đất mà tinh thần “võ sỹ đạo” vốn là một giá trị cốt lõi từ bao đời nay, đã bồi đắp, vun xới và làm nên một nước Nhật huy hoàng khiến cả thế giới từ Âu sang Á đều phải ngưỡng mộ, đều phải kính nể. Tiến sĩ Ari Nakano là Giáo sư của Trường Đại học Daito Bunka, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Keio và đoạt bằng Tiến sĩ tại đấy. Các lĩnh vực chuyên sâu của chị là Chính trị, Ngoại giao và Nhân quyền ở Việt Nam. Năm nào chị cũng xuống tận các tỉnh thành để trao đổi với chuyên gia của ta về các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Chị đã đi nhiều nơi, phỏng vấn nhiều người ở các làng làm nông nghiệp tại các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng, nơi các nguồn bô xít đang được khai thác, nhưng chị không thấy những người cư dân nơi đây đã được giải thích rõ ràng về khai thác bô xít, hay xây dựng và mở rộng các nhà máy tinh luyện alumina. Chị ghi lại một sự thật mà chị cho là đau lòng, chẳng mấy ai biết gì hơn về các kế hoạch “giải phóng” đất, chuyện đền bù, v.v… Mặc dù những người dân các làng ấy đều đã gửi đơn tới các công ty và các cơ quan công quyền nói về những thiệt hại về môi trường mà họ phải gánh chịu. Xin được nói thêm, GS-TS. Ari Nakano cũng chính là dịch giả “Nỗi buồn Chiến tranh” của Bảo Ninh.

Phải động viên được dân 


Giảng viên Odoka Tai còn khá trẻ, anh từng 15 lần bỏ tiền túi đi lại giữa Tokyo—Hà Nội—Lạng Sơn, phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng sống còn sót lại từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Sỡ dĩ anh đi liên tục trong vội vàng, vì theo anh, các nhân chứng sống ấy ngày càng ít đi. Anh lo với thời gian và cung cách ở Việt Nam hiện nay, mọi chuyện dễ rơi vào quên lãng. “Quên sự đóng góp của người dân, sau này động viên họ sẽ rất khó”. Anh chia sẻ với chúng tôi các ưu tư đối với thân phận những người gắn đời mình với cả một giai đoạn bi tráng của lịch sử Việt-Trung, anh quan tâm nhiều đến việc làm thế nào để khi hữu sự phải động viên được người dân. Liên quan đến chủ đề thảo luận, anh tìm hiểu khá kỹ tương quan giữa P&D, tức là tương quan giữa nỗ lực kiến tạohệ thống các đối tác chiến lược của Việt Nam (Partnership) với việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa bên trong đất nước (Democratization). Vâng, tại Quốc hội cũng như ở hội trường lớn, chúng tôi đã giải thích rất rõ ràng, để quản trị được các căng thẳng trên Biển Đông, đối với Việt Nam, ngoài khâu chuẩn bị “sức mạnh cứng”, việc xây dựng “sức mạnh mềm” là hết sức cần thiết. Mô hình “P&DOWN” ra đời từ bối cảnh ấy. Hẳn nhiên, P&D cần được đặt trên nền tảng của ba trụ cột “tương sinh, tương hỗ” khác làLuật pháp – Truyền thông – Kết nối (O—W—N). Đúng là cuộc chiến luật pháp và truyền thông giờ đây đã trở nên thời sự hơn bao giờ hết, khi mà cả hai nguyên thủ Việt Nam và Trung Quốc, tại Liên Hợp Quốc đã công khai “phản đòn” nhau trước công luận quốc tế. Lần đầu tiên ông Tập tuyên bố: “Quần đảo Tây Sa và Nam Sa (chỉ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại xa xưa”!? Chủ tịch Trương Tấn Sang đã thay mặt triệu triệu con tim người Việt ở trong nước và khắp mọi góc bể chân trời, kịp đáp trả: “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc về Tổ quốc Việt Nam chúng tôi”. Chủ tịch Trương Tấn Sang nói tiếp: “Phía Trung Quốc trong những lần gặp gỡ phía Việt Nam thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của họ, không có gì phải tranh cãi. Phía Việt Nam cũng khẳng định lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam chúng tôi, không thể tranh cãi”.

Tại những buổi tiếp xúc với các nghị sỹ, dân biểu Nhật Bản trong Tòa nhà Quốc hội (Diet), các khía cạnh luật pháp quốc tế đã được nhiều diễn giả mổ sẻ kỹ lưỡng. Không ít nghị sỹ và dân biểu nêu câu hỏi, tại sao đến giờ này, Việt Nam vẫn chưa đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, trong khi các chứng cứ về pháp lý ủng hộ các bạn? Có nghị sỹ còn so sánh Nhật Bản, Philipinnes với Việt Nam, tìm nguồn gốc chung gây ra những căng thẳng trên cả Hoa Đông lẫn Biển Đông. Các bạn Nhật khá tâm đắc với mô hình có cách phát âm na ná như hai từ “Bí Đao” trong tiếng Việt, để chỉ “P&DOWN” là 5 chữ cái trong tiếng Anh. Lúc đầu bạn nhầm tưởng là một pe-rơ-đam từ Hoa Kỳ hay của ASEAN. Đến khi biết đấy là sáng kiến do nhóm chúng tôi đưa ra, bạn chủ động đề xuất, tới đây nên tiếp tục hợp tác nghiên cứu giữa Viện Quốc tế Takoshoku với Viện Văn hóa Biển hay với Viện các Vấn đề Phát triển. Bạn có ý tưởng muốn mở rộng pe-rơ-đam này thành một mô thức có thể áp dụng để góp thêm phần quản lý căng thẳng trên cả Hoa Đông lẫn Biển Đông (ECS và SCS). Bạn cũng rất quan tâm đến các dự án “Chương trình minh triết bảo vệ Biển Đông”, “SEA-SEA-FORUM” (Diễn đàn Biển Đông Nam Á). Biết là để Liên Hợp Quốc chấp thuận đổi tên Nam Hải thành Biển Đông Nam Á còn mất thời gian dài dài. Nhưng để lãnh đạo Trung Quốc khỏi ngộ nhận Biển Đông (Nam Trung Hoa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc vì có chữ “Hoa” trong đó (!), trước mắt, nên đẩy mạnh dự án này ra toàn khu vực và thế giới…

Đinh Hoàng Thắng (Tokyo—Hà Nội, Thu 2015)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: