Bìa sách - Nxb Phụ Nữ
Bìa sách – Nxb Phụ Nữ
NTT: Nhà văn Thanh Hương sinh năm 1939 tại xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Chị là một nhà viết kịch nổi tiếng với các tác phẩm Ngôi sao ban ngày (1972), Thung lũng tình yêu(1980), Vàng (1985), Đỉnh cao và vực thẳm (1991), Bài ca người mẹ (1995),Đời người giấc mộmg (1996), v.v… Chị là cựu đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ Thuật. 
Tập truyện ký “Đi Trong Cuộc Sống” của nhà văn Thanh Hương do NXB Hội Nhà văn đã phát hành và NXB Phụ nữ in lần thứ II, tôi càng “ngộ” ra nhiều điều còn chưa hiểu hết về chị, đồng thời càng quý trọng, yêu mến nhân cách của nữ sĩ tài hoa trung thực này… cũng trong truyện ký này người đọc còn được tiếp cận một mảng đời sống nữa của nữ chính khách Thanh Hương. Đó là những suy nghĩ về nhân sự, thời cuộc và những việc làm của chị ở nhiệm kỳ khóa IX, X Quốc hội.
Dưới đây là bài viết của nhà văn Nguyễn Hồng Thái về tập sách này: 

Truyện ký chính trường của một nữ đại biểu Quốc hội

NGUYỄN HỒNG THÁI
Lần đầu tiên có một nhà văn là đại biểu Quốc hội viết về chính trường và những chuyện “hậu trường” của một số chính khách có tên tuổi ở nước ta với cái nhìn sắc sảo, tinh tế và bản lĩnh… Đó là nhà văn Thanh Hương với tập truyện ký “Đi Trong Cuộc Sống”.
Tập truyện ký “Đi trong cuộc sống” khiến người đọc “ngộ” ra nhiều điều.
Ngộ ấy, chưa hẳn vì giọng văn, chất kịch sân khấu của chị có độ hấp dẫn; cũng chẳng phải vì lần đầu tiên có một nhà văn là đại biểu Quốc hội viết về chính trường kể những câu chuyện “hậu trường” liên quan đến một số chính khách có tên tuổi ở nước ta với cái nhìn tinh tế, sâu sắc và bản lĩnh…Có lẽ người ta quan tâm đến cuốn truyện ký này, ấy là cuộc sống suốt một chặng đường dài của một người con gái nông thôn 65 năm qua đã bươn chải, dám đón nhận rủi ro và hy sinh như thế để có thể trở thành một nhà viết kịch, một nhà văn, một đại biểu Quốc hội do dân vùng than Quảng Ninh yêu chị mà bầu nên… Sinh năm 1939 tại làng Đông Phái (Diễn Châu, Nghệ An), ngôi làng cổ sau này sinh ra những người tài hoa như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Ngô Quang Xuân và người anh ruột, Thiếu tướng Ngô Trí Nhân, Cục trưởng chiến tranh điện tử, Bộ Quốc phòng; hoa hậu người Việt Ngô Phương Lan, Tiến sĩ huyết học Nguyễn Ngọc Minh và nhiều trí thức khác… Thật khó tưởng tượng, năm 1972, khi đang là đối tượng Đảng, chồng mất sớm, chị Đặng Thanh Hương đã xung phong ra mặt trận để lấy tư liệu viết kịch về cuộc kháng chiến thần thánh.
ThanhHuongDTCS2
Bìa sách – Nxb Hội Nhà Văn

“Tôi gửi 2 con Hà, Quang đi sơ tán theo cơ quan Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Trước lúc lên đường ra mặt trận, tôi mua gạo, mì, dầu, thịt, đậu kho một nồi, tem phiếu mua thực phẩm và sổ mua gạo, tất cả tôi gửi cho chị Minh Yến, Phó Văn phòng Hội. Tôi nhờ chị Yến báo cơm tập thể cho 2 cháu và hàng tháng lĩnh lương của tôi nộp cho nhà ăn…Tôi ôm hai con vào lòng, tôi hít hà mái tóc cháy nắng đỏ quạch của cháu Quang mới lên mười tuổi, cháu Hà mười một tuổi, trông các con tôi đen đủi, gầy gò, mắt các cháu mở to, ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi tôi: “Mẹ lại đi à?”… Tôi cắn chặt môi toé máu, nuốt nước mắt vào trong quay đi, bởi nếu còn ôm thêm con một giây nữa thì tôi bật khóc và chân tôi sẽ chùng xuống, không bao giờ bước đi nổi nữa…”.
Đó là những trang văn chị Thanh Hương viết khi chia tay các con… Và nữ nhà văn tương lai ấy lên xe quân đội đi thẳng vào chiến trường, chị vượt Trường Sơn lên đến tận Cổng Trời, nơi có một tiểu đội nữ TNXP cảm tử  canh chừng máy bay Mỹ, báo tín hiệu cho cả một cung đường.
Chị tả thế này: “Đứng trên đỉnh núi gọi là Cổng Trời nhìn xuống rừng Trường Sơn bao la xanh thẳm, có mảng rừng bị cháy khô, giơ những cành cây đen – những con đường đất đỏ chạy thẳng vào phía Nam ẩn mình dưới tán lá rừng. Các cô gọi Cổng Trời là yết hầu của con đường từ Bắc vào Nam… Địch đã ném xuống đây hàng ngàn tấn bom, bom phá, bom khoan, bom bi, bom napan thiêu cháy từng mảng rừng…”. Vậy mà các cô ngày đêm bám trụ, sau mỗi trận bom, máy bay địch vọt ra biển Đông thì cả tiểu đội nữ TNXP ôm nhau cười, cười chảy nước mắt vì còn đủ quân số… Với chị Thanh Hương, khi thoát chết trở về, chị lao lên vùng sơ tán tìm con. Thanh Hương và chị Phó Văn phòng ôm chầm lấy nhau nước mắt nghẹn ngào. Chị Phó Văn phòng kêu lên: “Thanh Hương ơi! Suốt thời gian cô đi chiến trường, tôi lo quá, tôi nghĩ cô có mệnh hệ gì thì ai nuôi con cô…”.
Đấy là những trang viết tràn đầy cảm xúc trong gần 500 trang sách nhọc nhằn của cuốn truyện ký, bạn đọc cảm ơn và kính phục phẩm chất nghệ sĩ – chiến sĩ một thời của những phụ nữ dám chấp nhận tất cả như nhà văn Thanh Hương. Mỗi người đàn bà ở thế hệ các chị là mỗi cảnh đời, có lẽ chẳng ai sung sướng.
Nhà văn Lê Minh Khuê: “Nhìn bề ngoài họ có thể lam lũ, có thể tất bật và có thể sang trọng… nhưng họ đều đi qua “lửa, nước và ống đồng đã được tôi luyện cả. Những đứa con là thành quả vĩ đại nhất của họ. Một điểm chung nhất cho các cuộc đời phụ nữ là họ ít được trợ giúp, ít được nâng đỡ và chia sẻ. Tất cả chỉ đi một mình như trong một chi tiết nhỏ thôi, khi sinh nở, khi con ốm, khi con khóc… người đàn bà chỉ có một mình vật lộn, đấu tranh và che chở cho con…”.
Nhận xét ấy dường như ứng vào cuộc đời của chị Đặng Thanh Hương, kể cả lúc chị mất chồng khi tuổi mới ngoài ba mươi, kể cả khi chị làm tới chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, kể cả khi chị một mình nuôi dạy con, cô đơn ngồi trước trang giấy với bộn bề tâm tư…
Còn nhiều trang riết róng nữa chị viết một cách trung thực và dũng cảm khi là đại biểu Quốc hội. Đó là những cuộc tiếp xúc với cử tri, với những người dân đất mỏ Quảng Ninh, với Bí thư Tỉnh ủy, với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, những cuộc tiếp xúc hành lang… rất hấp dẫn mà lâu nay trên văn đàn công khai hầu như ít được phản ánh… Nhưng quả thật, những trang chị viết về mái ấm gia đình, về chồng chị, về những ngày tháng chiến tranh phải xa con đi công tác, về giọt nước mắt đêm đêm nhớ con… là những trang gây xúc động nhất.
Ngẫm từ cuộc đời chị, những người phụ nữ khác có quyền lạc quan, tin cậy vào nghị lực của chính mình. Một nghị sĩ về hưu ở tuổi xưa nay hiếm, sống đạm bạc nhưng điều chị cảm thấy giàu có hơn cả, đó là kho báu về con chữ. Giàu chữ hơn giàu của nả là vậy chăng?

Theo "Những bông hoa vẫn nở đúng mùa" NTT