Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Công cuộc ngoại giao đòi đất của nhà Lý sau chiến thắng chống Tống năm 1075 – 1077

Nha Lý
Hoa Anh Đào
 Một thước núi, một tất sông của dân tộc kiên quyết không được rơi vào tay ngoại bang, dù nó có hùng mạnh như thế nào. Đây là chủ trương xuyên suốt trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc ta. Dưới thời các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc dù bề ngoài tỏ ra thuần phục với “thiên triều’’ Trung Hoa nhưng khi bị xâm hại về lãnh thổ, các triều đại phong kiến nhất quyết không chịu nhún nhường để mất đất. Trong bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả những tư liêu liên quan đến“công cuộc ngoại giao đòi đất của nhà Lý sau chiến thắng chống Tống năm 1075 – 1077” để thấy rõ thái độ kiên cường và chính sách ngoại giao khéo léo của ông cha ta dưới thời Lý.
  1. Bối cảnh và tác động của tình hình lịch sử
          Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay). Năm 1054, Vua Lý Thái Tổ cho đổi tên nước là Đại Việt và đây là quốc hiệu được sử dụng lâu dài trong thời phong kiến ở nước ta. Triều đình nhà Lý bắt đầu xây dưng theo lối chính quy. Đổi 10 lộ thời Lê thành 24 lộ. Ở miền núi hoặc miền xa thì đặt thành châu, trại. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” triệt để, nhằm bảo đảm sức sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo lực lượng cần thiết cho quốc phòng. Gia tăng võ bị ở khu vực biên giới phía Bắc do thời kỳ bấy giờ vùng biên giới phía Bắc và Tây Bắc Đại Việt chưa rõ ràng. Do chính sách lôi kéo, chia rẽ của bọn ngoại bang phương Bắc, chúng muốn những vùng đất này phải tách khỏi đất nước ta, lập vương quốc nhỏ riêng, mang tính tự trị, để chúng dễ dàng thôn tính. Cộng với đó là việc âm ưu cát cứ lâu dài của tù trưởng, bởi tù trưởng ở những vùng đất này có tiếng nói rất lớn, người dân chỉ thụ động mà tuân theo, vì lợi ích sống còn của cả dân tộc, để cùng tồn tại thì nhà Lý phải thu phục lại những vùng đất này, cùng chung sức đồng lòng bảo vệ nền độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo thống nhất của triều đình trung ương. Lúc này nhà Tống lại lơ là bỏ không phòng bị do tình hình trong nước bất ổn, phải đối phó với nhà Hạ ở phía Tây và Liêu ở phía Bắc. Trái lại, vua Lý có chủ ý nhân sự bất định về biên giới ấy mà thu hồi lại những lãnh thổ trước đây của Văn Lang – Âu Lạc, muốn vậy, chỉ cần phủ dụ man dân hoặc buộc họ phải theo mình. Vì man dân đã theo thì phần lãnh thổ ấy cũng sáp nhập lại Đại Việt. Với chính sách khôn khéo đó, trong một thời gian dài, Đại Việt đã thu phục mở rộng rất nhiều đất đai về phía Bắc.
          Khác với các chính quyền trước đây, nhà Lý đã không chia rẽ Hoa, Di mà đã dùng quan hệ hôn nhân để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị lỏng lẻo, để cho các châu mục cha truyền, con nối như các họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng, họ Chu, họ Giáp (họ Thân), họ Hà, họ Đèo… tự trị trong các lãnh thổ của họ. Các vua nhà Lý còn dùng hôn nhân để ràng buộc họ chặt chẽ hơn với triều đình trung ương, không phân biệt kinh thượng. Việc các vua nhà Lý gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận trong chính sử Đại Việt khá nhiều như năm 1029 Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu là Thân Thiện Thái, năm 1082, dưới thời Lý Nhân Tông, công chúa Khâm Thánh được gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh, năm 1142, dưới thời Lý Anh Tông, công chúa Thiều Dung được gả cho Dương Tự Minh là thủ lãnh châu Phú Lương, năm 1167, cũng dưới triều Lý Anh Tông, công chúa Thiên Cực được gả cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung Hầu… trước đó, Tống Sử hay một sách khác thời nhà Tống cũng chép là tổ tiên của họ Thân, trước mang họ Giáp, là Giáp Thừa Quí lấy con gái của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, con Thừa Quí là Thiệu Thái, lại lấy con gái của Đức Chính, tức Lý Thái Tông, rồi con Thiệu Thái là Cảnh Long, lại lấy con Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông… Ngược lại, Lý Thái Tông lại chọn con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng đưa về làm hoàng phi.
          Trong các châu ở biên giới, Lạng Châu là quan trọng hơn cả, vì vừa ở gần kinh kỳ, vừa ở trên đường bộ từ ta sang Tống. Lạng Châu thuộc vùng Bắc Giang và Nam Lạng Sơn. Lạng Châu có Động Giáp, rất rộng lớn, chủ ở đó họ Giáp sau đổi sang họ Thân, đã nhiều đời làm phò mã. Động Giáp nằm phía Nam ải Chi Lăng. Nhờ các cuộc hôn nhân giữa hai dòng họ vì vậy họ Thân rất trung thành với các vua Lý, là một phên giậu rất kiên cố trên đường biên giới với Tống, khi Lý Thường Kiệt sử dụng kế sách “Tiên phát chế nhân” đánh sang đất Tống, họ Thân đã giúp ích rất nhiều. Ngoài ra, các vua Lý cũng gã công chúa cho các châu mục khác hay cưới con gái của tù trưởng về làm hoàng phi.
          Nhờ vào các chính sách ấy, lòng dân miền trung du phía Bắc và Tây Bắc đều quy phục hướng về nhà Lý. Tuy có một số nơi theo phủ dụ của các vua Lý nhưng một số nơi khác uy quyền của các Vua Lý bị tù trưởng khinh miệt, hoặc không nạp thuế, hoặc tự lập ra một nước nhỏ, hoặc bỏ Đại Việt theo Tống.
          Các vua quan triều Lý, tuy chịu ảnh hưởng của Đạo Phật nhưng về chính trị, họ tin rằng muốn ràng buộc các phiên thần phải dùng đến cả uy lẫn đức. Cũng vì vậy, mỗi khi có biên biến, các vua thường sai đại tướng hoặc tự mình thân chinh. Với hai chính sách đức và uy, nhà Lý đã thu nạp được dân Bắc thùy, nhờ vậy, cương vực lãnh thổ được mở mang dần dần sang địa phận tả và hữu giang, và lúc Tống định tấn công sáp nhập nước ta, quân các phiên trấn giữ đã giúp nhà Lý một phần lớn. Cụ thể khi Lý Thường Kiệt đánh sang đất Tống cũng như việc Ông lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt thì quân của các dân tộc vùng trung du, miền núi phía bắc đã đánh sau lưng địch, làm cho chúng không một ngày nào yên thân. Trước và sau cùng đánh làm chúng bị thiệt hại nặng nề, vì vậy khi nhận được thư cầu hòa của nhà Lý, quân Tống rất mừng rỡ và nhanh chóng rút quân.
  1. Chính sách ngoại giao đòi đất của nhà Lý
Tuy không chiếm được toàn bờ cõi nước ta, nhưng Tống cũng đã chiếm được năm châu miền núi là: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên. Trong đó hai châu Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả. Quang Lang là cổ họng của Ung Châu, và Quảng Nguyên là nơi có nhiều vàng bạc.
           Tống liền tổ chức cai trị các châu ấy, Vua Tống đã hạ chiếu đổi Quảng Nguyên thành Thuận Châu, thăng Quang Lang lên hàng huyện. Việc Tống chiếm giữ và tổ chức cai trị làm Đại Việt mất một phần đất khá lớn nên việc thu hồi lại các vùng đất đó được vua tôi nhà Lý tìm nhiều biện pháp cũng như kế sách. Trước tiên Lý Thường Kiệt đã dùng đến biện pháp quân sự để khôi phục những vùng đất đã mất. Ngay sau khi quân của Quách Quỳ rút lui khỏi Lạng châu, quân Lý liền theo sau và đóng giữ Động Giáp. Rồi kéo vào đánh úp chiếm lại Quang Lang, sau đó chiếm luôn ba châu kề cạnh là Tư Lang, Tô Mậu và Môn. Chỉ còn châu Quảng Nguyên, vì đại binh của Tống đóng, quân ta chưa dám kéo vào chiếm lại. Nhận thức được tình hình, muốn thu hồi lại châu Quảng Nguyên mà Tống đã đổi thành Thuận Châu, Nhà Lý không thể dụng binh mà phải dùng biện pháp ngoại giao để Tống trả lại Quảng Nguyên cho Đại Việt. Tháng 10 năm 1077, Lý Nhân Tông sai Lý Kế Nguyên sang đất Tống triều cống, thiết lập mối quan hệ bang giao, hòa hảo và không ngoài mục đích đòi lại châu Quảng Nguyên. Nhưng trong lời biểu của Vua Lý có dùng chữ húy của Triều Tống nên Triệu Tiết không nhận biểu.
          Đến đầu năm 1078, Lý Nhân Tông lại sai Đào Tông Nguyên trở lại đi sứ, đem theo 5 voi để cống và tờ biểu xin lại đất Quảng Nguyên và Quang Lang mà Tống đã chiếm của Đại Việt. Vua Lý Nhân Tông viết: “Mặc dầu những đất ấy nhỏ bé nhưng vẫn khiến lòng tôi đau sót luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng”. Thật ra thì nhà Lý đã chiếm lại Quang Lang rồi, giờ chỉ xin lại trên danh nghĩa.
          Vua quan nhà Tống chia làm hai ý kiến: một bên đồng ý nhường lại đất cho nhà Lý bên kia thì quyết giữ. Sở dĩ vua quan nhà Tống muốn nhường lại đất cho ta vì Thuận Châu (Quảng Nguyên) cách xa Ung Châu đến hai ngàn dặm, khí hậu độc hại, quân thú mười phần chết hết bảy, tám. Lòng quân Tống không ai muốn ở đó cả. Trong khi đó nổi lo quân Lý đánh chiếm lại luôn thường trực trong lòng vua tôi nhà Tống vì vậy Tống Thần Tông nhận thấy không thể giữ được Thuận Châu nhưng giờ trả lại thì mất thể diện và Tống yêu cầu ta trả lại số tù binh. Sau khi sứ giả ta hứa sẽ trả lại một nghìn tù binh thì Tống lại bắt nhà Lý phải xử “tội nhân chiến tranh”, không ai khác là Lý Thường Kiệt. Hai bên dùng dằng nhau mãi, trước tình hình đó Lý Thường Kiệt xui dân châu ấy đánh cướp phá, quan quân nhà Tống thì cũng chết nhiều do bệnh tật. Thêm một lần nữa vua tôi nhà Tống quyết định trả đất Quảng Nguyên cho Đại Việt, chỉ chờ cơ hội thì có thể trả lại mà không mất thể diện. Lý Thường Kiệt biết điều đó bèn sai đem trả một ít tù nhân. Tống Thần Tông liền vin lấy cơ hội trả đất cho Đại Việt, vì thế năm châu mà Tống đã cướp của Đại Việt được trả về cho chủ cũ. Thành công trong việc đòi lại châu Quảng Nguyên và một số đất khác nhưng nhà Lý đã không thành công trong việc đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác từ trước đã bị các thổ mục họ Nùng dâng cho nhà Tống, mặc dầu sứ bộ nhà Lý do Lê Văn Thịnh, vị thủ khoa của khoa thi đầu tiên của người Việt cầm đầu đã tranh luận gay gắt, phản bác lại chủ trương của các quan nhà Tống cho rằng các đất này là của Tống. Vì các thổ mục địa phương đã quy phục, dâng đất cho nhà Tống. Lê văn Thịnh lý luận rằng “Đất thì có chủ, bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm pháp luật cũng không dung. Huống chi, bọn chúng lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quí vị hay sao?”. Không những quyết tâm bảo vệ lập trường, vua quan Đại Việt còn tỏ ra rất kiên trì. Các cuộc thương nghị đã diễn ra cả thảy sáu lần nhưng đều bị nhà Tống khước từ, cuối cùng đã bị bỏ dở.
          Trong Lịch triều hiến chương loại chí viết năm 1821, Phan Huy Chú nhận xét là trong đàm phán về biên giới đời Lý có hai mặt mạnh: một là có “oai thắng trận”, hai là “sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung, khôn khéo”. Công lao lớn nhất đó thuộc về Lý Thường Kiệt, một con người có tầm nhìn chiến lược. Các triều đại về sau cũng noi gương nhà Lý, tăng cường võ bị giữ gìn biên giới của đất nước. Ban hành những đạo luật ngăn cấm bán đất cho nước ngoài ở biên giới, trừng trị thật nghiêm khắc những kẻ nào vi phạm. Chứng tỏ ông cha ta luôn có ý thức giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ này. Một tấc đất, thước sông, ngọn núi của dân tộc cũng không bị mất vào tay ngoại bang.
  1. Tìm hiểu biên giới phía Bắc nước ta dưới thời Lý
Ngoài hai dân tộc Việt và Hoa, có nhiều dân tộc khác mà cả hai đều gọi là Man (Thổ, Nùng,…) sinh sống trên miền rừng núi rộng lớn ở giữa hai bình nguyên lớn: Triền sông Lô (Nhị Hà) ở ta có triền Sông Uất chảy xuống châu Ung ở Tống. Từ miền Cao Bằng bây giờ sang phía Đông, biên giới đã khá rõ ràng. Theo sử Tống và sử Việt thì đến vùng Đông Khê, không khác lắm so với ngày nay. Từ đó ra biển Bắc Ngạn sông Kỳ Cùng thuộc về Tống, gồm các châu Tây Bình, Lộc Châu và huyện Thanh Viễn. Rồi tới chổ gần bể, phần đất của Đại Việt còn ăn vào tỉnh Quảng Đông đến gần Khâm Châu. Còn về phía Tây Cao Bằng, dân Man ở thành từng động không hẳn thuộc về bên nào, cho nên bên giới giữa nhà Lý và Tống ở khu vực này có thể nói là chưa có. Nhưng do chính sách Bắc thùy khôn khéo nên ảnh hưởng của nhà Lý đã đến vùng Bảo Lạc và Yên Bái ngày nay.
          Từ đó ta có thể đối chiếu trên bản đồ ngày nay, biên giới Việt Tống đã định hình được 1\4. Nghĩa là ảnh hưởng của Việt, Tống tiếp xúc thật sự ở phía Đông Bắc từ Đông Khê đến Móng Cái (Quảng Ninh). Còn về phía tây, từ Cao Bằng trở ra, đều thuộc những bộ lạc hầu như độc lập, ai mạnh thì người đó quản. Về phần đất đai chi tiết thì sách sử ta chép khá sơ sài nên không thể tra khảo, riêng sách Lĩnh Ngoại Đai Đáp (Tống) chép: “Giao Chỉ chia làm 4 phủ, 13 châu và 3 trại. Phủ gồm có Đô Hộ, Đại Thông, Thanh Hóa, Phú Lương. Châu có Vĩnh An, Vĩnh Thái, Vạn Xuân, Phong Đạo, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Già Phong, Trà Lô, Yên Phong, Tô Châu, Mậu Châu, Lạng Châu. Trại có Hòa Ninh, Đại Bàn, Tân Yên. Đại để thì Thanh Hóa, Già Phong, Nghệ An, Vĩnh An đều gần Biển. Mà Vĩnh An thì giáp Khâm Châu, Trà Lô thì Giáp Chiêm Thành, Tô Châu, Mậu Châu, giáp Ung Châu. Phía đông Giao Chỉ có sông nhỏ, vượt qua Khâm, Liêm. Phía Tây có lục bộ đi nước Mán áo trắng (Thái, Sơn La, Lai Châu). Lúc đó đi về Nam thì giáp Chiêm Thành, đi về Bắc đến Ung Châu.”
           Như vậy có thể tóm lại việc phân định lãnh thổ giữa nhà Lý với Nhà Tống đã khá rõ ràng từ Đông Khê đến Móng Cái, về phía Tây vẫn do các bộ lạc của dân tộc ít người tự trị, bằng các chính sách lôi kéo, hay phải dùng đến vũ trang nhà Lý đã lần lượt thu hồi những vùng đất ở phía Tây Bắc mà trước đây của Văn Lang – Âu Lạc vào lãnh thổ Đại Việt, vì vậy dưới thời Lý biên thùy ở phía Bắc liên tục được mở rộng.
Thay lời kết luận:        
          Như vậy, có thể thấy rằng dù đối diện với một nước Trung Hoa to lớn và mạnh hơn rất nhiều dưới thời Tống nhưng nhà Lý đã rất khéo léo khi sử dụng chính sách đối với các tù trưởng của các dân tộc ít người ở phía Bắc nước ta. Một mặt dùng chính sách mềm dẻo như ban tước, gã công chúa… để lôi kéo họ về phía mình. Mặt khác, sử dụng quân đội để răn đe, trừng trị những tù trưởng có khuynh hướng tách ly để thành lập vương quốc riêng hoặc đi theo nhà Tống. Qua chính sách này, nhà Lý đã xây dựng và củng cố phiên giậu ở phía Bắc, đề phòng âm mưu dụ dỗ, mua chuộc của nhà Tống. Từ đó thu hồi lãnh thổ nước ta từ thời Văn Lang, cố kết các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước ta.
          Bên cạnh đó, dùng nhiều biện pháp ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt với nhà Tống để thu hồi những vùng đất mà Tống chiếm được khi xâm lược nước ta năm 1076.
          Chứng tỏ thái độ kiên quyết không để một tấc đất, thước sông của dân tộc ta rơi vào tay ngoại bang. Phải thu hồi lại tức thì khi ngoại bang chiếm giữ chứ không phải đợi đến đời sau mới giành lại. Dù là một nước yếu nhưng với thái độ kiên quyết đó của nhà Lý thì nhà Tống phải tỏ ra kiên nể và nhượng bộ.
          Công lao chống giặc ngoại xâm và củng cố biên cương phía Bắc của dòng họ Lý sẽ được dân tộc ta đời đời nhớ ơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Đào Duy Anh (2010), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  2. Đào Duy Anh (2003), Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  3. Huỳnh Công Bá (2011), Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
  4. Đặng Xuận Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  5. Phan Huy Chú (2009), Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2007), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt (lịch sử ngoại giao và tông giáo Triều Lý), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  8. Khuyết danh (1960), Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội.
  9. Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội
  10. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  11. Trương Như Vương, Hoàng Ngọc Sơn, Trịnh Xuân Hạnh (2007), Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: