Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Như vậy sao?

BI kịch HAM LET.
Ham Let là một trong những kiệt tác của thiên tài viết kịch thời Phục Hưng, W. Sech pia. Nội dung vở kịch kể về số phận của Ham Lét, chàng hoàng tử xứ Đan Mạch.
Từ lời kể của bóng ma người cha quá cố, Ham Lét đã truy tìm sự thật về cái chết của vua cha, và sự thật đắng cay chỉ rõ rằng, vua cha của Ham Lét đã chết bởi một âm mưu đê hèn do chính em trai và vợ mình cùng thực hiện. Như vậy, thủ phạm chính là những kẻ đang ở đỉnh cao quyền lực (đương kim hoàng đế và hoàng hậu), đồng thời lại là những người ruột thịt của Ham Lét - chú ruột và mẹ đẻ của chàng. Câu chuyện kết thúc bằng cái chết bi thảm của Ham Lét và những nhân vật có liên quan...
Thực ra, câu chuyện hoàng tử xứ Đan Mạch đã có sẵn từ trước, và nếu Sêch pia chỉ minh họa lại bằng hình thức một vở kịch, chắc ông đã không vĩ đại đến thế, bởi lẽ như vậy, câu chuyện chỉ dừng lại ở việc : Điều tra vụ giết người và trả thù.
Dưới ngòi bút thiên tài của Sêch pia, vở bi kịch đã có ý nghĩa lớn hơn nhiều...
Nếu Ham Lét chỉ làm cái việc tìm ra kẻ thù, giết kẻ thù để trả thù cho cha, thì chàng cùng lắm chỉ là kẻ giết người, hoặc là một anh hùng...
Nhưng Ham Lét không phải kẻ giết người, càng không phải là nhân vật anh hùng, chàng là nhân vật bi kịch.
Bi kịch của Ham Lét là bi kịch của thời đại mà niềm tin sụp đổ, thế giới quanh chàng phút chốc trở nên đen tối, ngạt thở đến không thể chịu đựng nổi. Mâu thuẫn trong con người Ham Lét không phải là ở chỗ, nên trả thù hay không, mà là nỗi đau - như lời thoại của Hăm Lét thường lặp đi lặp lại trong vở kịch - " Tồn tại hay không tồn tại".
Phải, " Tồn tại hay không tồn tại" khi mà thế giới quanh ta đã trở nên đen tối, không còn niềm tin và những điều thiêng liêng nhất đã sụp đổ, " Cả thế giớ là một nhà tù" - như lời Hăm Lét nói.
Khi khám phá ra sự thật, chàng muốn lật nhào tất cả " Tan hoang tất cả". Kết cục, thế giới đó tan hoang, nhưng không phải do chàng. Đó chính là bi kịch của Ham Lét.
Người ta đã từng đặt câu hỏi, rốt cuộc tính cách của Ham Lét là gì? Là con người hành động, vì chàng đã quyết liệt điều tra để tìm rõ chân tướng sự việc, dù biết rằng việc làm của mình sẽ đụng đến quền lục tối cao và đụng chạm đến những gì thiêng liêng nhất ( đụng tới vua và chính mẹ đẻ của mình), nhưng sức mạnh của SỰ THẬT đã chiến thắng và chàng đã hành động để tìm sự thật...
Nhưng chàng cũng là người do dự, dù đã quyết tâm mà không dứt khoát xuống tay với thủ phạm, chỉ có lần duy nhất ra tay dứt khoát thì lại giết nhầm nịnh thần Pô lô ni út, cha của Ô phê lia, người yêu chàng, thật chớ trêu!
Chàng yêu Ô phê lia đắm đuổi, nhưng chính hành động của chàng đã đẩy cô gái trong trắng ngây thơ đến chỗ tự sát.
Trong thế giới đen tối tàn bạo, tình yêu trong sáng của Ô phê lia không có đất sống, không thể tồn tại. Cái chết của nàng cũng là tất yếu. Đó là bi kịch...
Cái chết của Ham Lét không phải do chàng thực hiện việc trả thù, trừng phạt kẻ phạm tội, mà do đấu kiếm với kẻ hoàn toàn không phải là kẻ thù của mình - La oc tơ - anh của Ô phê lia. Đó chính là bi kịch của Ham Let.
Rốt cuộc, không thể kết luật Ham Lét một cách giản đơn, rằng chàng là con người hành động hay do dự, là con người yêu thương hay tàn nhẫn.v.v.. chàng là tất cả những thứ đó, đầy mâu thuẫn bởi chàng là nhân vật bi kịch, một số phận bi kịch phản ánh bi kịch của cả một thời đại.
Như mọi tác phẩm lớn, bi kịch Ham Let chứa nhiều tầng ý nghĩa, cùng với thời gian, thời đại thay đổi, nhưng thời đại mới ra đời luôn tìm thấy ý nghĩa phù hợp với thời đai mình trong tác phẩm và vì vậy, mặc dù hơn bốn trăm năm trôi qua, bi kịch Ham Let vẫn còn nguyên giá trị.
Nhiều nhà tư tưởng, nhà triết học lớn của nhân loại đã tìm đến Ham Let (cũng như các tác phẩm của Sech pia) để làm giá đỡ cho tư tưởng của mình - đặc biệt là những tư tưởng Phân tâm học, chủ nghĩa Hiện Sinh... trong đó, trớ trêu thay, có cả các ông tổ của triết học Mác xít....
Ở ta, chủ đề bi kịch Ham Lét càng có vẻ có tính thời sự. Vấn đề tội phạm ở những nơi có quyền lực cao nhất, vấn đề khám phá sự thật, vấn đề sụp đổ niềm tin vào những giá trị, những hình tượng từng được coi là thiêng liêng, không khí xã hội đang trở nên ngột ngạt.v.v...
Và câu thơ của nữ nhà thơ (nếu không dính nghi án chôm chỉa gì đó) rằng " có khi chết còn hơn", hay " nếu tôi chết đem tôi ra sông" .v.v... có thể coi là tâm thế Ham Lét của cả thế hệ thời hiện đại ở xứ Lừa cũng nên...
Phải chăng, chính vì lý do đó mà các nghệ sĩ nhà Hát kịch với trái tim nhạy cảm đã dựng lại Ham Lét với tham vọng " làm mới Ham Let" cho phù hợp với xã hội Việt Nam hiện đại?
Nếu vì lý do đó, Lão có nhời khen....
P/S: Chân dung nhà viết kịch W. Sech pia.
Ảnh : chôm trên mạng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: