Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Tiếp tục tác phẩm hiếm của Nhượng Tống


Sau khi vét các kho tài liệu, tôi trông chờ những tác phẩm khác nữa của Nhượng Tống từ các bộ sưu tập cá nhân. Dưới đây là những gì tôi mới tìm được, thông qua rất nhiều sự giúp đỡ, big big tks :p

Một tác phẩm rất lạ:

Một cuốn "xã hội tiểu thuyết" do Nhật Nam thư xã ấn hành vào năm 1934, một niên đại rất lạ.

Một số hình ảnh bên trong sách:

Ngay ở đầu sách có bài "Cô hàng hoa", có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Nhượng Tống, mà ta thấy Trúc Khê Ngô Văn Triện bình luận trên Văn học tạp chí.


Có ghi rõ tên Nhượng Tống. Sách dày chưa tới 40 trang. Hiện tượng này cần được tìm hiểu thêm:

(nguồn hình ảnh: nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Hoài Nam, hết sức cảm tạ :p)

Những quyển sách dịch của Nhượng Tống hồi trẻ, cuối thập niên 20:

Đây chính là Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á. Nhượng Tống là một trong những người đầu tiên dịch Từ Chẩm Á ở Việt Nam. Trước đó, Tuyết hồng lệ sử đã được dịch đăng Nam phong, nhưng sau đó rồi các cụ nhà nho mới nhận ra, Tuyết hồng lệ sử là tác phẩm sau của Ngọc lê hồn, được viết dưới dạng nhật ký để kể lại một lần nữa câu chuyện của Mộng Hà, tức là câu chuyện của Ngọc lê hồn.

Tác phẩm trên đây từng được Nhượng Tống đăng dài kỳ trên tờ Thực nghiệp dân báo.

Và đây nữa:

Sau 1945 cũng có một số thứ rất hiểm hóc. Ví dụ cuốn sách này:

Còn đây là Nhượng Tống dịch Liêu Trai chí dị đăng trên một tờ báo sau 1945:

(courtesy of VHT)


Dưới đây là danh mục tác phẩm Nhượng Tống do tôi lập ra, được cập nhật liên tục sau mỗi phát hiện mới:

Nhượng Tống có hai giai đoạn trước tác rõ ràng: thập niên 20 và thập niên 40. Trong những năm 30, Nhượng Tống gần như không hề xuất hiện trên văn đàn.

Nhượng Tống có bài đăng trên báo Khai Hóa từ rất sớm, năm 1922 khi ông mới 16 tuổi (việc này đã được kể lại trong cuốn tiểu thuyết Lan Hữu). Sau đó là quãng cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo, ví dụ trong năm 1924 có các bài “Nên đặt thêm hai kỳ Đấu xảo Canh nông”, “Chủ nhật thăm mộ”, “Nhân công ở ta tại vì đâu mà thiếu”…

Cuối thập niên 20 là giai đoạn Nam Đồng thư xã. Vì Nam Đồng thư xã có mục đích chủ yếu là tuyên truyền, nên nhiều khi không rõ được tác giả của từng tác phẩm, ngoài một số trường hợp đặc biệt. Nhượng Tống là yếu nhân của Nam Đồng thư xã, nên chắc chắn các ấn phẩm ở đây đều có bàn tay chăm sóc của ông. Dưới đây là danh mục sách của Nam Đồng thư xã:

Gương thiếu niên: thứ I, II, III, IV, V - Dật Công, Mộng Tiên (Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm) dịch (1926-1927 - 5 fasc. 73 p. ; 0$10 mỗi cuốn)
Sóng hồ Ba Bể, Thuần Phong Phạm Bùi Cầm (1926 - 2 fasc. 147p. ; 0$50) (Impr. Nguyên Hàn)
Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1927, In lần thứ 2 - 34 p. ; 0$10)
Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1928, In lần thứ 3 - 30 p. ; 0$10)
Tân Hán: thứ I, II, III, IV - Thạch Bằng dịch (1926 - 4 fasc. 97 p. ; 0$10 mỗi cuốn), truyện cách mạng nước Tàu (Long Quang ấn quán)
Gương thành bại (sách bị cấm không được bán ở địa hạt Bắc Kỳ)
Trưng Vương, cuốn thứ I, II - Nhượng Tống (1927 - 2 fasc. 39 p. 70 p. ; 0$10 mỗi cuốn), thế giới đệ nhất nữ anh hùng (Kim Khuê ấn quán)
Một bầu tâm sự - Trần Huy Liệu (1927 - 41 p. ; 0$30) (Impr Bảo Tồn)

Cùng ở giai đoạn thập niên 20 này, Nhượng Tống còn có các tác phẩm:

- Dường như Nhượng Tống có vai trò nhất định trong ấn bản Lo nước thương dân của Nguyễn Thượng Hiền, nhà Minh Trân, 1926; cũng cuốn sách này được tái bản trong năm 1926 dưới nhan đề Một tập văn lo nước thương dân của cụ Nguyễn Thượng Hiền. Có bài tựa của cụ Phan Chu Trinh, Imprimerie Chân Phương
Dưới hoa (tức Ngọc lê hồn) (dịch), nhà in Long Quang, “Vạn quyển thư lâu”, 1928 (in lần 2)
Bả phồn hoa (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928
Chị cùng em (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928 (trước đó Nhượng Tống đã dịch tác phẩm này đăng nhiều kỳ trên Thực nghiệp dân báo)

Như ở trên đã nói, trong thập niên 30 gần như không thấy tên Nhượng Tống xuất hiện trên các ấn phẩm, tuy nhiên rất có thể Nhượng Tống có bài in trong cuốn sách Đời trong ngục và là tác giả cuốn “xã hội tiểu thuyết” mang tên Cô hàng hoa; trong cuốn Cô hàng hoa này có in bài thơ “Cô hàng hoa” của Nhượng Tống.

Giai đoạn thập niên 40:

Lan Hữu (tiểu thuyết), Lê Cường, 1940
Mái Tây tức Tây sương ký (dịch), Tân Việt, 1943
Sử ký Tư Mã Thiên (dịch), Tân Việt, 1944
Ly tao (dịch), Tân Việt, 1944
Thơ Đỗ Phủ (dịch), Tân Việt, 1944
Nam hoa kinh (dịch), Tân Việt, 1945
Lam Sơn thực lục (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
Đại Việt sử ký toàn thư (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
Tân Việt cách mệnh đảng, Việt Nam thư xã, 1945
Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam thư xã, 1945
Hỗ trợ. Thảo luận (tức là “thảo luận về việc hỗ trợ”), Việt Nam thư xã, 1945
Hương ngọc (dịch), Tân Việt, 1947
Trời Nam mưa gió (ca kịch), Thời sự, 1949
Thượng thư (dịch, in sau khi Nhượng Tống đã chết), Tân Việt, 1963

Nhượng Tống đăng nhiều thơ trên tờ Hà Nội tân văn bắt đầu ra từ năm 1940. Nhượng Tống còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập - tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo; có tài liệu cho biết ông từng dịch cả Hồng Lâu Mộng, Đạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu của “Lục tài tử thư” là Thủy hử. Năm 1947, dịch một ít Liêu Trai chí dịđăng trên báo Nguồn sáng. Trước tác của Nhượng Tống còn rải rác trong một số tuyển tập giờ đây ít người được biết đến như Tản văn mới của “Thư viện Tố Như” trước 1945.

Năm 1946, cũng trên báo Chính nghĩa, Nhượng Tống đã viết một loạt bài về các nhân vật cách mạng, chủ yếu là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng cũng viết cả về những người như Phạm Hồng Thái hay Lê Cần. Loạt bài này có lúc không ký tên, có lúc ký T. hoặc NT. Ta có thể xác định được đây là các bài của Nhượng Tống nhờ so sánh văn phong và nội dung với cuốn Nguyễn Thái Học.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: