Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Nhà văn Nhật Tuấn, tác giả ‘Đi Về Nơi Hoang Dã,’ qua đời


Ảnh nhà văn Nhật Tuấn đăng trên Facebook của ông

Nhà văn NHẬT TUẤN (1942 – 2015)

Nhà văn Nhật Tuấn họ Bùi, sinh ở Hà Nội, vừa qua đời tại Việt Nam lúc 6 giờ chiều, ngày 6/10/2015.
Sự nghiệp văn học của ông nổi bật với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong nhiều năm sau này, khi là cộng tác viên cùa đài Little Saigon Radio, HONVIETV và VIETSTREAM, ông thể hiện mình là nhà báo sắc sảo, nhạy bén với mọi sự kiện chính trị và xã hội trong nước.
Nhà văn Nhật Tuấn thuộc nhóm trí thức đi từ Bắc vào Nam, đi từ nhận thức bị “định hướng XHCN” đến sự thức tỉnh, rồi bất mãn và lên tiếng phẫn nộ, châm biếm đả kích.. Ở cả sáng tác văn học và báo chí của ông, chúng ta đều thấy tính phóng khoáng của người từng trải, phải sống giữa “thời đồ đểu” (chữ của ông); thấy cả giọng bất mãn của một người có lòng, biết yêu thương con người; và thấy cả sự tức giận của một con người có chí khí, thẳng tay tố cáo những cái xấu đang diễn ra trong nước.
Thu nay có một người “đi về nơi hoang dã”…
Đi Về Nơi Hoang Dã là một tiểu tuyết nổi tiếng của nhà văn Nhật Tuấn. Ngoài ra ông còn những sáng tác khác:
Trang 17 (1978)
Con chim biết chọn hạt (1981)
Bận rộn (1985)
Mô hình và thực tế (1986)
Lửa lạnh (1987)
Biển bờ (1987)
Tín hiệu của con người (1987)
Đi về nơi hoang dã (1988)
Niềm vui trần thế (1989)
Những mảnh tình đã vỡ (1990)
Tặng phẩm cho em (1995)
Một cái chết thong thả (1995)

Về tiểu thuyết  "Đi về nơi hoang dã "

Vào dịp Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 6 năm 1995, trả lời phỏng vấn đài RFI về văn học Việt Nam thời đổi mới, nhà văn Nhật Tuấn đã phát biểu: Mấy năm 1987-1991 là thời hòang kim cuả tiểu thuyết Việt Nam. Thời đó giống như có một đứt gãy của lịch sử, khiến cho văn chương trong nước trào ra như dòng phún xuất thạch, hoặc nói theo ngôn ngữ đá banh, lúc đó trọng tài đang mải cãi nhau về luật bóng đá, tranh thủ thời cơ đó, các nhà văn tới tấp dẫn bóng lên làm bàn. Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Mùa lá rụng trong vườn của Ma văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... và cuốn sách đang trong tay quý vị: Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn là những trái bóng sút tung lưới đó. Tuy nhiên, khác với những cuốn kể trên đuợc làm rùm beng, báo chí đua nhau lăng xê, cuốn của Nhật Tuấn cứ lặng lẽ đi vào nguời đọc và lặng lẽ rơi vào im lặng. Vì sao vậy? Co lẽ nhà văn Trần Thanh Giao ở trong nước đã nói được đúng tình thế lúc đó: Khen cuốn Đi về nơi hoang dã thì là dại, chê thì lại là ngu. Tốt hơn hết cứ nói là... chưa xem.... Và thế là cả các nhà văn, các nhà phê bình, các nhà báo văn hóa văn nghệ đều chưa.... đọc như thế. Tại sao nguời ta ngại cuốn sách này đến thế? Chống Đảng, nói xấu lãnh tụ, chia rẽ dân tộc chăng? Chả phải! Biểu tượng hai mặt, muợn xưa nói nay, mượn súc vật xỏ xiên con người chăng? Cũng chả phải! Phân tích ra thì chẳng có tội gì mà ngại, nhưng càng đọc càng cứ... tức anh ách. Tại sao thế nhỉ? Ở những cuốn tiểu thuyết mang màu sắc phản kháng khác (Những thiên đường mù, Thời xa vắng, Ly thân...) các tác giả còn muốn tranh cãi, muốn triết luận với chủ nghĩa xã hội quanh các vấn đề cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, hòa bình và chiến tranh....Đi về nơi hoang dã thì không - nó không đối diện, không hội luận, không trao đổi gì hết, nó cũng chẳng buồn nhắc tới cái chủ nghĩa ấy tới một lời - nó chỉ mô tả cuộc đời của những con người tiêu biểu ở trong đó, mô tả, miệt mài mô tả mà thôi. Hại thay, khi mô tả con người với với tấm lòng yêu thương thì tác giả lại tỏ ra khinh miệt, quay lưng không muốn tranh cãi, không đáng để nói tới những thế lực đã gây nên sự đày ải con người một cách kinh khiếp đến như thế.
Năm con nguời bị đẩy vào miền hoang dã với nhiệm vụ chính trị cao nhất là tìm một con đường trên núi cao được vạch sẵn do Ban chỉ huy nằm ở mãi dưới đồng bằng và truyền lệnh hàng ngày qua cái máy vô tuyến điện. Cho dù ngay trên đường đi, vấp phải vách đá dài dằng dặc, con đường trên núi ngày càng tỏ ra được thiết kế sai tóet tòe loe, nhưng mọi ngưòi vẫn phải: tuyệt đối tin tưởng ở cấp trên, thực địa có thể khác với bản thiết kế con đường, nhưng Ban chỉ huy không bao giờ sai.... Vậy nhưng rồi tới cái ngày ngay cả ông tóan trưởng là nguời lãnh đạo cái đòan người đi trên núi này rồi cũng đã trắng mắt, cay đắng nhận ra rằng Ban chỉ huy đã sai trong chỉ đường vạch lối, vậy nhưng ông vẫn phải nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh là mệnh lệnh, tuyệt đối phải chấp hành, nhiệm vụ chính trị cao nhất của chúng ta trong lúc này là đi tới, đi tới...., nhưng mà đi tới... đâu, đi tới cái đỉnh Hua Ca chỉ có trong tưởng tượng bằng bất cứ giá nào. Vậy là đã thành một chân lý Ban chỉ huy không bao giờ sai, đừng có tranh cãi, triết luận, hội thảo hội thiếc gì với cấp trên hết, nếu không thì sẽ thành thằng phản động Anh dám nói cấp trên là mù quáng hả? Anh quên mất phải tin tưởng tuyệt đối ở ban chỉ huy hả? Anh đứng trên lập trường giai cấp nào mà phát biểu vô tổ chức, vô kỷ luật vậy? Một khi vấn đề đã được đặt ra theo kiểu vậy thì thua rồi, cho dù có tuyên ngôn, hội thảo, hiến chương, kết nối gì cũng vô ích. Cả 5 con người đi trong đòan người thôi không còn tranh cãi, không còn dùng ngôn từ để nghị luận với cấp trên nữa, họ im lặng, im lặng nhưng không buông xuôi, họ triết luận với các lý thuyết gia của con đường, với ban chỉ huy bằng chính... cuộc đời thê thiết của họ.
Trước hết là ông tóan trưởng, suốt ngày câm nín như một con cóc cụ buồn rầu, khổ hạnh hơn nhà tu, cứng nhắc như nhà giáo điều, khiến lính của ông phải kháo nhau: Tao nghi lão ấy không có cặc quá, chỉ không có cái đó mới sống được như lão. Niềm vui duy nhất trong ngày của ông là đến tối đánh điện về Ban chỉ huy báo thành tích công tác trong ngày: đi thêm được mấy ngàn mét, bao nhiêu người tập thể dục, bao nhiêu người phát biểu trong các cuộc họp. Miệng ông luôn luôn nhắc nhở mình vì mọi nguời nhưng lại dấu diếm mỳ chính, thịt hộp trong ba lô để lén lút ăn riêng. Ông luôn đề cao đạo đức nhưng lại hủ hoá với bà Trưởng phòng, rồi bỏ mặc bà với đứa con nơi công trường lạnh lẽo. Loại người như ông toán trưởng nhan nhản một thời làm nên cái gọi là...văn minh cán bộ trong thời kỳ kinh tế bao cấp ở miền Bắc, một thời đã gây nên bao phiền tạp trong đời sống người dân. Vậy nhưng đừng tưởng tác giả sẽ mạt sát, khinh ghét, bôi xấu loại nhân vật đó, ngược hẳn lại, ông toán trưởng vẫn đuợc khắc hoạ với nét bút cảm thông và cái phần tình người của ông vẫn còn lặn vào sâu và bột phát ra mạnh mẽ khi ông đối diện với cái chết.
Người theo sau ông toán trưởng, nối tiếp được thế hệ cha anh chính là thằng học giả. Thằng này vốn là con nhà tư sản, trước cách mạng là một thanh niên có hoài bão, mong muốn xây dựng sự nghiệp mà chưa biết đó là cái sự nghiệp gì. Khi Đảng, chính phủ giải phóng HàNội thì nó biết rồi, và nó bắt đầu xây dựng cái sự nghiệp ấy bằng cách tố cáo bố nó với đội cải tạo để đến nỗi ông phải thắt cổ tự tử. Không sao cả, mang mặc cảm giết cha và đẩy mẹ tới chỗ đi tu, thằng học giả vẫn còn tự tin, vẫn còn đứng vững được ở trong cuộc đời bởi lẽ nó còn có tình yêu của nàng búp bê, trụ đỡ tinh thần cho nó trong cuộc sống dưới cấp con người này. Ấy thế rồi đùng cái, nàng búp bê bỏ nó đi lấy chồng sau khi gửi cho nó mấy câu thơ riễu cợt lý tưởng của nó:
Nếu hoài trên đỉnh Phăng xi păng...
Anh chỉ hát trong mây mù huyền diệu...
Vâng, nếu như thế thì em xin bye bye, em đi lấy chồng. Cái cú sét giữa trời quang này làm thằng học giả bừng tỉnh cơn mơ mộng hão huyền, nó ngộ ngay ra một chân lý bốc mùi cơ hội là muốn vượt lên để mà tồn tại trong xã hội này nó buộc phải đểu cáng, phải giả dối, phải lưu manh, phải dẫm lên đồng đội, giành giật quyền lợi về mình, và thế là từ đó vĩnh biệt cái thân phận:
ngó tới tương lai trào nước mắt
ngoảnh nhìn quá khứ toát mồ hôi...
thằng học giả tự biến thành con nguời khác, tách khỏi đồng đội, bám theo đít ông toán truởng, hầu hạ nịnh nọt một cách đê hèn để được ông bàn giao cho quyền lực và đi xa hơn thế nữa, hắn bắt đầu nói năng, suy nghĩ, hành động y như cung cách của Ban chỉ huy vậy. Qua hình tượng thằng học giả, nhà văn đã dự báo sự ra đời của chủ nghĩa cơ hội ngay trong lòng chủ nghĩa xã hội như gan tiết ra mật vậy. Và từ nhận định chính thằng học giả mới là đệ tử chân truyền của ông toán truởng, tác giả lại đưa ra một dự đoán: cuộc chuyển giao thế hệ rồi sẽ diễn ra theo chiều hướng là thế hệ sau táo tợn, tham lam, lưu manh hơn thế hệ truớc. Quả nhiên hình ảnh sa hoa, tham lam, vô trách nhiệm của đám con ông cháu cha hiện nay đang làm người ta lo ngại rằng cứ cái đà sống và vơ vét như thế này, mai tới lúc chúng cầm cân nảy mực xã hội thay thế cha ông chúng thì sẽ ra làm sao?
Đó là nói về những nguời chỉ huy, thế còn bọn cùng đinh, phó thường dân thì thế nào? Thằng hộ pháp lúc nào cũng hùng hục như trâu lăn, trong đầu chả có tý ý niệm gì về những câu khẩu hiệu thi đua lấy sương làm màn, lấy lá làm chiếumà ông toán trưởng vẫn nhồi nhét vào đầu, nó chỉ mơ ước cướp được vợ thằng xã đội để đưa đi thật xa khỏi xã hội có tem phiếu, có hộ khẩu, có mọi sự quản lý. Vậy nhưng khi vỡ mộng, vợ thằng xã đội đã có thai 3 tháng chẳng thể nào theo nó đi tới miền hoang dã để xây dựng hạnh phúc được, thì nó không sa đoạ như thằng học giả, ngược lại nó trưởng thành hẳn lên, một ý thức trách nhiệm mới nảy nở và khi lại bỏ làng ra đi về miền hoang dã, thằng hộ pháp đã tự nhủ: Không, rồi thế nào nó cũng trở về, nhất định là thế, đất làng càng đói nghèo càng không thể dứt bỏ mà đi.
Thằng cấp dưỡng, cậu con cầu tự thì lại là một dạng khác. Nó là thằng sớm nhận ra ông toán truởng giả vờ đi ỉa để ăn lén cái bánh trưng, sớm nhận ra mặt trời cũng có vết đen, bởi thế nó mặc sự đời, mặc ông toán trưởng loay hoay với ý nghĩa quan trọng của con đường, mặc thằng học giả giở đủ trò thối tha để đuợc kế cận ông toán truởng, mặc thằng hộ pháp suốt ngày: ối giời ơi, tao nhớ con vợ thằng xã đội quá, nó mặc cha hết để tập trung mỗi một mục tiêu: làm thật nhiều tiền để về xây nhà cho mẹ. Còn cái thằng nhân vật tôi vốn là đứa trẻ mồ côi vô thừa nhận, chẳng có gì mà nhớ tới, chẳng có gì mà nhằm tới, thôi thì cứ sống theo kiểu bấc đến đâu dầu đến đấy vậy thôi. Cái tính bản thiện trong con người khiến nó kính nhi viễn chi ông toán truởng, chẳng thể nào nghe theo ông rủ rê làm thế hệ kế tiếp cho ông. Và rồi dường như phận số đã mỉm cười với nó khi đưa đến cho nó mối tình thuần khiết của nàng Sao miền rừng núi.
Cái kết cục của Đi về nơi hoang dã không chỉ cho ta cái kết cục tất yếu ảo tưởng về một con đuờng đi tới được đỉnh Hua Ca. Hơn thế nữa, cái đỉnh Hua Ca kia chỉ có trong huyền thoại và một khi huyền thoại đã không còn nữa, thì tình yêu thương giữa con người với con người sẽ thay thế cái đẹp mà cứu chuộc thế gian này. Sự tồn tại và trưởng thành của dân tộc ta qua biết bao thăng trầm của lịch sử, biết bao bão táp của chiến tranh và cách mạng, phải chăng đã minh chứng điều đó.
Và với thông điệp như vậy hẳn là Đi về nơi hoang dã sẽ còn được các thế hệ mai sau đón đọc...
Nhà xuất bản huyền trân
California tháng 1/2001

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: