Chứng khoán Trung Quốc: Càng cứu càng “tuyệt vọng”
Diệp Vũ
08-07-2015
“Tôi chưa từng chứng kiến sự sụt giảm như thế này bao giờ. Tôi cũng không nghĩ là ai đó đã từng chứng kiến điều này”…
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày hôm nay (8/7) đã rớt xuống mức thấp nhất trong 4 tháng khi các nhà đầu tư trong tâm trạng hoảng loạn đã mạnh tay bán tháo cổ phiếu. Đà sụt giảm chóng mặt của thị trường không hề bị cản lại dù trong ngày, nhà chức trách liên tục công bố các biện pháp hỗ trợ.
Tin từ Reuters cho biết, để “tự vệ” trước tình trạng “đứt phanh” của các chỉ số chứng khoán, hơn 500 công ty niêm yết trên thị trường Trung Quốc đại lục đã tuyên bố tạm ngừng giao dịch từ trước khi thị trường mở cửa phiên hôm nay. Như vậy, số công ty niêm yết ngừng giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lên tới khoảng 1.300 công ty, chiếm gần một nửa trong tổng số 2.800 doanh nghiệp niêm yết.
Số cổ phiếu ngừng giao dịch này khiến lượng vốn 2,6 nghìn tỷ USD của các nhà đầu tư bị đóng băng, tương đương với khoảng 40% tổng mức vốn hóa của toàn thị trường. Vào giữa ngày, có tới 710 cổ phiếu giảm kịch sàn 10%.
“Tôi chưa từng chứng kiến sự sụt giảm như thế này bao giờ. Tôi cũng không nghĩ là ai đó đã từng chứng kiến điều này”, nhà phân tích Du Changchun thuộc công ty chứng khoán Northeast Securities phát biểu. “Thanh khoản của thị trường hoàn toàn xẹp lép”.
Chỉ số CSI 300 của các công ty lớn nhất niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyết sụt 6,8%, còn 3.663,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite Index mất 5,9%, còn 3.507,19 điểm.
Trong một dấu hiệu của sự “tuyệt vọng” chưa từng có tiền lệ, toàn bộ 3 chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Trung Quốc cùng sụt giảm kịch sàn biên độ 10%, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang vô cùng bi quan về tất cả các loại cổ phiếu, từ cỡ nhỏ, cỡ vừa cho tới blue-chips.
Trên toàn thị trường, có tổng số 1.439 cổ phiếu giảm giá, chỉ có 83 cổ phiếu tăng giá.
Một loạt cơ quan chức năng của Trung Quốc hôm nay cùng tung ra các biện pháp trước và trong phiên giao dịch nhằm hỗ trợ thị trường, bao gồm kêu gọi cổ đông lớn và sếp lớn tại các công ty niêm yết tự mua vào cổ phiếu, đồng thời cho phép các công ty bảo hiểm mua thêm cổ phiếu blue-chips.
Tuy vậy, thị trường vẫn có một phiên “đỏ lửa”. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch dự báo, hoạt động giảm nợ và giải chấp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc còn lâu mới tới hồi kết thúc, và thị trường sẽ chưa chạm đáy chừng nào Chính phủ nước này chưa trở thành người mua cuối cùng (buyer of last resort)!
____
Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc hoảng loạn
An Huy
08-07-2015
Vừa mở cửa, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 8%, bất chấp loạt biện pháp khẩn cấp được tung ra…
Cơ quan chức năng Trung Quốc sáng nay (8/7) đã lên tiếng cảnh báo về “tâm lý hoảng loạn” trên các sàn giao dịch chứng khoán ở đại lục. Vừa mở cửa, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 8%, bất chấp loạt biện pháp khẩn cấp được tung ra.
Hãng tin Bloomberg cho biết, các nhà đầu tư cổ phiếu ký quỹ đang bán ra giải chấp với tốc độ kỷ lục, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc tuột dốc không phanh, dù đã rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market) từ tháng trước.
Cuối tuần vừa rồi, nhà chức trách Trung Quốc công bố một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ để cứu thị trường. Sáng nay, thêm một loạt biện pháp nữa được công bố, nhưng hầu như không phát huy được tác dụng.
Sau khi mở cửa, chỉ số Shanghai Composite có thời điểm sụt 8,2%, mạnh nhất kể từ năm 2007. Sau đó, mức giảm thu hẹp còn 4,8% và chỉ số này đứng ở mức gần 3.550 điểm vào lúc gần 10h theo giờ địa phương. Kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 6 tới nay, Shanghai Composite đã sụt 28%.
Trong tổng số 1.106 cổ phiếu giao dịch trên sàn Thượng Hải, chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá phiên sáng nay. Cổ phiếu lớn nhất trên sàn này là PetroChina sụt 4,9%. Có 9 trong tổng số 10 chỉ số cổ phiếu ngành thuộc chỉ số CSI 300 Index giảm ít nhất 4%.
Trong các biện pháp cứu thị trường được tung ra sáng nay, nhà chức trách Trung Quốc nới nâng tỷ lệ ký quỹ cho chỉ số tương lai CSI 500 nhằm khiến việc bán khống trở nên khó thực hiện hơn. Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc tuyên bố sẽ mua thêm cổ phiếu của khối doanh nghiệp nhỏ.
Phát ngôn viên Deng Ge của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thì lên tiếng cảnh báo về “tâm trạng hoảng loạn” và việc “bán tháo phi lý” trên thị trường.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sáng nay tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán và sẽ có biện pháp bảo vệ thị trường trước các rủi ro tài chính khu vực mang tính hệ thống.
Bloomberg cho biết, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hiện đã “đóng băng” khoảng 43% khi có tới hơn 1.000 công ty tạm ngừng giao dịch cổ phiếu. Còn theo khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ riêng trong sáng nay, có tới hơn 500 công ty niêm yết Trung Quốc công bố ngừng giao dịch cổ phiếu trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
“Tham lam và sợ hãi. Nếu không tham lam thì giờ đã chẳng phải sợ. Thị trường đang rơi về mức 2.500 điểm”, ông Michael Every, Giám đốc nghiên cứu thị trường tài chính của Rabobank ở Hồng Kông, nhận xét về những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán đại lục.
Trong phiên giao dịch ngày 7/7, các nhà đầu tư trên sàn Thượng Hải đã bán ra lượng cổ phiếu ký quỹ trị giá 98,3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 8,5% tổng lượng cổ phiếu ký quỹ trên sàn này, đánh dấu phiên bán ròng cổ phiếu ký quỹ mạnh nhất từng được ghi nhận.
Đà lao dốc chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xói mòn niềm tin của lực lượng chính trên thị trường này – hơn 90 triệu nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% toàn thị trường.
Để ngăn đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cuối tuần vừa qua, một loạt công ty môi giới và quản lý quỹ của Trung Quốc theo chỉ đạo của cơ quan chức năng đã nhất trí sẽ mua vào một lượng cổ phiếu lớn với sự hậu thuẫn của một công ty tài chính quốc doanh. Về phần mình, công ty tài chính này được hỗ trợ bằng nguồn thanh khoản trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Trước đó, động thái bất ngờ hạ lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ hôm 27/6 của PBoC cũng đã thất bại trong việc đưa thị trường chứng khoán Trung Quốc trở lại trạng thái ổn định.
____
Nguyệt Phương
08-07-2015
TTO – Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy sau một thời kỳ tăng trưởng vũ bão. Nguyên nhân tại sao?
Theo AFP, thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu tăng tốc mạnh từ cuối năm 2014 bất chấp thực tế là nền kinh tế nước này trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 24 năm qua.
Giá cổ phiếu tăng vọt sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng hai năm vào ngày 21-11-2014.
Khi đó chính quyền Trung Quốc cũng công bố chương trình kết nối giao dịch giữa các sàn Thượng Hải và Hong Kong. Do đó hoạt động giao dịch liên tục diễn ra vô cùng sôi động, kéo dài sang năm 2015. Chỉ số chứng khoáng Thượng Hải leo lên mức 5.000 điểm hồi đầu tháng 6.
Các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ phải ký quỹ một số tiền rất nhỏ so với giá trị giao dịch. Lợi nhuận là rất lớn. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh ngày 12-6 vừa qua, giá cổ phiếu nước này đã tăng hơn 150% chỉ trong vòng 12 tháng.
Ngay trong ngày thị trường đạt đỉnh, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) công bố các quy định mới quản lý chặt chẽ hoạt động giao dịch, bao gồm việc thắt chặt ngưỡng vay mua chứng khoán. Ngày hôm sau, khi thị trường mở cửa trở lại, các nhà đầu tư bắt đầu “xả hàng” kiếm lợi nhuận.
Giới đầu tư cũng lo ngại nguy cơ giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá mức so với thực tế. Xu thế này lập tức trở thành một cơn địa chấn khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc rung chuyển. Giá cổ phiếu tại sàn giao dịch Thượng Hải sụt giảm hơn 30% so với đỉnh cao ngày 12-6.
Hôm 26-6, chỉ số chứng khoán Thượng Hải sụt giảm tới 7,4%. Ngày hôm sau, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp. PBC tuyên bố cắt giảm lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng. Cùng lúc CSRC cho biết sẽ nới lỏng một số quy định quản lý chứng khoán.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc đề xuất cho phép các quỹ an sinh xã hội bước vào thị trường chứng khoán. Mới đây, Bắc Kinh cho biết các công ty bảo hiểm được đầu tư 10% tài sản vào các loại cổ phiếu mạnh, cao hơn so với mức 5% trước đây.
Trong khi đó, Công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường mua cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên các biện pháp này đều không tỏ ra có hiệu quả. Hôm nay gần 1.300 công ty đã dừng giao dịch cổ phiếu để ngăn chặn nguy cơ giá cổ phiếu tiếp tục sụt.
Các nhà phân tích thừa nhận hoàn toàn không thể dự báo được thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào. Một nguy cơ lớn là các nhà đầu tư sẽ tiếp tục bán tống bán tháo cổ phiếu, khiến giá chứng khoán tiếp tục suy sụp.
“Khi niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường đã bị đập nát thì rất khó để dự báo khi nào thị trường sẽ ổn định trở lại và phục hồi” – AFP dẫn lời nhà phân tích Zhang Qi của hãng Haitong Securities cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Ước tính các hoạt động giao dịch chứng khoán đã đóng góp hơn 0,5% vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Việc ngành tài chính khủng hoảng có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. “Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc làm dẫn tới những lo ngại về nguy cơ đối với hệ thống” – ngân hàng ANZ Banking Group nhận định.
___
Nguyên nhân thị trường chứng khoán Trung Quốc ‘rơi tự do’
Minh Lý (P/v TTXVN tại New Delhi)
08-07-2015
Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã không ngăn được đà “rơi tự do” của thị trường chứng khoán Thượng Hải, khi sàn giao dịch này giảm tới hơn 8% trong ngày 8/7. Theo thông báo, ít nhất 1.249 công ty, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết đã ngừng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã mất tới 1/3 giá trị kể từ tháng 6 vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số biện pháp mới để hỗ trợ thị trường, trong đó cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư thêm tài sản trong các thị trường chứng khoán và triển khai chương trình mua cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Bank of America Merrill Lynch (BofA-ML) khuyến cáo tình trạng “rơi tự do” trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp trong tương lai.
Các nhà phân tích của BofA-ML cho biết, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6/2015 đến nay. Một số nhà đầu tư toàn cầu lo ngại sự rối loạn thị trường của Trung Quốc làm bất ổn định nền kinh tế, hiện đang trở thành một nguy cơ nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro (euro zone).
Theo phân tích của tờ “The Economic Times” của Ấn Độ, có 5 nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị sức ép mạnh như vậy trong ngày 8/7. Thứ nhất do BofA-ML đưa ra khuyến cáo về nguy cơ xuất hiện cuộc “khủng hoảng tài chính” tại Trung Quốc nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Phân tích của BofA-ML cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm hơn, thu nhập của các công ty thấp hơn và nguy cơ về cuộc khủng hoảng tài chính sẽ cao hơn.
Thứ hai, đòi hỏi về tỷ suất lợi nhuận cao hơn (Higher margin requirement) trên thị trường chứng khoán Trung Quốc; thứ ba, sự hoang mang của giới đầu tư bất chấp các biện pháp hỗ trợ thị trường từ Chính phủ Trung Quốc; thứ tư là sự sụt giảm của thị trường hàng hóa, trong đó giá đồng, than, dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt đang xuống dốc.
Thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa phụ thuộc lẫn nhau, do đó thị trường này yếu sẽ tác động xấu đến thị trường kia; thứ năm là mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu về GDP quý 2/2015 vào ngày 15/7 và nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của quý này chỉ dưới 7%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét