Nhiều nhạc sĩ Việt đang sống trong cảnh túng thiếu, bệnh tật
Nguyễn Hằng
Dân Trí - 4 đời vợ, nhạc sĩ Vinh Sử vẫn sống trong cảnh cô đơn, bệnh tật với “hai bàn tay trắng”. Ở tuổi 89, Nguyễn Văn Tý thân thể kiệt quệ, nằm lẻ loi trong căn phòng chưa đầy 10m2. Nhạc sĩ Hoàng Vân, Thế Song, Nguyễn Ánh 9…cũng đang chống chọi với bệnh tật ở tuổi xế chiều.
Đông con, nhiều vợ- cuối đời vẫn nghèo đói, cô độc
Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi được biết cảnh sống lủi thủi, cô đơn vì đau ốm, túng thiếu của nhạc sĩ Vinh Sử. Hiện tại, “vua nhạc sến” với những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như Nhẫn cỏ cho em, Sầu tím thiệp hồng, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng… đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng trong căn phòng 15m2 trong một xóm lao động nghèo tại Sài Gòn.
Thời cực thịnh, nhạc sĩ Vinh Sử từng có cuộc sống xa hoa, giàu có khi mỗi nhạc phẩm của ông trị giá hai chiếc xe hơi đời mới. Ông từng nổi tiếng là một nhạc sĩ hái ra tiền, từng nổi tiếng đào hoa vì yêu nhiều và cũng có tới 4 đời vợ và nhiều con.
Nhưng cuối đời, ông chỉ còn lại “hai bàn tay trắng”: không có người vợ nào bên cạnh, người vợ thứ 4 chỉ thường đến chăm sóc khi ông đau bệnh, bởi bà cũng có cuộc sống riêng của mình, con cái mỗi đứa mỗi đời sống. Ở cái tuổi 70, nhạc sĩ Vinh Sử hầu như sống bằng sự trợ giúp của đồng nghiệp và tìm niềm vui sống nơi tình yêu của khán giả.
Cũng sống trong cảnh túng thiếu, cô đơn và bệnh tật ở cái tuổi gần đất xa trời là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre...
Từng trải qua hai đời vợ, có hai cô con gái nhưng người nghệ sĩ già ở cái tuổi 90 vẫn một mình sống lủi thủi, “leo lắt” trong căn phòng chưa đầy 10m2 khi bị nhiều căn bệnh hành hạ: 3 lần bị tai biến, tắc nghẽn mạch máu não, hư thận, dạ dày và bị bệnh về tiền liệt tuyến…Gắn bó với ông mấy chục năm nay, chỉ có người giúp việc.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ, chị và các đồng nghiệp đang rất lo lắng cho sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Giờ đây, ông có thể ra đi bất cứ lúc nào…Bảo Lan và nhóm 5 Dòng Kẻ từng đến thăm ông cũng ngậm ngùi trước cuộc sống cô đơn quạnh quẽ lúc bóng ngả chiều tà cùng nỗi đau bệnh tật, chật vật về kinh tế.
“Trái tim của người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, khi tuổi già đến lại càng dễ tổn thương. Trong cuộc sống khốn khó của mình, ông vẫn luôn khát khao được chia sẻ mọi mặt của cuộc sống, cả về vật chất và tinh thần để vượt qua những đau đớn của bệnh tật và sống nốt những năm tháng của tuổi già cô đơn... “, nhạc sĩ- ca sĩ Bảo Lan chia sẻ.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ vô cùng xót thương trước sự ra đi trong sự nghèo đói, cô quạnh của nhạc sĩ Thanh Bình vào tháng 5/2014. Tác giả Tình lỡ được biết đến như nhạc sĩ tiêu biểu cho câu “tài hoa phận bạc”.
Nhạc sĩ Thanh Bình từng trải qua ba đời vợ, làm đủ công việc như viết nhạc, viết văn, viết báo đến bán xăng, bán cơm… để mưu sinh. Cuối đời, ông rơi vào cảnh túng thiếu, cô đơn rồi ra đi trong nỗi khắc khoải không gặp được con gái duy nhất vì cô bước vào vòng lao lý.
Ngay cả khi chết vì chứng bệnh tuổi già cao huyết áp, lao phổi, người nhạc sĩ nghèo vẫn phải nương tựa vào lòng hảo tâm của người đời khi người thân không đủ tiền lo tang lễ…
Nhiều nhạc sĩ đang sống trong cảnh “leo lắt” vì tuổi già, bệnh nặng
Dù may mắn có người thân bên cạnh chăm sóc, nhưng nhiều nhạc sĩ như Hoàng Vân, Thế Song, Nguyễn Ánh 9… cũng đang yếu ớt chống chọi với nhiều căn bệnh lúc tuổi già.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên... đang thở bằng máy thở trong bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Ông bị viêm phổi khá nặng và đã điều trị gần một tháng nay.
Đến thăm nhạc sĩ Hoàng Vân, ca sĩ Tùng Dương cho biết, ở cái tuổi 85 sức khỏe như ngọn nến trước gió, ông trong tình trạng lúc mê lúc tỉnh không nói chuyện, nhận biết được. Tùng Dương chỉ có thể hỏi thăm, động viên qua con trai của ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi. “Nhạc sĩ Hoàng Vân yếu lắm, không biết gì, chỉ nằm và thở bằng máy. Tôi có hát, ông cũng không phản ứng gì. Chỉ biết cầu chúc ông mau khỏi bệnh”, Tùng Dương ngậm ngùi.
Theo thông tin từ nhạc sĩ Thế Hiển, con trai út của nhạc sĩ Thế Song, tác giả Nơi đảo xa dù sức khỏe của ông đã khá hơn sau lần điều trị tai biến lần 2 bị liệt nửa người nhưng vẫn còn yếu, cần người thân túc trực bên cạnh, quan tâm chăm sóc.
Trước đó, vị nhạc sĩ ở cái tuổi thất thập cô lai hy từng phải nhập viện điều trị, bị liệt nửa người, phải ăn bằng ống xông vì tai biến. Nhiều năm nay, ông còn mang trên mình căn bệnh tiểu đường khiến việc hấp thụ thức ăn không được tốt.
Dù tuổi già, bệnh nặng nhưng tình yêu dành cho âm nhạc trong ông vẫn rất mãnh liệt. Trong những lúc đau ốm, nhạc sĩ Thế Song vẫn yêu cầu các con mở nhạc để ông nghe. Được biết, ca khúc Tuổi hồng con gái được ông sáng tác vào năm 2008, sau khi bị tai biến lần 1.
Vẫn đi lại được và hoàn toàn tỉnh táo nhưng tác giả Buồn ơi, chào mi, Tình khúc chiều mưa… ở cái tuổi 75 chỉ còn “da bọc xương” vì bị căn bệnh nghẹt phổi và hen suyễn giày vò.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ, cơ thể ông ngày càng ốm yếu vì chứng nghẹt phổi (tên khoa học là COPD) và hen suyễn. Cứ nói nhiều một chút là ông khó thở nên đi đâu cũng phải mang theo ống xịt để thở.
"Tôi bị nghẹt mũi mãn tính có lẽ vì hút quá nhiều thuốc lá. Hồi 18 tuổi, tôi đã bắt đầu hút. Chưa kể lúc ấy, tôi lúc nào cũng chỉ cắm đầu làm việc từ 15h hôm nay đến 4h hôm sau và mỗi lúc rảnh đều hút thuốc, uống cà phê để lấy sức. Đến giờ sức khỏe tôi bị tổn hại, mau xuống sức lắm. Đi đâu, tôi cũng phải mang ống xịt để hỗ trợ hô hấp, liều thuốc cũng ngày càng cao. Chỉ trong vòng 6 tháng, tôi bị sụt 6kg, nói thực không biết tôi…chết lúc nào”, tác giả Buồn ơi, chào mi ngậm ngùi.
Tuổi già cùng bệnh nặng khiến cơ thể nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gầy dộc, tay chân teo tóp, đi lại khó khăn. Chính vì sức khỏe ốm yếu nên nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã dồn hết sức vào liveshow “Kỷ niệm” vừa rồi như thể…lần cuối cùng!
Dẫu biết rằng vòng tròn “sinh- lão- bệnh- tử” không chừa một ai nhưng trước cảnh các nhạc sĩ gạo cội đang phải chống chọi với bệnh tật lúc tuổi già vẫn khiến khán giả đau lòng!
Cũng không ít người trong số họ có thể nói là “tài hoa phận bạc”, cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được khẳng định giá trị theo năm tháng nhưng cuộc sống riêng lại gặp nhiều trắc trở. Rất dễ đồng cảm với lời sẻ chia của nhạc sĩ Bảo Thu rằng, người nghệ sĩ thường sống theo cảm xúc, thờ phụng ái tình và nghệ thuật hơn vật chất nên cuộc đời họ cũng gặp nhiều thăng trầm, biến cố…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét