Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

TẢN MẠN QUA HAI BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ NGÔ NGUYỄN VÀ LÊ THIẾU NHƠN…





Vũ Duy Chu 
Những nội dung Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đề cập trong bài viết của ông là một phần bức tranh thơ Việt hiện nay. Thực tế còn tệ hơn nhiều.
Các Nhà Xuất bản thì bán giấy phép xuất bản lấy tiền, chỉ đọc bản thảo qua loa cho xong. Tình trạng này ở lĩnh vực thơ là nhiều nhất, nhiều không kể xiết. Nhiều Nhà xuất bản danh giá cũng gắn mác cho những tác phẩm dưới mức trung bình…

Bạn đọc, những nhà văn, nhà thơ gọi Văn học hiện nay là cái chợ trời Văn chương bát nháo. Xếp loại thơ theo các cấp độ phường, xã, Câu lạc bộ dựa vào chất lượng thơ là có cơ sở, một việc làm hết sức bình thường… Có thứ sản phẩm gì trên đời này lại không được xếp hạng theo một tiêu chuẩn nào đó, kể cả xếp hạng công dân.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hưng phấn tuyên bố Việt Nam là cường quốc thi ca, tôi cũng thấy chả có gì để hãnh diện. Chúng ta chỉ được thiên hạ kính nể tôn trọng thực sự khi là cường quốc kinh tế. Đó mới là điều đáng để cho mỗi người dân lao động nghèo khổ, mỗi người cầm bút có lòng tự trọng đau đáu nhất…

Còn anh công bố một tác phẩm, đương nhiên là anh đã tự nguyện phát đi một thông điệp tư tưởng tới cộng đồng. Và cộng đồng đương nhiên có cái quyền đánh giá tốt xấu tác phẩm của anh.

Ai cũng có quyền làm thơ, in thơ theo nhu cầu riêng của mình, không có luật nào cấm. Nói theo ngôn ngữ nghị trường, cái gì luật không cấm đều được làm. Nhưng có những nhu cầu chỉ thấy ở Việt Nam: Quan chức bổng lộc no nê, lúc về hưu kiếm chút danh văn chương để thiên hạ khỏi gọi mình là trọc phú, là xôi thịt… thì ông ta làm thơ, đó là cách nhanh nhất, dễ nhất. Ông có tiền là sẽ có thợ ca ngợi, gọi ông là nhà thơ…

Cách đây chưa lâu, người ta đưa cả thơ đạo, thơ thiền của ông Hoàng Quang Thuận lên bàn thờ của Đền thơ Việt Nam, rồi vái lạy xì xụp đấy thôi.
Chủ soái Hữu Thỉnh “khăn đống áo dài” tổ chức hội thảo thơ thiền của ông Hoàng ở cấp quốc gia, quan khách lớn nhỏ tới dự tấp nập.
Những người viết tham luận về thơ thiền ông Hoàng có phong bì chất lượng hẳn hoi.
VTV làm hẳn một chương trình ông Hoàng lên Yên Tử non cao vãn cảnh, để ông nhập thần cho thơ…
Rồi ông Hoàng mời Tổ chức Guinness công nhận kỉ lục thơ to nhất, thơ nặng nhất, sắp sanh gửi thơ đạo của mình đi dự Giải Nobel…

Không năm nào trao Giải thưởng Văn học danh giá nhất của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác giả tác phẩm lại không gây ra sự phẫn nộ, bài xích trong văn giới. Chỉ vì các tác phẩm ấy dở. Chủ tịch Hội lờ đi, coi như không nghe, không thấy, không biết các phản ứng xã hội, hoặc có thì ông cũng thanh minh thanh nga qua loa, lấy lệ…
Vấn đề kết nạp hội viên thì mánh mung, khuất tất. Đã có nhiều bài viết trên mạng về cái “quy trình” vào Hội do chính hội viên phanh phui, thật não nề…

Thượng bất minh, hạ tắc loạn.
Thơ cấp phường xã có mặt ở những nơi sang trọng nhất còn được, thì nó xuất hiện ở Hội tỉnh nhà bác Trần Mỹ Giống là lẽ đương nhiên. Chỉ cần đọc các bài viết về Giải thưởng Lương Thế Vinh của Hội Nam Định trên chính trang Blog này, là chúng ta phải thừa nhận thơ cấp phường nhiều phen lên ngôi thật sự…

Văn chương là món ăn tinh thần, nhưng trước hết nó phải là thức ăn sạch cái đã, ngon bàn sau, vì khẩu vị mỗi người mỗi khác.
Món lục bát thì buộc người viết phải thuộc cách gieo vần. Trật vần chân câu lục với vần lưng câu bát hoặc lặp vần là chưa “sạch” nước cản.
Món thơ Đường luật thì rất khắt khe ở cách thể hiện. Luật chính là cách buộc người viết không được phạm luật, phải làm cho đúng luật, cho “sạch” câu chữ. Chưa nắm chắc luật thì chưa nên chơi, hoặc có chơi thì chơi trên sân phù hợp với khả năng của mình.
Chẳng có sân chơi nào hèn mọn cả, chỉ người chơi có tự biết mình hay không mới là vấn đề quan trọng…

Có nhiều tác giả phật ý khi người khác gọi thơ mình là thơ phường, cho là bị hạ thấp vô cớ. Thế là tác giả bèn đem ca dao ra đối chứng. Rằng kho tàng văn học dân gian, ca dao tuyệt cú là sáng tạo của người nông dân, trong đó có cả những người không biết chữ.
Rất chính xác, tôi không dám cãi.

Nhưng các câu ca dao tuyệt cú ấy ban đầu có khi chỉ một câu nói vần vèo, một ý tưởng thô ráp. Nhưng nhờ truyền khẩu qua hàng trăm thế hệ đã gọt đẽo, chỉnh sửa, gia công nên mới có cơ tồn tại phát sáng đến ngày nay. Trong số những kẻ gia công ấy dứt khoát không thể thiếu những bậc chữ nghĩa cao siêu. Nếu các tác giả nói trên đem ca dao ra so sánh, bênh vực cho thơ mình, thì không ổn.
Thơ Bút Tre hiện nay có nhiều câu, nhiều bài rất thú vị cũng là một dạng được truyền khẩu, sáng tạo như thế.

Còn một điều đáng nói là nhiều thế hệ văn chương của chúng ta đã mắc không ít lỗi nghiêm trọng.
Chúng ta để cho Chị Tấm đun nước sôi dội lên đầu Cám (người em) đến chết, rồi làm mắm cho mẹ Cám ăn. Chúng ta vô cùng quen thuộc mà không biết nhàm chán với cách thức truyện nào cũng phải kết thúc có hậu, rằng địch thì phải thua, ta nhất định phải thắng vẻ vang, rằng ở hiền gặp lành. Việc lấy oán trả oán này của Tấm là một hành động làm bao thế hệ trẻ em mê man cổ tích, phụ nữ thì sung sướng khi được ví von với cô Tấm thơm thảo nết na…

Theo chiều ngược, chúng ta vừa xay thành bột giấy tác phẩm của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Chúng ta từng ”đánh” cho Nhà văn Bảo Ninh lên bờ xuống ruộng, vì ông dám viết tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” nổi tiếng…

Xin nói thẳng là xu hướng “hiệu ứng đám đông” trong văn chương ở ta từ xa xưa đã rất mạnh rồi. Và có cả cái gọi đúng tên là “văn chương quyền lực”. Không ai dám chê thơ Tố Hữu thời ông còn đương chức đương quyền. Ai cũng khen thơ ông hết lời, là khuôn vàng thước ngọc. Bây giờ thì người ta lại tranh luận ồn ào thế nào là một bài thơ hay. Thế là mình tự phủ nhận cái mình tôn vinh, cái mình coi là chân lý rồi còn gì. Thế là sao?
Những bậc cây đa cây đề sừng sững thần tượng Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên… chẳng hạn… thì lại tự phủ nhận mình. Những cuộc chiến tư tưởng thi ca trong tâm hồn họ làm rung chuyển văn đàn…

Thế thì cũng nên bình tĩnh, đừng khẳng định mọi tác phẩm trong bảo tàng văn chương của ta đều là kim cương. Ông cha để lại cho chúng ta những tác phẩm văn chương vô giá. Nhưng tác phẩm nào cũng có những hạt sạn, kể cả Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du. Chúng ta phải viện đến lăng kính thời @, thời thế giới phẳng này mới dám nói đến, đụng đến các hạn sạn ấy…

Chúng ta ca ngợi thơ Thiếu nhi của Trần Đăng Khoa là mẫu mực của sự sáng tạo thần đồng. Nhưng trong nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo đài, ông Khoa không nhận mình như thế. Ông nói thật lòng, nhưng nhiều người cứ nhất định phải cho rằng ông Khoa khiêm tốn. Tôi thì cho rằng thơ thiếu nhi của ông Trần Đăng Khoa là một thứ lộc trời ban tặng cho riêng ông ấy…
Tôi rất thích nhiều câu, nhiều bài thơ thiếu nhi của ông Khoa, tôi cảm phục ông.
Nhưng khi ông viết rằng:
….
“Bắn tàu Mỹ cháy
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là Tổng thống Mỹ”…
thì nhất định không phải là thơ thiếu nhi rồi. Thơ thiếu nhi thường ngộ nghĩnh, trong vắt, nói đến cái xấu cũng không hàm hồ như người lớn được. Ông Khoa đã “đạo” cách nói về kẻ thù của các nhà tuyên huấn thời ấy…
Sau này hình như được đi nhiều hơn, thấy nhiều hơn, nên ông đã rút hai câu ấy ra khỏi các tập thơ thiếu nhi của mình...

Xin nói thêm trước khi kết thúc bài viết.
Người làm văn chương hay dẫn ra những câu danh ngôn, tuyên ngôn chí lý: “Văn mình, vợ người”.
Nhưng tôi đồ rằng “Văn mình vợ người” được sinh ra để đi kèm với “Bút sa, gà chết”, với “Trường văn trận bút”…
Người ta chỉ mải mê với “Văn mình vợ người” mà quên mất lời dặn dò “sấm truyền” về qui luật đào thải thơ ca khắc nghiệt nằm ở hai câu sau…

Sài Gòn, 10.7.2015
VDC


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: