Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Ra ngõ gặp “nhà thơ”


Tiến Hải 
Theo Blog Kim Dung

HHĐọc bài dưới đây của tác giả Tiến Hải, mình không “cười khùng khục” như chị KD vì “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ” thì có gì đáng phải cười nhỉ?
Mình cũng không tin trong xã hội Việt Nam hiện nay cứ “ra ngõ là gặp nhà thơ” như cái đầu đề (hy vọng là không có hàm ý mỉa mai) này của tác giả bài viết. Nếu đúng cứ ra ngõ gặp nhà thơ thật, kể cả “nhà thơ” như tác giả đặt trong dấu ngoặc kép – thì hẳn cũng là những người yêu thơ ca – nếu cứ ra ngõ mà toàn gặp những người như thế thì hẳn là chúng ta đang sống trong một xã hội ít ra cũng bình yên chứ không đến nỗi đầy tệ nạn và bạo lực, kể cả bạo lực về ngôn từ, như hiện nay…
Hãy coi  trò “chơi thơ” này của “các cụ về hưu” chỉ đơn thuần là một thú chơi văn hóa lành mạnh để khỏi phải lo ngại không phải lối rằng các “câu lạc bộ thơ”  của các cụ làm ảnh hưởng đến “chất lượng của nền văn học nước nhà”.  Cái nền “văn học nước nhà” hiện nay đã chẳng mang lại gì nhiều cho xã hội thì lỗi là ở các nhà văn, nhà thơ, nhất là những người đang trong các hội hè tiêu tốn tiền thuế của dân chứ lỗi gì ở mấy ông bà về hưu mà đổ thừa cho các cụ!
Những câu thơ có phần quê mùa thì cũng giúp mang đến những niềm vui nho nhỏ cho các cụ, chẳng cháy nhà chết người gì hay ảnh hưởng đến ai, có phải giành cho các vị “văn nhân tài tử” chữ nghĩa sâu xa, thâm thúy, sang trọng đâu mà nỡ  “chọc ngoáy”! Không thích thì “đi chỗ khác chơi”, cớ làm sao phải ngóng tai nghe để mà  “dị ứng” nhỉ?    
Tôi có một ông bạn rất thân. Thế nhưng từ ngày cả hai đứa về hưu, chúng tôi chưa một lần gặp lại, bởi lẽ ông ấy ở mãi quận Tây Hồ còn tôi ở tít tận khu đô thị Linh Đàm thuộc quận Hoàng Mai. Khoảng cách giữa hai nhà chúng tôi phải tới 15 km . Bỗng nhiên, hôm vừa rồi ông gọi điện nói rằng sẽ đến thăm tôi. Tôi mừng lắm và thật thà dặn bạn: “Ông cứ gọi taxi mà đi , mình sẽ trả tiền xe cho ông” . Ông bạn tôi chẳng những không tự ái mà còn khen : “Ông vẫn ga lăng như ngày nào” .
Ảnh: Giao lưu CLB thơ Hải Phòng- Hải Dương- Nam Định. Nguồn: Trên mạng   :D
Tôi gọi điện đến nhà hàng Hương Rừng trong khu đô thị Linh Đàm đặt trước một phòng VIP và hẹn 11 giờ chúng tôi sẽ có mặt .
Khoảng 9 giờ đã có tiếng chuông bính boong. Tôi ra mở cửa. Trước mặt tôi là ông bạn thân đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng còn rất phong độ và lịch lãm: Quần áo là thẳng tắp, giầy đen bóng lộn, kính trắng gọng vàng, đầu đội chiếc mũ phớt Nga mà ông đã mua từ hồi chúng tôi cùng học ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (AOH)
Tôi pha ấm trà Thái Nguyên mời bạn rồi nói luôn kế hoạch: Từ giờ đến 10 giờ 50 chúng mình đàm đạo ; 11 giờ ăn trưa , trong khi ăn tiếp tục nói chuyện ; 13 giờ mình gọi taxi cho ông về .
Vừa uống xong chén trà nóng , ông bạn đã thở ngắn , than dài :
        – Về hưu rồi mà cũng chẳng được yên thân
        – Sao thế ?
       – Tất cả chỉ vì THƠ. Không hiểu sao từ ngày về hưu bà vợ mình lại sinh ra đổ đốn, suốt ngày làm thơ. Nào thơ có hay gì cho cam , toàn thơ “con cóc” . Khu dân cư mình có cả một câu lạc bộ thơ. Thành viên của cái câu lạc bộ ấy toàn là những ông bà về hưu hâm đến tỉ độ. Nhà mình rộng rãi, bà vợ mình lại có tính bốc đồng ; hễ có ai khen thơ của bà ấy hay là sướng tít mắt lên . Thế là bà ấy được bọn họ “nịnh” , bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ và chọn nhà mình làm địa điểm sinh hoạt .
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Trên mạng
Thời chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng, bây giờ thì RA NGÕ GẶP NHÀ THƠ . Ớn quá!! Ngừng một lát , ông nói tiếp : Hôm 8/3 bà ấy triệu tập các “nhà thơ” của câu lạc bộ đến nhà mình sinh hoạt và chiêu đãi rất thịnh soạn. Chỉ khổ con bé ô sin phải đi chợ từ sớm mua đủ thứ nào là thịt bò , thịt gà  , bánh phở , rau thơm…Chương trình sinh hoạt của các “nhà thơ” hôm ấy là mỗi người phải đọc một bài thơ mới sáng tác , nếu đúng chủ đề 8/3 thì càng tốt . Họ “kính mời” bà vợ mình (chủ nhiệm câu lạc bộ) đọc thơ trước . Bà ấy đọc bài thơ mới sáng tác có tên là “Tình em” . Thơ không ra thơ , thẩn không ra thẩn mà các thành viên cũng vỗ tay rào rào .
Người tiếp theo là một ông có chất giọng đặc sệt xứ Nghệ . Ông ta xin đọc một cụm bài thơ ngắn vừa mới sáng tác theo đúng chủ đề 8/3 . Ông ta hắng giọng rồi đọc bài thơ đầu tiên
                                   Hôm nay mùng tám tháng ba
                                   Rủ nhau xem chị em ta đánh cầu
                                   Lông bay vùn vụt trên đầu
                                   Ngó qua thì tiếc , nhìn lâu thì thèm
Tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào . Bà vợ mình với tư cách là chủ nhiệm câu lạc bộ trịch thượng khen: “chuẩn không cần chỉnh” . Cứ thế , cứ thế hết ông này đến bà kia thi nhau đọc các “tuyệt phẩm” của mình . Toàn thơ con cóc .
Ngay từ đầu mình đã phải sơ tán lên phòng làm việc ở tầng hai , đóng chặt cửa lại , nhưng các “nhà thơ” vẫn cứ oang oang , người thì đọc , kẻ thì ngâm , nghe mà muốn ói…Phải đến 13 giờ các vị ấy mới tan cuộc . Các “nhà thơ” chơi hết sạch cả hai chai rượu Chivas 18 mà thằng con rể mình nó đi Xingapo về biếu . Tức điên người nhưng chả lẽ lại cãi nhau với bà ấy . Mà có cãi nhau thì mình thua là cái chắc . Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”
Kể đến đây , ông bạn dặn tôi : Khi nào ông đến nhà mình thì phải gọi điện trước . Nếu bà ấy có nhà thì mình hẹn ông tới nhà hàng nào đó rồi vừa nhâm nhi vừa nói chuyện . Để bà ấy gặp ông thì dứt không ra đâu . Bà ấy sẽ đọc thơ cho ông nghe cả ngày . Tính ông lại cả nể , hay khen người khác . Ông mà khen thơ của bà ấy thì “thôi rồi Lượm ơi !”
                                                          *
Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông bạn : RA NGÕ GẶP NHÀ THƠ , cho nên buổi chiều hôm đó tôi lục lại tất cả các tập thơ mà người ta tặng trong thời gian gần đây . Có hơn 10 quyển . Tác giả đủ loại . Nhà thơ xịn , là hội viên Hội nhà văn khoảng ba , bốn người . Còn lại là những “nhà thơ nghiệp dư” đã về hưu mà tôi từng quen biết . Họ đều đề tặng rất trân trọng . Thí dụ : “Kính tặng anh Tiến Hải” , “Kính tặng đồng chí Tiến Hải” , “Thân tặng anh Tiến Hải” . Mấy ông bạn đồng môn thời học phổ thông hay đại học thì đề tặng thân mật hơn : “Thân quý tặng Tiến Hải” , “Tặng Tiến Hải” hoặc “Tiến Hải ơi , tặng mày đọc cho vui”…
Có điều rất lạ , tất cả các tập thơ đó đều do những nhà xuất bản danh tiếng xuất bản như : “Nhà xuất bản Văn học” , “Nhà xuất bản Hội nhà văn” , “Nhà xuất bản Phụ nữ” , “Nhà xuất bản Thanh niên” , “Nhà xuất bản Thông tấn” . Sách được in trang trọng , giấy tốt , trình bày rất đẹp và ở bìa bốn thường có ảnh của tác giả kèm theo vài dòng trích ngang về tiểu sử .
Thú thật , vì câu nói của ông bạn mà lần này tôi mới có dịp đọc kỹ những tập thơ đó . Đúng là có nhiều bài không phải là thơ . Tôi xin trích nguyên văn một số câu ở một số bài trong một số tác phẩm của một số tác giả nhưng vì tế nhị nên không ghi rõ xuất xứ . Thí dụ :
                              Chúng tôi đến nhà anh một buổi chiều
                              Thắp hương kính cẩn viếng cha anh
                               Anh chắp tay rì rầm khấn vái
                               “Kính lạy cha !
                               Đây là vợ chồng bạn con thân thiết
                               Chúng con sống với nhau có trước có sau
                               Xin cha phù hộ độ trì cho cô chú ấy được hạnh phúc dài lâu
                               Và phù hộ cho tình bạn của chúng con suốt đời chung thủy
                                …
                               Bố mẹ đi làm
                                Bà cháu ở nhà
                                Tìm đủ cách chơi
                                Để mà dỗ bé
                                Nào là đi chợ
                                Mua sắm các thứ
                                 Bà bán cho tôi
                                 Thứ này thứ nọ
                                 ….
                                  Hai đứa chúng ta cùng chung họ
                                  Lại chung đèn sách một mái trường
                                  Cuối đời còn gánh chung một việc
                                  Làm báo cho ba đời Thủ tướng
                                  ….
Nhiều lắm , nhưng chỉ xin trích mấy câu ở mấy bài thế thôi để bạn đọc còn cảm thấy thòm thèm
                                                         *
Tôi nửa tin , nửa ngờ trước những lời nhận xét , bình phẩm của ông bạn về vợ mình . Tin vì ông ấy là một người rất nghiêm túc , rất thương yêu vợ , con . Những tâm sự nói trên về vợ mình chắc ông chỉ nói với riêng tôi vì tôi là bạn rất thân của cả hai vợ chồng ông (Hồi cưới ông tôi phải đóng vai “phù rể” đấy ) . Còn ngờ ư ? Ngờ vì tôi biết rất rõ về Lệ Hằng (vợ ông) . Cô ấy . À , bây giờ phải gọi là bà ấy nguyên là nữ sinh khoa văn trường Đại học sư phạm Hà Nội .
Hồi trước không có các cuộc thi nữ sinh viên duyên dáng như bây giờ ; nếu có chắc Lệ Hằng không giành vương miện hoa hậu thì cũng là á hậu 1 hoặc á hậu 2 . Tốt nghiệp đại học , Lệ Hằng về làm giáo viên dạy văn ở một trường cấp ba mãi tận trên Thái Nguyên . Khi lấy ông bạn tôi , Lệ Hằng trở thành một người vợ hết sức mẫu mực , tận tụy , hy sinh tất cả cho chồng , cho con . Không có Lệ Hằng chắc ông bạn tôi không thể có được cái học vị tiến sỹ và học hàm giáo sư.  Chính vì nửa tin , nửa ngờ như thế , nên tôi quyết định phải tiến hành ngay một buổi tiếp xúc với Lệ Hằng . Tôi gọi vào máy di động của bà ấy và hẹn ngày , giờ tới thăm . Lệ Hằng vui lắm . Tôi cũng gọi cho ông bạn báo trước về cuộc viếng thăm này , kẻo ông ấy lại trách .
Lâu lắm rồi mới gặp lại Lệ Hằng . Tuổi tác không xóa nổi những nét quyến rũ của thời thanh xuân ở bà ấy . Tôi là một nhà báo , không thích vòng vo tam quốc nên vào thẳng ngay vấn đề cần tìm hiểu . Tôi nói : “Anh nghe ông Quang (bạn tôi) bảo em dạo này hay làm thơ và thơ của em khá hay ; có còn tập thơ nào mới xuất bản thì cho anh một quyển” . Lệ Hằng phản ứng rất nhanh : “Chắc ông Quang lại nói xấu về em với anh phải không ? Làm gì có chuyện ông ấy khen thơ của em hay .
Em cũng chẳng nói chuyện về thơ với ông ấy bao giờ bởi tư duy của hai người khác nhau lắm . Ông ấy là một lão “Khốt” chính hiệu , tư duy già nua , bảo thủ , kinh viện , giáo điều . Nói chuyện về thơ với ông ấy thì có khác nào đàn gẩy tai trâu” . Nghe những lời ấy của Lệ hằng , tôi giật mình . Lệ Hằng xinh đẹp , dịu dàng và tế nhị ngày xưa đâu rồi ? Chẳng lẽ thơ là tác nhân gây ra sự đột biến về tính cách ở nàng ? Chẳng lẽ những lời ông bạn tôi nhận xét về vợ mình là chính xác ? Thế rồi , Hằng ra tủ sách lấy tập thơ mới xuất bản biếu tôi .
Tập thơ có tên : “Chiều phố núi” . Chưa biết nội dung ra sao nhưng nghe cái tên “Chiều phố núi” đã thấy một nét buồn man mác rồi . Từ đó Hằng “độc thoại” về thơ . Nào là , Hữu Loan có bài thơ “Màu tím hoa sim” , còn em có bài “Màu tím hoa mua” . Sở dĩ em thích màu tím hoa mua hơn màu tím hoa sim bởi vì hoa sim tàn và phai rất nhanh ; còn hoa mua rất lâu tàn và màu tím vẫn cứ tím hoài không phai . Nào là , ngày nay có đến 80% nhà thơ là rởm , mặc dù họ có thẻ hội viên Hội nhà văn hẳn hoi . Sở dĩ em gọi là rởm bởi vì thơ của họ không ngửi được . Em không phải là nhà thơ nhưng thơ của em khối nhà thơ xịn không địch nổi . Nào là , trong thơ phải có nhạc  ; thơ không nhạc thì vứt , vv và vv . Cứ thế , Hằng nói  và tôi nghe ; Hằng là chủ thể tra tấn , còn tôi là khách thể bị tra tấn
.
Tối hôm đó , tôi đọc rất kỹ tập thơ “Chiều phố núi” của Lệ Hằng . Không đến nỗi như ông bạn tôi chê “thơ chẳng ra thơ , thẩn không ra thẩn” mà trong tập thơ này có khá nhiều bài thơ , khá nhiều câu thơ rất được . Thí dụ :
                                Nàng thơ hay một hồn thơ
                                 Để lại đôi chút ngẩn ngơ cho người
                                 Chút gì như thể chơi vơi
                                 Chút gì dịu ngọt cho đời khó quên
                                 …
                                 Chiều chia tay anh không nói gì
                                  Em rưng nước mắt cúi đầu đi
                                  Sao anh đã đến mà không nói
                                  Chĩu nặng lòng em sầu chia ly
                                  …
                                  Trăng đi đâu , để về đâu
                                   Con đò không bến trong đêm thâu
                                   Lệ Hằng đơn chiếc buồn đang khóc
                                   Nước mắt nào vơi khúc thảm sầu
                                   …
                                   Lấy chồng quy luật của đời
                                   Em là chiếc lá buông trôi theo dòng
                                   Anh ơi đừng có ngóng trông
                                   Đừng thương , đừng nhớ cho lòng em đau
  1. ..và vv…
Tôi chỉ nhận xét một số câu thơ trên là rất được chứ không dám nói là hay . Bởi vì nếu khen hay thì bạn Kim Dung sẽ bảo “Ông anh thẩm định thơ hơi kém”
                                                          *
Mỗi nhà thơ chỉ cần có vài ba bài thơ để đời là quá đủ . Thí dụ , nói đến Hoàng Cầm , người ta nghĩ ngay tới bài “Bên kia sông Đuống” ; nói đến Hữu Loan , người ta nghĩ ngay tới bài “Màu tím hoa sim” ; nói đến Quang Dũng , người ta nghĩ ngay tới bài “Tây tiến” ; nói đến Nguyễn Bính , người ta nghĩ ngay tới bài “Cô hái mơ”… Nói cho thật khách quan và công bằng thì nhiều nhà thơ xịn vẫn có những bài thơ dở ; nhiều người không phải là nhà thơ nhưng vẫn có những bài thơ hay .              
Mấy năm nay với sự ra đời của hàng nghìn câu lạc bộ thơ của các cụ về hưu trong toàn quốc và việc xuất bản quá dễ dãi của các nhà xuất bản (miễn là tác giả có tiền) làm cho nhiều người lo ngại về chất lượng của nền văn học nước nhà . Nhiều người rất dị ứng với thơ của các cụ về hưu . Nhưng theo tôi , điều đó không có gì đáng ngại , bởi vì văn học có khả năng sàng lọc và tự đào thải rất lớn
Một tác phẩm nào đó ra đời nó có thể sống mãi hoặc chết yểu ngay trong lòng bạn đọc . Không phải là nhà thơ nhưng vẫn có những bài thơ sống mãi . Là nhà thơ đích thực nhưng vẫn có những bài thơ chết yểu . Chuyện đó quá đỗi bình thường ./

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: