Chu Vĩnh Khang thời còn oanh liệt (Trong ảnh: |
Rốt cục thì kẻ từng là “trùm luật pháp” Trung Quốc cũng phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của những người từng là thuộc hạ của ông ta.
Ngày 11/06/2015, cái loa số 1 của truyền thông quốc doanh Trung Quốc (Tân Hoa Xã) đột nhiên thông báo, Tòa án số 1 thành phố Thiên Tân Trung Quốc đã xét xử bí mật Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật của ĐCSTQ từ năm 2007 đến năm 2012, Bộ trưởng Công an… với bản án tù chung thân. Nghe được tin này, nhiều người Trung Quốc cũng như thế giới đều kinh ngạc về phiên tòa xét xử bí mật và bản án tù chung thân đối với kẻ từng bị khỏi tố các tội danh: nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền và cố tình tiết lộ bí mật quốc gia.
Hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã loan tin, Chu Vĩnh Khang thừa nhận 3 tội danh gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Dư luận cho rằng vụ xét xử một trong những chính trị gia quyền lực nhất của Trung Quốc là dịp hiếm hoi, “trên nữa thế kỷ qua mới có một lần” để ĐCSTQ thể hiện hệ thống pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phát triển như thế nào? Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chọn lối đi an toàn bằng một phiên tòa bí mật, thay vì chọn cách nhiều rủi ro tạo cho Chu Vĩnh Khang cơ hội “tung hê” hầu hết bí mật quốc gia.
South China Morning Post (SCMP), tờ báo tiếng Anh phát hành ở Hương Cảng, cũng loan tin, phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang diễn ra trong ngày 22/05, mãi đến ngày 11/06, sau gần 3 tuần lễ, mới công bố thông tin và kết quả xét xử. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với công luận: Liệu còn có bí mật gì phía sau quá trình xét xử này? Còn “thỏa thuận” nào khác trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng?
Kết quả phiên tòa cũng là một bất ngờ lớn. Bản án chung thân dành cho họ Chu được đánh giá “quá nhẹ” so với những gì dư luận dự đoán. Không ít người sử dụng trang mạng xã hội Weibo đã bày tỏ ý kiến của mình đối với phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang. Họ cho rằng lẽ ra đó là bản án tử hình thay vì tù chung thân.
Đài BBC trích dẫn lời phát biểu của một nhà bình luận ở Hương Cảng cho rằng bản án này khiến cho nhiều người kinh hoàng, bởi vì “nhẹ hơn rất nhiều so với những gì trước đây nhiều người suy nghĩ. Họ mong đợi ông Chu nhận bản án tử hình…”
Từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) tới nay, sau vụ án “Tứ nhân bang” (Nhóm Bốn người), gồm Giang Thanh, phu nhân của Mao Trạch Đông, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị buộc tội có âm mưu tước đoạt quyền lãnh đạo đảng và chính quyền, gây ra chết chóc và tuyệt vọng trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa kéo dài trên một thập kỷ, đến lượt Chu Vĩnh Khang là người có địa vị cao nhất trong ĐCSTQ phải đứng trước vành móng ngựa. Phiên tòa xét xử “Tứ nhân bang” được phát sóng qua truyền hình với hơn 800 người bàng thính và hơn 300 nhà báo săn tin chụp hình. Trong khi đó phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang lại không cho người ngoài cuộc biết, gần 3 tuần lễ sau Tân Hoa Xã mới thông báo “chuyện đã rồi”, càng khiến nhiều người kinh ngạc và bàn tán xôn xao.
Hãng tthông tấn Bloomberg nhận định, Trung Quốc tuyên án cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang sau một phiên xét xử bí mật kéo dài một ngày cho thấy những hạn chế trong chiến dịch chống tham nhũng của nước này, cũng như lời hứa của Tập Cận Bình về tăng cường hiệu lực pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bản án có nhiều nghi vấn?
Qua hệ thống truyền thông quốc doanh, dân Trung Quốc được biết, trong bản án xét xử Chu Vĩnh Khang, can phạm chỉ nhận hối lộ từ Tưởng Mẫn Khiết, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Kiểm tra Tài sản Nhà nước Trung Quốc (The Management Committee and the State Property Inspection China – SASAC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation – CNPC) hơn 700 ngàn Nhân dân tệ tính ra khoảng 100 ngàn Mỹ kim (phần dưới đều tính theo Nhân dân tệ), thông qua anh chị em ruột chỉ nhận hơn 120 triệu. Nếu so sánh với số tiền những cán bộ cao cấp dưới quyền Chu Vĩnh Khang nhận hối lộ thì ít hơn gấp trăm ngàn lần. So với quyền lực ông ta từng nắm giữ càng không thấm vào đâu. Bởi vậy nhiều người cho rằng bản án nêu ra con số này không khác gì đùa cỡn hay khinh thường trí tuệ của người dân. Cũng có người cho rằng Trung Cộng sợ nêu rõ số tiền Chu Vĩnh Khang nhận hối lộ, dân chúng biết được sẽ quá khiếp sợ và có thể gây ra nhiều rối loạn về mặt chính trị.
Thứ đến, trước đây Chu Vĩnh Khang từng bị khởi tố gây ra tai nạn giao thông giết người vợ đầu tiên là bà Vương Thục Hoa để kết hôn cùng người đẹp Giả Hiểu Diệp, biên tập viên của CCTV, nhỏ hơn ông ta 28 tuổi, nhưng bản án lần này không đả động đến. Quan trọng hơn nữa, trong phiên tòa xét xử ngày 22/05 cũng không hề nhắc đến họ Chu có âm mưu đảo chính, ngăn cản không cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trở thành Chủ tịch ĐCSTQ và Thủ tướng chính phủ. Qua đó có thể thấy, tầng lớp lãnh đạo Trung Cộng không muốn làm to chuyện này để giữ kín những chuyện xấu xa trong nội bộ ĐCSTQ hay trong tầng lớp lãnh đạo đang “ngồi mát ăn bát vàng” ở Trung Nam Hải (nơi ở và làm việc của các lãnh đạo ĐCSTQ). Có thể đó là nguyên nhân khiến Chu Vĩnh Khang được miễn tội chết, phía ông ta thì chấp nhận lời phán quyết một cách vô điều kiện.
Dư luận về vụ án bí mật
Bình luận về kết quả bản án có nhiều nghi vấn và gây nhiều tranh cãi này, nhà sử học kiêm nhà văn, nhà bình luận chính trị Trương Lập Phàm (章立凡 – Zhang Lifan) ở Bắc Kinh cho rằng, nếu Chu Vĩnh Khang bị xét xử công khai, có thể còn gây ra nhiều chuyện khó lường hơn. Có thể Tập Cận Bình không muốn để Chu có cơ hội tiết lộ những bí mật của các quan chức cấp cao khác. Nếu có thêm bí mật bị bộc lộ, hình ảnh ĐCSTQ sẽ xấu đi giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu tấn công vào tầng lớp quyền lực cao nhất. Ông nhận định: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch “săn hổ lớn” của ông Tập gần tới hồi kết”.
Giáo sư Hoàng Kính (Huang Jing) thuộc Trường Chính sách Công cộng Lý Quang Diệu ở Tân Gia Ba cho rằng, Bắc Kinh không muốn kết án tử hình Chu Vĩnh Khang để ngăn không cho các quan chức tham nhũng và “đối thủ chính trị” can thiệp vào chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tập Cận Bình. Giáo sư Hoàng nói:
“Ông Chu là một ‘cuốn bách khoa sống’ về các quan chức hàng đầu khác. Nếu bị tử hình, những gì ông Chu biết sẽ bị đem theo xuống mồ”.
Sống không bằng chết
Tuy Chu Vĩnh Khang không bị kết án tử hình, nhưng suốt đời này e không ra khỏi Tần Thành, một nhà tù “sang trọng”, nơi giam các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, được hưởng thụ nhiều quyền lợi hơn tù nhân chính trị khác. Tuy “sung sướng”, nhưng ông sẽ phải nếm đủ mùi vị nhục nhã của kẻ “sống không bằng chết”. Cũng có thể một ngày nào đó Chu chết một cách không minh bạch ở trong nhà tù. Đến thời gian thích hợp, những kẻ trông coi tù sẽ công bố Chu Vĩnh Khang “bị chết bệnh” ở trong nhà tù. Như vậy ông sẽ lìa khỏi trần gian một cách im hơn lặng tiếng, không khác gì Vương Hồng Văn, 1 trong 4 người thuộc “Tứ nhân bang”, từng chết trong nhà tù không một lời than thở. Chu Vĩnh Khang chết im lặng trong nhà tù, chính trường Trung Quốc sẽ yên lặng và không rối loạn bằng xử tử hình ông ta.
Có người nói, tử hình Chu Vĩnh Khang thế nào cũng ảnh hưởng đến “thỏa thuận ngầm” xưa nay vẫn có trong nội bộ ĐCSTQ. Đó là “Lãnh tụ ĐCSTQ phạm tội không bao giờ bị tử hình”. Không những thế, còn thể hiện được tôn nghiêm của câu nói “trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”…
Nhiều người còn đặt câu hỏi: Sau khi Chu Vĩnh Khang lãnh bản án tù chung thân, nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với người nhà và thuộc hạ của ông ta như thế nào? Sau khi Chu Vĩnh Khang ngoan ngoãn nhận tội, nhà cầm quyền có buông tha cho những người thân thuộc của ông ta hay không? Sau này còn moi ra những “con cọp” bự như ông ta hay bự hơn không?
Mọi người đều biết, 20 năm qua đường công danh của Chu Vĩnh Khang ngày càng lên cao như diều gặp gió, càng tham ô hủ hóa chức vụ càng lên cao. Căn cứ vào tình hình Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, một mình Chu Vĩnh Khang không thể làm được điều đó, phía sau ông ta phải có một nhóm người “coi trọng lợi ích cá nhân” ủng hộ. Nói cách khác, Chu Vĩnh Khang không thể dựa vào địa vị cao cả của cá nhân mình để đạt được “quyền lực” và “tiền tài”, phải có một nhóm người đứng sau ủng hộ mới làm nên. Tất nhiên những kẻ đó phải có địa vị cao hơn, Tập Cận Bình không dám đụng tới. Đó cũng là lý do tại sao không xét xử Chu Vĩnh Khang công khai như nhóm “Tứ Nhân Bang” hay gần đây nhất là vụ án Bạc Hy Lai, ký giả ngoại quốc không được phép vào dự phiên tòa, nhưng Tòa án Trung cấp Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã liên tục cập nhật các diễn biến trong năm ngày xét xử bằng tiếng Trung Hoa trên tài khoản của tòa tại trang blog Weibo. Đó là điều chưa từng xảy ra trong các phiên tòa ở Trung Quốc.
Sau Chu Vĩnh Khang còn trò hề nào nữa không?
Nhiều người nhận xét, vụ án xét xử Chu Vĩnh Khang không khác gì một trò hề. Qua phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) người xem có thể nhìn thấy toàn cảnh phiên tòa hoàn toàn “giả dối”: Từ trang trí quang cảnh phiên tòa, quần áo và sự thể hiện của các vị thẩm phán, cảnh sát, những “khán giả” được mời đến dự, chánh án, đặc biệt là bị cáo Chu Vĩnh Khang với mái tóc bạc trắng hoàn toàn khác trước kia… đến những lời đối đáp giữa chánh án, cống tố viên, luật sư và bị cáo không khác gì những lời soạn sẵn cho các vai diễn trong một kịch bản, khiến cho những người tham dự phiên tòa có cảm giác đang ngồi xem một buổi diễn tập trên sân khấu. Điều đó chứng tỏ phiên tòa bí mật với bản án chung thân đã được thỏa thuận trước giữa những người xét xử với bị cáo hay những người liên quan đến vụ án. Bởi vậy nhiều người qua thất vọng đã thốt lên câu hỏi: “Sau Chu Vĩnh Khang còn trò hề nào nữa không?”
Được biết, trong ngày xét xử Chu Vĩnh Khang, trên các trang mạng đều loan tin Bộ Công an Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng, không được phép xuất ngoại một cách tự do. Nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng con cọp bự khác sắp sa vào “cái lưới” chống tham nhũng?”. Nếu đúng, chắc sẽ còn nhiều trò hề khác cho mọi người thưởng thức và hiểu rõ hơn cái gọi là “luật rừng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc!
Lý Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét