Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

MỸ & TRUNG QUỐC: VIỆT NAM CHỌN AI?



 Báo Nga: ‘Điệu nhảy’ Việt - Mỹ đang được cả thế giới chú ý

"Không thể thắng Việt Nam bằng bom napalm, Hoa Kỳ đã quay lại với đầu tư và hợp tác quân sự", tờ Lenta của Nga bình luận. 

Nhân viên Hải quân Hoa Kỳ đang nghiên cứu dữ liệu liên quan tới việc Trung Quốc xây dựng đảo trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US Navy/Reuters.

Năm nay đánh dấu 40 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trong thời gian này, quan hệ giữa Washington và Hà Nội đã có những bước ngoặt lớn. Cựu thù, từng không từ bất kỳ thủ đoạn nào đối đầu nhau trên chiến trường, giờ đây lại nhìn nhau như những đồng minh. Ở một mức độ không hề nhỏ, quan hệ này đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều lo ngại. Tuy nhiên còn nhiều yếu tố khác cho phép quan hệ Việt - Mỹ tìm đến nhau như là "đối tác toàn diện".

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngày 18/5/2015. Ảnh: Kham / Reuters


Ngày 26/10/1967, tên lửa Việt Nam bắn rơi một máy bay ném bom do thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ John McCain lái. Nhảy dù khỏi buồng lái, ông bị gãy cả hai tay và không thể giơ tay đầu hàng được. Ông McCain đã bạc đầu trong nhà tù Việt Nam suốt 5,5 năm.

20 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, John McCain, cùng với một cựu chiến binh khác - John Kerry- lại là một trong những cha đẻ của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội. Và sau 20 năm nữa, vào ngày 19/5/2015, tại phòng họp của Thượng viện, ông McCain tiếp tục bảo vệ các lợi ích các nhà sản xuất cá da trơn Việt Nam chống lại những người vận động hành lang từ miền Nam nước Mỹ.

Một cách lạ thường, trong 40 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ, những kẻ tử thù từng không từ một thủ đoạn nào đối đầu trên chiến trường, lại gần như biến thành một cặp đôi hoàn vũ thú vị nhất ở phía tây Thái Bình Dương. Hiện nay, điệu nhảy của họ được cả khu vực lưu tâm để ý.

John McCain khi là tù binh ở Việt Nam năm 1967. Ảnh: AP


Khi Liên Xô suy yếu và sụp đổ, kéo theo toàn bộ khối Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng đất nước không thể tồn tại một mình. Năm 1990, Việt Nam nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau lần gián đoạn bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Năm 1995, đến lượt Hoa Kỳ. Đóng vai trò đáng kể trong tiến trình bình thường hóa quan hệ là sự hợp tác khắc phục các di sản nặng nề của chiến tranh: Tìm kiếm hài cốt những người lính đã chết, thu thập và trao đổi thông tin về tù nhân chiến tranh và người mất tích.

Bài bình luận của tác giả Anton Tsvetov, Chuyên gia Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, được đăng tải trên tờ Lenta. Lenta là tờ báo chuyên đưa tin về kinh tế, chính trị, quân sự và các thông tin về các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, cũng là tờ báo có uy tín của nước Nga.

Với xuất phát điểm thấp giữa những năm 1990, quan hệ Việt - Mỹ phát triển rất nhanh, đặc biệt là kinh tế. Hà Nội thức thời vì đã tiếp cận ổn định với Washington. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và định hướng xuất khẩu (của Việt Nam) đòi hỏi được tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, được hỗ trợ phát triển và hội nhập nhanh chóng vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhưng những thay đổi về chất lượng mới bắt đầu xảy ra trong 5 năm gần đây. Lo ngại về sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, kể từ đầu thập niên 2010, Hoa Kỳ tái điều chỉnh sự mất cân bằng trong chính sách đối ngoại của mình, chú ý nhiều hơn đến Đông Nam Á. Trong bối cảnh bị hạn chế khắt khe về ngân sách, việc Mỹ hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc đỡ khiến Bắc Kinh khó chịu hơn thay vì một hiện diện quân sự trực tiếp, đồng thời lại tiết kiệm sinh lực và tiền bạc.

Hơn nữa, người bạn mới Việt Nam tỏ ra hơn tầm so với hai người bạn cũ - Thái Lan và Philippines. Thái Lan thể hiện một không khí chính trị quá lỏng lẻo trong năm 2014. Các cuộc đảo chính thường xuyên biến Bangkok thành một đối tác khó nắm bắt. Với sự hiện diện của một chính phủ quân sự, tình hữu nghị với Thái Lan trở nên bất lợi về uy tín cho Hoa Kỳ. Tại Philippines, tình hình chính trị ổn định hơn nhiều, nhưng vị trí đảo quốc với sức phòng thủ thấp, gần như hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến đấu làm giảm đáng kể tầm quan trọng chiến lược. Thêm vào đó, Manila và Bangkok chưa thể giải quyết các vấn đề với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trên lãnh thổ của mình.

Trên nền tương phản này, những lợi thế của Việt Nam gây ấn tượng rõ rệt: Một đội quân lớn và giàu kinh nghiệm được kiểm soát tốt bởi đảng và chính phủ dân sự. Vị trí lục địa tiếp giáp các khu vực phát triển nhất của Trung Quốc. Đường bờ biển dài với các cảng nước sâu, phía trước đối diện với Biển Đông, nơi một nửa thương mại hàng hải quốc tế qua lại. Môi trường chính trị và xã hội ổn định. Triển vọng tươi sáng về phát triển kinh tế. Vì tất cả điều này, chính quyền Mỹ đã sẵn sàng nhắm mắt trước những khác biệt chính trị mà trước đó họ vẫn thường lưu tâm về Việt Nam.

Trước sự chú ý của Washington, Hà Nội tỏ ra hài lòng. Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển. Những thành công trong tăng trưởng kinh tế sâu rộng cần được bảo đảm bởi những thay đổi về chất trong các mô hình kinh tế để không bị mắc kẹt trong cái bẫy của mức phát triển trung bình. Hơn nữa, (Việt Nam) cần đảm bảo tăng cường một cách tương ứng sự ảnh hưởng chính trị trong khu vực và tự vệ chống lại các yêu sách từ người láng giềng lớn phía bắc.

Trong tình huống này, xích lại gần với Hoa Kỳ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Thị trường vốn trong nước ở Việt Nam còn quá nhỏ để đảm bảo thị trường hoá nền kinh tế thành công, đặc biệt là trong tình trạng thê thảm của nhiều tập đoàn nhà nước hiện nay. Nếu không có nguồn vốn nước ngoài sẽ rất khó tư nhân hoá các công ty như Vinalines - tập đoàn hàng hải khổng lồ, từ giá trị 1 tỷ USD nhưng nợ trên 560 triệu USD.

Nhưng thú vị nhất vẫn là sự kết hợp Việt - Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự, chính trị. Cùng với Philippines, Việt Nam là một trong những nước đối trọng tích cực nhất với các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cho rằng khu vực này là vùng biển có "lợi ích căn bản" của riêng mình. Quốc gia này đã tích cực chứng minh “chủ quyền” bằng những cử chỉ quá tay và các hành động khiêu khích đao to búa lớn. Ví dụ, cấm đánh bắt cá ở Vịnh Bắc Bộ, quy định về việc cảnh sát biển Trung Quốc được bắt giữ, phạt tiền các tàu đánh cá của bất kỳ nước nào, hoặc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng cả một phi đội tàu thuyền hùng hậu.

Năm nay, Trung Quốc đặc biệt gây chú ý khi khẳng định ảnh hưởng của họ ở Biển Đông bằng cách xây dựng và củng cố các công trình nhân tạo trên các đảo và đá ngầm. Người ta cho rằng sau khi thành lập các cơ sở hạ tầng cần thiết, Trung Quốc có thể thiết lập các khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như nước này đã làm ở biển Hoa Đông.

Trên thực tế, không ai có thể thống kê chính xác giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Lập luận này đã lùi dần vào phía sau, nhưng tầm quan trọng về sự lưu thông hàng hải của vùng biển này thì không ai dám nghi ngờ. Chỉ có kẻ lười biếng mới không nhận ra rằng già nửa tất cả thương mại hàng hải quốc tế và 2/3 các nguồn cung cấp năng lượng đi qua tuyến giao thông này. Về cơ bản, Trung Quốc có tham vọng lớn sẽ kiểm soát đường đi nước bước tại đây.

Người Mỹ lo lắng điều xa xôi hơn. Washington giải thích các nguyên tắc tự do hàng hải là khả năng mọi tàu biển, kể cả tàu chiến, được đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Bắc Kinh, khi chưa phát triển được "Hạm đội biển khơi" một cách tự do, tỏ ra không thích điều này. Và với vị trí địa chiến lược của mình, Việt Nam trở thành một đối tác rất có lợi cho Hoa Kỳ.

Washington bắt đầu tham gia tích cực vấn đề Biển Đông vào năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng tự do hàng hải, cũng như an ninh và ổn định trong khu vực này là một trong những lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cần phải nói thêm: Hoa Kỳ không dứt khoát ủng hộ bất kỳ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Lợi ích chung của Hoa Kỳ và Việt Nam góp phần thúc đẩy sự xích lại giữa hai nước. Trong năm 2013, mối quan hệ này đã được nhận quy chế "quan hệ đối tác toàn diện". Về công thức điều này có nghĩa là không còn những vùng cấm trong tương tác. Trong năm 2014, các lĩnh vực chiến lược của hai bên đã có những đột phá như việc dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và việc Ủy ban liên quan Thượng viện cho phép các công ty Mỹ bán các thiết bị điện hạt nhân cho Việt Nam.

Phía Việt Nam đề nghị dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, quan hệ giữa hai nước không thể được xem là bình thường một khi vẫn còn lệnh cấm.

Trong năm 2015, sự kiện quan trọng đặc biệt trong quan hệ song phương sẽ diễn ra: Chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng bí thư Việt Nam đến Hoa Kỳ. Hiện vẫn còn nhiều khúc mắc trong một số vấn đề đối thoại giữa hai nước.

Những khúc mắc này giống như một sơ đồ kinh điển về cân bằng lực lượng. Việt Nam chỉ có thể giữ (hoặc tạo ra) một chính sách ngoại giao cân bằng khi có được quan hệ kinh tế và chính trị phát triển với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể duy trì được lợi ích tốt nhất.

Vậy thì, mối liên hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có đáng ngạc nhiên hay không? Ngày nay, sự phát triển của quan hệ đối tác Việt - Mỹ là một biểu hiện điển hình của thế giới đa cực đang nổi lên trước mắt chúng ta. Không có gì tân tiến hơn lợi ích quốc gia, và không có gì cổ xưa hơn tình bạn và sự thù địch.

Trích dẫn từ nguồn:

Bloger Bình Địa Mộc
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: