Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015
“Khuôn mẫu cũ về tình yêu đã chật”
Phỏng vấn Nguyễn Đình Chính
Khôi Nguyên thực hiện
Tác phẩm viết nhiều về sex, xuất bản trên mạng, mang tên Online... ba lô. Những yếu tố đó khiến người chưa biết dễ nhầm tác giả Nguyễn Đình Chính thuộc thế hệ 8x. Nhà văn sinh năm 1946 này nói muốn ủng hộ lớp trẻ đi tìm những giá trị mới trong tình yêu.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính.
- Online... ba lô đưa người đọc rong ruổi về núi rừng Việt Bắc theo sự dẫn dắt của một nhà văn, kiêm họa sĩ đa tài và đa tình tên Zê. Trong hành trình dài cả đời người ấy, nhà văn để cho nhân vật tìm kiếm điều gì?
- Tôi muốn để Zê đi tìm câu trả lời: Tự do là gì, Tình yêu là gì, Tình dục là gì? Ba câu hỏi đó hàng nghìn năm nay đã được triết học, văn học trả lời theo những “đại giá trị” bất biến, làm bình yên tâm hồn con người mỗi khi con người tự tìm kiếm, chiêm nghiệm mình. Tuy nhiên, nhân vật Zê lại không tìm thấy sự bình yên trong quá trình đi tìm kiếm câu trả lời đó. Tại sao vậy? Có hai lý do: thứ nhất, có thể nhân vật Zê không tìm thấy được những đại giá trị bất biến đó. Thứ hai, có thể những “đại giá trị” đó thực chất chưa phải là chuẩn mực, cũng chẳng bất biến, mà nó đang thay đổi giống như cuộc sống.
- Trong hơn 200 trang tiểu thuyết, tần suất cảnh sex và những đoạn diễn biến tâm lý hướng đến sex xuất hiện khá dày đặc. Tình dục trong Online... ba lô cũng đủ loại: vì yêu, vì dâng hiến, loại một đêm, loại mua bán, thậm chí cả tình dục công nghệ hiện đại. Đó có phải là yếu tố nhà văn dùng để 'câu' độc giả?
- Chúng ta đã có rất nhiều cuốn sách không viết về tình dục mà vẫn “câu” được rất đông độc giả. Vậy thì khi nhà văn viết nhiều về tình dục, đừng vội nghĩ là họ muốn “câu” độc giả. Sex trong Online... ba lô không phải là yếu tố “câu” độc giả. Tôi chỉ có chủ ý “câu” ở tên gọi tiểu thuyết và trình bày mỹ thuật của cái bìa sách. Tôi có thể tự vẽ bìa, nhưng một hoạ sĩ 8x thích Online... ba lô ngay khi nó vừa lên mạng đã nhận làm bìa cho tôi.
Trong văn học mạng gần đây của các tác giả trẻ, yếu tố sex được khai thác triệt để không phải vì những cây bút ấy thích thú tình dục, cũng không hẳn vì họ muốn câu khách. Tôi rất muốn độc giả nên thận trọng và khiêm tốn khi đưa ra nhận định về hiện tượng này của văn học trẻ. Nếu có điều kiện, tôi đề nghị Đất Việt nên mở một hội thảo về đề tài “Sex và những cây bút trẻ”. Tôi sẵn sàng tham gia hội thảo này.
Tiểu thuyết Online... ba lô được một họa sĩ 8x nhận vẽ bìa
- Hình ảnh những người trẻ (chủ yếu là các cô gái trẻ) trong tiểu tuyết có vẻ khá giống nhau trong quan niệm về tình yêu, tình dục. Đó có phải là suy nghĩ của nhà văn về lớp trẻ hiện nay?
- Hình như ở thời đại Internet này, các đại giá trị tình yêu đang bị phá vỡ. Tôi có quen một số bạn nữ 8x, chứng kiến họ yêu và thấy rõ sự bất an luôn lấp ló, ẩn núp trong chỗ sâu kín nhất của trái tim họ, mặc dù đôi môi xinh xắn của tuổi 20 thường xuyên nở nụ cười rạng rỡ khi đang yêu. Tôi cũng có cảm tưởng các khuôn mẫu, giá trị cũ về tình yêu quá chật chội với kích thước trái tim của các bạn - những trái tim tuyệt vời, rất táo tợn, sòng phẳng song cũng rất bí hiểm.
Trong tình yêu, thế hệ sau luôn luôn lẳng lặng cúi chào nhưng không thể vâng lời thế hệ trước. Các nhân vật nữ trong Online... ba lô khá giống nhau về tình yêu và tình dục vì họ đang khủng hoảng. Đó là sự khủng hoảng tất yếu xảy ra trên hành trình săn tìm những giá trị đích thực của tình yêu và tình dục. Đó cũng là điều khiến cho tôi và nhân vật Zê trong tiểu thuyết băn khoăn, đau lòng và cũng rất lấy làm hãnh diện, cảm phục. Chúng tôi ủng hộ sự khủng hoảng này.
- Một số người đã đọc tiểu thuyết của ông nhận xét: mặc dù những cảnh sex trong truyện nhiều và rất trần trụi nhưng đọc không có cảm giác dung tục, mà ngược lại, khiến người ta cảm thấy bị nhìn soi mói vào gan ruột. Ông lý giải như thế nào về điều này?
- Có cảm giác đó là vì mỗi người thường cất giấu trong chỗ sâu kín nhất của tâm hồn mình một cái gì về tình dục (thí dụ sự ham muốn, những màu sắc của khoái cảm, những mặc cảm về đạo đức...) mà chính họ cũng hơi hổ thẹn, chưa dám, hoặc chưa quen phơi bầy, chia sẻ với người thứ hai, kể cả bạn tình. Tôi muốn bóc ra những lớp bí mật đó. Một bạn đọc viết thư cho tôi nói cái thời phải né tránh khi viết về tình dục đã không còn. Và cũng đã cáo chung rồi cái thời dễ dàng, tuỳ tiện cho rằng nhà văn viết về tình dục là dâm đãng, bẩn thỉu, suy đồi đạo đức. Nếu nghiên cứu kỹ lịch sử phát triển của triết học và của nghệ thuật thì chắc chắn bạn sẽ đồng tình với ý kiến này.
- Ông tự nhận định đây là cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại. Yếu tố hậu hiện đại thể hiện trong cuốn truyện này như thế nào?
- Văn học hậu hiện đại đang chầm chậm xây dựng gương mặt, mô hình, và độc giả của nó không những trên thế giới mà ở ngay cả trong nước.
- Về kỹ thuật và hình thức cấu trúc, văn phong của Online... ba lô không tuân thủ theo một khuôn mẫu bất biến. Nó chưa định hình. Nó còn đang ở dạng bào thai. Có thể nó sẽ là một đứa trẻ xinh xắn nhưng cũng có thể là quái thai. Về nội dung, Online... ba lô đang cố gắng dò tìm những đại giá trị mới. Có thể những đại giá trị này không có hoặc có mà chưa có tên gọi. Đó là những yếu tố hậu hiện đại.
Khi viết Online... ba lô, tôi luôn quẩn quanh với một câu nói của triết gia F.Nietzsche:“Nếu em muốn hạnh phúc và muốn tâm hồn an nghỉ thì hãy tin. Còn nếu em muốn suốt đời là kẻ theo đuổi chân lý, thì hãy tìm kiếm”.
- Trước khi xuất bản thành sách, Online... ba lô là một tác phẩm văn học mạng. Ông đánh giá thế nào về sức sống của loại văn học này?
- Văn học mạng không phải là văn học... văng mạng, bừa, ẩu, tự nhiên chủ nghĩa như một số người chỉ trích. Sức sống của văn học mạng cũng giống như văn học được phát hành bằng giấy và mực in, tuy nhiên nó cập nhật nhanh hơn, tươi tắn hơn. Nó chưa bị “ướp lạnh” bởi ý kiến của người khác và chưa bị biến dạng do khâu biên tập... hăng hái quá mức. Tôi ủng hộ sự “ướp lạnh”. Nhưng nếu làm quá thì làm tác phẩm sẽ đông cứng lại và hoá thành nước đá không màu, không mùi, không vị.
- Cảm ơn nhà văn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét