Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Hội nhà văn VN đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích ?



NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG: VĂN HỌC VIỆT NAM LẸT ĐẸT NHƯ BÂY GIỜ CŨNG KHÔNG CÓ GÌ LẠ

Là nhà thơ, ông có quan tâm đến Đại hội Hội nhà văn VN vừa diễn ra không?
Việt Phương: Đại hội Hội nhà văn VN nhiệm kỳ này diễn ra trong ba ngày, tôi đến chỉ có hai tiếng rồi về, nhưng cảm nhận của tôi là không vui. Không vui vì nó không mang lại cho tôi niềm tin, ngay cả niềm hy vọng vào tương lai của Hội nhà văn cũng như sự phát triển của văn học, tôi cũng không cảm nhận được. Cái mà tôi cảm thấy, là một tương lai bất định của nền văn học Việt Nam, trong hoàn cảnh cũng không mấy dễ dàng của đất nước.

Điều gì khiến ông bi quan như thế?
Việt Phương: Bi quan vì các thành viên được bầu trong Ban chấp hành Hội nhà văn kỳ này nhiều tuổi quá, và cũng không mới nhiều. Và đó không chỉ là vấn đề của riêng Hội nhà văn mà của cả đất nước này. Chúng ta đang vướng phải câu chuyện 3T: Chữ T đầu tiên là “tâm”, chữ T thứ hai là “tầm”, chữ T thứ ba là “tuổi”.
Trong Ban chấp hành Hội nhà văn khóa trước, người duy nhất dưới 50 tuổi là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (sinh năm 1966), người nhiều tuổi nhất là nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Vn ( sinh năm 1942). Năm nay nhà thơ Hữu Thỉnh đã 73 tuổi. Với việc trúng cử chức Chủ tịch 4 lần liên tiếp, ông Hữu Thỉnh sẽ làm Chủ tịch Hội nhà văn VN cho đến năm 78 tuổi. Tôi thấy thế là già quá, phần nào hạn chế cho sự phát triển của văn học nước nhà.
Như ông Bí thư Nguyễn Sự của Hội An chưa đến tuổi về hưu và hết lòng được dân xứ Hội yêu thương, kính trọng nhưng đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu sớm. Bởi ông nhận thức được nếu “cây tre già” như ông cứ mãi ngồi đó, thì “măng non” sẽ không bao giờ mọc lên được. Tôi thấy ông ấy nghĩ đúng đấy!
Việc Ban chấp hành Hội nhà văn VN chủ yếu là những người cao tuổi cả, khiến tôi buồn lắm. Nếu lớp già cứ ngồi đó, sẽ hạn chế sự phát triển của lớp trẻ - những người ở độ tuổi 30-45 đang ở độ chin, đang giàu sức sáng tạo, đầy tâm huyết, táo bạo và đầy đổi mới. Bao nhiêu trí thức kỳ cựu trên thế giới từng nói rồi: Thế giới này, thời đại này thuộc về thế hệ ấy. Cả thế giới đã nhận ra điều đó bao năm qua. Ở những quốc gia phát triển nhất, nhiệm kỳ Tổng thống của họ cũng chỉ là hai nhiệm kỳ. Bởi họ hiểu, người làm lãnh đạo hai nhiệm kỳ đã cho hết những cái mà anh ta có thể cho rồi.
Tôi cũng buồn vì một nhẽ, nhìn đâu đó trong cơ cấu tổ chức của Hội nhà văn có biểu hiện của những nhóm lợi ích, mà ở đó, họ nâng nhau lên, cùng nhau chia sẻ lợi ích và quyền lực, chứ không phải hoàn toàn vì sự phát triển chung của văn học.
Nền văn học của chúng ta bây giờ lẽ ra phải là một nền văn học đầy sức trẻ, một nền văn học của ngày mai, một nền văn học hướng tới tương lai, thì giờ đây đang cũ kỹ và nhiễu loạn hơn bao giờ hết, khi phần lớn chỉ quan tâm đến chuyện không đâu vào đâu, hơn là hướng tâm hồn mình vào việc sáng tác thi ca.

Ông hình dung như thế nào, nếu như sau Đại hội Hội nhà văn VN khóa 9, một lớp nhà văn mới, trẻ hơn, giàu sức sáng tạo hơn, hiện đại hơn, trở thành lãnh đạo hội nhà văn?
Việt Phương: Nếu được, chắc chắn là hơn hầu hết những người đang lãnh đạo bây giờ. Họ sẽ thật hơn, thẳng thắn hơn, can đảm hơn với những gì đang diễn ra trong xã hội này. Nhưng nhìn vào kết quả cuộc bỏ phiếu là đã thấy chúng ta vẫn không có nhiều cơ hội cho lớp trẻ. Những người già bây giờ đang “dùng” lớp trẻ, nhưng chưa chịu đào tạo và phát huy khả năng của họ. Vì thế văn học Việt Nam lẹt đẹt và khủng hoảng như giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cũng không có gì là lạ!

Trích bài phỏng vấn của NGUYÊN THẢO – An Ninh Thế Giới Giữa Tháng 7-2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: